Nội san

Vị trí của ARIA trong OPERA

29 Tháng Sáu 2014

                                                                        Đào Thị Khánh Chi

                                                                       

Aria là hình thức thanh nhạc vô cùng quan trọng trong opera. Bằng giọng hát mượt mà, uyển chuyển, nhiều màu sắc của con người cùng với sự sáng tạo tuyệt vời của các nhạc sĩ đã tạo nên những giai điệu đẹp, có sức truyền cảm to lớn đối với khán thính giả. Và aria là hình thức thanh nhạc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự kết hợp đó.

Kể từ khi ra đời (1600), opera đã không ngừng thay đổi với quy mô ngày càng lớn hơn. Các thành tố của opera như ballet, hợp xướng, và đặc biệt là dàn nhạc… rất được quan tâm và trở thành những bộ phận quan trọng của nghệ thuật opera. Tuy nhiên, khi nhắc đến opera, điều đầu tiên chúng ta nghĩ tới có lẽ không phải là những thành tố trên. Thành tố gắn liền, có tính chất quyết định và là linh hồn của opera đó chính là thanh nhạc. Chính vì vậy, khi sáng tác opera, các nhạc sĩ rất quan tâm đến các tiết mục thanh nhạc, đặc biệt là aria và những kỹ thuật thanh nhạc thể hiện trong đó.

            Aria là khúc hát đặc trưng và nổi trội nhất trong opera. Đó là một tiết mục hoàn toàn mang tính độc lập, có kết cấu và nghệ thuật hoàn chỉnh thường dành cho các nhân vật chính đơn ca với phần đệm của dàn nhạc giao hưởng. Bằng những thủ pháp sáng tác hết sức tinh tế và những kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, tinh xảo, aria thường xuất hiện vào những tình huống kịch tính để lột tả một cách cô đọng nhất đời sống nội tâm, những cung bậc tình cảm và khắc họa tính cách của nhân vật. Đây cũng là thời điểm, là cơ hội để các diễn viên thể hiện giọng hát của mình và xử lý các kỹ thuật thanh nhạc một cách điêu luyện. Có thể nói, đây cũng là lúc mà khán giả mong chờ nhất bởi có nhiều người đến sân khấu opera cũng chỉ để thưởng thức những khoảnh khắc mà nhân vật chính xuất hiện cùng với bản aria. Hoặc cũng có người mặc dù thưởng thức hết cả vở opera nhưng dường như đọng lại trong tâm trí họ sâu sắc nhất vẫn là các bản aria.

 

Ảnh:  “Cosi fan Tutte” – vở opera của Mozart trình diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội ( số 1 Tràng Tiền) ngày 25-4- 2014 ( Nguồn: Sưu tầm)

 

Trong opera, các tác giả thường thể hiện những chủ đề âm nhạc nổi bật, có sức diễn tả sâu sắc về đời sống nội tâm cũng như tâm trạng kịch tính và những biểu hiện đặc trưng, điển hình nhất của tính cách nhân vật thông qua các aria. Aria có vai trò rất quan trọng trong việc giới thiệu, khắc họa lên đời sống nội tâm của từng nhân vật trong các vở opera, đặc biệt là các nhân vật chính.

            Aria thường có nội dung rất phong phú, đa dạng và phức tạp. Nó có thể diễn tả mọi khía cạnh của cuộc sống con người, từ sự muôn màu muôn vẻ của tình yêu, từ những suy tư day dứt, những diễn biến tâm lý của nhân vật với nhiều màu sắc đa dạng và tinh tế đến những tình cảm và tư tưởng mang tính triết lý sâu sắc… Tuy vậy, đôi khi cũng chỉ đơn thuần là để ca sĩ phô diễn hết những nét lộng lẫy, sự huy hoàng và nhất là kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện của giọng hát mà thôi.

Do sự đa dạng và phức tạp của chủ đề và nội dung nên khi hát những aria, đòi hỏi ca sĩ phải có một trình độ kỹ thuật thanh nhạc nhất định, sự hiểu biết sâu rộng về hình tượng tính cách, tâm tư của từng nhân vật trong tác phẩm. Vì lẽ đó, thể loại này chỉ nên áp dụng với những đối tượng đã nắm được những kỹ thuật thanh nhạc cơ bản, cũng như kiến thức âm nhạc nhất định.

