Nội san

Ca khúc viết cho nhà trường phổ thông nhìn lại và hướng tới

13 Tháng Bảy 2011

Tham luận Hội thảo khoa học

"Ca khúc cho nhà trường phổ thông hiện nay - thực trạng và giải pháp"

 

 

NS. Hoàng Long

 

Trước hết tôi muốn nêu một ý kiến là: Ca khúc cho nhà trường, Ca khúc cho thiếu nhi và Ca khúc cho trẻ em, 3 cụm từ này có thể đồng hành với nhau. Bởi nhà trường trong Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có các ngành học từ trường Mầm non, trường Tiểu học và trường Trung học cơ sở (THCS), học sinh (HS) đều là trẻ em và trẻ em gồm có các lứa tuổi: mẫu giáo, nhi đồng và thiếu niên. Thiếu niên lớn ở trường Trung học phổ thông (THPT) tuy cận kề với tuổi thanh niên nhưng chưa hẳn là thanh niên. Đến cuối cấp THPT các em mới là thanh niên.

Nhiều năm qua, những ca khúc viết cho các lứa tuổi học đường từ Mầm non (mẫu giáo) tới Tiểu học, THCS và cả lứa tuổi THPT, đã có tới hàng ngàn, hàng ngàn bài của hàng trăm tác giả với rất nhiều tác phẩm thành công. Những bài hát đó đã đi sâu vào đời sống tinh thần của nhiều thế hệ trẻ, được xã hội ghi nhận. Người ta gọi đó là ca khúc thiếu nhi (hay là ca khúc cho trẻ em). Lại có sự phân định rõ ràng hơn, gồm ca khúc mẫu giáo, ca khúc nhi đồng, ca khúc thiếu niên rồi bài hát tuổi hồng, khi xếp theo từng lứa tuổi. Thực ra sự phân chia như thế cũng chỉ mang tính chất tương đối.

Các nhạc sĩ gắn bó cùng tuổi thơ đã để lại nhiều bài hát sống mãi với thời gian và đi cùng năm tháng. Có thể kể một số bài trong số rất nhiều bài của các tác giả như: Phong Nhã với Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Hành khúc Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh; Lưu Hữu Phước với Reo vang bình minh, Thiếu nhi thế giới liên hoan; Văn Chung với Đếm sao, Lì và Sáo; Phạm Tuyên với Chiếc đèn ông sao, Cánh én tuổi thơ; Hoàng Vân với Em yêu trường em, Mùa hoa phượng nở; Trương Quang Lục với Trái đất này của chúng em, Tuổi hồng; Hoàng Long - Hoàng Lân với Bác Hồ người cho em tất cả, Từ rừng xanh cháu về thăm lăng Bác; Hàn Ngọc Bích với Đưa cơm cho mẹ đi cày, Em bay trong đêm pháo hoa; Xuân Giao với Em mơ gặp Bác Hồ; Mộng Lân với Em là mầm non của Đảng, Nguyễn Bá Ngọc -người thiếu niên dũng cảm; Trần Đức với Khi tóc thầy bạc; Hồng Đăng với Kỷ niệm thành phố tuổi thơ; Phan Long với Từ Ra-dơ-líp đến Pác Bó; Phan Huỳnh Điểu với Đội kèn tí hon; Nguyễn Văn Tý với Màu áo chú bộ đội; Trịnh Công Sơn với Em là bông hồng nhỏ, Tuổi đời mênh mông; Phạm Trọng Cầu với Cho con, Trường làng tôi; Bùi Đình Thảo với Đi học, Em đi giữa biển vàng; Phan Văn Minh với Cả nhà thương nhau; Cao Minh Khanh với Chiều thu nhớ trường, v.v...

 

Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, một trong những ca khúc gắn bó với lứa “tuổi hồng” (st)

 

Hơn nửa thế kỉ qua đã có không biết bao nhiêu ca khúc có giá trị đã đi vào đời sống âm nhạc của hàng triệu thiếu niên nhi đồng qua nhiều thế hệ. Lúc các em còn học Mẫu giáo, đến khi sinh hoạt ở Đội Nhi đồng, Đội thiếu niên và học tập ở các trường phổ thông. Đó là một trong những hành trang tinh thần quí giá và là những kỉ niệm khó quên khi các em bước vào cuộc sống.

Nhiều cuộc thi hoặc vận động sáng tác cho thiếu niên nhi đồng đã được tổ chức. Sau các cuộc đó, ít nhiều đều có những bài đọng lại. Một vài hội thảo về âm nhạc cho trẻ em cũng đã được tổ chức. Đặc biệt là một hội thảo lớn "40 năm Âm nhạc thiếu nhi" do Hội nhạc sĩ VN tổ chức vào giữa những năm 80 của thế kỉ trước, đã để lại kết quả rất tốt. Hội Âm nhạc Hà Nội đã tổ chức một hội thảo chuyên đề về sáng tác ca khúc cho lứa tuổi HS phổ thông trung học vào khoảng đầu những năm 2000. Nhưng đó đều là những việc diễn ra cách đây đã khá lâu. Những năm gần đây nhất, các việc này cứ thưa dần và gần như vắng bóng hẳn. Thỉnh thoảng, Đài Tiếng nói Việt Nam hay Truyền hình Việt Nam có mời một vài nhạc sĩ đến giao lưu, tọa đàm về âm nhạc thiếu nhi, cũng gióng lên vài hồi chuông về thực trạng âm nhạc thiếu nhi, có kiến nghị, có đề xuất nhưng rồi mọi việc cứ trôi qua lặng lẽ. Những năm gần đây, Hội nhạc sĩ VN trao giải thưởng hàng năm cho các lĩnh vực sáng tác, nghiên cứu trong đó đã có giải thưởng dành cho âm nhạc thiếu nhi. Việc này động viên được nhiều nhạc sĩ đến với lĩnh vực âm nhạc tuổi thơ, hết sức đáng ghi nhận. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy những sáng tác cho thiếu nhi được giải của Hội chưa mấy bài đi vào đời sống âm nhạc của các lứa tuổi nhỏ, thậm chí có bài được giải cao nhưng đã có lời phê phán là nhạc thiếu nhi như vậy là thiếu tính giáo dục!

Để chào thế kỉ XXI, báo Thiếu niên Tiền phong phối hợp với một số cơ quan đã tổ chức cuộc bình chọn những bài hát thiếu nhi Việt Nam hay nhất thế kỷ 20 và đã đưa ra một danh mục gồm 50 bài. Đại đa số những bài trong số đó đều xứng đáng nhưng cũng có một ít bài chưa đủ tầm, bởi sức sống và sự lan tỏa của những sáng tác ấy còn khá nhiều hạn chế. Trong khi đó, có một số bài bị bỏ sót rất đáng tiếc.

  Từ năm 2000 trở lại đây, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đưa môn âm nhạc vào giảng dạy trong các trường Tiểu học và THCS trên phạm vi cả nước thì bài hát cho nhà trường càng cần được đáp ứng nhiều hơn. Những nhà biên soạn chương trình, sách giáo khoa âm nhạc cho các cấp học chỉ có thể khai thác tư liệu từ nguồn ca khúc viết cho trẻ em trước năm 2000. Với số lượng bài hát được đưa vào sách âm nhạc Tiểu học và THCS tổng cộng khoảng trên dưới 100 bài (bao gồm cả dân ca và một số ca khúc nước ngoài), chương trình đã được thực hiện gần 10 năm nay, cũng đã bộc lộ những ưu điểm và nhược điểm khá rõ. Xin nêu một ví dụ: Bên cạnh đa số bài được các em tiếp nhận thì có bài còn chưa phù hợp với độ tuổi vì quá dài, có bài lại quá ngắn khi đưa vào từng lớp hoặc sử dụng ở một cấp học cụ thể, dù nội dung và nghệ thuật của tác phẩm khá tốt.

Đã có những tập bài hát thiếu nhi tập hợp hàng trăm bài được tuyển chọn do công sức của một người hoặc một nhóm tác giả, đã xuất bản. Những tập bài hát đó cung cấp nguồn tư liệu dồi dào cho những người hoạt động âm nhạc phục vụ thiếu nhi trên cả nước nhưng có một nhận xét là: những bài hay, bài tốt và những bài có đời sống trong âm nhạc thiếu nhi thường được in đi, in lại trong quá nhiều cuốn. Sự trùng lặp đó khiến người ta có cảm giác bị "ăn độn" hơi nhiều vì bên cạnh đó không ít bài chỉ đạt trung bình hoặc dưới mức đó! Dĩ nhiên ở đây có thể thông cảm, bởi sách phải có bài hay thì mới tiêu thụ được!!!

Bên cạnh các tập bài hát thiếu nhi là băng/đĩa nhạc thiếu nhi, trước đây là băng cat- xét, rồi đến đĩa CD và VCD. Phải nói rằng sản phẩm âm nhạc này một thời gian dài đã có rất đông đảo "khách hàng" tiếp nhận. Gần đây xem chừng công việc hữu ích đó bị chững lại bởi sản phẩm phải đầu tư kinh phí nhiều nhưng vừa ra đã bị sao chép không sao kiểm soát nổi! Về chất lượng bài hát trong loại sản phẩm băng /đĩa cũng có không ít vấn đề cần thảo luận thêm (!)

Cuộc sống cứ liên tục trôi như dòng sông không ngừng chảy. Các em nhỏ tiếp tục ra đời và lớn lên. Âm nhạc cho trẻ em và nhà trường cũng vì thế phải liên tục phát triển. Đâu đây đã có những lời phàn nàn: Bài hát cho trẻ em hiện tại vừa thừa vừa thiếu! Thừa vì có nhiều tác giả yêu trẻ em và dành thời gian viết cho trẻ em và có khi lại viết rất nhiều. Thiếu vì bài có chất lượng về nghệ thuật và có tính giáo dục, tính thẩm mĩ cao lại ít. Tìm được những bài đặc sắc, vượt trội lại càng hiếm.

Trong thời gian qua, có một vài tác giả đã dùng đồng dao để phổ nhạc, mong tìm một hướng mới cho ca khúc thiếu nhi. Việc làm đó cũng đã đem lại một số bài được nhiều tốp thiếu nhi ở các nơi dàn dựng trình bày, đạt được hiệu quả tốt. Tuy nhiên, do có tác giả đã phổ đến cả chục, cả trăm bài đồng dao nên sự sáng tạo bị mòn và không ít bài giai điệu bị lặp lại theo một kiểu, sao tránh khỏi sự nhàm chán, đơn điệu!

Nhìn lại những ca khúc viết cho nhà trường, cho thiếu nhi thuộc các lứa tuổi, có thể thấy rằng: lượng bài hát cho lứa tuổi mầm non nhiều hơn những bài viết cho lứa tuổi HS Tiểu học. Lượng bài bát viết cho lứa tuổi HS THCS có tỉ lệ rất cao so với số bài hát viết cho đối tượng HS THPT. Như vậy chúng ta thấy 2 đối tượng HS Tiếu họcTHPT cần được quan tâm viết cho các em nhiều hơn nữa.

Tản mạn đôi điều, điểm qua mấy nét về thực trạng ca khúc cho trẻ em và nhà trường để chúng ta cùng nhau tìm hướng đi và sự phát triển cho âm nhạc học đường thời gian tới.

Xin mạnh dạn nêu lên một vài đề xuất nhỏ và công việc cần làm ngay như sau :

- Về đề tài và nội dung: Nếu những năm tháng trước đây, âm nhạc thiếu nhi quan tâm nhiều đến những đề tài mang tính xã hội, những chủ đề mang tính khái quát thì thời gian tới nên khai thác các sinh hoạt thường nhật và những sự việc, sự vật gần gũi với đời sống tuổi thơ. Nội dung thể hiện không nên chung chung mà phải gắn với tình cảm và suy nghĩ của trẻ em, không mượn lời người lớn nói hộ trẻ. Cố gắng nâng cao chất thơ, chất văn học trong ca từ. Ngoài ca khúc nên viết thêm các thể loại như hợp xướng nhá, ca cảnh, nhạc cảnh...

- Về âm nhạc: Phải tăng cường khai thác âm nhạc dân gian, những âm hưởng dân ca của các vùng miền để xây dựng tác phẩm. Nên tăng cường các bài hát cộng đồng ngắn gọn, dễ phổ biến, hạn định âm vực trong phạm vi trẻ em có thể hát được. Viết bài hát quá dài, nhiều lời, âm nhạc tản mạn chạy theo lời ca, các em rất khó chấp nhận. Tạo ra ngôn ngữ mới trong ca khúc thiếu nhi không có nghĩa cứ phải dùng chất nhạc trẻ, chất Rock, Rap hay Hip hop... mới là hiện đại. Nghiên cứu ca khúc thiếu nhi ở các nước chúng tôi thấy các loại nhạc kiểu đó hầu như vắng bóng. Viết nhạc cho trẻ em hôm nay chúng ta cần suy nghĩ thêm về điều này.

- Cần tổ chức những cuộc vận động sáng tác ca khúc cho nhà trường và thường xuyên có những buổi biểu diễn ca nhạc thiếu nhi trong đó có thể giới thiệu các sáng tác mới và những sáng tác có đời sống lâu năm nhưng được làm mới qua cách dàn dựng, biểu diễn. Muốn thành hiện thực các việc này, cần có một tổ chức. Phải chăng Hội nhạc sĩ Việt Nam hoặc Hội âm nhạc Hà Nội hay Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương có thể thành lập Ban âm nhạc thiếu nhi để tổ chức và điều hành công việc? Nên có một Câu lạc bộ sáng tác âm nhạc thiếu nhi, đây là việc cần làm ngay!

Nhu cầu về âm nhạc cho các lứa tuổi trong các trường học rất lớn. Cả nước chúng ta có tới trên dưới 15 ngàn trường Tiểu học, gần 10 ngàn trường THCS, hàng ngàn trường THPT và cả chục ngàn trường Mầm non (Mẫu giáo) với tổng số học sinh trên dưới 20 triệu em. Hoạt động Giáo dục âm nhạc đã có mặt ở khắp các cấp học từ Mầm non đến THPT mà trong đó ca hát là một nội dung giữ vai trò quan trọng nhất. Tương lai một số năm tới, hi vọng rằng môn âm nhạc sẽ có mặt cả trong chương trình của trường THPT. Tuy vậy, ngay trong giai đoạn hiện tại, vẫn rất cần có nhiều ca khúc cho học sinh phổ thông Trung học (mà ta vẫn gọi đó là những bài hát "Tuổi hồng") đang còn quá thiếu.

Bài hát cho nhà trường, cho trẻ em cần thiết biết chừng nào! Các em luôn khát khao cái mới trong các hoạt động nghệ thuật. Âm nhạc- ca hát có thể đáp ứng cho các em nhưng đó phải là những sản phẩm tinh thần có giá trị nội dung, có nghệ thuật hấp dẫn, phù hợp với các cấp - bậc học theo từng lứa tuổi. Ca khúc thiếu nhi góp phần không nhỏ vào việc giáo dục và định hướng thị hiếu âm nhạc cho các em.

Những học sinh trong nhà trường phổ thông hiện nay đang mong mỏi và chờ đợi ở các nhạc sĩ, các nhà sư phạm và những nhà hoạt động âm nhạc quan tâm đến các em!  ./.