Nội san

Văn hóa Âm nhạc của sinh viên Trường Đại học Hồng Đức – Thanh Hóa

29 Tháng Sáu 2014

                                                  Doãn Thị Hạnh

 

 

Âm nhạc là một lĩnh vực nghệ thuật quan trọng có ảnh hưởng lớn đối với đời sống tinh thần của con người, đặc biệt là lớp trẻ. Âm điệu và tiết tấu âm nhạc có sức mạnh làm rung động tâm hồn con người. Những tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật cao sẽ làm cho con người có tâm hồn nhẹ nhàng, nuôi dưỡng tính hướng thiện, thúc đẩy sự thực hiện những ước mơ hoài bão, giúp con người luôn vươn tới một nhân cách toàn vẹn.

Nghệ thuật âm nhạc rất quan trọng trong đời sống tinh thần của chúng ta. Văn hóa âm nhạc luôn cần thiết trong các hoạt động âm nhạc cho dù hoạt động đó là của cá nhân hay tập thể. Bởi văn hóa âm nhạc giúp chúng ta biết nhận thức, hưởng thụ, đánh giá các giá trị của cái đẹp trong âm nhạc. Vai trò của văn hóa âm nhạc được khẳng định thiết yếu trong sự tiến bộ và phát triển của chất lượng cuộc sống con người. Đặc biệt đối với thanh niên, sinh viên, văn hóa âm nhạc là nền tảng quan trọng trong đời sống tinh thần. Vì vậy các yếu tố có tác động trực tiếp đến sự hình thành và phát triển văn hóa âm nhạc cần được nhìn nhận một cách đúng đắn khoa học. Bên cạnh đó, những tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật kém sẽ ảnh hưởng không tốt đến phong cách, lối sống, tư tưởng con người. Chính vì vậy, trong thưởng thức và hoạt động âm nhạc cần phải có những tiêu chí văn hóa để định hướng thẩm mĩ, phát triển văn hóa âm nhạc nước nhà phù hợp với xu thế phát triển thời đại vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. này là tất cả sinh viên đều được tiếp thu tri thức âm nhạc. Bởi tri thức âm nhạc là điều kiện tiên quyết của văn hóa âm nhạc.

            Các nhà nghiên cứu về văn hóa cho rằng: văn hoá là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra nhằm mục đích phục vụ cho sự tồn tại và phát triển của cộng đồng loài người. Chính vì vậy, thuật ngữ văn hoá âm nhạc được chúng tôi nhìn nhận như một tổng thể các giá trị văn hóa của âm nhạc. Như vậy, văn hóa âm nhạc sẽ bao gồm các đặc trưng về tri thức, tình cảm, tinh thần và sản phẩm âm nhạc của con người.

             Cùng với sự phát triển của xã hội, văn hóa âm nhạc Việt Nam ngày nay đã gặt hái được những thành tựu. Các ca sĩ, nhạc sĩ đóng góp nhiều tác phẩm sáng tạo và nghệ thuật, có tính văn hoá cao, có ý nghĩa tích cực, làm đẹp hơn, phong phú hơn cho đời sống âm nhạc nói riêng và cho đời sống xã hội nói chung. Song bên cạnh đó, nhiều nhạc sỹ cho ra đời những tác phẩm kém chất lượng nghệ thuật, thiếu thẩm mĩ trong ca từ, đã trở thành nỗi nhức nhối, trăn trở của các nhà giáo dục, các nhà văn hóa và các nhạc sĩ có tâm huyết với nghệ thuật. Điều đáng lo ngại là sự tiếp nhận của giới trẻ với những thể loại này.

