Nội san

Ứng dụng các bước dạy học cơ bản theo mô hình VNEN trong việc xây dựng kịch bản lên lớp môn Mỹ thuật cho sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam

18 Tháng Giêng 2018

Phạm Xuân Duy [*]

 

Mô hình trường học mới Vnen là một phương pháp sư phạm mang tính chuyển đổi nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Mô hình trường học mới vừa kế thừa những mặt tích cực của mô hình đào tạo truyền thống, vừa có sự đổi mới căn bản về mục tiêu đào tạo, nội dung chương trình, tài liệu học tập, phương pháp dạy học, cách đánh giá, cách tổ chức lớp học. Mô hình trường học mới này sau khi được áp dụng bước đầu đã đem lại những hiệu quả nhất định.

       Trong năm học 2015-2016, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam tổ chức chuyển đổi sang hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ. So với mô hình đào tạo VNEN, tuy không giống nhau về hình thức tổ chức dạy học nhưng hoàn toàn giống nhau về phương pháp cũng như cách thức tiếp cận vấn đề dạy học mới. Đó là việc chuyển đổi từ hình thức dạy học một chiều sang hình thức dạy học tương tác. Thực chất phương pháp dạy học theo học chế tín chỉ hay mô hình VNEN đều đòi hỏi người dạy phải phát huy tính tích cực của người học.

       Với những đánh giá đó tác giả mạnh dạn ứng dụng những bước cơ bản của mô hình đào tạo này trong việc xây dựng kịch bản lên lớp với mục đích nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Đồng thời thông qua các tiết dạy nhằm trao đổi với sinh viên những tiến trình dạy học cơ bản mà chúng tôi đã có điều kiện tìm hiểu thực tế của mô hình này giúp các em ý thức hơn trong quá trình học tập, rèn luyện.

       1. Các yếu tố cần đảm bảo trong việc ứng dạy học theo mô hình VNEN cho môn Mĩ thuật

Dạy học VNEN là dạy học theo nhóm. Do đó để xây dựng kịch bản khi lên lớp cần phải đảm bảo các yếu tố:

Xác định rõ tiêu chí thành lập nhóm

Đối với nhóm thực hành, mỗi nội dung bài sẽ có những khối lượng kiến thức khác nhau. Giáo viên sẽ căn cứ vào nội dung từng bài cụ thể để có thể phân nhóm học tập để làm sao tất cả các sinh viên đều phải hoạt động. Ví dụ đối với nhóm bài trang trí trường mầm non thì sẽ phân nhóm theo cặp hoặc 3 sinh viên bởi nội dung các bài thực hành của dạng bài này thường phải làm trên giấy theo dạng mô tả nên nếu phân nhóm nhiều sinh viên thì sẽ có người làm và người không làm. Còn đối với dạng bài kỹ thuật làm đồ chơi đòi hỏi nhiều thời gian nên sẽ phân nhóm đông hơn, tùy từng số lượng sinh viên mà giáo viên có thể chia cặp.

Xác định phương pháp dạy học chủ yếu

Dạy học nhóm cần phải kết hợp với các phương pháp hay kỹ thuật dạy học khác mới có thể phát huy tính hiệu quả. Tùy theo nội dung mà giáo viên có thể sử dụng các phương pháp sao cho phù hợp. Ví dụ sử dụng các phương pháp nêu vấn đề, giải quyết vấn đề hay kỹ thuật khăn phủ bàn… để làm rõ phần lý thuyết. Sử dụng dạy học hợp tác trong phần thực hành.

