Phận người trên vỉa hè
Những ngày rong ruổi các ngõ ngách ở Hà Nội, chúng tôi đã gặp rất nhiều người, họ sống không chỉ một ngày, một tháng, một năm mà có người dường như đã sống gần trọn cuộc đời mình trên những vỉa hè... “Ban đầu, dăm bảy người thuê một cái phòng ở chung, về sau phòng trọ lên giá không đủ tiền trả, vậy là ra lề đường ngủ, cũng lang bạt được hơn 20 năm rồi chú à” - cụ Nguyễn Thị Vinh (70 tuổi), quê Thái Bình, ngủ trên vỉa hè đường Trần Hưng Đạo - nói như giải thích. 
Chồng mất vì một tai nạn giao thông, một tay cụ nuôi 4 đứa con khôn lớn rồi cưới vợ gả chồng cho các con nhưng đứa nào cũng nghèo đói túng quẫn, già rồi nhưng cụ vẫn đi kiếm tiền nuôi hai đứa cháu ngoại. “Bố mẹ nó bỏ nhau, cả hai đi thêm bước nữa bỏ lại cho tôi 2 đứa con mà không ai ngó ngàng gì, tôi cóp nhặt từng đồng, nuôi hai đứa cháu học đến cấp 2 rồi đấy” - cụ Vinh tự hào.

Ánh đèn vàng đô thị bật sáng tại góc đường Lý Thường Kiệt (Q. Hoàn Kiếm), tôi gặp một người phụ nữ đang ôm đứa con nhỏ ngồi co ro trong trạm máy ATM. Cuộc đời người phụ nữ này có vẻ như đối lập với cái tên của chị: Tạ Thị Tươi. Chị Tươi sinh năm 1978, quê Kim Bảng, Hà Nam, gia cảnh khó khăn nên từ nhỏ chị không được học hành.

Mẹ con chị Tạ Thị Tươi ngủ trong trạm máy ATM.

Chị bảo không nhớ mình đã lên Hà Nội được bao nhiêu năm, sống ở vỉa hè từ lúc nào, chỉ biết rằng đứa con đầu lòng sinh ngay trên vỉa hè năm nay đã tròn 7 tuổi, đứa nhỏ cũng được 18 tháng tuổi. Không biết cưới hỏi như thế nào, yêu nhau ra làm sao, nhưng chị kể với tôi: “Thấy thích rồi về ở với nhau chứ đã đăng ký kết hôn gì đâu, hai đứa con làm gì có giấy khai sinh nên tôi đặt tên là cái Lớn, cái Bé”.
Không có tiền thuê trọ, đêm đến chị lang bạt khắp nơi, chỗ nào có thể ngả lưng là ngủ qua đêm ngay tại đó. Hai đứa con chị cũng ra đời tại những nơi như vậy. Hằng ngày, chị bỏ đứa con gái nhỏ ngồi trong thùng xốp cột sau yên rồi đạp xe đi nhặt ve chai, đêm đến chị cùng chồng và 2 đứa con nhỏ căng bạt bên vỉa hè đường Lý Thường Kiệt, đoạn gần Toà án Nhân dân Tối cao để ngủ. 
“Chồng tôi rượu chè nhiều nên bị viêm gan, phải về quê điều trị, đứa lớn tôi gửi về cho ông bà ngoại rồi hằng tháng gửi tiền về nuôi, đứa nhỏ đang bú nên phải mang theo để chăm sóc. Có hai mẹ con nên tôi phải chui vào trạm máy ATM ngủ cho an toàn” - chị Tươi kể. “Tết chị có về không?, tôi hỏi. -“Không, càng tết đến Tết người ta thải ra nhiều ve chai nên tôi ở lại để nhặt” -“Ngủ ở đây chị sợ không?” - “Có chứ”. Tôi sợ người ta cướp mất con, sợ bọn nghiện nó dùng kim tiêm đe dọa để lấy tiền”. Trong đêm tối, chị nói mà tôi cảm nhận được hai hàm răng chị đang va vào nhau vì cái lạnh thấu xương của Hà Nội những ngày giáp tết.

Trên vỉa hè đường Giải Phóng - đoạn gần bến xe Giáp Bát, ông Dũng, anh Cương, ông Hạnh - đều quê Hải Dương - đã trú ngụ ở đây được gần 8 năm. Ban ngày, ông Dũng cùng hai người bạn của mình cứ ai thuê gì làm nấy, hôm đi phụ hồ, hôm đi bốc vác... Đêm đến, họ làm thêm nghề bơm vá xe máy, xe đạp. “Bình quân ngày cũng kiếm được 70 đến 80 nghìn, nhưng không dám thuê trọ. Ngủ tạm đây tiết kiệm chút ít gửi về cho mấy đứa nhỏ ăn học” - ông Dũng chia sẻ.

Một nhóm người nghèo ngủ trên vỉa hè đường Lê Duẩn.
Đêm muộn, gió rít liên hồi lạnh buốt, ngồi đợi khách bơm xe, ông Dũng rít một hơi thuốc lào rồi buồn buồn kể: “Nhiều lúc thấy cũng sợ, cũng nhục nhã lắm nhưng biết làm sao được. Có hôm mưa to gió lớn ướt sũng, lạnh cóng, nghĩ tủi thân định về quê, nhưng rồi lại nghĩ: Về rồi lấy gì mà ăn?”.
Anh Cương năm nay 34 tuổi, gầy tong teo, da đen sạm, đôi mắt sâu hoắm, theo chân ông Dũng ngủ vỉa hè cũng đã gần 7 năm. Hỏi về gia đình, Cương trầm ngâm: “Đã vợ con gì đâu, ai lấy mấy người làm thuê lang bạt như em làm gì, thân mình chưa lo nổi sao dám lấy vợ”. Ông Hạnh chen vào: “Nó mải làm quên lấy vợ rồi. Được đồng nào gửi hết về quê lo cho bố mẹ, cho mấy đứa em ăn học hết”.
Sống vỉa hè, chết cũng trên vỉa hè và tình “láng giềng” ấm áp

Buôn khắp nơi, bán khắp nẻo, làm đủ mọi thứ nghề, nhưng tối đến những con người lầm lũi lại tìm về một góc vỉa hè quen thuộc để trú ngụ và tạo nên những “xóm trọ” vỉa hè để quan tâm, giúp đỡ nhau. Dù nghèo khó, nhưng những con người bạc phận ấy sống với nhau thật hòa thuận, lúc ốm đau họ chăm sóc nhau, đói kém họ sẵn sàng chia nhau từng hạt cơm, từng gói mì tôm.

 

Những giấc ngủ tội tình trên những vỉa hè Hà Nội. 
“Cụ Linh, Cụ Hạ sao lâu về thế nhỉ? Khóa lại chiếc xe đạp cho cẩn thận” - chị Miên (40 tuổi, quê Thái Bình), ngủ bên vỉa hè đoạn gần trạm trung chuyển Long Biên - nói với chồng. Rồi chị lấy một ít ván ép, củi khô bỏ vào chậu nhóm lửa để sưởi ấm và chuẩn bị nấu cơm. Đưa ánh mắt nhìn xa xăm, chị kể: “Tôi ở đây được hơn 20 năm, cụ Linh, cụ Hạ cũng vậy. Lúc đầu thân ai nấy lo, nhưng thấy 2 cụ ấy tội quá nên tôi bảo tối về ngủ với vợ chồng tôi. Phần để giúp đỡ các cụ, phần cũng để bảo vệ nhau, trước đây các cụ ấy sống lang thang nên nhịn đói suốt”.
Hằng ngày, sáng chị ra chợ đầu mối Long Biên lấy hoa quả đẩy xe vào các phố phường nội thành bán. Hết hàng hoa quả, chị đạp xe lòng vòng đi khắp các thùng rác bới móc ve chai, được bao nhiêu mang đi bán đến gần 11 giờ đêm mới về ngủ. Chị khoe vợ chồng chị nuôi 2 đứa con trai, một đang học đại học ở Đà Nẵng sắp ra trường, đứa út đang học lớp 12.
Vỉa hè đường Lê Duẩn - đoạn trước ga Hà Nội - lâu nay trở thành chỗ ngủ qua đêm của không ít người vô gia cư, người lao động nghèo. Nhóm bà Lan làm nghề bán trà đá, bà Ninh làm nghề lượm ve chai, chị Xuyến đi đánh giày đã trú ngụ tại đây gần 10 năm. 
Cứ đến hơn 11h đêm các cửa hàng tại đây đóng cửa, họ mới bắt đầu vào trải chiếu để ngủ. Gần 1h sáng, đang gà gà ngủ bỗng tiếng bà Ninh ho lọc khọc khiến ai nấy đều kéo chăn bật dậy, người đấm lưng, người rót nước, người lấy hộp dầu gió bôi cho bà. “Bà ấy bị viêm phế quản, đêm nào cũng ho vậy, có đêm cả mấy chị em thức trắng vì sợ bà ấy có mệnh hệ gì” - chị Xuyến ân cần nói.

Khi được hỏi về chuyện vệ sinh, tắm rửa, chị Xuyến thật thà: “Hôm nào có tiền thì vào các nhà vệ sinh công cộng, có hôm xin nước giặt khăn rồi đêm về trùm chăn lau người, còn vệ sinh thì... kia kìa”, chị chỉ tay vào bức tường ẩm ướt, hôi thối cuối nhà ga…

 Nhóm sinh viên Trường ĐHKT quốc dân đi phát áo ấm cho người nghèo.

Cách đây gần 5 năm, người dân sống xung quanh chợ Long Biên vẫn nhớ như in cái chết của cụ ông có tên Nghĩa. Cụ Nghĩa sống lang thang vỉa hè từ khi mới gần 50 tuổi, đến năm 60 tuổi thì qua đời, cũng ngay trên vỉa hè, do bệnh tật. Nhiều người dân sống gần đây cho biết, hằng ngày cụ lang thang đi ăn xin, tối đến cụ về chân cầu Long Biên ngủ, thời gian cuối đời cụ có nói muốn về quê, nhưng chính cụ cũng không nhớ quê mình ở đâu. “Lúc ông cụ bảo ở Yên Bái, lúc lại bảo ở Nam Định, trong người chẳng có giấy tờ gì nên không ai biết cụ ở đâu mà đưa về” - một người dân cho biết.

 

Theo laodong.com.vn