Đứa tặng cá lóc, đứa biếu rau muống

Thưởng tết bao giờ cũng là câu chuyện nóng đối với CNVC-NLĐ vào những ngày cuối năm. Những con số thưởng tết được công bố của đơn vị này, công ty kia với số tiền vài triệu đến vài trăm triệu trở thành tâm điểm của dư luận. Tuy nhiên, đối với Phan Quốc Hưng - giáo viên Trường Tiểu học Cù Lao Dung (Sóc Trăng) - không có ý nghĩa gì. 

Tốt nghiệp khoa sư phạm Trường Đại học Cần Thơ năm 1998, Hưng cùng với người vợ mới cưới cũng học sư phạm chọn xứ cù lao xa quê nhà gần 80km, với lý do rất đơn giản: Phụ cấp 135 cho vùng khó khăn cao hơn quê nhà ở huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Phụ cấp theo Chương trình 135 rồi cũng hết, hai vợ chồng với đồng lương nhà giáo chỉ đủ sống tại xứ cù lao. Có lẽ vì vậy mà những năm gần đây Hưng ít về quê vào những ngày tết.

Anh ngậm ngùi: “Mình rất sợ tết, lương giáo viên anh biết rồi đó, nuôi gia đình hai con trong thời buổi này đã vất vả lắm rồi. Không về quê ăn tết mình buồn lắm, nhưng cuối năm trang trải cho gia đình nhỏ của mình xem ra vừa đủ, nên về quê ăn tết là ước mơ lớn của vợ chồng tôi”. Nói chuyện mãi về tiền nong, nhưng chưa nghe Hưng nhắc tiền thưởng, tôi buột miệng: Thế thưởng tết có nhiều không? Hưng cười chua chát: “Các anh biết hết rồi còn hỏi làm gì nữa…”.

Phần thưởng cuối năm cho các thầy cô tại vùng nông thôn sâu của tỉnh Cà Mau mới “thú vị” làm sao! Thấy giáo Nguyễn Phú Đủ - phụ trách điểm trường ấp 20, xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) - cười rất tươi khi tôi nhắc chuyện thưởng tết. Anh khoe: “Phần thưởng của tôi là 20 đứa nhóc vừa học lớp 2, vừa học lớp 3 cùng lúc mà năm qua hổng có đứa nào nghỉ học nửa chừng”. 

Đây là điểm trường nằm tuốt trong rừng U Minh Hạ, cả điểm chỉ hai lớp - một lớp 1 và một cho cả hai lớp 2 và 3. Thầy Đủ khó khăn lắm mới vận động các em đi học. Thương thầy giáo nhiệt tâm, nhiệt tình, phụ huynh mới chịu cho con đi học, thay vì bắt ở nhà vô rừng đốn củi, bẻ bông sậy bán kiếm tiền nuôi gia đình.

Tôi gặng hỏi: “Thế phần thưởng vật chất thì sao?” Đủ thật thà: “Năm vừa rồi Cà Mau cho mỗi cán bộ, nhân viên 500.000 đồng, năm nay nghe nói không có. Tết ở đây vui lắm anh, đến mùng 3 tết tụi nhỏ đi “tết thầy”, đứa con cá lóc, đứa mấy lọn rau muống, có đứa đem cả bó củi nhặt được trong những ngày nghỉ tết đến tặng thầy”.

Cô giáo Võ Kim Thiện - quê tận Thanh Hóa về dạy tại điểm trường Biển Bạch Đông (xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, Cà Mau) - đã 7 năm sống trong sự cưu mang của bà con vùng rừng U Minh Hạ. Đối với cô, những món quà xuân các em đem đến nhà là rất quý. 

Tôi đề nghị cô kể những món quà quý, ngập ngừng rất lâu cô chậm rãi: “Nhà các em có gì thì tặng thầy cô cái đó. Có đứa đem hai đòn bánh tét, đứa cho khô, đứa cho một ít hạt dưa, trái cây... Vậy thôi, nhưng mình thấy thương tụi nó lắm và cũng ấm lòng những ngày tết xa quê”.

Mong lương hơn chờ thưởng

Tết năm nay rơi đúng vào những ngày cuối tháng dương lịch. Theo quy định lương được trả vào đầu tháng, nên hầu hết giáo viên không biết mình có được nhận lương tháng 2.2014 trước để xài tết hay không?

Thầy giáo Nguyễn Thành Đạt - giáo viên xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, Bạc Liêu - lo lắng: “Năm rồi kế toán trường cho tụi em ứng trước 1 tháng lương, năm nay ngày lãnh lương chưa tới tết đã về, hổng biết nhà trường có cho lãnh trước hay không. Nhiều tháng nay tụi em bị phát lương trễ, mong tết này phát lương sớm một chút là vui rồi”.

 

Một lớp học tạm bợ tại rừng U Minh Hạ, Cà Mau. Phần thưởng tết là mớ rau, con cá, bó củi cho ngày “tết thầy” mùng 3 đầu năm. 

Cách đây 10 năm, ngành giáo dục áp dụng lương tháng 13 (thực chất là thưởng) cho các giáo viên. Chính vì vậy, cái tết của những thầy cô tươm tất hơn. Hiện tay, khoản lương này không còn. Hầu hết các giáo viên đều lâm vào cảnh “ăn trước trả sau” mỗi dịp xuân về, tết đến. 

Thầy giáo Lâm Quốc Thắng - giáo viên Trường THCS Giá Rai (huyện Giá Rai, Bạc Liêu) - chua chát: “Tết đến, các ngành khác nghe thưởng tết mà ham, còn chúng tôi phải ứng lương xài tết. Đã vậy, năm nay nghe đâu Bạc Liêu không cho ứng trước vì kẹt kinh phí. Tết gần kề người ta chờ thưởng, còn chúng tôi lại ngóng trông lương”. Trong khi đó, hàng trăm giáo viên tại huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) đã hơn 2 tháng nay họ chưa nhận được lương. 

Một giáo viên tại trường Trần Văn Bảy (huyện Phước Long) bức xúc: “Tụi em mới nhận lương tháng 10, lương tháng 11 vẫn chưa được lãnh. Tết này không có lương tháng 1.2014 là điều chắc chắn”.

Trao đổi với PV Lao Động, ông Phan Thanh Ngân - Trưởng phòng GDĐT huyện Phước Long - thừa nhận chuyện nợ lương giáo viên là có thật, nhưng không nhiều như phản ảnh của một số giáo viên.

Ông Ngân phân bua: “Sự thật không phải nợ lương giáo viên đến 2 tháng mà chỉ nợ 1 tháng, còn tháng còn lại do áp dụng thời gian trả vào cuối tháng, thay vì đầu tháng như trước đây nên có kéo dài”.

Liên quan đến việc liệu giáo viên có được nhận lương tháng 2.2014 trước Tết Nguyên đán hay không, ông Lâm Thành Sáo - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Long - cho rằng: “Nếu áp dụng quy định mới là không được, tuy nhiên chúng tôi sẽ xin ý kiến về vấn đề này”. Như vậy xem ra chuyện trả đúng, đủ lương cho giáo viên tại huyện Phước Long còn bức xúc hơn nhiều chuyện thưởng tết.

Mặc dù vậy, những giáo viên tại huyện Phước Long (Bạc Liêu) vẫn được xem là may mắn hơn nhiều so với 224 giáo viên hợp đồng tại huyện Cái Nước (Cà Mau). Do địa bàn rộng, lại thiếu giáo viên một cách cục bộ, huyện Cái Nước có chủ trương tuyển dụng 224 giáo viên vào dạy hợp đồng từ năm 2011-2012. Mỗi năm ngân sách huyện gánh thêm phần lương cho số này lên đến 4,8 tỉ đồng. 

Trớ trêu là nguồn kinh phí huyện có hạn, phải xin tỉnh hỗ trợ. Sau khi rà soát, phân cấp tỉnh Cà Mau không giải quyết. Ông Lê Hoàng Kiệt - Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Nước - bức xúc: “Chúng tôi đã làm tờ trình xin HĐND, UBND tỉnh xem xét cấp kinh phí cho chúng tôi trả lương. Trước đây, do bức xúc chuyện thiếu giáo viên chúng tôi ký hợp đồng, nay tỉnh không có tiền trả, làm sao ngân sách huyện gánh hết được. 

Trường hợp nếu tỉnh tiếp tục không chấp nhận, chúng tôi cũng đành xem xét cắt hợp đồng”. Vậy là cái tết năm nay của 224 giáo viên huyện Cái Nước xem ra chẳng được vui, bởi họ đang đối mặt với mất việc làm, thất nghiệp ngay từ đầu năm.

Thiếu cả vật chất lẫn tinh thần

Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần là cụm từ thường được dùng cho công tác chăm lo đời sống cán bộ CNVC-LĐ, nhưng xem ra đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa, họ thiếu cả hai. Ngậm ngùi về tiền thưởng tết đã đành, các khoản phụ cấp thâm niên, phụ cấp theo Chương trình 135, bãi ngang đối với giáo viên tại Bạc Liêu triền miên trong cảnh nợ. Những khoản phụ cấp này đều được cộng dồn đến cuối năm lãnh một lần. 

Cô giáo Hóa Hồng Nhớ - giáo viên trường Tân Ân 2 (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) - xa nhà lên đây dạy học đã 5 năm trong sự cưu mang của bà con miền biển. Đời sống vật chất tạm ổn, không nghèo, nhưng chưa bao giờ mơ nhà cao cửa rộng. Suốt chừng ấy năm công tác cô chưa từng biết đến thư viện, rạp hát hay những điểm vui chơi giải trí, thư dãn như những người bình dân thành thị. 

Trước đây, công đoàn nhà trường tổ chức đi tham quan dịp hè, 3 năm gần đây hoạt động kinh tế công đoàn trường khó khăn nên hạn chế đi tham quan du lịch…

Trở lại chuyện thưởng tết cho giáo viên, ông Trần Văn Hậu - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Bạc Liêu - nêu thực trạng: Công đoàn Giáo dục dù cố gắng đến đâu cũng không thể có khoản tiền thưởng tết cho tất cả giáo viên. Tất cả phụ thuộc vào hoạt động của trường và phụ huynh tại địa điểm các giáo viên giảng dạy. 

“Chúng tôi vừa có chuyến khảo sát thưởng tết cho giáo viên, thấy thực tế nhiều địa phương không có thưởng tết như Phước Long, Hồng Dân, các địa phương còn lại thưởng nhiều nhất 200.000 đồng, ít nhất 50.000 đồng. Riêng huyện Phước Long, nhiều khả năng giáo viên không nhận lương tháng 2.2014 trước Tết Nguyên đán. Chúng tôi cố gắng can thiệp, nhưng cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức”.

 

Theo laodong.com.vn