Nội san

Một vài suy nghĩ về việc giảng dạy Nghệ thuật sân khấu tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW

20 Tháng Mười Một 2010

Tham luận Hội thảo

Giáo dục Nghệ thuật và cuộc sống

 

Ths.Đỗ Anh Tuấn

Phòng Tổ chức - Hành chính

 

Trong quá trình phát triển, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương đã mở ra cho người học có nhiều cơ hội lựa chọn ngành học nghệ thuật. Hiện trường đang đào tạo 06 chuyên ngành chính: Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Hội họa, Đồ họa, Quản lý Văn hóa, Thiết kế thời trang. Trong chương trình đào tạo những cử nhân công tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật tương lai, ngoài chuyên ngành nghệ thuật chính có những chuyên ngành gồm những môn học nghệ thuật bổ trợ như Sư phạm Âm nhạc (nghệ thuật múa), Quản lý văn hóa (Quản lý văn hóa nghệ thuật), theo đó, sinh viên được tự chọn loại hình nghệ thuật mà mình yêu thích như: Thanh nhạc, nhạc cụ, hội họa, sân khấu, múa… Có thể nói đây là chủ trương đúng đắn và uyển chuyển trong việc giảng dạy, học tập của nhà trường.

Trong tham luận lần này cá nhân diễn giả chỉ đề cập một phần nhỏ của nghệ thuật sân khấu với cuộc sống trên góc độ của một người làm công tác giảng dạy bộ môn nghệ thuật này tại một trường ĐH. Đã từng công tác Quản lý văn hóa/ Văn hóa nghệ thuật chắc hắn không một ai chưa từng tiếp cận với nghệ thuật sân  khấu một loại hình có bề dày lịch sử hàng nghìn năm là phương tiện giải trí, công cụ giáo dục, vũ khí tư tưởng, phản ánh những vấn đề mũi nhọn, cấp bách của cuộc sống xã hội… Những thập niên gần cuối thế kỷ 20 cả dân tộc bước vào thời kỳ đổi mới  và hội nhập, sân khấu là một trong những bộ môn nghệ thuật xung kích trên mặt trận phản ánh các vấn đề nóng bỏng của đời sống xã hội. Câu chuyện trên sân khấu đã khiến khán giả  cảm thấy câu chuyện trên sàn diễn là của chính bản thân họ và những người xung quanh   hiểu được những thông điệp, ngầm ý sâu xa mà tác giả và đạo diễn gửi trong tác phẩm.

Ứng dụng và đưa nghệ thuật sân khấu vào cuộc sống đã được những người làm công tác trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đi trước sử dụng rất hiệu quả. Ngày nay nghệ thuật sân khấu cũng như nhiều loại hình nghệ thuật khác thiếu vắng người tham gia, nguyên nhân có nhiều. Tìm nguyên nhân và giải pháp cũng là phần  việc ứng dụng và đưa nghệ thuật vào cuộc sống.

Vậy thiếu vắng khán giả hay sân khấu không còn sức hấp dẫn khán giả? Cũng có thể do sân khấu thiếu trầm trọng các kịch bản mang hơi thở cuộc sống, cũng có thể sân khấu không chuyển tải đủ thông điệp cuộc sống mà thế hệ ngày nay đang mong chờ trong khi đời sống bây giờ rất đa dạng và phức tạp.

            Điểm cần thiết để đưa nghệ thuật sân khấu vào đời sống thì trong tác phẩm rất cần thiết có tiếng cười hay còn gọi là yếu tố hài hước trong tác phẩm. Đến với nghệ thuật sân khấu để tiếp nhận thông tin, giải trí hay được cười vui vui thỏa thích... Sân khấu phía nam thời điểm này đông khán giả ngoài lý do tác phẩm luôn bám sát vấn đề nổi cộm của cuộc sống hiện tại còn do nghệ sĩ đã gửi gắm thông điệp một cách nhẹ nhàng, thông qua tiếng cười chứ không phải là những câu giáo huấn, đậm chất sách vở, cứng nhắc. Chính vì vậy, sân khấu ở phía nam đã  thu hút sự quan tâm của công chúng. Tiếng cười trong sân khấu rất cần thiết, tuyên truyền bằng tiếng cười rất hiệu quả. Hài hước trong sân khấu là phê phán thói hư tật xấu…cho nên muốn đưa nghệ thuật sân khấu tới gần công chúng không thể bỏ qua tiếng cười mà phải suy ngẫm, tìm tòi để lấy được nụ cười từ người thưởng thức thì sân khấu sẽ dễ đến được với công chúng.

