Nội san

Nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động của bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

27 Tháng Chín 2016

                                                     Nguyễn Thùy Trang [*]

 

Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (BTPNVN) được thành lập năm 1987, trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN). Là một bảo tàng “Giới” với chức năng nghiên cứu, lưu giữ, bảo quản, trưng bày những di sản vật thể, phi vật thể về lịch sử, văn hóa của phụ nữ Việt Nam, Hội LHPNVN đồng thời là trung tâm giao lưu văn hóa của phụ nữ Việt Nam và phụ nữ quốc tế vì mục tiêu Bình đẳng, Phát triển và Hoà Bình.

 Trong những năm qua, BTPNVN đã có những đóng góp thiết thực trong công tác giáo dục những giá trị văn hóa của dân tộc, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị - xã hội, nâng cao trình độ nhận thức đối với công chúng, nhân dân và các bạn bè quốc tế về các giai đoạn lịch sử của phụ nữ Việt Nam. Trên 1000 tư liệu, hiện vật, hình ảnh hàm chứa nhiều giá trị được trưng bày với 3 chủ đề: Phụ nữ trong Gia đình; Phụ nữ trong Lịch sử và Thời trang nữ có hình thức trưng bày đặc sắc, hấp dẫn, hiện đại đã phản ánh chân thực lịch sử, văn hóa của phụ nữ trong quá trình hình thành và phát triển.

Trong hệ thống bảo tàng ở nước ta, BTPNVN là một bảo tàng tiêu biểu và hoạt động có hiệu quả. BTPNVN là điểm đến văn hóa du lịch hấp dẫn và được website du lịch lớn nhất thế giới - TripAdvisor bình chọn là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất Hà Nội và là một trong Top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á. Bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề quản lý hoạt động của BTPNVN vẫn còn một số hạn chế nhất định như về cơ cấu tổ chức, quản lý, vấn đề quản lý hoạt động chuyên môn, quản lý cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động…

Nghiên cứu, tìm hiểu quản lý hoạt động của BTPNVN với mong muốn góp một cái nhìn khách quan, khoa học, góp phần xây dựng BTPNVN trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước là điều cần thiết và có ý nghĩa thiết thực. Để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động của BTPNVN cần thực hiện các nhóm giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, xây dựng các văn bản quản lý

Tiếp tục hoàn thiện và ban hành các văn bản pháp quy

Bảo tàng là một hệ thống xã hội mở, luôn luôn phát triển không ngừng trong mối quan hệ tương hỗ với môi trường xã hội. Vì thế, một bảo tàng muốn thực hiện mục đích của mình thì việc xử lý đúng đắn các mối quan hệ bên trong và bên ngoài là rất cần thiết. Điều này yêu cầu các thành viên của bảo tàng phải tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong việc xử lý những quan hệ này. Những nguyên tắc này đã hình thành các quy định rõ ràng, đó chính là các văn bản pháp quy.

Xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp quy của bảo tàng có một ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu của bảo tàng và đảm bảo cho việc hoàn thành các nhiệm vụ công tác của bảo tàng. Nó có thể điều hòa hành vi của mọi người, làm cho toàn thể cán bộ công nhân viên của bảo tàng trong công tác có quy chuẩn để mà theo.

 Xây dựng chiến lược phát triển

            Ban giám đốc BTPNVN cần phải xây dựng kế hoạch cho tương lai hoạt động của bảo tàng ,bao gồm cả công tác xem xét và duyệt cả một kế hoạch tổng thể (hoặc kế hoạch chiến lược…) mà trong đó có nội dung được xác định rõ các mục tiêu mà bảo tàng cần phải hướng tới. Trong quá trình quản lý hoạch định bảo tàng, Ban lãnh đạo BTPNVN cần phải tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Thường trực Trung ương Hội LHPNVN trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Chỉ đạo các phòng, cán bộ xây dựng kế hoạch công tác năm, quý, tháng và thực hiện theo kế hoạch. Có khối lượng, chất lượng đánh giá, thời gian hoàn thành cho từng nhiệm vụ.

