Tin tức

TRI THỨC VÀ KINH NGHIỆM LÀM NÓN LÀNG CHUÔNG

29 Tháng Mười 2020

Lê Thị Thu Nga[*]

Thanh Oai là một huyện nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam thành phố Hà Nội với những nét đặc trưng của nền văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ như có các đình, chùa, miếu cổ kính, những di tích lịch sử gắn với các vị anh hùng có công lập làng, lập nước hay các nơi thờ tổ nghề. Thanh Oai cũng là huyện có nhiều làng nghề thủ công từ lâu đời tiêu biểu có làng nghề làm nón lá làng Chuông xã Phương Trung. Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, trước sự tác động của cơ chế thị trường, mở rộng giao lưu văn hóa, nhiều giá trị văn hóa truyền thống làng nghề đang có nguy cơ bị mai một, bí quyết nghề nghiệp bị thất truyền cùng với sự ra đi của các nghệ nhân lớn tuổi. Những kết tinh văn hóa truyền thống chứa đựng trong mỗi sản phẩm không được các thế hệ sau tiếp thu và phát huy dẫn đến mất dần bản sắc nghề. Điều đó đã đặt ra nhiệm vụ phải bảo tồn các tri thức và kinh nghiệm trong quá trình sản xuất nón Chuông  xã Phương Trung là nhiệm vụ cấp thiết.

Phương Trung là xã có diện tích và dân số đông sống tập trung thành từng cụm lớn nên có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Từ đó thể hiện được tinh thần đoàn kết chung sức, chung lòng xây dựng quê hương của người dân. Nhân dân trong xã có xu hướng phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, kinh doanh và dịch vụ mạnh hơn là sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm nón của địa phương đã được công nhận nhãn hiệu “ Nón Chuông” nhờ vậy mà tăng được giá trị và sức tiêu thụ. Mặc dù cho thu nhập không cao nhưng nghề nón truyền thống đã tạo việc làm cho phần lớn người cao tuổi, các cháu học sinh, lao động lúc nông nhàn, vừa tạo việc làm và cho thu nhập ổn định.

Nón làng Chuông từ lâu đã được nhân dân sản xuất và sử dụng như một vật phẩm vật phẩm không thể thiếu mỗi khi ra khỏi nhà. Nón được dùng để đội đầu, làm phụ kiện phối với tà áo dài truyền thống của các cô gái, đồng thời làm quà tặng bạn bè gần xa. Tuy nhiên, để làm ra một chiếc nón lá xin xắn lại không hề đơn giản. Người thợ phải tích lũy kinh nghiệm và tri thức của ông cha để lại mới hoàn thiện được chiếc nón như ý.

Kinh nghiệm trong chọn nguyên liệu: Nguyên liệu để làm nón bao gồm lá, mo tre, vòng, sợi guột, sợi cước, nhôi (chỉ), kim khâu và một số nguyên liệu trang trí khác tùy theo sở thích và thị hiếu của người thợ cũng như của khách hàng. Kinh nghiệm đầu tiên trong quá trình sản xuất nón là việc chọn lá và là lá. Người thợ phải lựa chọn loại lá trắng đều thì khi làm nón mới đẹp. Lá khi được mua về sẽ được vò trong cát để lá mềm ra rồi mới đem ra sân đình, sân nhà, ngoài rề đường hay những mảnh đất trống để phơi. Thời gian phơi lá yêu cầu người thợ phải chú ý quan tâm, thường thì lá được phơi ngoài trời khoảng hai đến ba nắng cho đến khi màu xanh của lá chuyển thành màu bạc trắng. Thời gian phơi lá phải phụ thuộc vào nhiệt độ ngoài trời, có những hôm trời nắng nhỏ thì lá nón sẽ được phơi nhiều ngày hơn nhưng không quá bốn nắng. Phơi lá phải vừa đủ nắng, nếu để lá phơi lâu quá sẽ khiến lá bị giòn và chuyển sang màu vàng ố còn phơi lá chưa đủ nắng thì lá sẽ bị xanh. Trong trường hợp người thợ mua lá về làm mà có những lá vẫn còn xanh thì họ sẽ phơi lại thêm một nắng nhỏ, trong thời gian ngắn để cho lá được trắng hơn, đều màu hơn. Trường hợp người thợ mua phải lá bị quá nắng, lá bị ố vàng thì trước khi đưa vào làm nón, những người thợ phải hơ (hun) diêm sinh cho nguyên liệu lá được trắng đều hơn. Số lượng lá mua về chỉ vừa đủ để tránh khi gặp trời mưa hoặc để lâu lá sẽ chuyển sang màu đỏ. Có nhiều hộ bán nguyên liệu lá khi mua về gặp thời tiết mưa thì họ đem lá đi sấy. Lá sấy sẽ bị giòn hơn so với việc phơi nắng, khi là lá sẽ có hiện tượng lá bị se lại không dãn được hết các thớ lá ra. Người thợ mua về làm nón sẽ phân biệt được lá sấy hay lá phơi nắng. Đây là kinh nghiệm đầu tiên trong việc chọn xử lý nguyên liệu thể hiện sự nhạy bén, tinh tế của người thợ làm nón làng Chuông.

