Nội san

Đưa Hát Nhà tơ ở thành phố Móng Cái vào giảng dạy tại trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long – Quảng Ninh

29 Tháng Sáu 2014

                                                                                     Nguyễn Duy Dương

 

“Bây giờ sum họp trúc mai

Xin chàng đừng ở ra hai tấm lòng

Đừng nghe miệng thế xa xôi

Đừng thấy vắng mặt mà nguôi tấm lòng…

            Hát Nhà tơ ở Móng Cái là tên gọi khác của hát Cửa đình, hát Ca trù, hát Nhà trò, hát Ả đào, hát Cửa quyền v.v... thường diễn ra các lễ hội đình - đền ở trong nhà Quan, nhà tơ (nhà ty), nhằm mục đích phục vụ tâm linh, tín ngưỡng, vui chơi, giải trí v.v…

Đây là một hiện tượng sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, chứa trong nó nhiều yếu tố nghệ thuật dân gian cổ truyền độc đáo của người Việt Nam nói chung và của Móng Cái - Quảng Ninh nói riêng. Xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ XVI, hát Nhà tơ được bắt nguồn từ dân ca, dân nhạc, có sự phối hợp đa dạng, nhuần nhuyễn giữa thơ và nhạc và múa dân gian.          

Trong những năm gần đây, sự tác động mạnh mẽ của quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Quảng Ninh đã làm cho kho tàng di sản dân ca nói chung, hát Nhà tơ nói riêng đang đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền, thậm chí có nơi đã mất. Cơ sở kinh tế - xã hội bị biến đổi chức năng, dẫn đến bối cảnh sử dụng và các hình thức thực hành độc đáo vốn có của hát Nhà tơ cũng bị mai một hoặc không còn. Những người biết hát ngày càng già và mất dần theo quy luật của tạo hóa, lớp trẻ không hào hứng với những điệu múa uyển chuyển nhẹ nhàng, giai điệu lời hát cổ xưa mềm mại, mà thích theo xu hướng dòng nhạc thị trường.

 Vấn đề đặt ra là nếu hát Nhà tơ đã biến đổi hoặc mất đi thì các yếu tố cấu thành nó như: Tín ngưỡng, tâm linh, văn học, âm nhạc v.v…còn tồn tại hay không và tồn tại dưới hình thức nào? Với chủ trương và định hướng của giáo dục nước ta hiện nay là cần phải tăng cường việc giáo dục cho thế hệ trẻ biết trân trọng và giữ gìn các di sản văn hóa mang bản sắc dân tộc. Do vậy, chú trọng việc tuyên truyền và đưa hát Nhà tơ vào giảng dạy tại Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật và Du Lịch Hạ Long - Quảng Ninh, các trường phổ thông và các chương trình giáo dục v.v... chính là một hình thức bảo tồn và phát huy có tính thiết thực,  lan tỏa tốt nhất hiện nay đối với hát Nhà tơ.

            Cho đến nay, đã có nhiều nghiên cứu và sưu tầm về nghệ thuật hát Nhà tơ, theo đó xuất hiện nhiều giả thuyết, nhận định khác nhau về xuất xứ, quy luật cũng như bài bản của hát Nhà tơ. Để đưa ra được những giả thuyết và nhận định, mỗi nhà sưu tầm và nghiên cứu Hát Nhà tơ lại có cách tiếp cận và góc nhìn khác nhau dẫn đến có nhiều dị bản khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tiếp cận hát Nhà tơ ở những khía cạnh bài bản của hát Nhà tơ ở Móng Cái.  

 

Ảnh: Một tiết mục hát Nhà tơ – Hát Cửa đình ( Nguồn: Sưu tầm)

 

            Trong những tài liệu mà chúng tôi nghiên cứu, cuốn tài liệu Ca trù nhìn từ nhiều phía của nhiều tác giả, do Nguyễn Đức Mậu giới thiệu và biên soạn (Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, năm 2003), trong đó phần “âm luật ca trù” của tác giả Ngô Linh Ngọc [5, tr.288-334] có tổng hợp và đưa ra quan điểm nhìn nhận, đánh giá chung nhất về cơ cấu âm luật, cách hát, các nhạc khí của hát Nhà tơ. Phần tác giả Gisa Jahnichen người Đức với “cuộc thử nghiệm về hát ả đào” [5, tr.346-387] đã hệ thống hóa được một số bài bản, một số giọng tương đối đầy đủ về hát Nhà tơ. Quan điểm chúng tôi cũng rất đồng tình với cách làm và gọi tên của các tác giả. Chúng tôi lựa chọn, vận dụng yếu tố cấu trúc của thể nhạc trong giọng hát phù hợp với những bài bản hát Nhà tơ ở Móng Cái để đưa vào giảng dạy tại khoa Thanh nhạc của Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật và Du Lịch Hạ Long - Quảng Ninh, cụ thể như sau:

 Về thanh nhạc, nghệ thuật hát Nhà tơ ở Móng Cái nói riêng và cả nước nói chung là một loại hình diễn xướng tổng hợp nhiều bộ môn “ca - nhạc - múa” đậm đà bản sắc dân tộc, mang nhiều yếu tố tích cực, đạt tới trình độ nghệ thuật cao: khi hát không cần ngân nga, cách hát minh bạch, trang nghiêm, điệu bộ đoan chính, lời hát rõ ràng do chính các Đào nương sáng tạo từ cách hát ém hơi, nhả chữ, cách luyến láy, đổ hột, đổ con kiến v.v... Để thực hiện được các cung chính và biến cung của âm luật, người Đào nương trước hết phải học “ca đàn”, tức là đàn bằng miệng cho đúng làn điệu của các cung đó, để sau này hát cho đúng các thể loại, có nhạc cảm và nhạc tính.

Có hai lối hát: Hát khuôn và hát hàng hoa, trong đó Hát khuôn là hát theo khuôn bậc sử dụng trong hát cửa đình; tế thần; giỗ tổ; khi hát luyến láy công phu, từng tiếng tròn vành rõ chữ để lời hát không trượt nhịp. Những người hát giỏi và duyên dáng, nghiêm túc, đạt được các tiêu chuẩn: Quán; xuyến; dằn; thét; khuôn; rẫy; diệu; vỡi.

 

 

Hát hàng hoa là hát theo sự phóng khoáng, lơi lỏng phần nào theo khuôn bậc, cần ít công phu hơn hát khuôn. Vẻ đẹp của hát hàng hoa thường tao nhã, sáng tạo, không quá kỹ thuật, dễ nghe, dễ hiểu, được hát để phục vụ công chúng và gẫn gũi với quần chúng nhân dân hơn.

 

 

Về thể cách, ngoài sự độc đáo ở các hình thức diễn xướng như: nghi lễ, hát, múa, diễn, trò chơi v.v..., hát Nhà tơ còn thể hiện một số thể cách phổ biến lưu lại đến ngày nay: Hát nói, đọc phú, giáo trống, giáo hương, thét nhạc, ngâm thơ, hát truyện, bắc phản, tỳ bà hành, hát giai, hát ru, hát mưỡu, chừ khi, đại thạch, hồi loan, gửi thư v.v... Sự phong phú của các thể cách hát Nhà tơ có thể được giải thích bởi sự đa dạng trong lối hát và hình thức biểu diễn của nghệ thuật này. Nghệ thuật hát Nhà tơ được chia thành 2 lối hát chính: hát Thờ, hát chơi (còn hát “thi” ngày nay không thấy nói đến). Trong mỗi lối hát, mỗi hình thức biểu diễn lại kèm theo những thể cách đặc trưng.

  Về đàn đáy, đàn đáy cũng có hai lối là đàn khuôn và đàn hàng hoa. Đàn khuôn nhấn nhá công phu từng tiếng một, đảm bảo thật đúng các lề lối. Còn đàn hàng hoa cũng như hát hàng hoa, ít vất vả hơn, phóng túng tùy theo cảm nhận của người đàn. Đàn có năm khổ: Sòng đàn, khổ giữa, khổ rải (còn gọi là khổ siết), khổ lá đầu và khổ sòng đàn.

  Các Đào nương thể hiện tiếng hát hết các khả năng nghệ thuật, kỹ thuật với các ngón “luyến - bắt tròn - bất chợt” thì đàn và phách cũng phải hòa quyện, “luyến” chặt chẽ với nhau. Nhưng dù đàn uốn éo, bay lượn, phóng khoáng đến đâu cũng phải đảm bảo nguyên tắc “đàn và hát là một”. Khi hát dứt lời thì đàn cũng vừa im tiếng. Đàn còn làm nhiệm vụ “kiệu” cho người hát nếu quên lời, hoặc hát ứng thí các bài thơ của quan viên.

