Nội san

Một số đặc trưng tâm lý cơ bản trong năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ

22 Tháng Mười Một 2010

Tham luận Hội thảo

Giáo dục Nghệ thuật và cuộc sống

 

Ths.Dương Hải Hưng

Khoa Giáo dục đại cương

 

Đối với người nghệ sĩ thì năng lực sáng tạo chính là tố chất quan trong để người nghệ sỹ thể hiện cảm xúc, tưởng tượng và tư duy sáng tạo của mình. Trong khuôn khổ bài tham luận này, tôi muốn đề cập đến một số đặc trưng tâm lý cơ bản trong năng lực sáng tạo của người nghệ sỹ là: Cảm xúc, tưởng tượng, Tư duy sáng tạo.

1.                  Cảm xúc

Cảm xúc là một trong những đặc điểm tâm lý hết sức quan trọng, tham gia vào cấu trúc năng lực sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ. Xúc cảm của người nghệ sĩ được thể hiện trong một cấu trúc đối nghịch. Chính cấu trúc này đã tạo nên tính hai mặt trong quá trình tiếp nhận thế giới hiện thực. Ở họ khi nhìn nhận đánh giá các sự vật hiện tượng tồn tại trong thế giới khách quan bao giờ cũng được phân định rõ ràng bởi các cặp phạm trù đối nghịch như yêu , ghét, căm thù, thương xót, ca ngợi, khinh bỉ…

Cảm xúc của người nghệ sĩ là yếu tố quan trọng, là ngọn nguồn và cũng là “cái hứng” theo suốt quá trình sáng tác. Trước hết, một tác phẩm được nảy sinh từ ý tưởng. Ý tưởng là ý nghĩ mới mẻ xuất hiện một cách bất ngờ hay bật ra từ chính sự nhạy cảm thiên bẩm của người nghệ sĩ. Nói cách khác, nó là kết quả lóe lên rất nhanh của việc rung cảm trước hiện thực. Vì lẽ đó mà nhà văn Pauxtopki gọi ý tưởng là “tia chớp”– hình thành từ quá trình tích điện của những đám mây cảm xúc. Khi có ý tưởng , nhiều người nghệ sĩ sáng tác trong cảm xúc “thăng hoa”, họ sáng tác một cách nghiêm túc mà lại rất say mê cho đến khi khi hoàn thành tác phẩm họ chịu sự chi phối một cách tổng hòa của xúc cảm và tri thức. Thực tế, một tác phẩm hay rất cần những giây phút thăng hoa khi cảm xúc chiếm lĩnh và hoàn toàn thắng thế trong sự chảy tràn của sự đam mê. Các tác phẩm nghệ thuật lớn đều được ra đời nhờ những cơn bốc đồng của cảm xúc chứ không phải cái mà lý trí nhằm nhằm hướng tới. Tuy nhiên, cũng có những tác phẩm ra đời trong tư duy nghệ thuật mạch lạc mà vẫn hấp dẫn. Nhưng xin nhắc lại khởi điểm của những sáng tác ấy cũng phải bắt đầu từ sự quan sát, băn khoăn trăn trở… Như vậy, cái thúc giục họ sáng tạo trong sự chuyên chế của lý trí cũng là một dạng cảm xúc.

Như vậy, cảm xúc không chỉ giúp người sáng tác nhìn ngắm sâu sắc mà còn đối thoại, phát biểu giúp đỡ cuộc đời. Mặc dù vậy, nếu chỉ có cảm xúc thì người nghệ sĩ chưa thể sáng tác được mà người nghệ sĩ cần phải có trí tưởng tượng, ta có thể nói tưởng tượng là nguồn nuôi dưỡng cảm xúc cho tâm hồn giống như bữa ăn nuôi sống cơ thể. Tôi rất thích thú với sự hóm hỉnh của Banzac khi nói tới vai trò của cảm xúc đối với người nghệ sĩ: “Xét về mặt tự tiện và đỏng đảnh thì không một gái giang hồ nào sánh nổi với cảm hứng của nghệ sĩ. Nên khi cảm hứng xuất hiện một cái là phải tóm lấy như một dịp may hiếm có vậy.”

2.                  Tưởng tượng

Nghệ thuật là sự sáng tạo. Muốn sáng tạo thì người nghệ sĩ phải có trí tưởng tượng phong phú. Các nhà tâm lý cho rằng “tưởng tượng là cấu trúc hạt nhân cùng với cảm xúc tạo nên năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ, một hình tượng nghệ thuật muốn thể hiện sự tổng hợp và khái quát cao thì trong tư duy của người nghệ sĩ phải gắn liền với cảm xúc và tưởng tượng”.

Nhấn mạnh đặc điểm của quá trình tưởng tượng sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật, P.A.Ruđich viết: “Đó là quá trình có cao trào cảm xúc đặc biệt và nó mang lại cho hoạt động sáng tạo của con người một tích chất hứng khởi, tức là một trạng thái mà con người dường như thoát lý, thăng hoa khỏi xung quanh”. Quan điểm này của Ruđich hoàn toàn thống nhất với quan điểm của các nhà tâm lý học biện chứng, cho rằng không thể đem thứ tưởng tượng thông thường của tất cả mọi người để sáng tạo nghệ thuật mà phải là thứ tưởng tượng mang yếu tố cảm xúc.

S.Freud cho rằng: Tưởng tượng được nảy sinh từ những khát vọng bản năng vì khát vọng quá lớn con người không thực hiện được trong đời sống hiện thực thì họ phải thỏa mãn trong tưởng tượng của mình. Trong tưởng tượng họ sẽ thực hiện và giãi bày để người đời hiểu được họ muốn gì và họ làm như thế nào để đạt được điều đó.

Tưởng tượng  cho ta một khát vọng hình hài. Chỗ khoa học và nghệ thuật nhập làm một là tưởng tượng, bởi tưởng tượng là tự do là vượt lên hiện tại và thực tại để trở về đó một cách sâu sắc hơn, chính xác hơn, bản chất hơn- khoa học và nghệ thuật cùng có sứ mạng ấy. Có ba thứ mà các bậc thầy luôn khuyên các nghệ sĩ trẻ khi sáng tác là: quan sát- suy đoán, ghi nhớ- nhập tâm và tưởng tượng. Hai thứ đầu là mảnh đất và hạt mầm làm nảy nở, còn thứ sau cùng nhằm làm cho tác phẩm ra đời hoàn hảo. Có lẽ chính khát khao vượt qua, phủ nhận cái quan sát được, ghi nhớ được, suy lý được, làm nảy sinh tưởng tượng.

Có thể mạnh dạn mà nói ngay rằng tưởng tượng đóng vai trò gần như quyết định trong sáng tác và cảm thụ nghệ thuật. Mỗi tác phẩm của người nghệ sĩ thành công đều là sản phẩm mang đậm dấu ấn của một trí tưởng tượng phong phú và chính nó sẽ làm nảy sinh trí tưởng tượng nơi người thưởng thức. Chắc hẳn, trong chúng ta ai cũng biết hình ảnh siêu thực của nhà hát kịch Opera Sydney của KTS Jorn Utzon ta không thể không liên tưởng đến những chiếc lá của một cây xương rồng mọc khắp trên đất Úc, những chú rùa nối đuôi nhau, những cánh chim hải âu hay những cánh buồm no gió đại dương trên vịnh cảng Sydney thơ mộng. Hay là hình ảnh nhà thờ Ronchamp của Le Corbusier đã gợi lên trong ta biết bao hình ảnh: Đức mẹ trải khăn che chở cho các con chiên, hình ảnh của con tàu, chiếc mũ... và cùng một cách thức biểu đạt như vậy một vài công trình kiến trúc của ta cũng đã mang lại cho người xem những cảm nhận độc đáo. Đó chính là những hình ảnh nghệ thuật được khái quát trong đời sống hiện thực.

Trong cấu trúc năng lực của người nghệ sĩ không thể không kể đến yếu tố sáng tạo. Chính những tác phẩm trên là sản phẩm của trí tưởng tượng, cảm xúc trước sự vật hiện tượng, kết hợp với trí sáng tạo của người nghệ sĩ.

3.                  Tư duy sáng tạo

Thời kỳ Phục Hưng, quan niệm sáng tạo được thể hiện như một nghệ thuật mà đặc trưng ở tính trực quan. Sáng tạo không tách rời với thực tại, không phải là những gì viển vông, xa rời thực tế. Sáng tạo bắt nguồn từ những điều kiện lịch sử cụ thể, nằm trong mối liên hệ, gắn bó, ràng buộc với thực tại xung quanh và trở về với thực tiễn, phục vụ cuộc sống của con người. Các nhà tâm lý học macxit cũng chỉ ra rằng sáng tạo còn gắn liền với năng lực bẩm sinh và khả năng tự rèn luyện nâng cao năng lực sáng tạo của mỗi người.

Phân tâm học cho rằng sáng tạo là lĩnh vực thuộc về vô thức, thuộc về bản năng của con người và là biểu hiện của sự thăng hoa. S.Freud cho rằng khi nhu cầu tính dục bị bồn nén con người luôn tìm kiếm cách thể hiện khác và một trong những cách đó là sáng tạo nghệ thuật.

Trong nghệ thuật, yếu tố sáng tạo đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nó quyết định sự thành công của người nghệ sĩ đối với tác phẩm của họ. Tư duy sáng tạo ở mỗi người sẽ quyết định sự thành công ở họ. X.L.Rubinstein cho rằng: “Hoạt động sáng tạo là hoạt động tạo ra những cái mới, cái độc đáo. Cái mới, cái độc đáo này không chỉ đi vào lịch sử của cá nhân người sáng tạo mà còn đi vào lịch sử khoa học nghệ thuật”.  Sự thay thế giữa cũ và mới của mỗi cá nhân tác giả đều phải phụ thuộc vào những điều kiện văn hoá và ý thức sáng tạo riêng.

Kết luận:  Có thể nói trong cấu trúc năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ có ba đặc trưng đó là cảm xúc, tưởng tượng, tư duy sáng tạo. Những yếu tố này đan xen và hòa quyện vào nhau trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ, chứ chúng không tách rời nhau. Để một tác phẩm của người nghệ sĩ được công chúng đón nhận thì cần có cả ba yếu tố trên xuất hiện trong tác phẩm của họ./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.                  Lê Thị BằngBước đầu đánh giá về tưởng tượng sáng tạo của sinh viên trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội – Luận văn Thạc sỹ – 1998.

2.                  Trương Bích Hà (1999), Tưởng tượng sáng tạo của sinh viên khoa diễn viên Trường Đại học sân khấu điện ảnh Việt Nam, Luận án tiến sĩ Tâm lý học, Đại học Sư phạm Hà Nội.

3.          Trương Bích Hà (1999), Tâm lý học nghệ thuật, Đề cương bài giảng dành cho cử nhân tâm lý học, Viện Khoa học giáo dục.

4.                   M.A. NauđropTâm lý học sáng tạo văn học, NXB Giáo dục, 1978.

5.                  P.A. RuđichTâm lý học thể thao, NXB TDTT HN 1980.

6.                  L.X. VưgotxkiTâm lý học nghệ thụât, NXB KHXH, 1995.