 Tăng cường công tác thanh - kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện

  Nội dung của công tác kiểm tra trong BTPNVN cần phải được thực hiện ở tất cả các bộ phận như: Kiểm tra tài chính thu chi; Kiểm tra công tác sưu tầm, kiểm kê - bảo quản và quản lý hiện vật;  Kiểm tra công tác trưng bày - giáo dục ; Thường xuyên kiểm tra cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật trong bảo tàng để tránh tình trạng cơ sở vật chất bị xuống cấp; Kiểm tra xem xét tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ bảo tàng; Thực hiện tổng kết kiểm tra. Đây là bước cuối cùng trong công tác kiểm tra. Việc tổng kết công tác kiểm tra có thể trình bày dưới dạng văn bản (bản viết) trên cơ sở đó rút ra những kết luận về ưu, khuyết điểm và đưa ra phương hướng mới, biện pháp khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý toàn diện trong BTPNVN.

Thứ hai, tổ chức thực hiện các hoạt động nghiệp vụ bảo tàng

         Tăng cường công tác nghiên cứu, sưu tầm tài liệu hiện vật

            Bảo tàng muốn phát triển, chất lượng bảo tàng muốn nâng cao đều phải tiến hành nghiên cứu khoa học. Bảo tàng vừa là cơ quan nghiên cứu sưu tầm, lưu giữ các di sàn văn hóa vừa là cơ quan nghiên cứu khoa học và giáo dục cộng đồng xã hội, bảo tàng không chỉ bảo tồn, gìn giữ những DSVH của quốc gia mà còn thông qua các hoạt động trưng bày, triển lãm để truyền bá tri thức khoa học cho công chúng, xã hội và phục vụ xã hội. Vì vậy, BTPNVN muốn phát triển và khẳng định vị thế của mình cần phải tăng cường công tác nghiên cứu khoa học với các nhiệm vụ sau đây:

Một là, tiếp tục tiến hành nghiên cứu lý luận bảo tàng học hiện đại, nghiên cứu khoa học ở khâu công tác nghiệp vụ, nghiên cứu tài liệu, hiện vật, sưu tập và nghiên cứu các môn khoa học khác có liên quan đến nội dung phản ánh của bảo tàng mình.

Hai là, nghiên cứu, triển khai các đề tài sát với hoạt động của Hội LHPNVN và cuộc sống đương đại, đẩy mạnh công tác sưu tầm hiện vật về các hoạt động của Hội LHPNVN và phụ nữ Việt Nam học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

            Ba là,  BTPNVN cần phải duy trì và thường xuyên tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học thực hiện việc nghiên cứu các đề tài khoa học cấp Trung ương, cấp ngành, cấp bộ... nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động nghiệp vụ của BTPNVN trong tình hình mới.

Trong quá trình sưu tầm, cán bộ BTPNVN phải nghiên cứu sâu hơn nữa về truyền thống lịch sử văn hóa của phụ nữ Việt Nam, những vấn đề về phụ nữ Việt Nam đương đại,… vì nghiên cứu và sưu tầm có mối quan hệ chặt chẽ và không tách rời nhau. Có nghiên cứu mới hiểu được giá trị và ý nghĩa của hiện vật gốc cần sưu tầm thu thập.  Để đạt được thành công, công tác sưu tầm của BTPNVN phải được tiếp tục thực hiện có kế hoạch, đề cương sưu tầm phải mang tính khoa học và các kế hoạch sưu tầm này có thể xây dựng ngắn hạn hoặc dài hạn, phải được thông qua Ban giám đốc BTPNVN phê duyệt và đầu tư kinh phí, phương tiện sưu tầm, cho phép triển khai thực hiện sưu tầm.

