Nội san

Giải pháp bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Hà Nam

26 Tháng Chín 2016

Phạm Hồ Bắc [*]

 

 

Phát triển du lịch trên cơ sở khai thác các di tích là luôn gắn công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị di tích lịch sử văn hoá với việc khai thác phục vụ du lịch; hay nói cách khác phát triển du lịch vì mục tiêu văn hoá; đồng thời, việc bảo vệ tôn tạo di tích phải hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn các đối tượng đến tham quan nghiên cứu, trong đó có khách du lịch.

1 . Những vấn đề đặt ra trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn với tư cách là tài nguyên du lịch 

Di tích lịch sử văn hoá là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hoá lâu đời của dân tộc, là những chứng tích vật chất phản ánh sâu sắc nhất về đặc trưng văn hoá, về cội nguồn và truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng, vĩ đại của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời là một bộ phận cấu thành kho tàng di sản văn hoá nhân loại.

Với những giá trị như trên, các di tích lịch sử văn hoá là bộ phận đặc biệt trong cơ cấu "tài nguyên du lịch". Các di tích đó, cả về mặt nội dung lẫn hình thức, đều có khả năng tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ.

Luật Du lịch đã khẳng định: Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, di tích cách mạng, giá trị nhân văn, công trình sáng tạo của con người được sử dụng nhằm thoả mãn nhu cầu du lịch: là yếu tố cơ bản để hình thành các điểm du lịch, khu du lịch nhằm tạo ra sự hấp dẫn du lịch.

Với truyền thống văn hiến và lịch sử lâu đời, Hà Nam hiện có 1784 di tích các loại, trong đó có 176 di tích, cụm di tích được xếp hạng (81 di tích cấp Quốc gia, 95 di tích cấp tỉnh). Di tích Hà Nam được phân bố tương đối đều và rộng  khắp các huyện, thành phố trong tỉnh.

Tài nguyên kể trên đang là nhân tố hết sức quan trọng để phát triển du lịch Hà Nam mà không phải địa phương nào cũng có.Tuy nhiên, việc quản lý bảo vệ và khai thác các tài nguyên du lịch là các di tích tại Hà Nam còn nhiều bất cập. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, trên cùng một khu vực, các di tích tài nguyên du lịch khi là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, khi là chính quyền sở tại hoặc các ngành khác quản lý. Mỗi ngành, mỗi cấp lại có quan niệm khác nhau dẫn đến việc đầu tư, bảo vệ, giữ gìn cũng với các cách rất khác nhau.

Thứ hai, trách nhiệm bảo vệ giữ gìn các di tích tài nguyên du lịch không được phân công rõ ràng và thiếu sự phối hợp giữa nhà chức trách với người sử dụng khai thác. Hiện tượng đó dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, vô trách nhiệm hoặc bỏ mặc cho các di tích xuống cấp đó là nguy cơ lớn nhất hiện nay.

Thứ ba, việc đầu tư nâng cấp các di tích với tư cách là một sản phẩm du lịch chưa được triển khai trong một quy chế chặt chẽ và toàn diện, trong đó có tính đến yếu tố du lịch. Còn phổ biến tình trạng giao khoán cải tạo thậm chí để mặc cho những người quản lý, đầu tư tự sáng tạo theo ý mình trong trùng tu, tôn tạo, xây mới bằng các biện pháp chặt cây, phá núi; xây bậc xi măng thay cho vẻ đẹp của đất và đá tự nhiên; thay gạch, bê tông cho các cấu kiện gỗ; dùng sơn công nghiệp thay cho sơn ta trong trang trí kiến trúc... làm mất đi vẻ đẹp ban đầu, mất đi những “phần hồn” của các di tích như trường hợp chùa Bầu, Bà Đanh, đền Trúc... Những lỗ hổng trong cách quản lý đó dẫn đến hậu quả khôn lường, không những không có tác dụng thu hút du khách mà ở một chừng mực nhất định còn làm phư­ơng hại đến hình ảnh của điểm du lịch.

