Nghiên cứu lý luận

BÀI TẬP NÂNG CAO KỸ THUẬT DI CHUYỂN TRONG DẠY HỌC CẦU LÔNG CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TW

06 Tháng Mười 2022

BÀI TẬP NÂNG CAO KỸ THUẬT DI CHUYỂN TRONG

DẠY HỌC CẦU LÔNG CHO SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC

SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TW

ThS. Bùi Thị Huyền

Khoa Giáo dục đại cương

Trong thể thao có câu: “Khỏe giò bóng đá, tóp má điền kinh” là câu nói mà bất kỳ ai chơi thể thao hay có ý định lựa chọn một môn thể thao nào đó để tập luyện đều biết đến. Đó là hai môn thể thao được coi là môn thể thao vua – bóng đá và môn thể thao nữ hoàng – Điền kinh. Chúng thu hút được đông đảo người tham gia tập luyện cũng như đón xem mỗi kỳ hoặc một giải thi đấu nào đó. Nhưng trong thể thao còn có rất nhiều môn thể thao khác như bóng rổ, bóng chuyền, bóng ném, bơi lội, tennis…, tất cả chúng đều hướng đến mục đích chung là rèn luyện, củng cố và tăng cường sức khoẻ cho người tập và môn cầu lông cũng không ngoài mục đích đó.

Hiện nay đối với thế hệ trẻ, tập luyện môn cầu lông có tác dụng làm phát triển và hoàn thiện hệ vận động trong đó bao gồm các hệ cơ, hệ xương, hệ thần kinh; đồng thời phát triển tương ứng các hệ thống cơ quan khác của cơ thể như hệ hô hấp, hệ tuần hoàn… Cùng với hệ phát triển các hệ thống cơ quan của cơ thể là sư phát triển các tố chất thể lực quan trọng của mỗi người là sức mạnh, sức nhanh, sức bền, khéo léo và mềm dẻo, tăng khả năng phối hợp vận động. Ngoài ra tập luyện cầu lông còn góp phần tích cực hoàn thiện về nhân cách, rèn luyện các phẩm chất đạo đức, ý trí, tính tự tin, lòng quyết tâm. Tập luyện môn cầu lông thường xuyên mang lại cho người tập tinh thần sảng khoái, sức khỏe dồi dào giúp họ sống tích cực, học tập và là việc hiệu quả. Không chỉ đối với người trẻ tuổi, cầu lông cũng là môn thể thao cho mọi lứa tuổi, đặc biệt với người cao tuổi, tập luyện cầu lông có tác dụng củng cố và duy trì sức khoẻ, chống lão hoá, và hạn chế một số bệnh thường gặp ở tuổi già như huyết áp, xơ cứng động mạch, các bệnh về cột sống… Cơ thể khoẻ mạnh sẽ gúp người cao tuổi sống tự tin hơn trong cuộc sống và tạo ra niềm tin “sống vui, sống khoẻ, sống có ích” cho gia đình và xã hội. Tập luyện và thi đấu cầu lông còn có tác dụng tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị sự hiểu biết lẫn nhau giữa con người với con người, giữa các dân tộc và các quốc gia khác nhau trên thế giới.

Trong những năm gần đây, Cầu lông là một môn thể thao được nhiều người ưa thích và tham gia tập luyện cũng như thi đấu bởi dụng cụ sân bãi tập luyện đơn giản, dễ tập và phù hợp với mọi lứa tuổi, giới tính. Chính vì vậy có rất nhiều câu lạc bộ cầu lông, nhà thi đấu, nhà thể chất được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tập luyện và thi đấu thể thao, đặc biệt là cầu lông tham gia với số lượng lớn. Hàng năm có nhiều giải thi đấu diễn ra cho mọi độ tuổi và tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau như hoạt động thể thao trong hội làng, giải cầu lông người giáo viên nhân dân, giải cầu lông học sinh sinh viên toàn quốc… Môn học cầu lông cũng là nội dung học được nhiều trường đại học, cao đẳng cũng như các trường THPT, THCS đưa vào giảng dạy như một môn thể thao toàn diện.

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW với đặc thù là trường đại học trọng điểm về giáo dục nghệ thuật; trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng về nghệ thuật ở Việt Nam. Sinh viên trường nghệ thuật thường có thể lực và sức khỏe không cao do đặc thù nghề nghiệp. Với đặc thù đó và để sinh viên có thể tăng cường thể lực và sức khỏe của mình trong học tập, Bộ môn Giáo dục thể chất đã lựa chọn nội dung cầu lông (3 tín chỉ) là một trong ba môn học của học phần Giáo dục thể chất 2. So với khiêu vũ và Võ thuật thì cầu lông là môn học được nhiều bạn sinh viên tham gia bởi lẽ nó là môn thể thao giúp người học có thể giao lưu, thi đấu với nhau giúp kích thích sinh viên học tập và tập luyện, nhiều bạn sau khi học xong đã chọn cầu lông là môn thể thao luyện tập hằng ngày nâng cao sức khỏe cũng như thể lực để học tập và làm việc. Quá trình tập luyện thể lực là một quá trình bao gồm nhiều tố chất vận động, song khả năng di chuyển tốc độ trong hoạt động thi đấu Cầu lông giữ vai trò quan trọng, không một kỹ thuật nào của Cầu lông lại không cần đến khả năng này, một VĐV có khả năng di chuyển tốt sẽ luôn chủ động áp dụng các ý đồ chiến thuật của mình, giúp cho VĐV đó tiết kiệm được thể lực và tăng cường khả năng thi đấu trong thời gian dài, ngược lại nếu khả năng di chuyển kém sẽ tạo ra cho các vận động viên những tình huống bị động khi đánh trả cầu cho đối phương.

Tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW các giảng viên trong bộ môn Giáo dục thể chất đều có trình độ chuyên môn vững vàng về nội dung Cầu lông, giúp sinh viên học được cung cấp hệ thống lý thuyết cũng như thực hành những tư thế động tác, chiến thuật hay phương pháp tổ chức thi đấu và trọng tài trong cầu lông chi tiết, dễ hiểu. Qua quan sát sinh viên tham gia tập luyện cầu lông trong những năm qua, tôi nhận thấy rằng các bài tập huấn luyện tốc độ di chuyển chưa hợp lý dẫn đến tốc độ di chuyển trong tập luyện và thi đấu của các sinh viên bị hạn chế, di chuyển chưa đúng kỹ thuật, khả năng phản ứng chậm khó có thể đáp ứng với yêu cầu thi đấu cao của môn thể thao hiện đại này. Thực tế công tác giảng dạy Cầu lông hiện nay tuy đã được đầu tư đáng kể, nhưng thực chất chưa định hướng rõ vấn đề then chốt cần giải quyết. Năng lực di chuyển là một yếu tố riêng biệt mang tính đặc thù nhưng trong giảng dạy cũng như huấn luyện còn bị xem nhẹ. Qua đó, tác giả nhận thấy cần thiết phải có các biện pháp để cải thiện tình trạng trên, giúp sinh viên tăng cường sức khỏe nói chung và sức bền di chuyển trong cầu lông nói riêng.

Từ thực tế khái quát được một số vấn đề lý luận và thực tiễn có liên quan đến vấn đề nghiên cứu để làm rõ hơn các khái niệm liên quan đến đề tài như khái niệm giáo dục thể chất, cầu lông, di chuyển trong cầu lông… Bên cạnh đó tác giả cũng khảo sát được chương trình, nội dung cũng như phương pháp giảng dạy của học phần giáo dục thể chất 1 và học phần giáo dục thể chất 2, thực trạng học tập và thể lực của sinh viên trong học nội dung cầu lông thuộc chương tình giáo dục thể chất 2. Tất cả những lý luận và thực tiễn đó là cơ sở để  nghiên cứu, lựa chọn các bài tập nâng cao khả năng di chuyển trong dạy học nội dung Cầu lông, giúp sinh viên nâng cao khả năng di chuyển và tăng khả năng tiếp xúc với cầu giúp thành tích học tập và tập luyện cầu lông của sinh viên tăng lên nói riêng và nâng cao chất lượng giáo dục thể chất nói chung cũng như chất lượng giáo dục trong toàn trường.

Dựa trên một số nguyên nhân và những khó khăn đã được tìm hiểu ở trên, tác giả đưa ra ba căn cứ làm cơ sở để lựa chọn bài tập bao đó là:

Thứ nhất, căn cứ vào nội dung Cầu lông để đề ra các bài tập phù hợp với nội dung các em được học, bám sát được chương trình giảng dạy.

Thứ hai, căn cứ vào quá trình tập luyện và thi đấu của sinh viên để nắm bắt được trình độ kỹ thuật, áp dụng chiến thuật thi đấu của các em ở mức độ nào để đưa ra bài tập phù hợp.

Thứ ba, căn cứ vào thể lực chung của sinh viên với môn học Cầu lông vì thể lực là một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong việc tập luyện và thi đấu các môn thể thao nói chung và môn cầu lông nói riêng. Khi thể lực không tốt các em sẽ khó duy trì tập luyện và thi đấu trong thời gian dài và dễ gây mệt mỏi cho các em trong quá trình tập luyện, thi đấu.

Đồng thời để lựa chọn được những bài tập phù hợp với sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW tác giả đã đưa ra ba nguyên tắc lựa chọn bài tập cụ thể là:

Nguyên tắc 1: Các bài tập lựa chọn phải nhằm mục đích là nâng cao được tốc độ di chuyển bước chân cho sinh viên học tập và tập luyện môn cầu lông.

Nguyên tắc 2: Các bài tập được lựa chọn phải đảm bảo độ tin cậy và mang tính thông báo cần thiết đối với đối tượng nghiên cứu.

Nguyên tắc 3: Các bài tập phải mang tính khoa học, phù hợp với đối tượng nghiên cứu, hình thức tập luyện đơn giản.

Từ các yếu tố trên tác giả đã lựa chọn những bài tập bổ trợ nâng cao khả năng di chuyển trong dạy học nội dung Cầu lông bao gồm hai nhóm bài tập:

Nhóm 1: Bài tập không cầu giúp sinh viên làm quen với các tư thế mô phỏng di chuyển kết hợp đánh cầu với các tư thế thấp tay, cao tay với các bài tập nhỏ:

Bài tập di chuyển đơn bước mô phỏng đánh cầu thấp tay; cao tay.

Bài tập di chuyển đa bước mô phỏng đánh cầu thấp tay; cao tay.

Bài tập bật cóc 20m; bài tập nhảy dây tốc độ trong 1 phút và bài tập di chuyển theo tín hiệu của giáo viên.

Nhóm 2: Bài tập có cầu nhằm mục đích nâng cao cảm giác về không gian, cảm giác tiếp xúc giữa vợt và cầu, xác định điểm cầu rơi chính xác và định hướng chiến thuật đánh cầu đồng thời giúp linh hoạt bước chân trong quá trình di chuyển đánh cầu, bao gồm các bài tập:

Bài tập di chuyển đơn bước đánh cầu thấp tay, cao tay;

Bài tập di chuyển đa bước đánh cầu thấp tay, cao tay;

Bài tập phối hợp di chuyển đánh cầu ở tất cả các vị trí trên sân.

Căn cứ vào phần cơ sở lý luận và thực tiễn đã nghiên cứu, dựa trên những căn cứ, những nguyên tắc đề ra để lựa chọn hai nhóm bài tập giúp sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW và ứng dụng các bài tập đó vào nhóm thực nghiệm. Sau 6 tháng thực nghiệm, so sánh kết quả học tập và thi đấu cũng như thể lực của nhóm thực nghiệm đã ứng dụng các bài tập bổ trợ nâng cao khả năng di chuyển trong cầu lông và nhóm đối chứng không áp dụng các bài tập mà đề tài đưa ra mà học bình thường như chương trình hằng năm. Kết quả thu được thể hiện rõ sự khác biệt trong kết quả học tập, thi đấu và thể lực trong tập luyện và thi đấu cầu lông giữa nhóm đối chứng và nhóm thực nghiệm sau thời gian thực nghiệm. Nhóm thực nghiệm tỷ lệ Khá, Giỏi trong kết quả thi kết thúc học phần chiếm 15,2%; tỷ lệ Trung bình chiếm 74,7%; tỷ lệ Yếu, Kém chiếm 10,1%. Nhóm đối chứng tỷ lệ Khá, Giỏi chiếm 9,1%; tỷ lệ Trung bình chiếm 59,09%, tỷ lệ Yếu, Kém chiếm 31,81%. Thời gian nhóm thực nghiệm duy trì thể lực trong trận đấu dài hơn và sức mạnh với lực đánh cầu mạnh hơn, theo quan sát khả năng di chuyển của nhóm thực nghiệm nhanh hơn vì vậy tỷ lệ tiếp xúc giữa vợt và cầu cao hơn, chính xác hơn nhóm đối chứng. Một số bạn nhóm thực nghiệm do có thể di chuyển nhanh khi phán đoán hướng cầu nên các em có thể áp dụng cả chiến thuật trong quá trình đánh cầu để gây khó khăn trong pha cầu đối với đối phương.

Từ kết quả trên cho thấy việc áp dụng các nhóm bài tập mà đề tài lựa chọn và áp dụng đạt được kết quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng học tập môn Cầu lông. Vì vậy nên áp dụng đồng bộ các bài tập bổ trợ đối với sinh viên học nội dung cầu lông để có kết quả học tập và tập luyện tốt.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và đào tạo (2003), “Giáo trình Cầu lông”

2. Liên đoàn Cầu lông Việt Nam (2006), “Luật Cầu lông”

3. Nguyễn Hạc Thuý (1995), “Những yếu tố chiến thuật của cầu lông nâng cao”, Nxb TDTT.

4. Nguyễn Hạc Thúy (2000), “Huấn luyện kỹ, chiến thuật Cầu lông hiện đại”, Nxb TDTT.

5. Nguyễn Hạc Thúy, Nguyễn Quý Bình (2001), “Huấn luyện Thể lực cho vận động viên Cầu lông”, Nxb TDTT.

6. Phạm Minh Tuấn (2017),Biên soạn tài liệu giảng dạy môn Cầu lông theo hình thức đào tạo tín chỉ tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW”, đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường.

7. Vũ Đức Thu và cộng sự (1998), “Nghiên cứu đánh giá thực trạng công tác GDTC và phát triển TDTT trong nhà trường các cấp”

8. Nguyễn Như Ý (2011), Đại Từ điển, Nxb ĐH Quốc gia TP HCM.

9. Từ điển Bách khoa Việt Nam (2002), Nxb Từ điển Bách khoa.