Nội san

Giáo dục: Từ phương thức đào tạo truyền thống đến Tín chỉ

09 Tháng Sáu 2014

Bạch Lan Anh - Lê Việt Hùng

 

Tín chỉ được coi là cuộc cách mạng trong giáo dục đại học. Từ đó, nhiều quan niệm trong giáo dục truyền thống đã biến đổi. Để thích ứng hình thức đào tạo tín chỉ, thì cả người dạy, người học phải có cách nhìn mới. Bài viết sau đây nhằm khái quát những bước tiến, thay đổi từ phương thức đào tạo truyền thống đến tín chỉ trong việc dạy và học.

1.      Hoạt động giáo dục truyền thống

            Đứng đầu bảng giá trị văn hóa tinh thần Việt Nam là truyền thống yêu nước, nhân nghĩa và tinh thần hiếu học.

Truyền thống hiếu học thể hiện: Xã hội tôn vinh sự học, tôn vinh người có học, thể hiện quan những câu tục ngữ như: muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học; một kho vàng không bằng nang chữ; muốn lành nghề chớ nề học hỏi; dao có mài mới sắc, người có học mới nên. Đó là cơ sở sinh ra triết lý tôn sư trọng đạo. Người thầy được xã hội tôn vinh bằng nhiều cách hành xử khác nhau: Muốn sang phải bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy. Sự kính trọng người thầy còn được thể hiện trong phong tục lễ tết: Mồng một tết Cha, mồng hai tết Mẹ, mồng ba tết Thầy. Đạo thầy trò có giá trị nhân văn cao cả và được truyền từ đời này sang đời khác trở thành truyền thống đặc trưng của dân tộc Việt Nam.

Tinh thần ham học hỏi: Đi một ngày đàng học một sàng khôn; dốt đến đâu, học lâu cũng biết. Lịch sử của dân tộc đã ghi nhận những tấm gương ham học như Cao Bá Quát, Chu Văn An...Nhiều mảnh đất được coi là đất học như Nghệ An, Hà Tĩnh với hình tượng Ồng đồ nghệ. Bia Văn Miếu Quốc Tử Giám đã vinh danh các vị khoa bảng của các dòng họ đỗ đạt thành danh trên khắp đất nước.

Từ tinh thần của truyền thống đó, người thầy có vị trí đặc biệt trong việc truyền bá tri thức. Giáo dục chú trọng việc truyền thụ một chiều kiến thức từ thầy sang trò. Người thầy có quyền lực nên trò sẽ nghe nhiều hơn hỏi. Điều này vô hình chung khiến cho năng lực sáng tạo và tính chủ động của người học bị che lấp.

2.      Phương thức đào tạo theo tín chỉ

Xuất phát điểm hình thành đào tạo theo tín chỉ là Hoa Kỳ. Tín chỉ đã có nhiều biến thể khi chuyển sang Châu Âu và Châu Á. Ở mọi quốc gia, đều thừa nhận ưu điểm vượt trội của hình thức đào tạo theo tín chỉ với hình thức đào tạo truyền thống. Nó mang lại rất nhiều ích lợi cho người học như: có nhiều cơ hội để rút ngắn thời gian học, học thêm, chuyển đổi ngành học; Người học chủ động lập kế hoạch học tập phù hợp quỹ thời gian, năng lực bản thân; Chương trình môn học mềm dẻo thích ứng nhanh với sự phát triển của xã hội; Đặc biệt là sự xuất hiện hệ thống các môn học tự chọn bên cạnh những môn học bắt buộc…

Tuy vậy, để có được sự vượt trội trong giáo dục theo hình thức tín chỉ, đòi hỏi phải thực hiện cuộc cách mạng thay đổi cả việc dạy và học. Sự nỗ lực phải từ cả phía thầy và trò. Dạy và học đều đóng vai trò trung tâm của hoạt động giáo dục.

