Nội san

Vận dụng kỹ thuật dạy học mảnh ghép trong giảng dạy môn âm nhạc tại trường liên cấp song ngữ WELLSPRING

17 Tháng Sáu 2014

Đặng Khánh Nhật

 

Đổi mới phương pháp dạy học là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay của ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam. Nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa XI khẳng định: "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc" [2, tr.3].

Qua thời gian học tập và nghiên cứu tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, chúng tôi đã được tiếp cận với nhiều phương pháp dạy học mới và những kỹ thuật dạy học tích cực, trong đó kỹ thuật dạy học mảnh ghép, được xếp vào một trong những kỹ thuật dạy học tích cực với tất cả các bộ môn nói chung, bộ môn âm nhạc nói riêng.

Kỹ thuật dạy học mảnh ghép là một kỹ thuật dạy học thể hiện quan điểm, chiến lược dạy học hợp tác, trong đó có kết hợp giữa hoạt động cá nhân, hoạt động nhóm và liên kết giữa các nhóm. Cách thức tiến hành kỹ thuật này như sau: Học sinh được phân thành các nhóm, sau đó giáo viên phân công cho mỗi nhóm thảo luận, tìm hiểu sâu về một vấn đề của bài học. Các nhóm này được gọi là nhóm chuyên sâu. Chẳng hạn: nhóm 1- thảo luận vấn đề A, nhóm 2- thảo luận vấn đề B, nhóm 3- thảo luận vấn đề C, nhóm 4- thảo luận thảo luận vấn đề D,…. Sau đó, mỗi thành viên của các nhóm chuyên sâu sẽ được tập hợp lại thành các nhóm mới – còn gọi là “nhóm mảnh ghép”. Như vậy trong mỗi nhóm mảnh ghép sẽ có đủ các “chuyên gia” về vấn đề A, B, C, D,...và mỗi “ chuyên gia” về từng vấn đề sẽ có trách nhiệm trao đổi lại với cả nhóm mới về vấn đề mà em đã có cơ hội tìm hiểu ở nhóm chuyên sâu.

Kỹ thuật dạy học mảnh ghép có tác dụng kích thích tư duy sáng tạo và tính chủ động, phát huy sự năng động của học sinh, đồng thời rèn luyện cho các em tinh thần làm việc cá nhân, làm việc tập thể, kỹ năng trình bày kiến thức trước nhóm. Để kiểm chứng giá trị thực tiễn của kỹ thuật dạy học này, chúng tôi đã tổ chức thực nghiệm: Vận dụng kỹ thuật dạy học mảnh ghép vào thực tiễn giảng dạy môn Âm nhạc tại trường Liên cấp song ngữ (LCSN) Wellspring.

Việc tổ chức thực nghiệm là nhằm đánh giá tính hiệu quả và tính khả thi của kỹ thuật dạy học mảnh ghép trong giảng dạy môn Âm nhạc. Đồng thời, qua đó tạo cơ sở khoa học có thể triển khai nhân rộng trong giảng dạy âm nhạc tại trường LCSN Wellspring và làm tiền đề cho việc nghiên cứu, sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học mới, góp phần nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc.

Với mục đích nêu trên, chúng tôi bắt đầu tổ chức thực nghiệm với các bước như sau:

Thứ nhất là chọn đối tượng

Đối tượng được chọn ở đây là giáo viên đang giảng dạy và học sinh lớp 4A4 đang học tập môn Âm nhạc tại trường LCSN Wellspring.

Thứ hai là phạm vi thực nghiệm:

Tập trung nghiên cứu tính hiệu quả, tính khả thi của kỹ thuật dạy học mảnh ghép trong hoạt động dạy và học môn Âm nhạc thông qua nội dung chương trình môn Âm nhạc ở cả hai phân môn Thanh nhạc (TN) và Piano.

Thứ ba là, phương pháp thực nghiệm

Quá trình thực nghiệm được tiến hành dựa trên các phương pháp: Phương pháp khảo sát và phỏng vấn lấy ý kiến giáo viên và học sinh; Phương pháp quan sát khi dự giờ tiết dạy thực nghiệm của giáo viên.