Hơn nữa, thực tế còn tồn tại một mâu thuẫn khá lớn giữa nhu cầu phát triển kinh tế đất nước và yêu cầu của những nguyên tắc, cách thức bảo tồn di tích. Nhận thức của cộng đồng về giá trị của di sản văn hoá chưa thật sâu sắc nên trong nhiều trường hợp cụ thể người ta lại muốn hy sinh văn hoá cho nhu cầu kinh tế. Cũng phải kể tới nguyên nhân do chính sự phát triển du lịch làm ảnh hưởng trực tiếp tới trạng thái bảo quản di tích, di vật. Để phát triển du lịch, các nhà quản lý kinh doanh du lịch đã khai thác một cách bừa bãi giá trị của di tích hoặc phá hỏng không gian cảnh quan di tích để xây dựng các dịch vụ du lịch. Vành đai bảo vệ của các di tích ngày càng bị thu hẹp. Người ta xây dựng tràn lan các cơ sở phục vụ khách tham quan khách du lịch làm thay đổi diện mạo di tích và làm biến mất sự tồn tại của vùng cảnh quan, vốn là một nhân tố tạo sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch. Giá trị của di tích không còn được nhận biết.

Sự phát triển các dịch vụ du lịch thiếu kiểm soát và sự bùng nổ du khách còn có tác động mạnh mẽ đến môi trường văn hoá và môi trường sinh thái tại các khu di tích. Tại nhiều khu di tích, du khách đã viết tên, khắc tên lên các bộ phận di tích một cách bừa bãi. Bụi bặm, khói xăng dầu, rác thải gây ô nhiễm, ảnh hưởng không ít đến di tích.

Một trong những tác động khác của sự phát triển du lịch là sự thất thoát buôn bán trái phép, xuất lậu đồ cổ. Do hám lợi, một số kẻ xấu đã ăn cắp cổ vật tại các di tích và tiến hành thu gom nhiều vật quý trong cộng đồng để móc nối, buôn bán với các du khách nước ngoài.

Rõ ràng hệ thống di tích của Hà Nam đang có chiều hướng suy giảm, chưa được bảo tồn gìn giữ hoặc nếu có cũng chưa đáng kể. Đây là một thách thức lớn mà dưới góc nhìn kinh tế du lịch là điều đáng quan tâm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Thực tế trên đòi hỏi cần có sự kiểm soát chặt chẽ, quy hoạch tổ chức không gian và đầu tư hợp lý, đặc biệt tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức của dân cư nhằm thay đổi việc bảo tồn và phát huy di tích trong đời sống đương đại, gìn giữ môi trường không gian di tích/điểm du lịch theo hướng bảo vệ và phát triển bền vững.

2.  Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá gắn với phát triển du lịch Hà Nam.

Như chúng ta đã biết, bảo tồn, tôn tạo và khai thác phát huy giá trị của di tích luôn đặt ra trong hoạt động quản lý. Nhưng vấn đề ở chỗ là bảo tồn, tôn tạo và khai thác, phát huy giá trị của các di tích như thế nào để đạt được hiệu quả và có tính bền vững (khai thác, phát huy giá trị di tích đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội mà không làm xâm hại đến môi trường di tích). Bảo tồn và tôn vinh giá trị di tích phải được xác định là một công việc quan yếu của ngành du lịch.

Một là, cần định rõ những yếu tố cơ bản tác động có hiệu quả trong việc bảo vệ di tích lịch sử văn hoá, đảm bảo duy trì được tính đặc sắc cho di tích/ tài nguyên du lịch: Các văn bản pháp lý của quốc gia và quốc tế về bảo vệ di sản văn hoá nói chung và di tích lịch sử văn hoá nói riêng; Các thiết chế văn hoá là cơ quan thường trực được giao quyền quản lý tài sản văn hoá; Các phương pháp/cách thức bảo quản, tu sửa, tôn tạo; Các tổ chức quần chúng và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng.

Hai là, mở rộng mối quan hệ quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ và khai thác di sản để tranh thủ sự trợ giúp về vật chất và tinh thần của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để thành lập quỹ hỗ trợ bảo tồn và phát triển di tích, góp phần vào công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích.

Ba là, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình nhằm tuyên truyền, quảng bá các giá trị của di tích lịch sử văn hoá. Đặc biệt, muốn hoạt động khai thác di tích phục vụ phát triển du lịch được đẩy mạnh và đạt hiệu quả, cần phải tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị, tập trung giới thiệu rộng rãi các di tích dưới góc độ tài nguyên du lịch văn hoá cho du khách trong và ngoài nước thông qua ấn phẩm quảng cáo, tập gấp, sách hướng dẫn, mạng Internet, các cuộc hội chợ, triển lãm...

