Nội san

Cái mới

18 Tháng Bảy 2011

Phan Cẩm Thượng

 

Mười lăm năm qua (1988 - 2003) hội hoạ Việt Nam đã trở thành một sự kiện, được biết đến ở quốc tế. Nhưng mức độ mà nó đạt được mới ở tầm giới thiệu văn hoá và thương mại. Cái giá trị nghệ thuật và nhân văn chưa được đánh giá như hoạ sĩ mong muốn, và còn xa để bước vào cái bảo tàng tầm cỡ. Điều ấy có nhiều nguyên nhân nội tại và khách quan, nhất là khi nền kinh tế còn đang trong giai đoạn phát triển, hội hoạ và nghệ thuật nói chung do nghệ sĩ tự lo, đại bộ phận dân chúng còn xa lạ với những gì nghệ sĩ làm ra, còn sùng bái nghệ thuật tôn giáo.

Dẫu vậy thì một đất nước sau chiến tranh vệ quốc, vết thương cũ chưa hẳn lành, kinh tế thị trường còn non trẻ đã đặt ra quá nhiều thách thức để hoà nhập nền kinh tế thế giới, môi trường sống bị phá huỷ nghiêm trọng, tệ nạn và sự xuống cấp về thẩm mỹ... tất cả vẫn là nguyên liệu tốt cho các đề tài nghệ thuật khi hướng về nhân dân, mà đòi hỏi nghệ sĩ phần lớn hơn, sâu sắc hơn những gì đã đạt được, gần nhân bản hơn, trước hết với chính nội tâm anh ta, để nhìn thẳng cái gì là nghệ thuật  trước mắt, cái gì là nghệ thuật lâu dài.

 

Tượng Tổ Tăng già Nan đề, chùa Tây Phương, thế kỷ 18, gỗ phủ sơn.

Minh họa: Trung Dũng

 

Hội hoạ giá vẽ đã bùng nổ cực thịnh nhất là được hỗ trợ bởi các chất liệu và kỹ pháp truyền thống như sơn mài, lụa, giấy gió. Nhưng hoạ sỹ cũng đã thấy giới hạn tận cùng của nó, khi muốn biểu hiện một ý tưởng rộng rãi hơn, muốn người xem sống chung với tác phẩm của mình như một thành phần biểu hiện. Vì vậy mà nghệ thuật sắp đặt và trình diễn là niềm đam mê mới cuốn hút lớp hoạ sỹ trẻ từ 20 - 30 tuổi, muốn nhanh chóng được ghi nhận tên tuổi và phô diễn ra nước ngoài.

Đời sống văn hoá làng xã và các di sản nghệ thuật cổ điển, đền, chùa, tượng Phật, đồ gốm cũng bởi lẽ luôn luôn can thiệp vào tư duy hiện đại, làm nên tính truyền trống và tín ngưỡng trong nền hội hoạ mới. Vẽ lại các mô típ tượng trưng cổ và một trật tự không gian mới là một cách. Tiếp nối tinh thần thẩm mỹ truyền thống trong các bút pháp hiện đại là cách khác. Trong quá trình này, nếu như sự hướng ngoại, sùng bái phương Tây cho thấy không ít những biểu hiện lai căng, thì sự hướng nội, tìm về cội nguồn và phương Đông lại cho thấy không ít những biểu hiện nệ cổ và chắp vá. Đó cũng là quá trình tìm tòi đa hướng và đa dạng về phong cách của giai đoạn nghệ thuật mới gắn liền với sự chuyển đổi từ kinh tế bao cấp, sang kinh tế thị trường và sự phát triển của đời sống dân chủ. Do vậy mà tính thuần khiết của hội hoạ của gần một thế kỷ không còn nữa. Sự khủng hoảng trong sáng tác mà bộc lộ những giới hạn cuối cùng của ngôn ngữ hội hoạ giá vẽ, vừa cho thấy nhu cầu tất yếu tìm đến cái mới của nghệ thuật và nói lên cái mới của đời sống. Cho dù là cái mới này chưa hoàn hảo, và nhiều điều non yếu, nhưng vẫn hơn là lặp lại sự tả thực đã trở nên tẻ nhạt, tưởng rằng là hiện thực, nhưng lại ít hiện thực nhất, vì nếu chỉ vẽ được cái vẻ ngoài của cuộc sống và tự nhiên, mà không nắm được phần hồn, phần nhân bản nằm sâu bên trong sự vật./.

                       

2003