Nội san

Phác thảo tương quan giữa giáo dục nghệ thuật với phát triển con người Việt Nam

03 Tháng Chín 2010

HỘI THẢO GIÁO DỤC NGHỆ THUẬT VÀ CUỘC SỐNG

-------------------------------------------------------------

                                                                             TS. Trần Hoàng Tiến

                                                                          Trung tâm ƯD&PTNT

 

1. Năm 2008, công trình khoa học Nghiên cứu chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam được công bố. Trong lời giới thiệu mở đầu, GS.VS. Phạm Minh Hạc xác định mục đích giáo dục luôn hướng tới sự phát triển con người bền vững trong bối cảnh nền kinh tế thị trường (kinh tế đơn thuần), đồng thời  giải thích phát triển con người bền vững trở thành một trong những khái niệm trung tâm trong thời đại ngày nay. Yêu cầu ngày càng nâng cao vai trò con người với tư cách thành viên trong xã hội tri thức, đang đòi hỏi mỗi cá nhân đầy đủ khả năng về trình độ chuyên môn hóa cao, điều này trở thành tiêu chí giáo dục ở tất cả quốc gia trong đó có Việt Nam. Bằng con đường giáo dục, con người có kiến thức nghề nghiệp (vốn trí tuệ), các chương trình đào tạo giải quyết nguồn vốn con người tương lai một cách toàn diện. Mục đích giáo dục hướng tới sự thúc đẩy cao nhất năng lực, điều kiện để mọi người cùng cống hiến, góp phần phát triển chung xã hội, đồng thời là cơ sở hình thành lối sống trách nhiệm vì lợi ích cộng đồng, nâng cao ý thức lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.

Chiến lược phát triển con người là chính sách hoạch định quan trọng bậc nhất, nội dung giáo dục hướng với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh, con người là nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định công cuộc CNH-HĐH ở Việt Nam. Như vậy phát triển con người Việt Nam đầu thế kỷ XXI với nội hàm đầy đủ trí lực, tâm lực, thể lực được toàn diện hóa và cụ thể hóa, xác định nhiệm vụ giáo dục như văn kiện đại hội IX Đảng Cộng Sản Việt Nam (04-2001) chỉ rõ phát triển kinh tế trí thức, phát triển con người  trở thành mục tiêu trung tâm của tất cả các mục tiêu, do đó giáo dục, khoa học công nghệ là công cụ chính sách hàng đầu.

Lúc sinh thời, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng luôn quan tâm tới sự nghiệp giáo dục. Năm 2008, cuốn sách Giáo dục- đào tạo, quốc sách hàng đầu, tương lai của một dân tộc, tập hợp những bài nói, viết của cố thủ tướng về giáo dục Việt Nam, trong đó cố thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: giáo dục đào tạo là nhân tố có tầm quan trọng bậc nhất, góp phần không chỉ làm nên sự nghiệp của một con người mà còn là động lực làm nên lịch sử của cả một dân tộc[2]. Như vậy, giáo dục là hoạt động mang tính xã hội, tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển đất nước, đóng vai trò hình thành con người trí- đức- thể- mỹ toàn diện. Giáo dục định hướng mỗi cá nhân vào nhiệm vụ phục vụ lợi ích chung, làm ra của cải vật chất, phồn vinh của dân tộc. Với ý nghĩa trên, giáo dục là sự nghiệp đào tạo đặc biệt quan trọng đối với thế hệ trẻ, đây là nguồn tri thức tương lai, nhân tài mai sau, như Bác Hồ căn dặn vì lợi ích 10 năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người.

2. Hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay gồm 3 cấp học:

- Tiểu học: cung cấp cho học sinh độ tuổi từ 6 đến 11 (từ lớp 1 đến lớp 5) những kiến thức về  môi trường sống xung quanh và hiểu biết về xã hội.

- Trung học cơ sở: có độ tuổi từ 11 đến 15 (từ lớp 6 đến lớp 9), tại bậc học này học sinh được cung cấp kiến thức cơ bản về thế giới tự nhiên, xã hội.

- Phổ thông trung học: tiếp nhận học sinh có độ tuổi trung bình từ 15 đến 18 (từ lớp 10 đến lớp 12). Đây là thời kỳ thiếu niên phát triển nhanh về tâm lý, thể lý chuẩn bị chuyển sang tuổi thanh niên. Giai đoạn này, học sinh được trang bị khối lượng lớn kiến thức tự nhiên, xã hội…để tiếp tục học ở cấp cao hơn hoặc trở thành nguồn lao động phổ thông, tham gia trực tiếp sản xuất sau khi hoàn thành bậc học.

Là bộ phận của giáo dục Việt Nam, chức năng giáo dục nghệ thuật có những đặc điểm chung của giáo dục học, đồng thời mang tính đặc thù chuyên biệt, đào tạo nghệ thuật luôn đi cùng việc phát hiện năng khiếu (âm nhạc, mỹ thuật, múa, kịch…), quá trình tổ chức dạy và học đòi hỏi sự thiết kế riêng tạo môi trường để tài năng nghệ thuật phát triển nhanh. GS.TS Phạm Viết Vượng nêu rõ: nền giáo dục của bất cứ quốc gia nào, thời đại nào không những hướng vào việc nâng cao dân trí, mà còn hướng vào quá trình phát hiện và bồi dưỡng nhân tài, và nhân tài là tài sản quý của mỗi quốc giatrong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học, công nghệ [4]. Cùng với nhiệm vụ nâng cao dân trí, giáo dục nghệ thuật có nhiệm vụ phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Đây là nội dung chuyển tải những giá trị, ý nghĩa chủ yếu mà các loại hình nghệ thuật phát hiện bồi dưỡng tài năng. Đồng thời, với chức năng thẩm mỹ giáo dục nghệ thuật thúc đẩy niềm say mê, lao động sáng tạo, là công cụ hiệu quả nâng cao đời sống tinh thần ngày càng phong phú, như vậy vai trò giáo dục nghệ thuật trong môi trường học đường (cấp 1,2) có những đặc điểm:

- Sử dụng các loại hình nghệ thuật: ca hát, nhảy múa, vẽ tranh, diễn kịch... định hướng thiếu niên, nhi đồng (tiểu học, trung học cơ sở) nhằm giáo dục nhân cách, định hình lối ứng xử theo chuẩn mực đạo lý truyền thống Việt Nam.

- Trang bị cho học sinh những kiến thức, hiểu biết phổ thông về thế giới quan, nhân sinh quan thông qua giá trị nghệ thuật Việt Nam và trên thế giới, góp phần hình thành thói quen, hành vi văn minh trong xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XXI.

- Bằng nghệ thuật, trẻ em được giáo dục toàn diện trí- đức- thể- mỹ, sớm phát huy lối tư duy chủ động, tinh thần tự giác.

Trong bối cảnh hiện nay, chức năng nghệ thuật học đường chủ yếu định hướng học sinh cảm thụ cái đẹp, qua đó xây dựng lối sống hướng thiện. Từ tiểu học đến trung học cơ sở, các em được cung cấp kiến thức tối thiểu, đại trà các môn âm nhạc, mỹ thuật. Những hiểu biết ban đầu về nghệ thuật rất có ích, giúp trẻ em nhanh chóng phát triển tư duy tưởng tượng, suy luận theo phương pháp liên hệ, so sánh giữa thế giới trong nghệ thuật với cuộc sống hàng ngày, điều này cho thấy các loại hình nghệ thuật cần thiết phải phổ cập trong hệ thống giáo dục quốc dân. Những nước có nền giáo dục phát triển ở châu Âu luôn ý thức, tạo điều kiện để học sinh tham gia các bộ môn nghệ thuật, bởi học nghệ thuật sẽ nâng cao hơn năng lực cảm thụ xã hội, hình thành cách sống cân bằng, hài hòa.  

Là đất nước có nền văn hiến sớm phát triển, qua mỗi thời kỳ đều sản sinh những tài năng kiệt xuất, người Việt ngay khi sinh ra đã sống trong hát ru, chuyện cổ tích, thần thoại, những câu ca dao, điều này là cơ sở của lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Cuối thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, truyện Kiều thuộc dòng thơ nôm bác học đã đi vào đời sống hàng ngày, được dân chúng làng quê, thành thị đón nhận và thuộc lòng, dù đa số chưa biết chữ. Mọi người không chỉ ngâm Kiều, bói Kiều mà còn lẩy Kiều (một lối hát nói phổ biến ở đồng bằng sông Hồng), nhiều người không chỉ lẩy Kiều xuôi theo bản Nôm mà còn lẩy ngược từ câu cuối về câu đầu tiên, truyện Kiều trở thành hình thức đức dục truyền miệng, răn dạy hiệu quả. Đây là cách giáo dục sử dụng nghệ thuật âm nhạc dân gian hướng tới lối sống cộng đồng, tình làng nghĩa xóm giàu tính nhân văn thời đó.

