Nội san

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương

03 Tháng Mười Hai 2018

Vũ Văn Hưng [*]

            Ninh Giang là một huyện có bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước. Với những yếu tố về tự nhiên, lịch sử xã hội trên, trải qua suốt chiều dài của lịch sử dân tộc đã để lại trên vùng đất Ninh Giang một kho tàng hệ thống di tích lịch sử văn hóa đa dạng, độc đáo và rất có giá trị.

            Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Ninh Giang có tới 335 di tích, trong đó có 28 di tích được Nhà nước xếp hạng (18 di tích cấp tỉnh; 10 di tích cấp quốc gia). Các di tích này hàm chứa những giá trị về lịch sử, văn hóa và thẩm mỹ, là những chứng tích vật chất xác thực, phản ánh sinh động lịch sử lâu đời và truyền thống văn hiến, cách mạng của người dân Ninh Giang. Nhiều di tích lịch sử tiêu biểu như: Đình Mai Xá - xã Hiệp Lực, đình Phù Cựu - xã Văn Giang, đền thờ Khúc Thừa Dụ - xã Kiến Quốc, chùa Trông - xã Hưng Long, đền Tranh - xã Đồng Tâm, Khu tượng đài Bác Hồ - xã Hiệp Lực... Các di tích không chỉ có phong cách của kiến trúc truyền thống, bề dày lịch sử hay cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn mang trong mình cả một hệ thống di vật, cổ vật, quý hiếm.

            Để bảo tồn các di tích, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, công tác tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm, thực hiện theo đúng trình tự và quy định của nhà nước. Hàng năm, Nhà nước dành một khoản kinh phí cho việc chống xuống cấp di tích, trong đó tập trung vào các di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Đó là nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp cho việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hoá. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, công tác xã hội hóa trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích được huyện chú trọng đẩy mạnh, thu hút được số lượng lớn sự đóng góp về tài sản và ngày công lao động của nhân dân. Đây là nguồn kinh phí nhiều tiềm năng, quan trọng trong hoạt động trùng tu, tôn tạo di tích. Phát huy tốt nguồn lực này, sẽ có nguồn kinh phí lớn cho việc trùng tu, tôn tạo di tích. Từ năm 2001 cho đến nay đã có 19 di tích được tu bổ, tôn tạo. Nguồn kinh phí thực hiện các dự án tôn tạo, tu bổ di tích  được huy động từ hai nguồn chính là từ ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hoá... Ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều thành lập Ban Quản lý di tích do lãnh đạo UBND xã, thị trấn làm trưởng ban cùng các ngành, đoàn thể liên quan làm thành viên. Ngoài ra, ở các di tích đều thành lập Tiểu ban Quản lý di tích gồm 5 đến 7 thành viên làm nhiệm vụ trông coi, đèn nhang. Cùng với trách nhiệm của các ban quản lý di tích, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tham gia công tác bảo vệ, giữ gìn các công trình. Hàng năm, các trường tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu ý nghĩa, giá trị lịch sử - văn hóa của các di tích qua các tiết học ngoại khóa, góp phần hiệu quả trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương. Cùng với việc làm tốt công tác xếp hạng, tu bổ tôn tạo, quản lý các cổ vật tại các di tích, huyện còn làm tốt công tác phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa.

            Trên thực tế, mỗi di tích lịch sử văn hoá đều chứa đựng những giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần. Để phát huy tốt các giá trị của di tích, phòng Văn hoá và Thông tin huyện cùng với UBND các xã, thị trấn, Ban quản lý các di tích tích cực tuyên truyền, quản bá về hình ảnh của di tích, những giá trị về văn hoá về lịch sử của di tích. Cùng với việc tuyên truyền về di tích, phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tích cực chỉ đạo các địa phương tổ chức và quản lý tốt các lễ hội truyền thống, phục dựng các lễ hội truyền thống, khuyến khích các lễ hội truyền thống tổ chức các trò chơi dân gian; chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện và thu hút sự tham gia của nhân dân vào các hoạt động của lễ hội.

            Bên cạnh những kết quả đạt được, trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích vẫn bộc lộ những khó khăn, hạn chế, bất cập trong việc thu thập tư liệu khoa học của một số di tích; các cán bộ làm công tác quản lý di tích đều được phân công kiêm nhiệm, nhiều cán bộ chưa được đào tạo chuyên sâu về quản lý di tích; đặc biệt là vấn đề kinh phí. Vẫn còn có những di tích được tu bổ chưa đúng phương pháp, vẫn có tình trạng trông chờ vào nhà nước ở một số di tích, công tác tuyên truyền quảng bá nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa chưa có sự gắn kết với việc phát triển du lịch, những di tích xuống cấp trầm trọng nhưng chưa có kinh phí để tôn tạo và nâng cấp, công tác quản lý nhà nước tại một số địa phương còn chưa thật sự quan tâm bảo tồn dẫn đến tình trạng xuống cấp của di tích. Công tác thu hút xã hội hóa để đầu tư tôn tạo di tích còn hạn chế, chưa huy động hết tiềm năng của quần chúng nhân dân.