Nâng cao chất lượng công tác quản lý hiện vật

            Trước hết, đội ngũ cán bộ kiểm kê - bảo quản phải luôn luôn tự nhận thức về tinh thần trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp trong công tác của mình, thực hiện nghiêm túc chế độ quản lý hiện vật và sưu tập trong bảo tàng. BTPNVN cần tiếp tục xây dựng kế hoạch, chính sách sưu tầm và đối tượng hiện vật sưu tầm phù hợp với nội dung, tính chất và nhiệm vụ của bảo tàng mình để phục vụ các nhu cầu của công chúng trong và ngoài nước thông qua các hoạt động nghiên cứu, trưng bày - triển lãm, giáo dục và truyền thông…

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông và đa dạng hóa các hình thức giáo dục cho công chúng

            BTPNVN cần xây dựng những chương trình hoạt động có sự tham gia của công chúng qua đó giới thiệu rộng rãi tới công chúng về hoạt động của mình. Tăng cường hơn nữa việc tham gia các công trình khoa học, xây dựng những đĩa phim tư liệu ngắn, nâng cao tính thẩm mỹ và nội dung hoàn thiện tờ rơi, tờ gấp, giới thiệu về BTPNVN. Thực hiện maketing tiếp thị bảo tàng tới công chúng, đồng thời tăng cường hơn nữa thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo công cụ hữu hiệu nhằm thu hút công chúng trong và ngoài nước đến tham quan.

BTPNVN cần đẩy mạnh việc tiếp tục tiếp cận với các trường học để xây dựng kế hoạch hoạt động theo từng tháng, từng quý, từng năm: nhằm duy trì việc đưa học sinh - sinh viên đến tham quan học tập tại bảo tàng; đưa triển lãm, trưng bày của BTPNVN đến với học sinh, sinh viên các trường học ở Hà Nội trong khu vực và ở một số địa phương khác. Để đạt được hiệu quả, BTPNVN cần có kế hoạch cụ thể hơn nữa về thời gian, về hiện vật, cơ sở vật chất, cán bộ để hoạt động này đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Tăng cường hợp tác đối ngoại và phát triển dự án

            BTPNVN cần tăng cường khai thác hơn nữa công tác đối ngoại để một mặt trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, mặt khác nâng cao vị thế của bảo tàng ở cả trong nước và quốc tế. Mối quan hệ đối ngoại của BTPNVN với nhiều tổ chức quốc tế trong thời gian qua đã được các thế hệ tiền bối gây dựng và phát triển khá bền chắc. BTPNVN cần tiếp tục duy trì là đầu mối kết nối với các đại sứ quán, các tổ chức phi chính phủ để tổ chức các triển lãm, sự kiện tại Bảo tàng.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ, quản lý nguồn nhân lực

Tăng cường quản lý nguồn nhân lực - Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý

Bảo tàng là nơi hội tụ tri thức của nhiều ngành khoa học và chuyên môn khác nhau. Vì thế, yêu cầu đối với cán bộ chuyên môn không những phải có tố chất mà còn phải có tri thức về bảo tàng học, phải nắm vững việc sử dụng kỹ thuật liên quan đến mạng thông tin, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ, hơn nữa phải có năng lực nghiên cứu khoa học và kỹ năng làm việc nghiệp vụ.

Với chức năng, nhiệm vụ của BTPNVN, hiện nay yêu cầu mỗi cán bộ quản lý trong bảo tàng phải luôn luôn phấn đấu cố gắng trở thành chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn của mình, phải năng động, sáng tạo, không ngững học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận, phương pháp quản lý, các lãnh đạo phải là những người đi đầu gương mẫu trong việc học tập nâng cao nhận thức chính trị, ngoại ngữ, khoa học công nghệ và rèn luyện năng lực tổ chức lãnh đạo.