            Bên cạnh yếu tố hài hước, để đưa nghệ thuật sân khấu gần gũi với cuộc sống con người, chúng ta cũng cần quan tâm đến cái Bi. Con người khi sinh ra còn gọi là cất tiếng khóc chào đời. Tiếng khóc khi ấy mới chỉ là tiếng khóc sinh lý. Khi mỗi chúng ta lớn lên, tột đỉnh của niềm vui, sự sung sướng cũng thể hiện qua giọt nước mắt. Nếu giọt nước mắt chào đời là khóc sinh lý, khóc kia là khóc tâm lý. Trong cuộc đời mỗi con người còn chứng kiến, nếm trải bao điều. Giọt nước mắt có thể làm vơi đi nỗi buồn đau, uất hận, thương cảm… Tiếng khóc ngoài đời rất quan trọng. Trong sân khấu, những giọt nước mắt chính là hiện thân của cái bi. Bi kịch đây là quan niệm về thể loại kịch, chứ không phải quan niệm về cái bi.  Bi: Nhìn ở góc độ phạm trù mỹ học, đó là cái lạc quan nằm sâu trong đó (bi giúp tảy rửa, xoa dịu cho tâm hồn người thưởng thức). Qua cái bi trong kịch con người nhận thức ra một chân lý nào đó.  Bi kịch về sự đau khổ, bất hạnh của con người: Đau khổ vật chất, thể xác (đau khổ cấp thấp); Đau khổ tinh thần (cấp độ cao). Bất hạnh, đau khổ trong số phận con người, trong mối quan hệ thân thuộc (những người thân gieo rắc đau khổ cho nhau) cũng là yếu tố cần được khai thác triệt để. Tóm lại: Bi kịch là kịch về cái bi, cái bất hạnh, nhưng không phải cái bi, cái bất hạnh nào cũng trở thành bi kịch. Nghệ thuật sân khấu ngoài việc đem lại sự nhận biết, giải trí, giáo dục… Nghệ thuật sân khấu phải khơi gợi tình cảm để người thưởng thức cảm nhận được nhân tình thế thái. Bởi cảm nhận, đồng cảm với bi kịch là khơi gợi tính hướng thiện, cảm hóa cái xấu…

 

Sinh viên lớp K1 trong vở diễn « Lỗi là ở ta »

 

Để nghệ thuật sân khấu có thể ứng dụng trong cuộc sống, người làm công tác  trong lĩnh vực sân khấu không thể không chuyển mình, người làm nghề không thể mãi khai thác theo một lối mòn có sẵn, trong khi cuộc sống đã thay đổi muôn hình muôn vẻ, bởi con người ngày nay phức tạp hơn nhiều. Trong học phần thực hành sân khấu của sinh viên có thể lấy từng chủ đề cho bài học. Với 3 đơn vị học trình thực hành tương đương 90 tiết học tôi đã dành 20 tiết học lý thuyết và 40 tiết thực hành còn 30 tiết sinh viên tự học hoặc đi thực tế. Lớp K1 Quản lý văn hóa thầy trò chúng tôi thực hành môn nghệ thuật sân khấu với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn” và tuyên truyền “An toàn giao thông”. Những tiết mục này thực sự có hiệu quả khi sinh viên đã áp dụng vào thực tế của kỳ nghỉ hè năm 2009 và những ngày lễ lớn. Sinh viên tham gia rất hứng khởi khi gặt hái được thành quả từ  bài học trên lớp khi áp dụng vào cuộc sống. Với sinh viên lớp K2 Quản lý văn hóa bài học kỳ này thầy trò lại cùng nhau khai thác  ở đề tài “phòng chống ma túy”  và tuyên truyền phòng chống “Dịch cúm gia cầm”.  Lý do chọn đề tài ma túy là do ma túy đã gây nhiều cảnh đời đau khổ và tan vỡ gia đình, làm băng hoại đạo đức...           Tóm lại để nghệ thuật sân khấu ứng dụng vào cuộc sống có hiệu quả rất cần yếu tố kịch bản, diễn viên, người thưởng thức. Bởi kịch bản có nội dung sâu sắc, tính triết lý, tính hài hước, ngôn từ đẹp… cùng với sự thể hiện nhân vật một cách tinh tế của diễn viên ắt sẽ chinh phục được người thưởng thức.

Sử dụng nghệ thuật sân khấu cho việc tuyên truyền cũng rất hữu ích. Mong nhận được sự góp ý của các thầy cô cùng các bạn đồng nghiệp để nghệ thuật sân khấu ngày càng phát triển và có tính ứng dụng cao trong cuộc sống./.