Tôi còn nhớ trước đây khi vở opera Cây sáo thần của nhạc sĩ người Áo W.A. Mozart (1756 - 1791) được biểu diễn tại Nhà hát lớn Hà Nội, khi đó tôi đi xem cùng một người bạn, khi kết thúc vở nhạc kịch tôi có hỏi bạn tôi: “Anh thấy vở diễn thế nào?” Bạn tôi nói: “Khá hay, nhưng anh ấn tượng nhất là đoạn cô gái hát rất cao cứ như chim hót ấy”. Câu trả lời của anh đã khiến tôi bật cười, nhưng thực sự đó là bản aria hay và ấn tượng nhất của vở opera với nhiều kỹ thuật khó mà không phải ca sĩ nào cũng thể hiện được. Giai điệu của bài được viết ở nhịp độ khá nhanh với nhiều kỹ thuật đan xen với nhau mà đỉnh cao là kỹ thuật staccato ở các nốt treo cao liên tiếp. Điều tuyệt vời là mặc dù viết ở âm khu rất cao nhưng tác phẩm lại không gây “chói tai”, không làm người nghe khó chịu, ngược lại nó tạo được ấn tượng mạnh mẽ và sự hấp dẫn kỳ diệu với bất kỳ ai từng nghe. Với lối tiến hành phát triển giai điệu phức tạp, sử dụng chủ yếu các âm ở âm khu cao và rất cao (tới nốt f3), nhịp độ nhanh kết hợp staccato nên tác phẩm này đòi hỏi người ca sĩ phải có kỹ thuật điêu luyện và làm việc thực sự nghiêm túc mới có thể thể hiện được.

Ví dụ 1:

Trích aria Nữ hoàng đêm tối “Der Holle Rache” (Ngọc lửa hận thù) trong op. Cây sáo thần” của W.A.Mozart

 

 

            Trong các opera nổi tiếng, thường có những aria đặc sắc với những kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, đòi hỏi sự chuyên nghiệp của các ca sĩ. Ví dụ opera “La traviata” của nhạc sĩ người Ý G.Verdi (1813-1901). Đây là vở opera trữ tình tâm lý với nhân vật chính là Violetta, một cô kỹ nữ có lòng cao thượng và vẻ đẹp tâm hồn. Các tiết mục thanh nhạc trong vở opera khá phong phú và đa dạng, nhưng trung tâm của nó vẫn là các bản aria, trong đó nổi bật nhất là hai aria của Violetta: Aria “Ah, fors’ è lui che l’anima” (Có phải anh đến với em trong đêm tĩnh lặng) thể hiện niềm mơ ước về hạnh phúc. Đây là bản aria có kỹ thuật thanh nhạc hết sức phức tạp. Âm vực của bài rộng tới hai quãng tám (từ nốt đô quãng tám 1 đến nốt đô quãng tám 3), giai điệu có nhiều bước nhảy khó (quãng 8, quãng 9), nhiều nốt treo cao liên tiếp kết hợp với kỹ thuật staccato, những đoạn chạy nhanh nhiều nốt hay ngân dài ở những nốt cao… hầu như những kỹ thuật thanh nhạc cơ bản đều được tập trung vào bản aria này. Chính vì vậy, có thể nói đây là một aria đòi hỏi ca sĩ phải có giọng hát tốt và trình độ kỹ thuật điêu luyện, cộng với sự dày công rèn luyện thì mới thể hiện thành công.

            Ví dụ 2:

            Trích aria Violetta “Ah, fors’ è lui che l’anima” (Có phải anh đến với em trong đêm tĩnh lặng) trong op. “La traviata” của G. Verdi

 

 

Một bản aria nữa của Violetta là “Addio, del passato” (Xin vĩnh biệt) nói lên nỗi buồn vô bờ bến của Violetta khi sắp phải lìa xa cõi đời và sự nuối tiếc về tình yêu, hạnh phúc. Bản này xuất hiện ở phần cuối của vở kịch và được viết ở nhịp 6/8, tính chất du dương, mềm mại, thể hiện tâm trạng đau buồn của nhân vật. Kỹ thuật hát nhấn (non legato) kết hợp với legato ở những câu nhạc dài là những kỹ thuật điển hình xuyên suốt tác phẩm. Âm nhạc đạt tới cao trào khi giai điệu lên tới nốt La ở quãng tám 2 bằng bước nhảy quãng 6 (đô thăng - la). Cao trào này còn được kéo dài và khẳng định thêm bằng 5 ô nhịp cuối với sự xuất hiện của kỹ thuật staccato (nghe như tiếng nức nở của nhân vật) và kết thúc mạnh mẽ hơn bằng bước nhảy quãng 8 (a1 – a2) với sự ngân dài của nốt la ở âm khu cao thể hiện khát vọng sống mãnh liệt của Violetta. Để thể hiện được bản aria này, người ca sĩ cần phải có một hơi thở chắc chắn và kỹ thuật thanh nhạc tốt thì mới có thể lột tả được sự giằng xé trong nội tâm của nhân vật và các yêu cầu kỹ thuật của bài.

Ví dụ 3:

Trích aria Violetta “Addio, del passato” (Xin vĩnh biệt) trong op. “La traviata” của G. Verdi

 

 

            Ngoài aria, trong opera còn có các hình thức thanh nhạc khác cũng khá phổ biến. Mỗi hình thức đều có vai trò khác nhau:

             Ariozo: Là hình thức thanh nhạc khá phổ biến trong opera và cũng thường dùng cho nhân vật chính nhưng nhỏ hơn aria. Có loại arioso gần với hát nói, nhưng cũng có loại gần với hát. Chính vì vậy có thể coi arioso là một hình thức thanh nhạc đứng giữa hát và hát nói.

             Ballade: Trong opera, ballade là những tiết mục đơn ca có cấu trúc tự do, mang đậm chất thơ ca, kể chuyện sử thi và trữ tình kịch tính. Ballade thường xuất hiện khi kết thúc chức năng kịch quan trọng trong một vở opera và đó như một sự báo trước cho số phận của nhân vật.

            Romance: Là những ca khúc nghệ thuật trong opera thường dùng để truyền đạt những rung động trữ tình và trữ tình kịch tính, biểu hiện khí sắc của nhân vật. Romance phát triển trong opera với nhiều thể loại phong phú và đa dạng nên rất được khán thính giả yêu mến.

            Ca khúc: Là bài hát được sáng tác theo cấu trúc hình thức và lối tiến hành, phát triển giai điệu (và cả công năng hòa thanh ở thời gian đầu xuất hiện) theo trường phái âm nhạc Cổ điển phương Tây. Ca khúc là hình thức thanh nhạc khá phổ biến và nổi bật trong opera. Nó có thể miêu tả tính cách hành động của nhân vật và là phương tiện để biểu hiện những căng thẳng kịch tính. Ca khúc được sử dụng cho cả nhân vật chính và nhân vật phụ. Chính vì vậy, đôi khi nó có sức mạnh gần như aria.

             Hợp ca: Là hình thức thanh nhạc do hai nhân vật trở lên hát cùng một lúc (nhiều nhất là 10 người). Hợp ca có vai trò gợi mở và biểu hiện hình tượng, tính cách của nhân vật. Hợp ca có nhiều loại khác nhau như: duo (song ca), trio (tam ca), quartette (tứ ca)…

             Hợp xướng: Là hình thức thanh nhạc ra đời cùng với opera và có sức sống rất mãnh liệt, thường dùng để diễn tả những cảnh quần chúng và những cảm xúc mạnh mẽ. Các tiết mục hợp xướng luôn làm cho âm nhạc trong opera trở nên cuốn hút. Hợp xướng là thể loại âm nhạc viết cho hình thức hát nhiều bè, mỗi bè do những người cùng một loại giọng đảm nhiệm. Hợp xướng thường có bốn bè:

Bè 1, giọng nữ cao (soprano)

Bè 2, giọng nữ trầm (alto)

Bè 3, giọng nam cao (tenore)

Bè 4, giọng nam trầm (basse)

Cùng với dàn nhạc, hợp xướng đã tạo nên sự “hoành tráng” trong tác phẩm.

            Như vậy có thể thấy rằng, các hình thức thanh nhạc trong opera là rất phong phú và đa dạng. Các tiết mục được sử dụng đan xen nhau tạo cho opera có một sức hút kỳ lạ. Mỗi một hình thức lại có một vai trò khác nhau trong việc tạo ra các tình huống kịch. Tuy vậy, chúng ta vẫn không thể phủ nhận được vai trò nổi trội của aria, bởi nó thường dành cho nhân vật chính đơn ca trong những tình huống kịch tính (những tình huống thường để lại những dấu ấn sâu sắc trong lòng khán thính giả).

            Thể hiện thành công các aria là sự kết hợp vô cùng khéo léo giữa sáng tạo của nhạc sĩ và tài năng biểu diễn của ca sĩ. Chính vì vậy, có thể nói aria là đỉnh cao của nghệ thuật thanh nhạc. Mà thanh nhạc lại là linh hồn của opera. Và vì vậy, cho dù viết ở hình thức gì đi chăng nữa hoặc ở bất cứ thời đại nào thì aria luôn có một vị trí vô cùng quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật opera./.