Việc là lá cũng không hề đơn giản, người thợ chọn một nắm giẻ vừa bằng chiếc bát ăn cơm, phải chọn loại giẻ có chất liệu cottong, chịu nhiệt tốt sau đó đặt lá trên một chiếc lưỡi cày qua sử dụng lâu năm đã mòn, nhẵn dưới lưỡi cày đốt một ít củi nhỏ để đảm bảo lưỡi cày luôn luôn nóng rồi miết nhanh từng chiếc lá cho lá phẳng mà không bị giòn rách. Ở phần này yêu cầu người thợ phải căn ke làm sao cho nhiệt độ hâm nóng lưỡi cày vừa đủ, không quá nóng mà không quá nguội. Nếu để quá nhiệt độ thì lá bị vàng, giòn, rách. Nếu nhiệt độ chưa tới tầm thì lá không được bóng, căng và mịn hay còn gọi là lá bị sống. Khi là lá, người thợ phải nhanh tay, nhanh mắt, đưa tay đều đều, tập trung cao độ thì mới có được nguyên liệu lá đẹp, vừa ý. Hiện nay, theo sự phát triển của xã hội, đại đa số người dân đã sử dụng bếp điện để là lá. Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Liên (58 tuổi) – người có kinh nghiệm làm nón lâu năm trong làng cho biết: “Ngày nay, theo sự phát triển chung của xã hội, người dân trong xã đã sử dụng bếp điện thay cho bếp củi như trước kia. Thứ nhất sẽ giúp cho người thợ là lá nhanh hơn, đỡ vất vả hơn. Tuy nhiên, là lá bằng bếp điện cho ra những chiếc lá không đẹp bằng là bằng bếp củi chỉ cần sơ xuất nhỏ có thể bị đỏ lá, cháy lá, khó điều chỉnh nhiệt độ cho phù hợp vì bếp điện này do người dân tự chế nên không thể điều chỉnh nhiệt độ theo ý muốn của mình”.

Người làng Chuông thường dùng mo trúc làm nón vì mo trúc mỏng hơn, nhẵn nhụi, phẳng phiu. Khi đưa vào làm sẽ không khiến chiếc nón bị phồng, người thợ dùng kim để khâu không bị cứng. Đây cũng là sự khác biệt trong kinh nghiệm sử dụng nguyên liệu làm nón của người làng Chuông so với các địa phương có nghề nón khác.

Kinh nghiệm khi quay nón: Vòng nón được làm bằng cật lứa vót tròn nhỏ, đều, không bị ố màu, không mọt, không sâu. Điều đặc biệt khi làm vòng nón của người làng Chuông là việc khó phát hiện ra vết nối vòng. Người thợ sử dụng dây cước màu trắng quấn quanh để thắt nút. Sau khi nối vòng xong người thợ phải ngắm nhìn, nắn chỉnh cho tròn đều rồi đặt vào khuôn cho vừa khít, không bị thừa không bị thiếu.

Thông thường ở một số địa phương, nón lá sẽ được làm bằng hai lớp nhưng nón làng Chuông được làm bằng ba lớp nên khi cầm vào chiêc nón chắc chắn. Nón có hai lớp lá và một lớp mo ở giữa. Thường thì người thợ sẽ chọn lớp lá ngoài là những lá đều nhau cả về diện tích lá lẫn màu sắc còn lớp lá trong là những chiếc lá cái xấu hơn. Chiếc nón có đẹp hay không một phần phụ thuộc vào độ tinh tế trong lần lựa chọn lớp lá bên ngoài mặt nón.

Kinh nghiệm trong khâu nón: Đây là phần việc khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn, khéo léo của người thợ. Người khâu nón được ví như người thợ thêu. Bàn tay người thợ cầm kim đưa nhanh thoăn thoắt mềm mại từng mũi khâu thẳng đều theo vòng nón từ vòng trong ra vòng ngoài. Người thợ sử dụng cước màu trắng để khâu những khoảng vòng con, còn cước màu đỏ để khâu vòng cái và nức cạp nón. Cước cũng có kích cỡ, tùy vào sản phẩm nón của người thợ được khâu múi mau hay thưa để chọn cỡ cước cho phù hợp. Thông thường, khi nón được khâu các múi mau thì người thợ chọn cước cỡ 18 còn khâu múi nón thưa hơn thì sẽ chọn loại cước cỡ 18B. Cái tài của người thợ làng nghề nón là các múi nối sợ cước được giấu kín bên trong mặt nón. Khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy những mũi khâu tăm tắp thẳng hàng. Nếu không tinh mắt nhìn kỹ khách hàng sẽ khó phát hiện ra các múi nối cước. Người thợ khâu nón từ khoảng vòng nhỏ nhất trên chóp nón cho đến khi hết 16 vòng nón thì thôi. Khi chiếc nón được khâu xong, người thợ sẽ đem nón đi hơ ( hun) bằng diêm sinh cho nón trắng đều và nón không bị mốc. Có người cẩn thận hơn sẽ đem nón đi quăng dầu thông cho khỏi bị ngấm nước, tạo độ bền, chắc cho nón.