Thứ tư là, tổ chức thực nghiệm

Nội dung 1: Trao đổi và chia sẻ với giáo viên Âm nhạc trong trường về kỹ thuật dạy học mảnh ghép, cách tổ chức hoạt động ở mỗi nhóm “chuyên sâu”, “mảnh ghép” và di chuyển luân phiên đầy đủ các nhóm.

Nội dung 2: Chuẩn bị nội dung, phương tiện học tập, chụp ảnh và quay các video clips hướng dẫn cách sử dụng bộ gõ, kèn melodion kết hợp với bài tập đọc nhạc, bài hát.

Nội dung 3: Trong thời gian thực nghiệm, kết hợp dự giờ và chụp ảnh, quay camera các hoạt động giảng dạy và học tập.

Nội dung 4: Sau thực nghiệm, phát và thu phiếu trưng cầu ý kiến học sinh, đồng thời phỏng vấn giáo viên và học sinh tham gia thực nghiệm.

Để kết quả thực nghiệm được chính xác, chúng tôi đã chia lớp thực nghiệm thành bốn nhóm học tập với hai vòng kiến thức.

            Vòng 1: “Nhóm chuyên sâu”

            Chia lớp học thành các nhóm mỗi nhóm có từ ba đến sáu học sinh. Mỗi nhóm được giao nhiệm vụ tìm hiểu một nội dung học tập khác nhau nhưng có liên quan chặt chẽ đến nhau, đảm bảo mọi thành viên trong nhóm có thể trả lời và trình bày được câu hỏi trong nhiệm vụ trong vòng kế tiếp.

            Vòng 2: “Nhóm mảnh ghép”

            Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở vòng 1, mỗi học sinh từ các nhóm “chuyên sâu” khác nhau hợp lại thành các nhóm mới, gọi là “nhóm mảnh ghép”. Mỗi học sinh trong các “nhóm chuyên sâu” sẽ truyền đạt lại những nội dung đã được tìm hiểu ở vòng 1 cho các thành viên khác trong “nhóm mảnh ghép”, đảm bảo tất cả các thành viên trong “nhóm mảnh ghép” nắm bắt được đầy đủ nội dung của “nhóm chuyên sâu”. Lần lượt như vậy, toàn bộ học sinh trong “nhóm mảnh ghép” sẽ kết nối kiến thức thành một tổng thể hoàn chỉnh.

            Tiếp theo, giáo viên giao cho các “nhóm mảnh ghép” khái quát, tổng hợp lại toàn bộ nội dung đã được tìm hiểu từ các “nhóm chuyên sâu”. Bằng cách này, có thể nhận thấy những phần vừa thực hiện không chỉ để giải trí hoặc là trò chơi đơn thuần mà thực sự là những nội dung học tập quan trọng.

 

Ảnh: Một tiết dạy Âm nhạc bằng kỹ thuật dạy học mảnh ghép

Tại phòng học âm nhạc Wellspring

 

Xử lí kết quả thực nghiệm

        Sử dụng phiếu trưng cầu ý kiến đối với học sinh, các em được thăm dò với 10 câu hỏi thuộc hai nội dung:

 Nội dung 1: Yếu tố tích cực của kĩ thuật dạy học mảnh ghép và những lợi ích cho học sinh (từ câu 1 đến câu 5);

Nội dung 2: Thái độ học tập và tính tích cực, chủ động của học sinh khi học tập với kĩ thuật dạy học mảnh ghép (từ 6 đến 10 câu)

Kết quả thực nghiệm được tổng kết qua bảng sau:

TT

Nội dung câu hỏi

Không đồng ý

Phân vân

Đồng ý

1

Bài học hôm nay (sử dụng kỹ thuật dạy học mảnh ghép) phù hợp với nội dung bài học, khả năng học tập của học sinh.

0

1

19

2

Kỹ thuật này giúp em dễ tiếp thu kiến thức, thực hành kỹ năng âm nhạc.

0

1

19

3

Kỹ thuật dạy học này mang lại kết quả đáng kể trong học tập và được liên hệ với thực tiễn dạy học âm nhạc.