 


 Ảnh: Một tiết mục biểu diễn của sinh viên Trường Đại học Hồng Đức trong đêm nhạc  chào đón tân sinh viên và chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam (Nguồn: Sưu tầm)

 

Đối với sinh viên Trường Đại học Hồng Đức - Thanh Hoá nói riêng, văn hóa âm nhạc rất quan trọng trong đời sống tinh thần các em. Tuy nhiên, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy rằng, những biểu hiện văn hóa âm nhạc của sinh viên còn nhiều điều đáng bàn. Toàn trường số sinh viên được học nhạc là rất ít (chiếm 1/3), trong khi đó kiến thức âm nhạc ở cấp dưới (cấp 1, 2) không đủ  để giúp các em có được nền căn bản để xây dựng cho mình một đời sống văn hóa tinh thần hữu ích. Chương trình dạy học chính khóa, vì thời gian, dung lượng kiến thức có hạn, giáo viên chưa quan tâm đúng mức vấn đề này. Trong chương trình ngoại khóa, nội dung và hình thức các hoạt động văn hóa âm nhạc bị bó hẹp trong các ngày lễ hội. Ngoài ra, nhà trường chưa có những tụ điểm, sân chơi văn hóa nào khác để sinh viên mở rộng kiến thức cũng như rèn luyện các năng lực hoạt động âm nhạc. Chính vì vậy, tri thức âm nhạc của sinh viên thực sự non kém thể hiện qua kiến thức âm nhạc nghèo nàn, nhu cầu và thị hiếu âm nhạc của sinh viên phần lớn mang tính tự phát, cảm tính. Nhiều sinh viên có biểu hiện vọng ngoại, không thích nghe âm nhạc truyền thống mà chỉ thích nhạc nước ngoài, phải chăng các em chưa cảm nhận được cái hay cái đẹp của âm nhạc dân tộc? Hầu hết sinh viên không  hiểu âm nhạc cổ điển, không biết các tác phẩm âm nhạc kinh điển của thế giới, đây là điều thiệt thòi lớn cho các em. Nhiều sinh viên chỉ thích đắm mình vào những ca khúc ủy mị sướt mướt cho là "hợp tâm trạng".  Điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, nhu cầu thẩm mĩ âm nhạc nói riêng và đạo đức, phong cách lối sống của sinh viên nói chung. Xuất phát từ thực tiễn đó, việc nghiên cứu tìm ra các giải pháp, cung cấp tri thức âm nhạc, phát triển tình cảm thẩm mĩ cho sinh viên nhằm định hướng và phát triển văn hóa âm nhạc cho sinh viên  là vô cùng quan trọng.

            1. Phát triển văn hóa âm nhạc cho sinh viên trong chương trình dạy học chính khóa.

             Đưa âm nhạc đại cương vào chương trình chính khóa với phương thức bắt buộc với khối Khoa hoc xã hội và tự chọn với khối Khoa học tự nhiên. Mục đích của hình thức này là tất cả sinh viên đều được tiếp thu tri thức âm nhạc. Bởi tri thức âm nhạc là điều kiện tiên quyết của văn hóa âm nhạc.

             Đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên. Phương pháp dạy học ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của sinh viên. Phương pháp là cách thức, là con đường hoạt động của thầy giúp trò nắm vững những kiến thức, kĩ năng. Những phương pháp được sử dụng phải thể hiện rõ hai tính chất cơ bản: Phát huy tính tích cực tự giác độc lập của trò trong quá trình học tập; giảng dạy và học tập gắn liền với thực tế đời sống xã hội, học phải đi đôi với hành. Giáo viên nên mở rộng kiến thức, giảm bớt kiến thức buộc sinh viên phải ghi nhớ mà cần chú trọng vào việc ứng dụng . Bên cạnh đó, cần có phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp, tổ chức cho sinh viên những trò chơi nhằm tiếp thu thông tin bài học là những biện pháp tích cực góp phần nâng cao chất lượng dạy học.           Âm nhạc là một bộ môn đặc thù, rất khó cho giáo viên khi đứng trước đối tượng học sinh không đồng đều về năng khiếu, các năng lực hoạt động âm nhạc. Để giáo dục âm nhạc một cách hiệu quả, giáo viên cần có những phương pháp dạy học phù hợp. Điều cơ bản nhất là giáo viên phải làm cho các em biết yêu nghệ thuật âm nhạc. Muốn vậy, trong các bài giảng, giáo viên cần mở rộng hiểu biết thức tế âm nhạc, kiến thức không gò bó, ứng dụng nhiều. Các ví dụ bài học cần thiết thực hơn trong đời sống tinh thần của các em. Hoạt động dạy học phải hướng tới sự đáp ứng nhu cầu của sinh viên, thúc đẩy và định hướng nhu cầu đó.