Chuẩn bị dụng cụ, thiết bị

Cần nêu rõ những nội dung cần chuẩn bị sao cho phù hợp để có thể tạo điều kiện cho mỗi nhóm sinh viên hoạt động

Hoạt động của giáo viên và sinh viên

Đây là hoạt động trọng tâm, cần thiết kế hoạt động nhóm một cách cụ thể. Ví dụ: hoạt động của giáo viên là giao nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm, cần chuẩn bị những gì, nguyên vật liệu gì có thể thực hiện, thời gian thực hiện bao lâu, cách chia nhóm, phân công nhóm trưởng, thư ký và nhiệm vụ của mỗi nhóm…

Có thể thiết kế phiếu giao nhiệm vụ học tập trong phần lý thuyết. Ví dụ như: Để trang trí lớp học mầm non theo chủ đề cần đảm bảo các yếu tố gì, có thể trình bày quy trình thực hiện trang trí lớp theo chủ đề như thế nào?

Thiết kế nhiệm vụ củng cố, đánh giá

Dự kiến tổ chức đánh giá, tổ chức đánh giá kết quả hoạt động của nhóm thông qua việc đại diện các nhóm trình bày kết quả.

       2. Các bước dạy học cơ bản trong mô hình VNEN

      Trong mô hình dạy học VNEN thì cấu trúc tiết dạy được chia thành các hoạt động chính bao gồm: Hoạt động cơ bản - Hoạt động thực hành - Hoạt động trải nghiệm.

       Quy trình dạy học trong VNEN được thực hiện theo 5 bước cơ bản bao gồm:

       HĐ1: Tạo hứng thú; HĐ2: Trải nghiệm; HĐ3: Phân tích, rút ra vấn đề; HĐ4: Thực hành; HĐ5: Ứng dụng

       3. Ứng dụng các bước dạy học VNEN trong việc xây dựng kịch bản lên lớp

     Đối với việc ứng dụng này, chúng tôi chỉ xây dựng bằng cách tìm hiểu những vấn đề mang tính chắt lọc trong các bước dạy học của mô hình VNEN sao cho phù hợp với đối tượng, nội dung bài học chứ hoàn toàn không áp dụng nguyên mẫu hình thức tổ chức dạy học theo mô hình này. Việc tiến hành xây dựng các hoạt động lên lớp sẽ được dựa trên nguyên tắc: Làm việc cá nhân Nhóm Chia sẻ Đánh giá. Cụ thể như sau:

Hoạt động 1: Khởi động tạo hứng thú

       Hoạt động này kích thích trí tò mò, sử dụng những câu hỏi gợi mở, những hình ảnh trực quan và nêu vấn đề. Trong mô hình đào tạo VNEN, hoạt động này thường được giáo viên làm theo nhóm, ở đây do đặc thù của bộ môn cũng như về phương pháp giảng dạy giáo viên có thể tạo hoạt động sao cho phù hợp. Đối với phần này chúng tôi sẽ xây dựng dưới hình thức sử dụng phương pháp tổ chức trò chơi và sẽ tổ chức vào đầu phần mở đầu bài học vì đây là phần có tính chất khởi động tư duy, tạo tâm thế sẵn sàng học tập cho người học (vì người học thường vào lớp học với nhiều tâm thế khác nhau mà đa phần là chưa sẵn sàng cho việc tiếp nhận ngay kiến thức của giáo viên trong nội dung dạy học).

       Bắt đầu một hoạt động vui có liên quan đến chủ đề học tập của giờ học hoặc kể một câu chuyện dẫn dắt người học vào nội dung theo kiểu nêu vấn đề. Hay đưa người học một tình huống nhỏ có liên quan đến chủ đề bài học. Cũng có thể là khởi động tư duy bằng việc trình bày cấu trúc bài giảng mà mình dự kiến cho sinh viên phản biện hoặc thông qua các câu test hay một hình chiếu kích thích tư duy.

       * Cách thức tiến hành hoạt động

Giáo viên xây dựng tình huống để sinh viên nêu những đánh giá hiểu biết của mình về những nội dung đã tự nghiên cứu tìm hiểu được. Sử dụng hình thức nhóm, đưa ý kiến cá nhân, chia sẻ ý kiến cá nhân để các nhóm nhận xét và thống nhất ý kiến. Việc sử dụng hình thức này cũng là bước để cá nhân hay nhóm tự đánh giá về những sự chuẩn bị của mình cho bài học.

