Nội san

Nâng cao thẩm mỹ âm nhạc trong tiếng hát

05 Tháng Chín 2010

HỘI THẢO KHOA HỌC

GIÁO DỤC NGHỆ THUẬT VÀ CUỘC SỐNG

----------------------------------------------------------------------

 

                                                                 Ths.NSƯT. Trần Mai Tuyết

 

            Ca hát là một nghệ thuật có từ rất lâu đời và được phổ cập rộng rãi trong nhân dân. Dù ở bất cứ đâu hay bất cứ hoàn cảnh nào đang lao động sản xuất hay trong lúc hành quân, lúc vui, lúc buồn người ta đều có thể hát. Tiếng hát luôn gắn bó và có quan hệ trực tiếp, gần gũi với đời sống con người: Tiếng hát là nhu cầu hiện thân của cuộc sống là yếu tố cần thiết phải có của con người bên cạnh các nhu cầu khác về vật chất.

            Ở nước ta " Nghệ thuật hát mới" được phát triển mạnh mẽ và kế thừa được những phẩm chất quý giá của nghệ thuật hát cổ truyền và tiếp thu được những kỹ thuật tiên tiến của thế giới góp phần động viên con người hăng say lao động, sản xuất...và đưa chúng ta đến cuộc sống tốt đẹp.

            Tiếng hát với khả năng biểu hiện kỳ diệu của nó, là một phương tiện truyền cảm, giáo dục thẩm mỹ, tình cảm, đạo đức thẩm mỹ quý giá.

            Ai cũng có thể ca hát, nhưng không phải ai cũng ca hát có nghệ thuật hay nói cách khác: để có giọng hát chinh phục tình cảm người nghe, thì cần phải có một quá trình luyện tập nghiêm túc và phải có thêm những kiến thức âm nhạc hỗ trợ và trong đó tính thẩm mỹ âm nhạc trong tiến hát là yếu tố vô cùng quan trọng nhằm chuyển tải tinh thần của các tác phẩm đến người nghe. Nhiều học sinh thích nổi tiếng đã vội tham gia biểu diễn, chạy theo những thị hiếu nghệ thuật lệch lạc, tự thoả mãn với những kết quả trước mắt, trong khi chưa trang bị cho mình những kiến thức âm nhạc hoàn chỉnh dẫn đến hiểu sai tinh thần của bài hát. Thẩm mỹ âm thanh hạn chế, hát những bài hát có âm thanh với chất giọng bản năng dễ dãi không cần phải khổ công rèn luyện.

            Một học sinh có giọng hát tốt nhưng năng khiếu âm nhạc kém sẽ chậm tiến bộ, thậm chí giọng hát có thể trở nên vô hồn không có tác dụng truyền tải những cái hay, cái đẹp của tác phẩm đến cho người nghe hay nói một cách khác; hát một cách thụ động như một "cái máy", với những giọng hát này, tất nhiên tính thẩm mỹ âm nhạc trong tiếng hát là rất hạn chế, ngược lại một giọng hát có thể chưa được rèn luyện và phát triển  tốt nhưng có năng khiếu âm nhạc tốt, kết hợp với sự rèn luyện chăm chỉ, và có điều kiện chủ động tiếp thu kiến thức về đạo đức nghề nghiệp cũng như nâng cao kiến thức thẩm mỹ về âm nhạc thì chắc chắn học sinh đó sẽ chinh phục được người nghe.

            Có thể nói nâng cao thẩm mỹ âm nhạc cho tiếng hát cho sinh viên là vô cùng cần thiết. Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương với bề dày giảng dạy. Bộ môn Thanh nhạc của trường đã và đang kế thừa và tiếp thu những điểm mạnh và cũng luôn đổi mới phương pháp giảng dạy tiếp thu những kỹ thuật tiên tiến, tính khoa học trong phương pháp giảng dạy. Nắm vững những kiến thức về âm nhạc nói chung và thanh nhạc nói riêng để tạo nên phong cách hát Việt Nam, nâng cao thẩm mỹ âm nhạc trong tiếng hát.

            Với chất liệu ngôn ngữ âm nhạc và nhả chữ luyến láy là những đặc điểm nổi bật của phong cách dân tộc (đặc biệt là những giọng hát mang âm hưởng đồng quê dân gian). Tuy nhiên khi hát, quá chú trọng xảo thuật nhả chữ luyến láy, không coi trọng vấn đề thể hiện chủ đề của âm nhạc và nội dung sẽ khiến bài hát bị vụn vặt. Mặt khác, thính giả mải thưởng thức các tiểu xảo mà quên mất tư tưởng chủ đạo của tác phẩm, thì đó không phải là mục tiêu của nghệ thuật, đành rằng nghệ thuật nói chung có chức năng giải trí, ca khúc dân tộc phải nổi bật tính phong cách. Văn học nghệ thuật sáng tác, biểu diễn âm nhạc có chức năng là giáo dục cái đẹp về nhân cách, tình yêu cuộc sống... Cho nên khiếu thẩm mỹ nghệ thuật cũng như nâng cao thẩm mỹ âm nhạc trong tiếng hát là vô cùng cần thiết.

            Trong đời sống âm nhạc hiện nay có rất nhiều phong cách âm nhạc mang hơi thở thời đại. Âm nhạc đương đại xuất hiện các sáng tác mới rất phong phú, điều đó tạo cơ hội cho các ca sỹ thể hiện được khả năng ca hát của mình với nhiều giọng hát đem đến cho người nghe những cảm xúc rất thù vị và góp phần định hướng thẩm mỹ và thị hiếu cho người nghe một cách rất tính cực. Đã làm cho nghệ thuật ca hát trở thành một phương tiện truyền cảm, giáo dục tư tưởng, đạo đức thẩm mỹ và giải trí vô cùng quan trọng.

            Hiện nay trong các trường nghệ thuật thanh nhạc đang áp dụng kỹ thuật hát Belcanto là chủ đạo và cũng đã thu được nhiều thành công đáng kể đang phát triển với một sức sống mới hơi thở mới và đã đưa phong cách hát Belcanto phát triển lên đỉnh cao.

            Nghệ thuật thanh nhạc (hay nói một cách khác) tiếng hát có sức lôi cuốn kỳ diệu và sức sống mạnh mẽ với lối hát đẹp du dương, hào hoa, tràn đầy cảm xúc. Điều đó đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong quá trình tiếp thu những yếu tố khoa học, tiên tiến của kỹ thuật thanh nhạc vận dụng sáng tạo và linh hoạt vào thực tiễn, góp phần định hướng thẩm mỹ của công chúng đối với nghệ thuật ca hát và âm nhạc trong đời sống hiện nay.

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2010