Nội san

chuyển soạn ca khúc cho đàn ACCORDÉON

29 Tháng Bảy 2014

Mai Thanh Bình

 

          Lựa chọn ca khúc để chuyển soạn là việc đầu tiên cần làm trong quy trình chuyển soạn tác phẩm âm nhạc. Bởi lẽ, một tác phẩm chuyển soạn có thành công hay không phụ thuộc một phần không nhỏ vào việc lựa chọn ca khúc làm chất liệu ban đầu để chuyển soạn, sau đó mới đến khả năng của người chuyển soạn có cho ra được một tác phẩm hay và cuối cùng là khả năng thể hiện của người nghệ sĩ diễn tấu đưa tác phẩm chuyển soạn tới người nghe.

          Ca khúc được đề cập dưới góc nhìn với nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng yếu tố chính vẫn là phần giai điệu và lời ca cấu tạo nên ca khúc, giá trị nghệ thuật của ca khúc nằm ở cả lời ca và giai điệu âm nhạc, và khi được chuyển sang môi trường khí nhạc thì chỉ còn phần giai điệu được dùng làm chất liệu chuyển soạn. Mỗi tác phẩm chuyển soạn là sự thực hiện đồng bộ những thủ pháp chuyển soạn theo nhiều cách khác nhau, kết hợp với phong cách cá nhân mang đến sự hoàn thiện cho tác phẩm. Các tác phẩm chuyển soạn cho Accordéon mang tính học thuật và có giá trị nghệ thuật cao, chuyển soạn từ ca khúc nước ngoài và ca khúc Việt Nam hầu hết được chuyển soạn theo hình thức biến tấu.

          Giá trị của các tác phẩm chuyển soạn ca khúc cho Accordéon được ứng dụng một cách bài bản và cụ thể trong nội dung đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, góp phần nâng cao và phát triển sự nghiệp đào tao nghệ thuật Accordéon Việt nam lên vị thế mới.

1. Thực tiễn đào tạo chuyên ngành Accordéon ở Việt Nam hiện nay

          Xuất phát từ thực tiễn đào tạo cụ thể ngay từ những ngày đầu xây dựng và phát triển, một số tác giả đã khai thác và vận dụng nghệ thuật Accordéon phục vụ cho công tác giảng dạy trong đào tạo, hệ thống giáo trình, tư liệu giảng dạy và học tập mang tính bảo đảm quy chuẩn, mẫu mực về học thuật, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu thực tiễn hiện nay.

          Trong hệ thống các tác phẩm được sử dụng làm tư liệu cho giáo trình dạy và học Accordéon ở Việt Nam hiện nay, các tác phẩm nước ngoài được sử dụng xen kẽ với các tác phẩm Việt Nam, sắp xếp theo trình độ từ thấp đến cao. Tác phẩm được sử dụng gồm nhiều thể loại, hình thức như: Etude, Phức điệu, Rondo, Sonata, Sonatine, Suite, Concerto, Fantasia... thuộc nhiều phong cách khác nhau. Sự phân bổ nội dung tác phẩm trong từng học kỳ được lựa chọn đồng đều giữa các thể loại: 1 đến 2 Etude, 1 phức điệu, 1 tác phẩm Việt Nam, 1 tác phẩm tự do thuộc thể loại chuyển soạn cho đàn Accordéon. Trên thực tế, số lượng tác phẩm âm nhạc Việt Nam được chuyển soạn từ ca khúc không nhiều. Vì vậy, việc lựa chọn các tác phẩm chuyển soạn để sử dụng phù hợp với nội dung từng học kỳ đang là vấn đề cần cải thiện.

2. Tiêu chí, nguyên tắc chuyển soạn

 Tiêu chí

          Trong khuôn khổ của luận văn, công tác chuyển soạn nhằm mục đích đào tạo và giáo dục thẩm mỹ âm nhạc, nên việc lựa chọn ca khúc để chuyển soạn được tác giả giới hạn ở một số chủ đề như:

           Chủ đề ca ngợi tình yêu quê hương đất nước trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc, lựa chọn một số ca khúc tiêu biểu đề chuyển soạn.

           Chủ đề về thiếu niên, nhi đồng, lựa chọn một số ca khúc nằm trong chương trình giáo dục âm nhạc phổ thông cấp tiểu học và trung học cơ sở của Bộ giáo dục và đào tạo.                

          Chủ đề dân ca, lựa chọn một số làn điệu dân ca quen thuộc các vùng miền.