Ví dụ:

Tổ chức trò chơi “Giải ô chữ” trong bài giảng trang trí cơ bản

Gv giới thiệu hình thức khởi động vào đầu giờ học

* Bằng các câu hỏi gợi ý yêu cầu sinh viên giải ô chữ

- Các lĩnh vực thiết kế thời trang, thiết kế sân khấu, thiết kế nội thất… thuộc thể loại tạo hình nào?

- Nét tiêu biểu của nghệ thuật Điêu khắc dân gian Việt Nam?

- Sử dụng quy luật màu sắc nào khi 2 họa tiết đứng cạnh nhau (có hình minh họa)

*Gv hướng dẫn sinh viên giải ô chữ và khái quát các thuật ngữ được mở

*Sinh viên giải ô chữ từ khóa khi các nội dung gợi ý của 3 câu hỏi trên đã được mở.

*Thời gian thực hiện trò chơi là 5 phút.

Như vậy thông qua việc giải ô chữ, sinh viên không những kiểm tra được những kiến thức đã học mà còn là một hình thức khởi động tư duy hiệu quả để sẵn sàng vào bài học mới.

Hoạt động 2: Tổ chức trải nghiệm, phân tích khám phá

Hoạt động này là hoạt động nhằm huy động vốn hiểu biết, kinh nghiệm của sinh viên để chuẩn bị cho bài học mới đồng thời thông qua những tình huống, bài tập có vấn đề để giúp sinh viên rút ra được những kiến thức, khái niệm hay các quy tắc lý thuyết cần đạt.

Để tổ chức trải nghiệm có hiệu quả thì giáo viên cần xây dựng hình thức tổ chức theo nhóm và cần phải dựa vào các yếu tố cơ bản bao gồm:

       Kết quả học tập của nhóm cần phải có sự phụ thuộc vào các thành viên trong nhóm. Khi xây dựng nội dung dạy học giáo viên cần chú ý đến đến từng thành viên trong nhóm trong đó mỗi cá nhân cần phải thể hiện được vai trò của mình và tích cực làm việc. Tránh tình trạng trong nhóm chỉ nhóm trưởng và số ít thành viên làm mà các thành viên khác không thực hiện.

       Cần phát huy tính tương tác trong hoạt động nhóm. Các thành viên trong nhóm cần hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các ý kiến cá nhân để có sự thống nhất chung của nhóm.

       Tương tác giữa các nhóm. Các nhóm có sự trao đổi kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ, đánh giá và nhận xét lẫn nhau trong quá trình làm việc.

       * Cách thức tiến hành hoạt động

Trong hoạt động này chúng tôi sẽ xây dựng theo các hình thức dạy học như thảo luận cặp đôi, thảo luận nhóm để có sự tương tác với các cá nhân. Thay vì giảng giải nội dung kiến thức N1, N2, chúng tôi sẽ xây dựng các bài tập, các câu hỏi có vấn đề nhằm giúp sinh viên tự trải nghiệm, kết hợp với những kiến thức tự chuẩn bị các nhóm sẽ phải tự trình bày phương thức thực hiện cũng như những phát hiện mới về nội dung bài học, các nhóm sẽ trao đổi kết quả nội dung thảo luận và tự nhận xét. Hoạt động này phải có sự giám sát chặt chẽ của giáo viên để các cá nhân trong nhóm tích cực tham gia, đưa ra những câu hỏi yêu cầu bất cứ cá nhân trong nhóm trả lời.

 Kết thúc hoạt động, giáo viên sẽ cùng sinh viên tổ chức đánh giá, phân tích nhằm rút ra những bài học và giáo viên sẽ kết luận lại vấn đề.