Bốn là, áp dụng những thành tựu khoa học và kỹ thuật mới nhất vào lĩnh vực bảo tồn và phát huy di tích là: thành tựu tin học phục vụ cho việc xây dựng và quản lý hệ thống dữ liệu về di tích và bảo tàng, ứng dụng hoá chất vào việc bảo quản di tích, sử dụng vật liệu hiện đại cho việc tu bổ di tích.

Năm là, bổ sung vào di tích những yếu tố cần thiết nhằm phát huy tác dụng di tích một cách cao nhất như làm đường tham quan, xây dựng tượng đài, các tác phẩm nghệ thuật, tạo công viên xanh, xây dựng nhà trưng bày v.v.

Sáu là, đẩy mạnh công tác quản lý giám sát, nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện đang khai thác phục vụ khách tham quan tại các điểm di tích như: dịch vụ bán đồ lưu niệm, bán hàng giải khát, dịch vụ bán vé tham quan, thuyết minh tại chỗ… nhằm giảm thiểu mọi phiền hà không đáng có cho khách du lịch, đảm bảo chất lượng hàng hoá, dịch vụ trong sự quản lý của ngành du lịch; Tạo điều kiện cho cán bộ quản lý ngành du lịch và văn hoá được học tập kinh nghiệm quản lý và khai thác tài nguyên tại các nước, các vùng trong khu vực và trên thế giới phục vụ cho phát triển du lịch, bảo tồn di sản văn hoá.

Bảy là, hình thành chiến lược sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của Hà Nam; chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hoá. Nghiên cứu kỹ thị trường du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với từng loại thị trường để khai thác tài nguyên du lịch của Hà Nam nói chung và các di tích lịch sử văn hoá nói riêng hiệu quả hơn.

Tám là, nâng cao chất lượng hoạt động thuyết minh hướng dẫn tại các điểm tham quan di tích bằng cách tăng cường đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và các thuyết minh viên tại các địa danh để đạt yêu cầu cao về trình độ, ngoại ngữ, cách giao tiếp ứng xử với khách. Tổ chức lại việc đón tiếp khách, giới thiệu, trưng bày và tổ chức các sự kiện cho đỡ tạo cảm giác tẻ nhạt, nhàm chán.

Phải khẳng định rằng, các di sản văn hoá vật chất chỉ có thể được bảo vệ và khai thác hợp lý nếu có sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp và nhân dân. Mỗi người, mỗi tổ chức đều có trách nhiệm trong vấn đề này. Ngành du lịch có nhiệm vụ thu hút, đưa khách đến với di tích; khách có muốn quay lại thăm hay giới thiệu với bạn bè của họ không lại phụ thuộc vào chính những cơ quan/ tổ chức quản lý, sử dụng tài nguyên và nhân dân sở tại, nơi có tài nguyên đó.

 

 

                                  Tài liệu tham khảo

1. Công ty cổ phần thông tin kinh tế đối ngoại (2005), Hà Nam thế và lực mới trong thế kỷ XXI, Nxb Chính trị quốc gia.

2. Từ Mạnh Lương (2003), Một số chính sách và giải pháp kinh tế - xã hội chủ yếu nhằm bảo tồn, tôn tạo và nâng cao hiệu quả khai thác di tích lịch sử - vắn hoá của dân tộc giai đoạn phát triển mới của đất nước, Viện kinh tế, Hà Nội

3. Lê Hồng Lý (Ch.b) Dương Văn Sáu, Đặng Hoài Thu (2010), Giáo trình quản lý di sản văn hoá với phát trin du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

4. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2001) Luật Di sản văn hóa, Nxb Chính trị quốc gia (2010), Hà Nội.

5. Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2005), Luật Du lịch, Nxb Chính trị Quốc Gia (2009), Hà Nội

6. Tỉnh Uỷ - HĐND - UBND tỉnh Hà Nam (2015), Văn hiến Hà Nam truyền thống và hiện đại, Nxb Dân trí.

____________________________

[*] Lớp Cao học k2– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa