Nội san

Văn hóa đọc và việc đọc sách của sinh viên Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

05 Tháng Sáu 2014

Phương Hồng

 

Gần đây, người ta bàn nhiều về văn hóa đọc và nhiều người cho rằng văn hóa đọc của giới trẻ Việt nam đang mai một, thậm chí xuống cấp trầm trọng bởi nhìn vào thực trạng đọc sách gần đây ta thấy được rằng văn hóa đọc đang bị chi phối, lấn lướt bởi rất nhiều yếu tố, trong đó có ảnh hưởng từ văn hóa nghe nhìn. Thúc đẩy việc đọc sách đã và đang trở thành mối quan tâm của các cấp, ban, ngành trong xã hội. Mới đây, theo Quyết định số 284/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành, chúng ta chính thức có “Ngày Sách Việt Nam”, đó là ngày 21 tháng 4 hàng năm. Những năm gần đây, Bộ Văn hóa Thông tin & Du lịch, Bộ Thông tin Truyền thông, Thư viện Quốc Gia Việt Nam và nhiều thư viện trong cả nước tổ chức rất nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23 tháng 4 nhằm khẳng định những giá trị to lớn của việc đọc sách, tôn vinh tác giả, tác phẩm, nghề xuất bản, in, phát hành, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò quan trọng của việc đọc sách và bảo hộ quyền tác giả, vai trò của thư viện. Điều này phần nào đã cho thấy văn hóa đọc đang được quan tâm đúng mực.

Thuật ngữ "Văn hóa đọc" là một khái niệm mới, chưa có định nghĩa cũng như khái niệm nào nói về vấn đề này. Mặc dù vậy, theo thời gian cũng như sự phát triển của xã hội, thuật ngữ “văn hóa đọc” ngày càng được nói đến nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng và trở thành đề tài khoa học. Hiện nay, trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có nhiều cách hiểu khác nhau về văn hóa đọc.

Trong giới thư viện học quốc tế, văn hoá đọc được hiểu như là một bộ phận trong văn hoá theo nghĩa rộng của mỗi cá nhân, bao gồm một tổ hợp các thói quen làm việc với sách từ việc chọn lựa có ý thức về đề tài, tính hệ thống và tính kế thừa; kỹ năng biết tìm các tài liệu cần thiết với sự giúp đỡ của các ấn phẩm thư mục, sử dụng bộ máy tra cứu, định hướng trong tài liệu với mục đích lĩnh hội tối đa và cảm thụ sâu sắc những gì đã đọc, đến việc áp dụng những nội dung lĩnh hội qua việc đọc sách thuộc các lĩnh vực chuyên môn của mình làm phong phú thêm đời sống.

Trong khi đó, văn hóa đọc nước ta vẫn là một điều đáng bàn. Thực chất người Việt Nam còn ít đọc sách. Theo thống kê hiện nay, mỗi người Việt Nam chỉ đọc khoảng 0,8 cuốn sách trên một năm. Đặc biệt, giới trẻ ngày nay đang ngày càng ít đọc sách hơn bởi họ bị ảnh hưởng nhiều yếu tố khác. Sự phát triển của khoa học công nghệ, sự bùng nổ của các phương tiện thông tin giải trí, các kênh thông tin nghe nhìn cùng với nhịp sống hối hả của cuộc sống hiện đại đã phần nào khiến các bạn trẻ xa rời những cuốn sách hơn. Tuy vậy, đối với sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương thì thói quen đọc sách vẫn được duy trì và ngày một lan tỏa .

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là một cơ sở giáo dục nghệ thuật hàng đầu của ngành giáo dục Việt Nam. Bên cạnh khoa Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mĩ thuật là hai khoa truyền thống, gắn liền với quá trình trưởng thành của Nhà trường thì những năm gần đây, Trường đã mở thêm một số mã ngành mới như Quản lý văn hóa, Thiết kế thời trang, Hội họa và Thiết kế Đồ họa, Đại học thanh nhạc, Cao học chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc, Cao học chuyên ngành Quản lý văn hóa với số lượng học viên, sinh viên theo học tương đối đông, do đó mà nhu cầu đọc sách cũng tăng lên đáng kể. Hơn nữa, việc đổi mới chương trình đào tạo từ niên chế sang tín chỉ đòi hỏi các bạn sinh viên cũng phải thay đổi phương pháp học tập, nâng cao tính chủ động để đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Chính vì vậy, thời gian gần đây, được sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo Nhà trường, Thư viện đã có nhiều đổi thay và trở thành môi trường học tập lý tưởng ngoài giảng đường cho sinh viên. Cùng với sự đi lên của Nhà trường, năm 2008, Trung tâm Công nghệ thông tin và Thư viện cũng được thành lập để đáp ứng nhu cầu tin đa ngành và mang tính đặc thù cao của trường. Mặc dù mới được thành lập nhưng Trung tâm Công nghệ thông tin và Thư viện đã đáp ứng được nhu cầu bạn đọc cũng như mục tiêu giáo dục và đào tạo của Nhà trường. Với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại như hệ thống máy tính phục vụ tra cứu dữ liệu, hệ thống phòng đọc; Kho sách Giáo trình chuyên môn; Kho Tài liệu nội sinh - Báo, tạp chí; Kho tài liệu tham khảo… phong phú, Trung tâm đã thu hút một số lượng không nhỏ sinh viên trong trường.  Ngoài ra, Trung tâm còn có website riêng: http://thuvien.spnttw.edu.vn/ để giúp học viên, sinh viên trong Nhà trường cập nhật được nhiều thông tin mới, thuận lợi cho việc học tập. Với đặc thù là trường nghệ thuật, các bạn sinh viên phải dành rất nhiều thời gian cho việc luyện tập chuyên môn của mình. Tuy nhiên, điều đó cũng không làm ảnh hưởng tới thói quen và niềm đam mê đọc sách của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Năm học 2011 – 2012: 15.650 lượt bạn đọc; Năm học 2012 – 2013: 17.823 lượt bạn đọc; tính hết học kỳ 1 năm học 2013 – 2014 là 11.784 lượt bạn đọc. Việc đọc sách đối với sinh viên dường như đã là một thói quen không thể thiếu sau những giờ học trên lớp.

                

Sinh viên tra cứu tài liệu

 

Sinh viên tìm tài liệu

Sinh viên đang nghiên cứu, học tập tại phòng Đọc

 

 

Việc đọc sách là một hoạt động văn hóa, chúng ta không thể có một xã hội phát triển bền vững nếu thiếu đi các giá trị văn hóa. Sách thực chất đã tồn tại qua các nền văn hóa, điều đó khẳng định giá trị trường tồn của nó. Con người rất có thể sẽ trở nên ngày một nông cạn, trở thành nạn nhân của chính những tiến bộ của mình, nếu không biết quay về trở lại với sách vở, cái kho vô tận mà từ thời xa xưa, tổ tiên của loài người đã hết đời này qua đời khác bồi đắp nên. Thư viện là một thiết chế văn hóa, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc. Trung tâm Công nghệ thông tin và Thư viện, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương được sự quan tâm của Lãnh đạo Nhà trường, đã từng bước đổi mới hoạt động nhằm phục vụ một cách tối đa nhu cầu đọc sách của bạn đọc trong Nhà trường. Điều này đã góp một phần không nhỏ trong việc phát triển toàn diện nhân cách của sinh viên nghệ thuật để sau này trở thành “những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”.