Hoạt động 3: Thực hành củng cố

            Hoạt động thực hành không chỉ diễn ra ở các giờ thực hành mà hoạt động này có thể diễn ra ở giờ lý thuyết nhằm giúp các em ghi nhớ. Đồng thời qua đó cũng có thể phát hiện, nảy sinh những vấn đề mà sinh viên chưa rõ thông qua các bài tập cơ bản được giáo viên xây dựng. Ở hoạt động này chúng tôi sẽ xây dựng trên 2 loại giờ đó là loại giờ lý thuyết và loại giờ thực hành.

  1. Cách thức tiến hành hoạt động giờ lý thuyết

Đối với hoạt động thực hành trong giờ lý thuyết, giáo viên sẽ xây dựng những bài tập cơ bản, bài tập thực hành nhanh hay đơn giản chỉ là những bài tập thực hiện nhanh các kĩ năng thao tác...  Hoạt động này sẽ được xây dựng theo hình thức cá nhân để giúp các em tự đánh giá được kết quả của mình.

  1. Cách thức tiến hành hoạt động trong giờ thực hành

      Đối với nhóm bài thực hành, trong các giờ dạy cũng sẽ áp dụng theo các bước dạy học trong mô hình VNEN. Bởi khi thực hành theo nhóm, sản phẩm của sinh viên sẽ có sự đầu tư hơn về các yếu tố tạo hình.

    Ngoài những bài tập nằm trong nội dung chương trình chúng tôi sẽ xây dựng thêm những bài tập theo hình thức làm việc nhóm hoặc theo cặp đôi để các em được hỗ trợ nhau trong quá trình thực hiện. Sau khi thực hiện xong các nhóm có thể trao đổi, chia sẻ kết quả làm việc để góp ý nhận xét qua đó tạo nên được không khí học tập sôi nổi.  

    Hoạt động 4: Ứng dụng

            Một trong những đặc điểm nổi bật trong mô hình đạo tạo VNEN là hoạt động ứng dụng. Đây không chỉ là hoạt động củng cố, khắc sâu kiến thức, nội dung bài học mà còn là phương pháp giúp các em vận dụng được những gì mà các em học được trong đời sống hàng ngày. Qua đó việc áp dụng hoạt động này trong việc xây dựng kịch bản lên lớp sẽ là một yếu tố quan trọng để các em có thể ghi nhớ hơn những nội dung kiến thức đã được học.

            *Cách thức tiến hành hoạt động

Sinh viên thực hành, vận dụng từng phần, từng đơn vị kiến thức cơ bản của nội dung bài học, đặc biệt ứng dụng kiến thức trong lĩnh vực thực hành kĩ năng nghề nghiệp. Giáo viên gợi mở những vấn đề cụ thể để sinh viên có thể liên hệ trong thực tiễn. Mỗi sinh viên đều phải tự liên hệ về một vấn đề trong thực tế.

Ví dụ: Nguyên tắc sắp xếp trong loại hình trang trí ứng dụng được sử dụng như thế nào trong việc làm đồ dùng dạy học ở Mầm non và việc thiết kế các hoạt động góc.

Với việc ứng dụng các bước dạy học cơ bản trong mô hình VNEN trong dạy học môn Mĩ thuật cho sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nam, chúng tôi hy vọng sẽ là một trong những giải pháp hữu ích, đem lại không khí học tập luôn sôi nổi và đặc biệt là phát huy được tính tự học của mỗi cá nhân.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự án Việt - Bỉ (2010), Dạy và học tích cực - Một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, Nxb Đại học Sư phạm
  2. Lê Xuân Hải (2013), Đào tạo theo học chế tín chỉ, biên mục trên xuất bản phẩm của Thư viện Quốc gia Việt Nam.
  3. Trần Bá Hoành (2014), Đổi mới phương pháp dạy học chương trình và sách giáo khoa, Nxb Đại học Sư phạm
  4. Mĩ thuật và phương pháp dạy học Mĩ thuật ở Tiểu học (2006), Tài liệu đào tạo giáo viên, Nxb Giáo dục
  5. Phan Trọng Ngọ (2005), Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường, Nxb Đại học Sư phạm.

________________________

            [*] Lớp Cao học k1 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật