Nội san

Thụ động và chủ động trong cách học môn Hình họa ở sinh viên sư phạm Mỹ thuật: Lý thuyết và trực quan

22 Tháng Mười Một 2010

Tham luận Hội thảo

Giáo dục Nghệ thuật và cuộc sống

 

 TS.Đoàn Thị Mỹ Hương

Khoa Sư phạm Mỹ thuật

 

Môn học hình họa có đặc điểm là phương pháp dùng hình vẽ để mô tả đối tượng khách quan có thực mà mắt ta quan sát được bằng đường nét, hình mảng, khối, sáng tối, đậm nhạt để tạo ra không gian ảo ba chiều trên mặt phẳng hai chiều (mặt giấy). Được gọi theo nhiều cách khác nhau: vẽ hình họa, vẽ theo mẫu, vẽ tả thực. GS.Phạm Công Thành đã đưa ra những định nghĩa tuy sơ lược nhưng mang tính khái quát về thuật ngữ này như là một thứ hình vẽ chuyên biệt nhằm nghiên cứu thật sâu vẻ đẹp hình thái của cơ thể người[1]. Nghiên cứu hình họa là một trong những môn học cơ bản không thể thiếu được trong quá trình hình thành kỹ năng, nhận thức về nghệ thuật Hội họa. Trong đó, cần phải tự xây dựng cho mình cách sử dụng, khai thác triệt để các yếu tố của ngôn ngữ tạo hình như đường nét, hình mảng, khối, đậm nhạt, màu sắc; đồng thời cũng cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa tư duy trí tuệ và khả năng biểu cảm trong sáng tác mỹ thuật. Vì thế rèn luyện kỹ năng nghiên cứu hình họa tốt là cơ sở ban đầu cho những người làm công tác mỹ thuật có khả năng, tự tin phát triển nghề. Nghiên cứu vẻ đẹp của cơ thể con người là đối tượng chủ yếu được hình họa hướng tới ngay từ các tác phẩm nghệ thuật thời Phục Hưng cũng như các tác phẩm nghệ thuật sau này. Việc nghiên cứu này nhằm phục vụ cho sáng tác tranh cũng như trang bị và hoàn thiện hơn cho nghề nghiệp của họa sỹ.

Xem xét về hoạt động dạy và học trong sinh viên, có thể nói nó diễn ra theo một quá trình nhất định, trong đó giảng viên có chức năng xây dựng kế hoạch dạy học, lựa chọn nội dung, phương pháp, phương tiện, lựa chọn hình thức tổ chức dạy học và vận dụng chúng để giúp cho quá trình nhận thức của sinh viên được hiệu quả nhất. Sinh viên có vai trò tự giác, tích cực, độc lập để chiếm lĩnh tri thức, hình thành kỹ năng, kỹ xảo tương ứng; phát triển năng lực hoạt động trí tuệ, phát triển năng lực tư duy sáng tạo, hình thành nhân cách một cách đúng đắn nhất. Vậy, học tập chủ động và học tập thụ động là gì và có ý nghĩa như thế nào trong quá trình nhận thức của sinh viên, đặc biệt đối với môn học hình họa?

Phương pháp dạy- học truyền thống trước đây đã cho thấy cách truyền thụ kiến thức một chiều theo kiểu «đọc- chép», lấy giáo viên làm trung tâm đã bộc lộ những bất cập trong quá trình nhận thức của sinh viên. Ở đó, những kiến thức sinh viên thu nhận được luôn có một giới hạn: giới hạn trong kiến thức của mỗi người dạy, và người học sẽ bị bó hẹp trong phương cách đó, nó hạn chế khá lớn sự sáng tạo, đặc biệt trong môn học đặc thù như bộ môn hình họa. Người học, trong phương pháp này thường được coi là dạng học tập thụ động, thụ động trong thu nhận kiến thức, và hạn chế trong sáng tạo. Trong cách học thụ động này, người dạy hình họa tuy không cố ý, nhưng cũng dần tự hình thành một thói quen truyền thụ kiến thức theo kiểu «truyền nghề» một cách vô thức, mà thời gian sẽ biến chúng thành một sự quen thuộc nhàm chán. Bởi, trong mỗi người dạy chỉ có thể có được một lượng kiến thức nhất định, không thể tránh khỏi những thiếu sót, phiến diện. Mặt khác, nghệ thuật không bao giờ đứng yên, nó luôn vận động theo không gian và thời gian, vì thế công tác cập nhật thông tin vẫn luôn là những đòi hỏi, thách thức đối với hoạt động dạy và học trong khối các trường nghệ thuật nói riêng. Ngày nay, trong giai đoạn của sự hội nhập và chuyển giao công nghệ, cách dạy- học thụ động đã được chuyển hướng sang phương pháp mới, thể hiện một cách tân trong tư duy dạy- học: lấy học sinh làm trung tâm, trong đó học sinh là chủ thể hoạt động, giáo viên là người chịu trách nhiệm thiết kế, tổ chức, hướng dẫn, tạo nên sự tương tác tích cực giữa người dạy và người học. Đây là điều kiện tốt khuyến khích sự tham gia chủ động, sáng tạo và ngày càng độc lập của học sinh, sinh viên vào quá trình học tập. Việc truyền thụ kiến thức này cho thấy những ưu điểm trong khai thác những tiềm năng sẵn có trong mỗi người tham gia hoạt động dạy và học này. Việc làm để tạo ra những cái không có sẵn đó là thể hiện của tính tích cực, thể hiện sự cố gắng, nghị lực để đạt được mục đích đặt ra. Hoạt động nhận thức, thể hiện sự khao khát hiểu biết, sự cố gắng trí tuệ và nghị lực, ý chí trong quá trình chiếm lĩnh tri thức chính là hoạt động học tập chủ động. Bởi chỉ có chủ động, sinh viên mới có thể hoàn toàn tự tin trong thu nhận kiến thức tùy theo khả năng và trình độ của mỗi cá nhân trong học tập. Phát huy cá tính riêng trong sáng tạo bài học cũng như sáng tạo nghệ thuật.

Nhìn lại chương trình đào tạo môn hình họa trong các trường sư phạm hiện nay đều bao gồm hệ thống bài nghiên cứu nâng dần từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, như: nghiên cứu khối cơ bản, khối biến dạng, dụng cụ gia đình, tĩnh vật, tượng xương sọ, đầu tượng lột da, phác mảng, tượng chân dung, chân dung người, tượng bán thân (chất liệu chì), hình họa chất liệu bột màu (tĩnh vật, chân dung)... cho đến toàn thân người, hình họa chất liệu bột màu, sơn dầu (bán thân, toàn thân mẫu người, mẫu đôi). Trong hệ thống các bài vẽ hình họa, để có thể đạt yêu cầu của bài học, người học không chỉ có sự chăm chỉ, tâm huyết mà còn rất cần có sự đam mê trong tìm hiểu, thử nghiệm các cách thức thể hiện không gian, đậm nhạt, chất liệu, hay nói cách khác, phải chủ động được các kỹ năng diễn tả các tác động của tổ chức nét đan xen, hòa quyện theo nhiều hình thái khác nhau như từ nét thẳng, nét cong, nét gấp khúc, nét nhấn, nét buông... khác nhau có tác dụng như thế nào đối với tâm sinh lý thị giác. Trong diễn tả hình họa, việc nắm bắt được sự phong phú của đậm nhạt, sáng tối còn tạo nên hệu quả về chất và sắc thái của mẫu vẽ. Ngoài ra màu sắc còn có vai trò quyết định làm bài vẽ thêm sống động, biểu cảm, nó giúp người vẽ có khả năng diễn tả chân thực đối tượng nghiên cứu, mặt khác nó còn là công cụ để người vẽ biểu đạt thế giới quan của riêng mình đối với sự vật hiện tượng đặc biệt trong môn hình họa màu. Theo nhìn nhận, đánh giá dựa trên kinh nghiệm nhiều năm trong nghề giảng dạy mỹ thuật của GS.Phạm Công Thành, ông cho rằng: Nhiều người giỏi hình họa nhưng không sáng tác được là do chỉ vẽ người trong tư thế tĩnh mà không chịu luyện ký họa, theo dõi và ghi chép những hoạt động ngoài thực tế, không biết vận dụng luật xa gần để tạo không gian trên mặt phẳng, không có ý niệm nhịp điệu trong việc bố cục, không thiết lập được các quan hệ hợp lý trên mặt tranh…”[2]

Với những đặc trưng như vậy, theo quan điểm chỉ đạo hoạt động dạy học hiện nay, tập trung vào ba phương thức cơ bản: Cách học– Chủ độn – Công nghệ truyền thông mới. Chúng tôi cho rằng, về cách học, môn học hình họa trong các trường mỹ thuật là một môn học cơ bản, trong đó, quá trình học là sự áp dụng tổng hợp các phương pháp truyền thụ kiến thức như giải thích- minh hoạ, tái hiện, trình bày nêu vấn đề. Phương pháp vận dụng tri thức như dùng lời, dùng trực quan, luyện tập thực tiễn nhằm hình thành kỹ năng, kỹ xảo, kết hợp với phương pháp củng cố, kiểm tra (tự kiểm định lại mình)... thể hiện ở sự kết hợp lý thuyết với trực quan vào thực hành trên bài vẽ. Như vậy, trực quan trong môn học hình họa có vai trò rất quan trọng trong môn học đặc thù thiên về nghệ thuật thị giác. Trực quan, không chỉ ở những hình ảnh, những bài vẽ mẫu tiêu biểu mà còn là sự giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa những người học với nhau. Trong đó, sinh viên cần tự mình khám phá những điều mình chưa biết, chưa rõ chứ không phải là sự thụ động tiếp thu những tri thức do giảng viên sắp sẵn. Điều này rất phù hợp với những cấp độ biểu hiện của tính tích cực trong quá trình học tập và sáng tạo của sinh viên mỹ thuật: Bắt chước- Tìm tòi- Sáng tạo. Việc áp dụng phương pháp tự học trong sinh viên cũng góp phần thúc đẩy sự chủ động trong khai thác, học hỏi kinh nghiệm cũng như kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo. Ngoài ra rèn luyện khả năng tự học có thể trang bị cho sinh viên có kỹ năng, thói quen, ý chí học tập chủ động và học tập suốt đời, người học tự học cả trong và ngoài giờ lên lớp. «Học tày không tày học bạn», thiết nghĩ, câu nói đúc kết từ kinh nghiệm thực tế này đã, đang và vẫn luôn đúng đối với sinh viên học mỹ thuật nói riêng. Chủ động trong cách học sẽ tăng cường hơn khả năng tổ chức nhóm, tổ chứcc ác hoạt động tập thể, kết hợp với hoạt động cá thể là một cách học khá hữu hiệu, ở đó, sinh viên phải tự chịu trách nhiệm với việc học của mình, đặc biệt, sự chủ dộng trong học tập còn nâng cao hơn «sỹ diện về nghề» trong mỗi cá nhân sinh viên trên con đường học tập cũng như sáng tác sau này.

Về công nghệ truyền thông mới, đối với bộ môn hình họa, để đáp ứng với yêu cầu này trong kỹ năng hướng dẫn và truyền thụ kiến thức đã cho thấy công nghệ thông tin hiện nay đã và đang trở thành một công cụ thiết yếu cho việc xây dựng một mô hình dữ liệu về hình ảnh, trong đó xác định chương trình, thiết kế các bài giảng, vận hành và sử dụng nó là việc làm rất cần thiết và rất hiệu quả cho những môn học này. Đặc biệt, người học được trải nghiệm qua những hình ảnh cụ thể, sinh động và phong phú về thể loại, người học sẽ tự khám phá cách giải quyết hay tự thấy các vướng mắc cho cách giải quyết đó, kích thích sự tìm tòi, tự sáng tạo... Từ những lý thuyết đến trực quan đã trình bày, ta có thể thấy rõ trong quá trình giảng dạy môn hình họa sự cần thiết phải có hệ thống bài giảng mang nhiều tính chất minh họa bằng hình ảnh, đòi hỏi giảng viên lên lớp khả năng thu thập các giáo cụ trực quan phong phú, sát với lý thuyết, giúp cho quá trình thực hành được sáng tỏ, phần nào còn mang nét đặc thù của những kinh nghiệm xử lý các chất liệu từ đơn giản như bút chì, bột màu đến chất liệu khác như than, sơn dầu, bút sắt, mực nho, màu nước... và thực tiễn cũng cho thấy cần phải áp dụng và vận dụng nhiều hơn các phương pháp dạy học tích cực, hay nói cách khác là phải tìm ra cách học mới, gợi mở tư duy cho người học, từ đó phát huy tính sáng tạo, độc lập trong học tập, sáng tác. Quan sát, phân tích, gợi mở tư duy sáng tạo là những cơ sở thiên về lý thuyết, nên việc thực hành những lý thuyết đó cũng quan trọng không kém. Do đó, cần tập trung vào quá trình này, ở đó, người dạy cần có kỹ năng hướng dẫn, gợi ý, phát hiện và hướng cho người học đi theo những cách riêng phù hợp khả năng của mỗi người. Và không gì khác hơn chính là rèn luyện việc tự học cho sinh viên, hướng sinh viên đi theo những hoạt động học chủ động, đặc biệt trong hệ các bài vẽ nghiên cứu bộ môn hình họa. quá trình giảng dạy, chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của việc đổi mới phương pháp dạy học môn hình họa và ký họa trước hết ở phương pháp quan sát trực quan sinh động. Do đặc thù môn học kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, nên việc quan sát những bài vẽ minh họa là hết sức cần thiết và hữu hiệu. Từ đó đặt ra vấn đề phải làm sao cho những trực quan ấy gây được hứng thú đối với người học? Và những mô hình, giáo cụ trực quan làm thủ công có đáp ứng được nhu cầu, trình độ và các phong cách mới hiện tại hay không? Tất cả những điều đó chúng tôi cho rằng việc ứng dụng một số phần mềm tin học đã đáp ứng được những đòi hỏi đó. Do vậy, công nghệ thông tin đã giúp cho việc dạy- học trong quá trình quan sát trực quan thực sự thuận tiện và sinh động hơn. Đặc biệt, ngày nay có khá nhiều phần mềm tin học có thể hỗ trợ cho bài giảng được sinh động, hấp dẫn hơn như bên cạnh chức năng khai thác thông tin khá phổ biến trên internet như các giao diện: Google, yahoo... còn có những phần mềm trình chiếu bao gồm cả âm thanh, hình ảnh, phim video đã chuẩn bị sẵn như Powerpoint, Flashpoint và Flashdemo cho phép người dùng có thể đưa những hình ảnh động kết hợp với Powerpoint làm cho bài giảng thêm sinh động. Phần mềm Photoshop giúp chỉnh sửa ảnh, làm hiệu ứng, Coreldraw cho phép khai thác, vẽ những minh họa bằng nét... Đây chính là những phần mềm khá hữu dụng, giúp phát huy tính chủ động của sinh viên trong môn học hình họa. Dựa vào công nghệ thông tin, các giảng viên có  thể chủ động hơn trong soạn nội dung giáo án, hoàn thiện kỹ năng dạy- học và đáp ứng được yêu cầu dạy-học tích cực mà ngành giáo dục đó đề ra với phương châm cốt lõi: hướng tới hoạt động học tập chủ động, chống lại thói quen học tập thụ động trong học sinh, sinh viên./.

 

 



[1] Trích tham luận « Hãy gọi đúng tên », hội thảo về hình họa tại trường đại học Mỹ thuật Việt Nam  ngày 15 tháng 9 năm 2009

[2] Trích tham luận « Hãy gọi đúng tên », hội thảo về hình họa tại trường đại học Mỹ thuật Việt Nam  ngày 15 tháng 9 năm 2009 tại trường ĐH Mỹ thuật VN