2.1.Hoạt động dạy

Vai trò của Người dạy

Từ truyền thống đến hiện đại, với mọi hình thức đào tạo thì người thầy vẫn là người đưa tri thức đến cho người học - xã hội. Chính vì vậy, sự tôn kính dành cho người thầy là bất biến trường tồn trong lịch sử nhân loại.

Từ vai trò tối cao trong sự dạy khi bước sang hình thức đào tạo tín chỉ, người thầy trở thành người đồng hành với người học. Người thầy không thiết kế sẵn con đường tri thức mà chỉ cho người học cần phải làm gì để có thể xây dựng và đi được trên những con đường đó. Người thầy đóng vai trò là nhà kiến trúc sư, thiết kế mọi hoạt động trong quá trình tổ chức hoạt động giáo dục. Người thầy không chỉ có nhiệm vụ truyền thụ kiến thức trong những giờ lên lớp. Mà còn có khả năng yêu cầu người học cũng phải biết tự mang lại kiến thức cho bản thân. Tìm tòi để có các phương pháp giúp cho người học có thể tự chiếm lĩnh được kiến thức, đáp ứng mục tiêu và yêu cầu của bài học một cách hiệu quả nhất. Người Thầy còn phải có tố chất của nhà khoa học thực thụ, có đủ năng lực biên soạn nhiều tài liệu tham khảo hoặc nhà tư vấn nguồn tài liệu tham khảo; là chuyên gia hỗ trợ tiếp sức giúp người học có thể chiếm lĩnh được đỉnh cao tri thức.

Thầy dạy là ai?

Tín chỉ là hình thức đào tạo  ngày càng có độ phủ sóng rộng trong thời đại toàn cầu hóa. Nguồn lực sức mạnh của công nghệ thông tin là sự cộng hưởng giúp cho hình thức đào tạo theo tín chỉ ngày càng được khuếch tán, phổ biến trên khắp toàn cầu. Mạng internet là người thầy khổng lồ có thể cung cấp mọi thông tin và kiến thức phù hợp với tính linh hoạt, mềm dẻo của chương trình kiến thức môn học theo yêu cầu tín chỉ. Con đường ngắn nhất để có được kiến thức là biết khai thác triệt để nguồn thông tin khoa học phong phú trên mạng. Người học có thể gặp gỡ với người thầy khổng lồ ở bất kỳ đâu, bất cứ chỗ nào chỉ với chiếc máy tính đã được kết nối mạng. Mạng internet đã chi phối tới mọi lĩnh vực chính vì vậy trong môi trường giáo dục, người thầy phải thường xuyên học hỏi, cập nhật để không bị tụt hậu. Đó là sự đòi hỏi ngày càng cao của xã hội đối với trọng trách làm thầy.

 

Mạng internet là người thầy khổng lồ có thể cung cấp mọi thông tin và kiến thức (Ảnh minh họa)

Với câu hỏi Thầy dạy là ai? Câu trả lời còn là: Người xưa, đã quan niệm học đi đôi với hành. Thực hành, thực tế, trải nghiệm cuộc sống cũng chính là người thầy giúp cho người học có được các năng lực thực tiễn. Quan điểm truyền thống Học thầy không tày học bạn chính là yêu cầu phù hợp sự cụ thể hóa kỹ năng làm việc theo nhóm, khả năng hợp tác trong công việc của giáo dục hiện đại.

Đổi mới phương pháp dạy – học

Một vấn đề đặt ra là: Có hay không phương pháp riêng cho đào tạo tín chỉ?