           Lựa chọn ca khúc để chuyển soạn là việc đầu tiên cần làm trong quy trình chuyển soạn tác phẩm âm nhạc. Bởi lẽ, một tác phẩm chuyển soạn có thành công hay không phụ thuộc một phần không nhỏ vào việc lựa chọn ca khúc làm chất liệu ban đầu để chuyển soạn, sau đó mới đến khả năng của người chuyển soạn có cho ra được một tác phẩm hay và cuối cùng là khả năng thể hiện của người nghệ sĩ diễn tấu đưa tác phẩm chuyển soạn tới người nghe.

          Các ca khúc được lựa chọn để chuyển soạn thường là những ca khúc quen thuộc trong cuộc sống gắn liền với đời sống sinh hoạt của con người. Lời ca có nội dung lành mạnh, hình tượng ngôn ngữ âm nhạc ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, có tính giáo dục cao cho thế hệ trẻ, khúc thức ca khúc cân đối viết ở hình thức một đoạn, hai đoạn, ba đoạn đơn.  Khả năng biểu hiện âm nhạc phong phú và đa dạng của Accordéon, mang đến cho tác phẩm chuyển soạn từ ca khúc, một sức sống mới ở môi trường khí nhạc, đem lại hiệu quả khác thường trong lĩnh vực đào tạo, biểu diễn và phổ cập âm nhạc.

          Nguyên tắc, thủ pháp chuyển soạn

          Mỗi nhạc cụ có một âm sắc, ngôn ngữ và cách thể hiện riêng biệt, vì thế, khi chuyển soạn hay phối khí một tác phẩm nào đó cho nhạc cụ, người chuyển soạn phải nghiên cứu ngôn ngữ hòa âm của từng thể loại, tính năng, ngôn ngữ thể hiện của của từng nhóm nhạc hay của từng dàn nhạc để từ đó lựa chọn và tìm một ngôn ngữ hòa thanh âm, phối khí phối khí cho phù hợp, mang đến cho công chúng thưởng thức những đa sắc.

 

Ảnh: Các nghệ sĩ nước CHDCND Triều Tiên Trong một tiết mục biểu diễn Accordeon ( Nguồn: sưu tầm)

 

          Nguyên tắc chuyển soạn: Nghệ thuật chuyển soạn đã được định hình từ nhiều thế kỷ trước, đúc kết nên những thủ pháp và những nguyên tắc cơ bản riêng. Mỗi một tác giả chuyển soạn dù có những phương thức chuyển soạn tạo cho mình một phong cách riêng, nhưng vẫn tuân thủ những nguyên tắc nhất định đó trong quá trình thực hiện chuyển soạn. Việc chuyển soạn ca khúc cho Accordéon cũng vậy, cần nắm vững và tuân thủ những nguyên tắc cơ bản trong chuyển soạn, kết hợp với khả năng sáng tạo cá nhân để có được thành công trong tác phẩm. Ngoài ra, tác phẩm chuyển soạn cần đạt được những yêu cầu thiết yếu: Phù hợp với trình độ, khả năng của người học; Rèn luyện kỹ năng của người diễn tấu; Phù hợp với tính năng, kỹ thuật diễn tấu của nhạc cụ; Khai thác, phát huy tính năng nhạc cụ;Tác phẩm chuyển soạn mang một sắc thái mới nhưng vẫn giữ được cái “hồn” của tác phẩm gốc.

Thủ pháp chuyển soạn: Trong quá trình thực hiện chuyển soạn ca khúc cho Accordéon, tùy thuộc vào mỗi tác phẩm, mục đích sử dụng, ý tưởng của người chuyển soạn... mỗi thủ pháp chuyển soạn sẽ được tiến hành theo nhiều cách khác nhau bằng các phương tiện cấu trúc âm hình, tiết tấu, cường độ, hoà thanh, giai điệu...

Trong một tác phẩm chuyển soạn, thường là sự kết hợp của nhiều thủ pháp khác nhau được tác giả sử dụng khéo léo, sáng tạo mang một sắc thái mới và sự hoàn thiện cho tác phẩm. Người viết chia các thủ pháp chuyển soạn ca khúc cho Accordéon thành các nhóm sau: Thủ pháp chuyển đổi cấu trúc âm hình, kết cấu bè thay đổi âm hình tiết tấu, điều chỉnh trường độ, âm vực của giai điệu; Thủ pháp xử lý âm thanh, âm sắc thay đổi âm sắc, xử lý kỹ thuật hòm gió, kỹ thuật ngón bấm; Thủ pháp phức điệu, hòa âm thêm bè cho giai điệu theo lối phức điệu tự do; Thủ pháp ly điệu, chuyển điệu, hoãn đổi điệu thức.

3. Thực hành chuyển soạn ca khúc cho đàn Accordéon

            Thứ nhất: Các bước tiến hành

          Lựa chọn tác phẩm phù hợp với yêu cầu và mục đích sử dụng, nghiên cứu nội dung, hình tượng ngôn ngữ âm nhạc và khúc thức của tác phẩm

          Soạn công năng hòa thanh hợp lý nhất cho tác phẩm

           Lựa chọn thủ pháp chuyển soạn hợp lý cho tác phẩm

           Thực hiện chuyển soạn

          Cấu trúc của ca khúc:

           A | B|| hoặc A | A’ | B | B’ | A’ ||

          Việc chuyển soạn cho Accordéon được người viết luận văn chia làm hai cấp độ:

           Cấp độ 1: Sử dụng nguyên bản giai điệu ca khúc để chuyển soạn, bổ sung thêm phẩn mở đầu (introduction) và phần kết (coda), viết thêm bè tay phải, phần đệm hợp âm tay trái. Tác phẩm chuyển soạn ở cấp độ 1, chưa đi sâu vào việc khai thác kỹ thuật diễn tấu và tính năng nhạc cụ. Chủ yếu là những kỹ thuật đơn giản dùng cho người mới học, trình độ năm thứ nhất, phổ cập công chúng.

          Sơ đồ: Introduction|Giai điệu được viết thêm bè tay phải và phần đệm tay trái|Coda||

          Cấp độ 2: Chuyển soạn ở mức độ cao hơn, tập trung vào khai thác triệt để tính năng của cây đàn và khả năng kỹ thuật ngón bấm, rèn luyện thực hành kỹ thuật của người diễn tấu. Tác phẩm được chuyển soạn ở các thể loại: Concerto, Fantasia, Suite, Rhapsodie... đặc biệt là biến tấu thường được dùng nhiều trong chuyển soạn.

          Sơ đồ biến tấu: Introduction | Chủ đề 1: A | Chủ đề 2: B | Các biến tấu của chủ đề 1 và 2 | Coda ||

          Thứ hai: Soạn công năng hòa thanh

Có rất nhiều cách soạn công năng khác nhau cho giai điệu một ca khúc, do tính chất giai điệu mang phong cách chủ điệu, áp dụng phối chi tiết như các bài tập kỹ năng sẽ không hiệu quả. Thường dùng cách phối tự do theo lối nối tiếp có tính chất khái quát, hút dẫn công năng giữa các hợp âm, sự xuất hiện của hợp âm trong một ô nhịp, có liên quan đến hợp âm trong ô nhịp trước đó và có ảnh hưởng đến hợp âm trong ô nhịp sau đó. Đã có nhiều tài liệu khác nhau đề cập đến cách đặt công năng cho ca khúc, nhưng đó chỉ là những bài tập thực hành với từng hợp âm mang tính lý thuyết trên một số nhạc cụ như: Guitare, Organ... nay, chúng tôi xin tổng hợp cách phối hợp âm cho giai điệu ca khúc ở mức độ kỹ hơn bằng các hợp âm ba thành lập trên các bậc của điệu thức. Sử dụng tối đa hợp lý màu sắc các hợp âm trên các bậc của điệu thức, để phối cho giai điệu là cách tạo sức sống mới cho giai điệu với màu sắc hòa âm phong phú.

Cấu tạo các hợp âm thường dùng soạn đệm cho ca khúc: Trưởng, thứ, tăng, giảm, bốn, sáu, bảy, chín... tùy theo tính chất, mức độ phức tạp của giai điệu mà sử dụng màu sắc hợp âm cho hợp lý.

 Nhóm hợp âm: Trưởng, thứ, tăng, giảm được thành lập bởi sự chồng lên nhau của các âm (1, 3, 5) cách đều một quãng 3 trưởng hoặc 3 thứ.

Hợp âm ba trưởng: gồm một quãng 3 trưởng và một quãng 3 thứ

Hợp âm ba thứ: gồm một quãng 3 thứ và một quãng 3 trưởng

Hợp âm ba tăng: gồm hai quãng ba trưởng

Hợp âm ba giảm: gồm hai quãng 3 giảm

 Nhóm hợp âm bẩy được thành lập bởi sự chồng lên nhau của các nốt (1, 3, 5, 7) cách đều một quãng 3 trưởng hoặc 3 thứ.