Bồi dưỡng và học tập là biện pháp nâng cao tố chất cho cán bộ của bảo tàng. Đối với những cán bộ chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ bảo tàng, BTPNVN cần đạo điều kiện cho cán bộ theo học các khóa học đào tạo đại học tại chức chuyên ngành bảo tàng, hoặc các lớp bồi dưỡng 3 tháng hoặc 9 tháng theo các chương trình của Khoa Di sản văn hóa - Trường Đại học Văn hoá Hà Nội.

Tăng cường hoạt động xây dựng đội ngũ tình nguyện viên

Hiện nay, BTPNVN nên xây dựng đội ngũ tình nguyện viên. Đây là công việc vô cùng cần thiết và có tính khả thi. Một số bảo tàng ở Trung Quốc đã tổ chức đội ngũ tình nguyện viên rất tốt, bảo tàng ở Bắc Kinh đã có những học sinh làm công tác tình nguyện thuyết minh. Bảo tàng các nước Âu Mỹ từ lâu đã xây dựng tổ chức tình nguyện viên. Tình nguyện viên bảo tàng đã trở thành nếp, được sự ủng hộ của đông đảo công chúng xã hội, họ là các nhà khoa học, những người đã nghỉ hưu, học sinh, sinh viên. Những tình nguyện viên chủ yếu làm công việc phục vụ như thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan, lập hồ sơ tài liệu hiện vật, tham gia vào tổ chức các hoạt động của bảo tàng…

 Tiếp tục  đầu tư ngân sách và trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cho bảo tàng

Trên thực tế, BTPNVN trong thời gian dài hoạt động cơ bản dựa vào nguồn kinh phí chủ yếu do ngân sách Nhà nước cấp, nguồn kinh phí thu từ hoạt động dịch vụ và nguồn kinh phí xã hội hoá bảo tàng. Tất cả các hoạt động của Bảo tàng có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào kinh phí để hoạt động. Thiếu kinh phí thì nhiều hoạt động sẽ bị chậm lại, chưa nói là ngừng trệ. Vì vậy, trong thời gian tới lãnh đạo BTPNVN một mặt cần tiếp tục thực hiện tốt việc thu chi tài chính do nhà nước cấp, mặt khác tiếp tục vận động công chúng, các tổ chức, các công ty, các nhà hảo tâm...đóng góp kinh phí, vật chất cho bảo tàng. Đây là nguồn xã hội hóa rất quan trọng góp phần cho BTPNVN hoạt động ngày một tốt hơn, đồng thời tăng cường các hoạt động dịch vụ có ích phục vụ cho khách tham quan du lịch để góp phần tăng nguồn thu cho bảo tàng hoạt động.

  Hiện nay, đứng trước những thuận lợi cũng như thách thức, những yêu cầu của tình hình mới, công tác quản lý nâng cao hiệu quả các hoạt động của BTPNVN cũng từng bước đang được đổi mới, hoàn thiện hơn. Nghiên cứu tìm hiểu thực trạng quản lý hoạt động của BTPNVN, phân tích thực trạng quản lý hoạt động của BTPNVN để đề xuất các nhóm giải pháp chủ yếu, nhằm nâng cao chất lượng quản lý hoạt động của BTPNVN. Bằng những thông tin và những kiến giải cụ thể, hy vọng, các nhóm giải pháp vừa nêu được áp dụng sẽ góp phần nâng cao chất lượng quản lý hoạt động BTPNVN trong thơi gian tới.

 

                                      TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (2004), Bảo tàng góp phần hoàn thiện nhân cách con người, Nxb Lao động, Hà Nội.

2.      Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch (2010), Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng.

3.      Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2009), Luật di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4.      Nguyễn Thịnh (2004), Quản lý Bảo tàng, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, Hà Nội.

5.       Thủ tướng chính phủ (2005), Quyết định số 156/2005/QĐ-Ttg, ngày 23/6/2005 phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến 2020.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2– Chuyên ngành Quản lí Văn hóa