            Trong quá trình dạy học, giáo viên định hướng cho sinh viên có cách học tích cực, độc lập sáng tạo, phát triển trí tuệ tư duy logic, tạo điều kiện cho sinh viên giải quyết những vấn đề trong việc tiếp thu kiến thức âm nhạc và ứng dụng vào các hoạt động âm nhạc khác. Giáo viên cần rèn luyện cho sinh viên kĩ năng làm việc độc lập, tự lực chiếm lĩnh kiến thức, nắm được kiến thức một cách sâu sắc và có ý thức, làm chủ quá trình đào tạo của mình. Vốn tri thức âm nhạc mà sinh viên thu nhận được ở nhà trường chỉ sống, nảy nở và trở thành văn hóa âm nhạc nếu các em biết sử dụng một cách độc lập, sáng tạo. Tính độc lập của sinh viên  biểu hiện ở suy nghĩ, biết tổ chức các hoạt động âm nhạc của mình một cách hợp lý trên cơ sở qui trình được giáo viên hướng dẫn.

            Hiện nay, trong quá trình dạy học, chúng ta sử dụng rất nhiều phương pháp khác nhau. Đối với bộ môn nghệ thuật âm nhạc có những đặc thù riêng, giáo viên cần sử dụng linh hoạt kết hợp nhiều phương pháp, không tuyệt đối hóa tác dụng của một phương pháp dạy học nào.Trong các bài học âm nhạc, giáo viên cần giảm bớt những thông tin buộc sinh viên phải ghi nhớ, tăng cường ứng dụng các tác phẩm theo nhu cầu và thị hiếu thực tế của sinh viên, gợi ý để sinh viên tự nghiên cứu bài học. Trong các giờ học không nên gò bó, cứng nhắc, giáo viên có thể tổ chức cho sinh viên những trò chơi nhằm tiếp thu thông tin bài học một cách hiệu quả hơn, tránh cảm giác mệt mỏi.

            Dạy học bằng trò chơi là một hình thức tái tạo lại nội dung bài học, hệ thống kiến thức dưới một hình thức khác. Trò chơi giúp các em có phản ứng nhanh nhạy, kích thích tính tích cực trong học tập, khuyến khích mọi sinh viên, xoá đi những trở ngại đối với những sinh viên thiếu tự tin không hoà mình vào tập thể. Trò chơi trong dạy học giúp giúp các em phát triển tư duy lí thuyết, và tư duy thực hành, giúp các em thực hành chớp nhoáng những kiến thức vừa tiếp thu. Ngoài ra, trò chơi được xem là kĩ thuật kiểm tra khéo léo mức độ tiếp thu bài học của sinh viên, từ đó có những biện pháp khắc phục.

             Bên cạnh đó, giáo viên cần sử dụng những phương tiện dạy học hiện đại phù hợp giúp các em cảm thụ âm nhạc tốt hơn, yêu thích bộ môn nghệ thuật này hơn. Các hình thức tổ chức dạy học, giáo viên cần thay đổi linh hoạt, khi học tập cá nhân, khi trao đổi nhóm, khi làm việc tập thể cả lớp, tránh đơn điệu như hiện nay.

             Cải tiến chương trình giảng dạy. Đưa thêm phần lịch sử âm nhạc thường thức vào giảng dạy để nâng cao tri thức âm nhạc cho sinh viên. Ngoài ra, giáo viên nên đưa thêm những tác phẩm có tính nghệ thuật cao ở các thể loại: ca khúc Việt Nam, dân ca, âm nhạc cổ điển vào bài giảng để mở rộng thêm kiến thức cho sinh viên.