            Để phát huy hiệu quả công tác bảo tồn các di sản văn hóa, nhất là bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hoá trong thời gian tới trên địa huyện Ninh Giang cần có những giải pháp:

             Thứ nhất, nâng cao hiệu quả của các cơ quan quản lý di tích lịch sử văn hoá.

            -Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý di tích lịch sử văn hoá: Nguồn nhân lực trong lĩnh vực quản lý Di tích lịch sử văn hoá từ huyện đến cơ sở của huyện Ninh Giang vừa thiếu, vừa yếu và kiêm nhiệm nhiều việc. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của huyện Ninh Giang là cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di tích lịch sử văn hoá để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Để có nguồn nhân lực tốt phục vụ cho công tác quản lý di tích lịch sử văn hoá, thì Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, phòng Văn hoá và Thông tin huyện phải thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức văn hoá các xã, thị trấn và các Ban quản lý di tích ở cơ sở. Cử cán bộ theo học các khoá học quản lý di tích ngắn hạn cũng như dài hạn do các cơ quan chuyên môn và các trường đại học chuyên ngành tổ chức.

            Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức cho nhân dân về bảo vệ di tích lịch sử văn hoá: Hoạt động tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức, nhiều đối tượng tham gia như: tổ chức tập huấn, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Di sản văn hoá, thi tìm hiểu về các nhân vật lịch sử gắn với các di tích lịch sử văn hoá, tổ chức cho học sinh tham quan, học tập thực tế tại các di tích lịch sử văn hoá trên địa bàn huyện; tổ chức các cuộc hội thảo, nói chuyện chuyên đề về di tích lịch sử văn hoá, về nhân vật được thờ tại các di tích; in tài liệu liên quan đến Luật Di sản văn hoá, các văn bản quy phạm pháp luật về di tích lịch sử văn hoá, các thông tin về di tích trên tờ rơi; tuyên truyền trên các loại hình báo chí, trên trang thông tin điện tử của huyện, của sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh.

            Thứ tư, tăng cường chính sách đầu tư, phát huy huy hiệu quả công tác xã hội hoá trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di tích: Nguồn ngân sách nhà nước được coi là nguồn đầu tư chủ yếu cho việc bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá. Tăng cường chính sách đầu tư từ ngân sách Nhà nước và khai thác hiệu quả nguồn kinh phí từ xã hội hoá là rất cần thiết; Đẩy mạnh xã hội hoá nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và đông đảo tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá của huyện.

            Thứ năm, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý tại di tích: Việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động quản lý di tích cần phải tiến hành một cách khoa học, xây dựng thành kế hoạch kiểm tra từng thời điểm trong năm. Cơ quan chuyên môn có thể tiến hành kiểm tra định kỳ và cũng có thể kiểm tra đột xuất. Qua đó sẽ thấy được những mặt làm được cũng như những mặt hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý ở cấp cơ sở, nhờ đó đưa ra được những phương hướng khắc phục, sửa đổi, bổ sung kịp thời. Thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo vệ và phát huy Di sản văn hoá tiếp tục được đẩy mạnh nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước và kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Luật Di sản văn hoá và các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Từ đó tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện có những chỉ đạo, xử lý kịp thời.

           

            Tài liệu tham khảo

  1. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ninh Giang (1999), Lịch sử Đảng bộ huyện Ninh Giang, Tập 1.
  2. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ninh Giang (2010), Lịch sử Đảng bộ huyện Ninh Giang, Tập 2.
  3. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ninh Giang (2008), Ninh Giang hành trình phát triển, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin.
  4. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hải Dương (2016), Di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu tỉnh Hải Dương.
  5. Huyện uỷ Ninh Giang (2018), Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hoá trên địa bàn huyện Ninh Giang giai đoạn 2016 - 2020.
  6. UBND huyện Ninh Giang (2011), Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Luật Di sản văn hoá trên địa bàn huyện Ninh Giang (giai đoạn 2001 - 2011).
  7. UBND huyện Ninh Giang (2015), Kế hoạch thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hoá” trên địa bàn huyện Ninh Giang giai đoạn 2016 - 2020.

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K6 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa