Nghiên cứu lý luận

THỜI TRANG CÔNG SỞ VIỆT NAM VÀ XU HƯỚNG NGÀNH HỌC THIẾT KẾ THỜI TRANG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

20 Tháng Mười 2022

THỜI TRANG CÔNG SỞ VIỆT NAM  VÀ XU HƯỚNG NGÀNH HỌC THIẾT KẾ THỜI TRANG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Trần Thanh Nga

Khoa Thiết kế thời trang và Công nghệ may

 

Trong nhịp sống hiện đại của ngày nay, nhu cầu  ăn và mặc của con người không chỉ đơn thuần là ăn no, mặc ấm mà là ăn ngon, mặc đẹp. Với mỗi một môi trường khác nhau thì sẽ có những đặc thù về hình thái trang phục khác nhau. Các công ty, cơ quan hoặc tổ chức thường có những đồng phục mặc theo ngày, mặc theo những dịp đặc biệt, nhưng bên cạnh đó các nhân viên văn phòng vẫn có thể có những trang phục mang cá tính riêng, phù hợp với phong cách của mỗi người.

Thời trang công sở hiện nay tại Việt Nam đang bùng nổ về mặt số lượng, hàng năm các nhãn hàng ra đời phục vụ cho nhu cầu làm đẹp của khối văn phòng, các phong cách đa dạng cũng được cập nhập liên tục, kết hợp với những xu hướng quốc tế về màu sắc, kiểu dáng, chất liệu. Có thể kể tên một số nhãn hàng lớn tại Việt Nam như : thời trang Nem, Fomat, Elise, Daisy…. Mỗi một nhãn hàng này đều có một phong cách riêng, hướng tới từng đối tượng khách hàng của mình. Như thời trang Nem thời phù hợp với nữ công sở độ tuổi từ 35 cho đến 55 tuổi, các thiết kế của nhãn hàng này mang phong cách nhẹ nhàng bay bổng với hơi hướng đến từ Pháp những quý cô thanh lịch lãng mạn.  Về mặt chất liệu, đối tượng mà Nem nhắm tới thường là độ tuổi các bà, các mẹ, những phụ nữ đã có gia đình, vì thế chất liệu mà nhãn hàng này mang tới thương chủ yêu là những sản phẩm có bề mặt vải đanh, chắc, là các chất liệu có thể bằng phẳng, nhẵn nhụi, thô xốp, hay nhám hoặc lấp lánh.  Một số các nhãn hàng mang phong thiết kế trẻ trung năng động dành cho những cô nàng công sở độ tuổi từ 25 cho đến 35 và thương hiệu Daisy là một trong những thương hiệu được ưa chuộng bởi giới trẻ. Các chất liệu của nhãn hàng này mang đến sự nhẹ nhàng, thoải mái, màu sắc trẻ trung, có thể mặc đến công sở hoặc có thể mặc được trong các dịp đi chơi.

Trong thực tế, mỗi công ty đều có nhu cầu và yêu cầu riêng vì thế mà chất lượng của vải trong trang phục công sở phải được lựa chọn theo chức năng và công dụng của trang phục sao cho nó phù hợp. Tùy thuộc và từng ngành nghề, môi trường làm việc mà công năng của trang phục thường được biểu thị bằng các thông số kỹ thuật đặc trưng hay giá trị sử dụng của vải như: tính cơ lý, thành phần hóa học, tính vệ sinh. Đây là nhóm tính chất quyết định giá trị sử dụng của chất liệu vải hay thường được gọi với tên gọi như độ bền của vải. Độ bền của vải được thể hiện thông qua các chỉ tiêu sau đây:

Thứ nhất là  độ bền đứt:  tức là trong quá trình sử dụng, các chất liệu may mặc thường phải chịu nhiều tác dụng của lực kéo bởi cử động của con người, hay trong quá trình sử dụng như: giặt, vắt… hay trong trạng thái có vẻ như nghỉ ngơi, sản phẩm may mặc cũng bị kéo do tác động của trọng trường. Vì vậy mà vải để may mặc cần phải đảm bảo độ bền đứt, cũng như độ co giãn đứt trong quá trình sử dụng tương ứng với chức năng của nó. Độ bền đứt của vải chịu ảnh hưởng nhiều nhất là độ bền đứt của sợi sau đó là kiểu dệt và mật độ sợi. Tuy nhiên, độ bền của sợi lại phụ thuộc nhiều nhất bởi độ bền của xơ dệt dùng để tạo nó. Như vậy, một sợi có cấu trúc và chỉ số hoàn toàn giống nhau sẽ có độ bền đứt hoàn toàn khác nhau, nếu nó làm từ bông, tơ tằm, hay polyester.

Thứ 2 là độ bền nhiệt: tức là  khi là (ủi) hoặc ép nóng, vải sẽ giảm độ bền kéo và mài mòn, thay đổi màu, do đó cần phải đảm bảo độ bền nhiệt.

Thứ 3 là độ bền ánh sáng và thời tiết: trong quá trình sử dụng như phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, hoặc do nhiệt độ sấy quá nóng, chưa phù hợp.  Ánh sáng sẽ tác động trực tiếp lên vật liệu, xuất hiện phản ứng quang – hóa phức tạp và cũng làm phá hủy vật liệu dệt. Phản ứng còn được thúc đẩy nhanh hơn do môi trường có độ ẩm và nhiệt độ cao, cả những bụi bặm trong không khí. Chính vì vậy mà các vật liệu dệt khi có tác dụng lâu của ánh sáng thì sẽ nhanh cũ, sản phẩm trở lên cứng và giảm độ bền. Do đó, chất liệu cần phải có độ bền ánh sáng.

Ngoài ra, chất liệu trong thiết kế thời trang công sở còn có một số tính chất như: độ hấp thụ nước, mao dẫn, chống thấm nước, tích điện, độ giữ nhiệt, thẩm thấu, thông khí, thông gió, thông hơi… (đối với sản phẩm may mặc chỉ quan tâm nhất đến tính nhiễm điện và tính cách điện). Và chất liệu may mặc còn được đánh giá theo cảm giác tiện nghi của hệ thần kinh, tiêu chí này được thể hiện bởi các tính chất sau của chất liệu vải như: độ gây kích ứng da (gây bỏng rát, đỏ da khi mặc), đặc trưng nhiệt (khi mặc cho cảm giác nóng, lạnh).

Những năm gần đây, ngành công nghiệp thời trang của Việt Nam đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ. Các nhà thiết kế trong nước bắt đầu hành trình tiến ra thế giới và ngày càng được đón nhận, các nhà thiết kế nước ngoài cũng đã tìm đến Việt Nam để giới thiệu sản phẩm. Ngành Thiết kể thời trang vì thế trở nên có sức hút với những bạn trẻ có năng khiếu và đam mê nghệ thuật.Thực tế cho thấy hiện nay nhiều đơn vị, xí nghiệp ngành Dệt may đang thiếu    lực lượng cán bộ kỹ thuật, đội ngũ thiết kế được đào tạo đúng chuyên ngành. Nắm bắt nhu cầu chung của xã hội, một số trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề sau một thời gian dài chuẩn bị đã mở thêm chuyên ngành Thiết kế thời trang, như các trường: Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp, Đại học Mở Hà Nội, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Sư  phạm Nghệ thuật Trung ương, Đại học Kiến trúc Hà Nội,Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội … Hoặc Học viện thời trang LonDon, dưới sự điều hành của Tiến sĩ Martin Shoben, trường đã phát triển nhiều khoá học Đại học về chuyên ngành thời trang và giúp cho nhiều sinh viên có khởi đầu vững chắc trên con đường sự nghiệp. Mỗi khoá học là sự kết hợp những bài tập mang tính thực tiễn và các môn học định hướng quản lý nhằm cung cấp cho các học viên kiến thức, thực tiễn phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của ngành thời trang.

Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo thời trang mở ra khắp nơi theo nhu cầu của người học chứ không theo sự phát triển thực sự của ngành nên chỉ đầu tư khá tốt về máy móc ngành may mặc, không có chương trình, giáo trình, giảng viên chuyên ngành phù hợp. Xét về mặt chuyên môn, việc trang bị cho các thế hệ sinh viên tương lai có chuyên môn vững vàng, có khả năng sáng tạo, ý tưởng độc đáo và năng động với môi trường làm việc là mục tiêu đào tạo của các trường có ngành Thiết kế thời trang trong xu thế hội nhập hiện nay.

Là một ngành học có tính đặc thù cao đòi hỏi tư duy sáng tạo và khả năng cảm thụ chính vì thế việc dạy những kiến thức chuyên ngành một cách có hệ thống là điều hết sức quan trọng. Điều này đòi hỏi người thày phải rất giỏi về chuyên môn để có thể nêu cho sinh viên những khái niệm cơ bản nhất, giúp họ hiểu bản chất vấn đề. Nó cũng đòi hỏi sinh viên có đủ trình độ để tiếp thu kiến thức, có đủ giáo trình tài liệu tham khảo, có điều kiện vật chất phục vụ cho việc học. Chúng ta đều biết trong thời trang có sự hoà nhập giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, thể hiện trình độ văn hóa của các quốc gia, các châu lục khác nhau. Qua các sản phẩm thời trang, người ta cảm nhận được ý tưởng của nhà thiết kế, đọc được mong muốn của người tiêu dùng, trình độ thẩm mỹ, khoa học kỹ thuật, mức sống, lối sống…

Thiết kế thời trang được xem như môn nghệ thuật ứng dụng đòi hỏi nhà thiết kế phải có tài năng và óc sáng tạo. Các sáng tạo không đơn thuần về kiểu dáng trang phục mà còn bao gồm các phụ kiện thời trang phù hợp với xu hướng và nhu cầu của xã hội. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của đời sống xã hội để đáp ứng kịp thời nhu cầu may mặc của công chúng do vậy việc sử dụng công nghệ thông tin- tin học chuyên ngành vào thiết kế mẫu trang phục là vấn đề không thể thiếu trong giai đoạn hiện nay Xã hội đang có nhu cầu cấp thiết đào tạo một lượng lớn các nhà thiết kế thời trang có trình độ chuyên môn cao và nắm vững xu thế của người tiêu dùng trong nước.

Trong thời đại công nghệ thông tin, trước một lượng thông tin tràn ngập, người giảng viên phải có trình độ chuyên môn vững, biết chọn lọc và sử dụng thông tin có hiệu quả; có trình độ ngoại ngữ; làm chủ trang thiết bị công nghệ hiện đại. Người giảng viên phải biết truyền tải những kiến thức cơ bản nhất, lược bỏ những nội dung không còn phù hợp, bổ sung những kiến thức và công nghệ mới làm cho bài học phong phú. Đặc biệt đối với những giảng viên của chuyên ngành Thiết kế thời trang, giảng dạy bằng phương pháp nêu vấn đề, gợi mở cách tư duy cho sinh viên tự học, tự trang bị kiến thức, kích thích trí tò mò sáng tạo là một đòi hỏi mang tính thiết yếu. Vấn đề là ở chỗ người giảng viên luôn phải tự học, nghiên cứu, sáng tác và thường xuyên cập nhật thông tin thì mới không bị lạc hậu và mới đáp ứng những đòi hỏi hôm nay.

Nắm bắt được nhu cầu và xu hướng tuyển dụng khá lớn của ngành nên năm 2007, sau một thời gian chuẩn bị trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung Ương đã mở thêm chuyên ngành Thiết kế thời trang. Đội ngũ giảng viên trẻ, nhiệt huyết và sáng tạo đã đưa ngành ngày một phát triển và vững mạnh không ngừng cả về số lượng lẫn chất lượng đào tạo. Đến nay sau 14 năm đào tạo, khóa đầu tiên ra trường đã đạt con số 90% sinh viên có việc làm ổn định tại các công ty, cơ quan hoạt động về lĩnh vực thời trang. Song song với đó, các sinh viên đang theo học cũng đã đạt được những thành tích nhất định: như tham gia các cuộc thi thiết kế thời trang trên toàn quốc và đạt được những danh hiệu cao đánh dấu tên tuổi của mình cũng như khoa và nhà trường về lĩnh vực thời trang.

Trong những năm qua, khoa Thiết kế thời trang đã không ngừng đổi mới từ chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy nhằm phát huy cao độ tính tích cực, chủ động và sáng tạo của sinh viên chuyên ngành thời trang, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Môn tin học chuyên ngành đã giúp sinh viên biết cách tư duy phát hiện vấn đề trong thực tiễn ngành nghề mình đã lựa chọn. Việc áp dụng tin học chuyên ngành vào phương pháp tự học cho sinh viên qua các bài giảng  Môn tin học chuyên ngành đã giúp giảng viên dễ dàng phát hiện ra những ưu và nhược điểm của sinh viên từ đó đánh giá được sự tự tin, sáng tạo và niềm yêu thích nghề cho sinh viên.

Tại Việt Nam, nghề thiết kế thời trang đang được coi là một nghề “hot” đối với nhiều bạn trẻ hiện nay. Từ góc nhìn của công chúng, đây là một nghề thời thượng, có thu nhập cao, phát huy tối đa sức sáng tạo cá nhân, có nhiều cơ hội để phát triển và đặc biệt tràn ngập ánh hào quang. Tuy nhiên, với những người làm nghề thì đây là một công việc vất vả và cực nhọc. Phía sau tên tuổi và tiền bạc – nghề thiết kế thời trang đòi hỏi vốn văn hóa sâu rộng, óc sáng tạo và thẩm mỹ cao, sự đam mê, khả năng làm việc liên tục, biết hi sinh cá nhân, cần cù, bền bỉ.