            2. Nâng cao chất lượng hoạt động ngoại khóa làm nền tảng phát triển văn hóa âm nhạc cho sinh viên.

             Phát triển hoạt động ngoại khóa biểu diễn là một sân chơi bổ ích giúp sinh viên hiểu biết thêm về kiến thức xã hội, củng cố kiến thức âm nhạc đã được tiếp thu, rèn luyện kĩ năng, năng lực hoạt động âm nhạc. Bên cạnh đó, giáo viên tổ chức cho sinh viên xem biểu diễn, giao lưu với các nhạc sỹ, nghệ sỹ, nghệ nhân biểu diễn, hoặc tổ chức các cuộc thi do sinh viên biểu diễn với các hình thức như: Cuộc thi tài năng nhạc cụ, cuộc thi giọng hát hay, cuộc thi dàn dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp, cuộc thi tài năng của sinh viên thanh lịch...  

 

Ảnh:   Sinh viên Trường Đại học Hồng Đức tham gia đồng diễn nghệ thuật tại lễ khai mạc Đại hội Thể dục Thể thao tỉnh Thanh Hóa ( Nguồn: Sưu tầm)

 

            Tổ chức các chuyên đề văn hóa âm nhạc. Trên nhiều góc độ, các chuyên đề sẽ dần dần mở mang tri thức âm nhạc cho sinh viên, giúp sinh viên có thêm kênh thông tin về văn hóa âm nhạc. Các chuyên đề âm nhạc cần thiết cho sinh viên như: " Âm nhạc với đời sống của chúng ta"; "Dân ca Việt Nam"; "Nhạc nhẹ với sv"; "Âm nhạc cổ điển"...

            Tổ chức câu lạc bộ âm nhạc. Đây là một thiết chế văn hóa sinh động, là sân chơi bổ ích cho sinh viên, giúp các em tận dụng thời gian rảnh rỗi giao lưu với bạn bè, mở rộng tri thức âm nhạc, rèn luyện kĩ năng âm nhạc, trên tinh thần tự nguyện...

             Sử dụng dân ca là một phương tiện giáo dục góp phần nâng cao văn hóa âm nhạc cho sinh viên. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu và biểu diễn dân ca; giới thiệu các ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca. Đây là những hình thức giúp sinh viên gần gũi với dân ca, hiểu và yêu dân ca hơn. Giáo dục văn hóa âm nhạc truyền thống, tạo tiềm năng nội lực thẩm mỹ để sinh viên tiếp thu, giao lưu các nền văn hóa âm nhạc thế giới.

             Tổ chức giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của thế giới, của Việt Nam, kết hợp tổ chức diễn đàn bình luận trong sinh viên.  Hình thức này sẽ làm phong phú kiến thức âm nhạc của sinh viên, đồng thời mở rộng không gian hiểu biết về nghệ thuật âm nhạc, giúp các em nâng cao nhận thức những giá trị của cuộc sống.

             Tăng cường hoạt động tuyên truyền, quảng bá âm nhạc lành mạnh trên các phương tiện thông tin của nhà trường. Dành một thời gian thích đáng cho các chương trình âm nhạc trên đài phát thanh. Chương trình phát thanh những bài hát dân ca nhạc cổ truyền, các bài hát truyền thống cách mạng. Bên cạnh đó, việc thành lập trang web về văn hóa có nội dung liên quan đến âm nhạc cũng là phương tiện rất thuận lợi để sinh viên có thể tham gia diễn đàn âm nhạc trên các phương tiện cá nhân của mình.

            Định hướng và phát triển văn hóa âm nhạc cho sinh viên là vấn đề mang tính chiến lược lâu dài. Đây là công việc vừa khoa học vừa khéo léo của người làm công tác giáo dục âm nhạc. Chúng tôi tin rằng, hướng đi trên sẽ dần dần góp phần nâng cao văn hóa âm nhạc cho sinh viên Trường Đại Học Hồng Đức - Thanh Hóa, đáp ứng kịp thời những yêu cầu, mục tiêu của ngành giáo dục, đào tạo nên những con người phát triển toàn diện trong giai đoạn hiện nay./.