0

1

19

4

Kỹ thuật dạy học này giúp học sinh nâng cao khả năng làm việc tập thể, kỹ năng nhớ kiến thức và thuyết trình lại trước đám đông.

0

1

19

5

Kỹ thuật dạy học mảnh ghép cần thiết trong hoạt động dạy và học cả hai phân môn TN – Piano.

0

5

15

 

Kết quả và tỷ lệ (%) của Nội dung 1

0

9

91

0%

9%

91%

6

Học sinh rất thích học với kỹ thuật dạy học mảnh ghép vì nó đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

0

7

13

7

Học sinh được tham gia đầy đủ ở các nhóm học tập và tích cực hoạt động nhóm.

0

1

19

8

Học sinh thực sự hứng thú với kỹ thuật dạy học này.

0

6

14

9

Phương tiện, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu vận dụng kỹ thuật dạy học mới.

0

2

18

10

Học sinh thực sự mong muốn giáo viên thường xuyên sử dụng kỹ thuật dạy học mảnh ghép vào các tiết học khác.

0

8

12

 

Kết quả và tỷ lệ (%) của Nội dung 2

0

24

76

0%

24%

76%

Tổng kết quả và tỷ lệ (%)02 nội dung

0

54

456

0%

16,5%

83,5%

                            

Điều đáng ghi nhận của giáo viên và học sinh được thể hiện qua kết quả đánh giá là không thấy lựa chọn nào ở mức độ không đồng ý . Điều đó cho thấy bước đầu có sự đáp ứng tích cực với kỹ thuật dạy học mới. Mức độ đồng ý về nội dung khảo sát đạt tỷ lệ 89,4% và phân vân chỉ có 10,6% cho thấy sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh đối với kỹ thuật dạy học này. Đây là một tín hiệu khả quan cho quá trình nghiên cứu và thực nghiệm bởi tính hiệu quả của kỹ thuật dạy học đã được học sinh hưởng ứng. Chính vì điều đó, kỹ thuật dạy học này đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Kết quả học sinh đánh giá nội dung 1 đạt tỷ lệ 95,7%; nội dung 2 là 83,1% .Từ kết quả cho thấy kỹ thuật dạy học mảnh ghép có sự đa dạng hóa các hoạt động học tập và phù hợp với khả năng của học sinh. Học sinh được trực tiếp khám phá, trải nghiệm nội dung học tập, qua đó giúp các em tiếp thu kiến thức, kỹ năng một cách chủ động, sáng tạo. Thái độ tích cực học tập của học sinh được nâng lên rõ rệt thông qua các hoạt động trao đổi, phân tích, phản biện, truyền đạt, giúp học sinh hiểu sâu hơn kiến thức, thành thạo kỹ năng thực hành.

Thành công đạt được ban đầu đó là sự thích thú của học sinh trong tiết dạy tăng đáng kể, tạo không khí sôi nổi, góp phần kích thích học sinh tư duy, tích cực tham gia xây dựng bài.

Bên cạnh việc tổ chức thực nghiệm, để đánh giá một cách chính xác về kỹ thuật dạy học mảnh ghép vào thực tiễn giảng dạy môn Âm nhạc tại trường Liên cấp song ngữ (LCSN) Wellspring, chúng tôi còn tiến hành phỏng vấn trực tiếp giáo viên giảng dạy môn Âm nhạc và học sinh trường Liên cấp song ngữ (LCSN) Wellspring. Các ý kiến của giáo viên và học sinh đều tích cực ủng hộ việc vận dụng kỹ thuật dạy học mảnh ghép vào giảng dạy trong cả hai phân môn Thanh nhạc và Piano. Bên cạnh đó, yếu tố tích cực của kỹ thuật này thể hiện rất rõ qua các ý kiến: Kỹ thuật mảnh ghép tạo ra hoạt động, phong phú, đòi hỏi học sinh phải tích cực để có thể hoàn thành được vai trò, nhiệm vụ mỗi cá nhân. Thông qua hoạt động này, mỗi học sinh phải có tính chủ động, năng động, linh hoạt, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm cao trong học tập với chính mình và các bạn trong lớp; đồng thời, hình thành ở học sinh các kỹ năng giao tiếp, trình bày, hợp tác, giải quyết vấn đề, v.v…

            Đây là dấu hiệu đáng mừng để tiếp tục triển khai và nhân rộng kỹ thuật dạy học này. Tuy nhiên, để có thể đạt được hiệu quả cao nhất, giáo viên cần hình thành cho các em thói quen học tập hợp tác kỹ năng xã hội, tính chủ động, tinh thần trách nhiệm trong học tập. Đồng thời, giáo viên cần theo dõi quá trình hoạt động của các nhóm để đảm bảo tất cả mọi học sinh đều hiểu nhiệm vụ và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sau khi học sinh các nhóm tổng kết nội dung bài học, giáo viên cần chỉnh sửa, bổ sung để tránh tình trạng một học sinh nào đó trong nhóm trình bày không rõ ràng, không đầy đủ, khiến thông tin bị khuyết, dẫn đến việc ảnh hưởng kết quả học tập, đồng thời phải chọn được những nội dung bài dạy phù hợp để áp dụng.

Qua hai buổi quan sát tại lớp thực nghiệm, chúng tôi ghi nhận tiết dạy có sự hứng thú, nhiệt tình của giáo viên, giúp giáo viên ý thức hơn việc kết hợp linh hoạt các hoạt động dạy học, điều này vốn chưa được sự quan tâm của giáo viên trước đây. Đa số học sinh hiểu được tác dụng và sử dụng đúng kỹ thuật phương tiện dạy học qua phần trình bày, nhận xét và thực hành ở mỗi nhóm. Điều này rất có ý nghĩa trong mỗi tiết dạy, góp phần tạo sự hứng thú cho học sinh. Tuy nhiên, hiệu quả tiết dạy sẽ cao hơn nếu giáo viên phối hợp kỹ thuật dạy học này linh hoạt hơn và sử dụng thời gian phù hợp cho các hoạt động học tập.

Như vậy, việc đổi mới phương pháp, kỹ thuật, nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc là nhiệm vụ hàng đầu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng đào tạo chung của nhà trường. Qua đánh giá kết quả thực nghiệm, chúng tôi cho rằng việc sử dụng kỹ thuật dạy học mảnh ghép trong giảng dạy âm nhạc mang đến cho giáo viên và học sinh một sự thay đổi tích cực trong nhận thức cũng như trong hoạt động dạy và học. Đồng thời, các số liệu khảo sát, phỏng vấn giáo viên và học sinh cũng xác định được tính hiệu quả của kỹ thuật dạy học kể trên. Vì vậy, có thể khẳng định việc vận dụng kỹ thuật dạy học mảnh ghép trong hoạt động giảng dạy môn Âm nhạc là rất cần thiết, có tính khả thi bởi nó đạt được hiệu quả cao qua kết quả đánh giá thực nghiệm. Đồng thời, kỹ thuật dạy học này cần được Bộ môn âm nhạc tổ chức triển khai nhân rộng trong giảng dạy âm nhạc nói chung nhằm góp phần đổi mới phương pháp, kỹ thuật, nâng cao chất lượng dạy học tại trường LCSN Wellspring.

Thực nghiệm này là tiền đề để tiếp tục ứng dụng các phương pháp mới vào hoạt động dạy học âm nhạc, góp phần đạt mục tiêu đề ra của nhà trường.

 

                                        TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Ban Tuyên giáo Trung ương (2014), Nghị quyết Hội nghị lần thứ VIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Tài liệu học tập dành cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở, Nxb Chính trị Quốc gia - sự thật, Hà Nội.

2.  Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Hướng dẫn thực hiện chương trình các môn học lớp 1, 2, 3, 4, 5, Ban hành kèm theo công văn số 9832/BGD&ĐT-GDTH ngày 01 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (KT.BT Thứ trưởng Đặng Huỳnh Mai).

3.  Nguyễn Thị Hải Phượng (2011), Tài liệu bộ môn Phương pháp dạy học âm nhạc, Hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.