Nón lá không chỉ được khâu theo vòng nón là xong mà người thợ còn tinh tế khi tìm cách trang trí cho nón cả mặt trong lẫn mặt ngoài của nón để nón được đẹp hơn, tạo sự mềm mại, duyên dáng và mang tính thẩm mỹ cũng như phục vụ thị hiếu, nhu cầu của thị trường. Cách trang trí đơn giản nhất là người thợ dán vào lòng nón những hình hoa lá làm bằng giấy nhiều màu sắc được in sẵn bán ở chợ, dùng chỉ màu khâu giăng mắc hai đầu đối song song đối diện nhau trong lòng nón để buộc quai nón bằng những dải lụa mềm mại, đủ màu sắc làm tôn thêm nét đẹp khuôn mặt của cô gái dưới vành nón lá.

Điều quan trọng khi làm nón là tính cẩn thận, tỉ mỉ, kiên trì, khéo léo. Các tri thức và kinh nghiệm làm nón cũng như chọn nguyên liệu đã được đúc kết lại truyền cho con cháu. Thời gian và công sức tạo nên chiếc nón càng thể hiện ý nghĩa và giá trị văn hóa lớn lao của nó. Chỉ cần nhìn vào chiếc nón nhiều người đã đoán được tính cách, con người của cô gái, chàng trai. Chính vì vậy, từ xa xưa những cô gái tạo ra những sản phẩm đẹp thường được nhiều chàng trai để ý và xin cưới làm vợ.

Nón là một sản phẩm được nhiều người biết đến trong hàng trăm năm qua cho tới ngày nay với những đường nét mềm mại, mũi khâu tỉ mỉ, thể hiện sự khéo léo của người thợ tạo nên nét đẹp riêng mà chỉ có những người dân làng Chuông, xã Phương Trung mới có thể làm được, chính điều này đã tạo nên nhãn hiệu “ Nón Chuông” nổi tiếng trong và ngoài nước.

Theo nghệ nhân Lê Văn Tuy (50 tuổi) chia sẻ: “Nghề nón làng Chuông có từ lâu đời, không ai biết chính xác tổ nghề là ai chỉ biết có ông Hai Cát là người có công đem nghề nón về cho dân làng rồi dân làng học theo. Từ đó nghề nón tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Bí quyết của nghề được ông cha dạy từ khâu chọn nguyên liệu cho đến lúc hoàn thành sản phẩm, ở mỗi công đoạn đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, kiên nhẫn, khéo léo”.

Tóm lại, để làm ra sản phẩm nón Chuông người thợ phải đúc kết các tri thức và kinh nghiệm từ đời xưa để lại, từ những người nghệ nhân gạo cội ở làng nghề. Các kinh nghiệm làm nón đã được đúc kết và trở thành bí quyết nghề nghiệp riêng của người làng Chuông, tạo nên những sản phẩm mang tính đặc trưng của làng nghề và chứa đựng lòng tự hào, tính sáng tạo của nhân dân địa phương qua các thế hệ. Do đó các thế hệ ngày nay và mai sau nên biết ơn, trân trọng và bảo lưu lại những tinh hoa nghề nghiệp mà ông cha truyền lại, tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của thế hệ kế tiếp xứng đáng với những công lao to lớn việc gây dựng và phát triển nghề truyền thống nón Chuông mấy trăm năm tồn tại đến ngày nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đặng Văn Bài (2016), Bảo tồn giá trị nghề thủ công truyền thống, Tham luận Hội thảo “Bảo tồn bền vững làng nghề Hà Tây - Thực trạng và giải pháp”, ngày 2/11/2006.
  2. Trương Minh Hằng (chủ biên) (2012), Tổng quan về nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam - Tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  3. Mai Thế Hởn (2003), Phát triển làng nghề truyền thống qua quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  4. Dương Bá Phượng (2001), Bảo tồn & phát triển các làng nghề trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  5. UBND xã Phương Trung (2019), Báo cáo tình hình phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội 9 tháng đầu năm 2019.

 

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K8 - Ngành Quản lí Văn hóa