3. Trong công cuộc phát triển đất nước, giáo dục nghệ thuật Việt Nam đóng vai trò đa dụng trong đời sống xã hội. Âm nhạc, mỹ thuật là môn học ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Những kết quả nghiên cứu cho thấy giáo dục nghệ thuật đóng góp quan trọng vào quá trình hình thành nhân cách, trí tuệ con người Việt Nam. Thông qua âm nhạc, hội họa, các em cảm thụ rõ ràng quê hương đất nước, hình ảnh bờ tre, ruộng lúa, biển rộng, sông núi…hiện hữu với vẻ đẹp gần gũi, thân thuộc. Không chỉ vậy, mối quan hệ gia đình đầy ý nghĩa và bền chặt khi hát lên những bài hát về tình yêu thương bố mẹ, ông bà, anh chị em. Sự gắn bó huyết thống, ruột thịt có ảnh hưởng lớn đến các em, tạo nên sự ổn định, vững vàng tâm lý từ lúc còn thơ đến tuổi trưởng thành, làm nền tảng cho mối quan hệ, ứng xử xã hội mai sau.

Như vậy, giáo dục nghệ thuật có giá trị ý nghĩa sau:

- Giáo dục nghệ thuật có chức năng thẩm mỹ, định hướng con người tới chân- thiện- mỹ với những giá trị truyền thống của dân tộc, hình thành nhân cách chủ động, linh hoạt, trân trọng cái tốt, cái đẹp trong cuộc sống hàng ngày.           

- Sử dụng các loại hình nghệ thuật, giáo dục tính nhân văn, vì cộng đồng, hoàn thiện bản thân và trở thành người có tài năng, đem lại lợi ích cho xã hội.

Các loại hình nghệ thuật trong môi trường giáo dục học đường là sự cần thiết đối với tuổi thiếu niên, nhi đồng. Âm nhạc, hội họa, múa, diễn kịch…đóng góp tích cực đào tạo con người toàn diện trong bối cảnh Việt Nam cần nguồn nhân lực vừa có tài vừa có đạo đức nghề nghiệp, do đó nghệ thuật là cơ sở tạo nhân cách biểu lộ qua ứng xử trong sinh hoạt. Sự hiểu biết đa dạng kích thích mạnh mẽ ý thức nên làm điều tốt đẹp cho mọi người, tránh điều xấu xa có hại đến bản thân, xã hội. Khi tham gia trực tiếp vào hoạt động nghệ thuật, các em sẽ tự điều chỉnh hành vi, tìm đến lẽ phải, chân lý, rút ra những bài học về lối sống có văn hóa, từ đó phẩm chất cá nhân: tính cách, năng lực được bộc lộ và sớm hình thành. Có thể thấy, nghệ thuật học đường không chỉ trong giờ học mà còn diễn ra mọi lúc mọi nơi, như hoạt động vui chơi theo nhóm, trong tập thể với bạn bè cùng lứa, qua đó tính tích cực, sáng tạo của trẻ em sớm phát triển. Nói tóm lại, để hình thành nhân cách tốt, ngay từ khi cắp sách tới trường, môi trường giáo dục trong đó giáo dục nghệ thuật đóng vai trò quan trọng sự trưởng thành của trẻ em.

 Song song với các môn tự nhiên, xã hội, học nghệ thuật giúp các em tăng cường thụ cảm về thế giới nội tâm, đời sống tinh thần phong phú, nhanh chóng phát triển, mở mang trí tuệ. Các hình khối, màu sắc hội họa luôn thu hút các em tìm hiểu, tạo hiệu ứng so sánh giữa tranh và cuộc sống. Âm nhạc vang lên, đem lại giá trị ý nghĩa trong mối liên hệ giữa lời ca và mối quan hệ xã hội, hình ảnh trong nghệ thuật luôn hiện lên vẻ đẹp hướng đến chân- thiện- mỹ đầy xúc cảm. Đó chính là giá trị mà nghệ thuật có được, giống như ống kính vạn hoa kích thích khả năng tưởng tượng đầy ước mơ và hoài bão. Trong cuốn sách The child’s conception of the world (xuất bản năm 1929 ở Luân đôn), tác giả Jean Piaget đưa ra lý thuyết về sự phát triển các nguyên nhân của suy nghĩ logic ở trẻ em. Ông cho rằng mọi sinh vật đều cố gắng để đạt tới trạng thái cân bằng với môi trường sống của mình, thăng bằng giữa yếu tố nhận thức bản thân với sự vật, hiện tượng xã hội đang diễn ra. Nghệ thuật chứa đựng hàm số tạo đà phát triển trí tuệ theo các hướng:

- Tư duy được tổ chức thúc đẩy sáng tạo đạt tới sự thăng bằng giữa cá nhân với cộng đồng.

- Cảm thụ nghệ thuật tốt giúp trí tuệ hình thành phản ứng chuỗi giai đoạn, có thể đạt tới khả năng dự đoán trước, tổng hợp thành ý nghĩa, năng lực bản thân.          

Nghệ thuật đóng vai trò đặc biệt trong giáo dục, bởi sự tác động và ảnh hưởng lớn đến quá trình hình thành nhân cách, phát triển trí tuệ mỗi con người, đặc biệt đối với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.Xét cho cùng, nghệ thuật là chìa khóa phát huy cao độ phẩm chất cá nhân nhìn từ góc độ xã hội, triết học duy vật biện chứng chỉ rõ nguồn gốc sự phát triển con người tồn tại trong quá trình sinh sống của trẻ em, mọi tác động bên ngoài đều bị khúc xạ bởi cái bên trong của đứa trẻ[3]. Giai đoạn từ nhi đồng (tiểu học), thiếu niên (trung học cơ sở) là sự tiếp nối từ ấu thơ, mẫu giáo, đồng thời là giai đoạn kế tiếp tuổi thanh niên, trung niên, tuổi già. Sự phát triển trí tuệ không đi theo con đường bằng phẳng mà có những bước nhảy vọt theo tiến trình phát triển ngày càng cao trong tư duy. Cái bên trong chính là sự nhận thức, tư duy minh mẫn, khỏe mạnh về tinh thần cùng thể chất. Để đạt tới sự hài hòa, phát triển đồng đều, nghệ thuật là cầu nối, công cụ hữu hiệu giúp trẻ em phát triển nhanh trí lực, tâm lực, thể lực, có đời sống lành mạnh, trở thành người có ích cho xã hội, là nguồn nhân lực tương lai trong công cuộc CNH-HĐH ở Việt Nam. Trong giai đoạn hiện nay, chính sách phát triển con người toàn diện đòi hỏi sự nghiệp giáo dục cần cải cách nhanh hơn, phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. 

4. Lời kết: nghệ thuật là tấm gương phản ánh trung thực đời sống xã hội loài người, do đó dạy học nghệ thuật trong tiểu học, trung học cơ sở có tính cấp thiết, không thể thiếu, bởi yêu cầu phát triển toàn diện con người Việt Nam đầu thế kỷ XXI. Nghệ thuật không chỉ là bài dạy và học trên lớp, mà mục đích cao cả nhất là hướng tới sự phát triển toàn diện trí- đức- thể- mỹ. Với chức năng vai trò đặc thù, các loại hình nghệ thuật đang đóng góp tích cực vào quá trình hình thành con người mới ở Việt Nam, nguồn nhân lực bền vững vừa kế thừa truyền thống phẩm chất ưu việt chân thành, mộc mạc, giản dị…nhưng đầy dũng cảm, thông minh trong thời đại Hồ Chí Minh.   

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Việt Nam

1. PGS.TS. Đặng Quốc Bảo (chủ biên), TS.Trương Thị Thúy Hằng, TS. Đặng Thị Thanh Huyền; (2008); Nghiên cứu chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam

2. Phạm Văn Đồng; (2008); Giáo dục- đào tạo, quốc sách hàng đầu, tương lai của một dân tộc; Nxb Chính trị quốc gia; H.

3. Nguyễn Thạc; (2003); Lý thuyết và phương pháp nghiên cứu sự phát triển của trẻ em; Nxb Đại học sư phạm; H.

4. Phạm Viết Vượng; (2007); Giáo dục học (in lần 2); Nxb Đại học quốc gia Hà Nội; H.

Nước ngoài

5. Piaget,J;(1929); The child’s conception of the world; London: Rutlege& Kegn Paul.