Giáo dục truyền thống lấy người thầy là trung tâm. Khi chuyển sang đào tạo theo tín chỉ đã thay đổi mô hình truyền thống, mà ở đó, người học đóng vai trò trung tâm của hoạt động giáo dục. Mọi phương pháp dạy – học từ khâu thiết kế bài giảng, biên soạn tài liệu... đều phải xuất phát, bắt đầu từ mô hình đó. Vì vậy, khi chuyển sang phương thức đào tạo tín chỉ phải đổi mới phương pháp dạy – học. Kết hợp đồng bộ cả sự đổi mới phương pháp, nội dung và hình thức tổ chức dạy học... Không tìm kiếm một phương pháp dạy học được coi là ưu thế tuyệt đối mà biết kết hợp  phương pháp truyền thống với hiện đại, ứng dụng tối đa các tiện ích của công nghệ thông tin trong giáo dục. Hiệu quả thành công của đổi mới phương pháp có thể xem ở khía cạnh đưa đến cho người học tư duy độc lập và ở tầm cao hơn, họ biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống một cách sáng tạo. Hay người học còn biết đặt nhiều câu hỏi tại sao và họ sẽ phải tiếp tục đi kiếm tìm câu trả lời.

Đổi mới phương pháp dạy học cũng cần gắn liền với đổi mới phương pháp thi cử. Giáo dục hiện đại phải tạo ra nhiều cơ hội để người học tỏa sáng, thể hiện năng lực của bản thân cả về lý thuyết và vốn sống thực tiễn. Tức là phải có nhiều hình thức kiểm tra đánh giá người học.

2.2. Hoạt động học

Mục đích học

Đây là câu hỏi trọng tâm của mọi hoạt động giáo dục. Ủy ban Giáo dục của UNESCO đã công bố một phần của mục đích học: học để biết, học để làm, học để xác lập mình và học để chung sống với người khác (Learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together). UNESCO đã xác định đúng bốn trụ cột của mục đích học. Hình thức đào tạo theo tín chỉ với cơ chế học, chương trình môn học mềm dẻo, còn có thể tạo cơ hội cho Người Học: tự phát hiện và phát triển năng lực của chính bản thân.  Đó mới là mục đích tự thân của việc học vì sẽ giúp cho họ có khả năng thích ứng cao nhất và đóng góp nhiều nhất cho xã hội.

Tự học, tự nghiên cứu

Từ quan điểm giáo dục truyền thống đến hiện đại, tự học đều là vấn đề cơ bản, quan trọng. Nhưng chỉ đến hình thức đào tạo tín chỉ thì tự học mang sắc thái mới hoàn toàn. Giờ tự học có tính pháp lý trong phân phối chương trình môn học và được coi là một trong ba thành tố của quá trình tổ chức dạy học: giờ tín chỉ lý thuyết; giờ tín chỉ thực hành/thảo luận; giờ tín chỉ tự học. Cả ba hình thức này đều có ý nghĩa và giá trị tương đương. Tín chỉ đặt ra yêu cầu bắt buộc và đòi hỏi rất cao về việc tự học, tự nghiên cứu của người học.

            Tùy theo công việc, điều kiện và khả năng mỗi người phải tìm kiếm cách tự học phù hợp, lấy tự học làm cốt. Biết xử lý thông tin chính là chìa khóa trên con đường tự học và học tập suốt đời. Nó mở ra những cơ hội về kiến thức cho mỗi cá nhân, góp phần nâng cao hiệu quả sự nghiệp giáo dục.

Để có được năng lực xử lý thông tin là quá trình, đòi hỏi phải có bản lĩnh, một cách làm việc nghiêm túc, khoa học khi mà internet chi phối mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Tự học, còn có thể hiểu là biết khai thác tiện ích mạng internet để biến thông tin thành kiến thức, tri thức; lấy đúng thông tin kiến thức cần; lấy đủ thông tin để sử dụng và biết vận dụng có hiệu quả thông tin trong công việc.

 

Những hình ảnh cúa buổi tọa đàm Sinh viên với công tác đào tạo tín chỉ do trường ĐHSP Nghệ thuật TW tổ chức ngày 30/5/2014

 

Tóm lại, chuyển sang mô hình đào tạo theo tín chỉ là cuộc cách mạng trong giáo dục. Đòi hỏi Người dạy và Người học phải có sự thay đổi để thích ứng. Nhưng với mọi phương thức đào tạo, dù là truyền thống hay tín chỉ thì việc dạy - việc học vẫn là trung tâm của hoạt động giáo dục và sự phát triển bền vững của mọi quốc gia.