Về trống chầu, người cầm chầu đánh trống thuộc đủ mọi tầng lớp như quan lại; nhà nho; nhà văn; nhà buôn v.v… Nhưng dù là ai, nếu đàn hay, hát hay mà tiếng trống chầu bập bõm, đánh không đúng quy cách, thô thiển thì cả chầu hát sẽ bị mờ nhạt, mất vui, mất tính nghệ thuật, tính thơ, chất nhạc. Trống cái ở đây là loại trống nhỡ, dùi trống bằng gỗ duối hoặc gỗ găng, nhưng người ta không gọi là dùi trống mà gọi là roi chầu. Roi chầu đánh vào mặt trống nghe thành tiếng “tung”, đánh vào tang trống nghe thành tiếng “cắc”. Trống cũng có năm khổ như đàn và phách [9,tr,297]:

Khổ chính diện : cắc – tung – cắc.

Khổ xuyên tâm: tung – cắc – tung.

Khổ lạc nhạn: tung – tung – cắc.

Khổ quán châu: cắc – cắc – tung.

Khổ thượng mã: cắc – tung – tung.

Tuy nhiên, nghệ thuật Hát nhà tơ là một loại hình nghệ thuật nghiêm túc trước thần thánh, trước các vị anh linh, anh hùng dân tộc được tôn thờ nên việc học và biểu diễn mang tính kỷ luật cao. Không gian diễn xướng ở chốn linh thiêng nên phải tôn trọng tuần tự biểu diễn và phải sáng tạo. Kỹ thuật hát, âm nhạc có thể nói như là hát thính phòng ngày nay. Vì vậy, Đào nương cần tập hát rất kỹ đạt theo tiêu chuẩn là “hát hay”, kết hợp nhuần nhuyễn với các loại nhạc cụ thật ăn ý. Yếu tố kết hợp và ăn ý của những người Đào nương, Kép đàn lại là một vấn đề quyết định việc diễn tấu thành công hay không thành công buổi trình diễn loại hình nghệ thuật này.

            Thực tế, nghệ thuật hát Nhà tơ đã tồn tại từ đời này qua đời khác bằng hình thức truyền khẩu mà vẫn giữ được những yếu tố mang tính quy luật, nét đặc trưng cơ bản. Vì vậy, trong quá trình nghiên cứu những cách thức để đưa hát Nhà tơ vào giảng dạy thì bước đầu, phương thức truyền khẩu, kết hợp với các bài bản được ký âm sẽ là một phương thức hữu ích, trong đó các phương thức hiện đại khác để có thể đem lại hiệu quả giảng dạy tốt nhất. Một điều kiện hết sức thuận lợi là các cơ sở đào tạo giáo viên chuyên về âm nhạc hiện nay cũng không ít, có thể kể đến như: Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương; Khoa Nghệ thuật - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và rất nhiều các khoa âm nhạc, sư phạm âm nhạc ở các trường cao đẳng, đại học trên cả nước, trong đó có Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long – Quảng Ninh.

            Với mong muốn và một số kết quả tìm hiểu bước đầu như trên, chúng tôi hi vọng những bài bản Hát Nhà tơ nói chung và hát Nhà tơ ở Thành phố Móng Cái nói riêng sẽ sớm được đưa vào chương trình vào giảng dạy ở các trường, trong đó có Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long – Móng Cái. Từ đây, hát Nhà tơ sẽ được nuôi dưỡng và phổ biến rộng trở lại cho các thế hệ nối tiếp, nhất là với thế hệ trẻ ngày nay, khi mà họ đã và đang dần lãng quên những vốn văn hóa quý báu của chính dân tộc và quê hương mình bởi sự cuốn theo dòng chảy của cuộc sống hiện đại và sự du nhập một cách mạnh mẽ của các luồng văn hóa khác vào Việt Nam, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghệ thuật hát Nhà tơ một cách bền vững./.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.  Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề (1994), Việt Nam ca trù biên khảo, Nxb thành phố Hồ Chí Minh.

2. Trần Văn Khê (1960), "Hát Ả Đào", Bách khoa số 81, 82, 83.

3. Nguyễn Xuân Khoát (1942), Âm nhạc lối hát Ả Đào, Thanh nghị số 14,17.

4. Ngô Sỹ Liên (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội tái bản.

5. Nguyễn Đức Mậu (2003), Ca trù nhìn từ nhiều phía, Nxb Văn hóa thông tin.

6. Ngô Linh Ngọc (2003), Âm luật ca trù, Ca trù nhìn từ nhiều phía, Nxb Văn hóa thông tin.

7. Tỉnh ủy-Hội đồng nhân dân-Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh (2003), Địa chí Quảng Ninh, Nxb Thế giới.