Hợp âm trưởng bẩy thứ: gồm một quãng 3 trưởng, hai quãng 3 thứ

Hợp âm trưởng bẩy trưởng: gồm một quãng 3 trưởng, 3 thứ và 3 trưởng

Hợp âm thứ bẩy thứ: gồm gồm một quãng 3 thứ, 3 trưởng và 3 thứ

Hợp âm thứ bẩy trưởng: gồm một quãng 3 thứ và quãng 2 quãng 3 trưởng

Hợp âm bẩy giảm: gồm 3 quãng 3 thứ

Hợp âm giảm bẩy: gồm hai quãng 3 thứ và một quãng 3 trưởng

    Nhóm hợp âm bốn được thành lập bởi sự chồng lên nhau của các âm (1, 4, 5): gồm một quãng 4 đúng và một quãng 2 trưởng

           Nhóm hợp âm sáu được thành lập bởi sự chồng lên nhau của các âm (1, 3, 5, 6).

Hợp âm trưởng sáu: gồm một quãng 3 trưởng, 3 thứ và 2 trưởng

Hợp âm thứ sáu: gồm một quãng 3 thứ, 3 trưởng và 2 trưởng

Ký hiệu màu sắc hợp âm được ghi bên cạnh tên hợp âm

 

Ngoài ra còn sử dụng màu sắc các hợp âm thành lập trên các bậc cơ bản của điệu thức bị biến âm sự thăng hoặc giáng: Bậc I#(b), bậc II#(b)... kết hợp với các hợp âm được xây dựng trên điệu thức 5 âm ngũ cung, loại điệu thức phổ biến trong âm nhạc cổ truyền châu Á, trong đó có Việt Nam.

Khi soạn công năng đệm cho một giai điệu ca khúc lớn hay nhỏ đều cần có phần đệm tương xứng. Một phần đệm được cho là hợp lý khi có công năng, hợp âm thích hợp cho các âm trong giai điệu và hợp với tính chất ngôn ngữ âm nhạc, tốc độ, nhịp điệu của tác phẩm đó. Chẳng hạn, tính chất giai điệu du dương phải có một phần đệm khác với tính chất giai điệu vui nhộn, tươi trẻ, trang trọng, trầm hùng, hài hước, dí dỏm... hay một giai điệu xây dựng trên thang 5 âm thì việc đặt hợp âm phải dựa vào thang 5 âm. Như vây, mỗi tính chất giai điệu sẽ có một phần đệm và cách sử lý khác, kết hợp các thủ pháp chuyển soạn, mới tạo cho tác phẩm sâu sắc và đạt hiểu quả cao.

Việc đặt công năng hợp âm nhiều hay ít trong câu nhạc phụ thuộc vào các yếu tố như: mức độ phức tạp của giai điệu, có nhiều biến âm; tốc độ nhanh hay chậm; thể loại nhịp...và chuyển tiếp hợp âm dựa trên sự hút dẫn của các hợp âm được tiến hành theo những nguyên tắc:

  Đặt hợp âm theo vòng quãng 5

Các hợp âm hút dẫn nhau theo chiều kim đồng hồ và ngược lại, sự hút dẫn của những hợp âm đó giống như trong mối quan hệ chủ âm chính với hạ át và át, là những bậc chính T, S, D trong một điệu thức. Chủ âm ở giữa T, bên trái là hạ át S, bên phải là át D.

           Lựa chọn hợp âm thay thế nhau

 Hợp âm ba thuận tự nhiên được thành lập bởi các nốt 1, 3, 5, tức là có thể dùng để đệm khi giai điệu ở một trong 3 nốt nhạc này. Nói cách khác, các hợp âm trên điệu thức có chung nốt với giai điệu đều có thể dùng để đệm và thay thế cho nhau. Ít nhất, một nốt nhạc có thể được đệm bằng 3 hợp âm khác nhau. Xác định hợp âm thay thế nhau cho một nốt nhạc bất kỳ có trong giai điệu bằng cách: Trên nốt nhạc bất kỳ ở giai điệu, sẽ được đệm bằng một hợp âm cùng tên với nốt nhạc đó, ta gọi hợp âm đó là hợp âm thứ nhất, từ hợp âm thứ nhất đi xuống quãng một 3 ta có hợp âm thứ hai, từ hợp âm thứ hai cũng đi xuống một quãng 3 ta có hợp âm thứ 3, ba hợp âm này được dùng để thay thế nhau (ví dụ: 3.8).

VD: 3.8a. Đặt hợp âm cho giai điệu trên cung đô C điệu thức trưởng

 

 

Ở ví dụ này, từ một hợp âm ba ban đầu là hợp âm đô trưởng C, gồm các nốt Đồ, Mi, Sol. Chúng ta có thể dùng hợp âm đô trưởng C để đệm khi giai điệu là một trong ba nốt Đồ, Mi, Sol.

VD: 3.8b. Hợp âm thay thế nhau

 

 

          Khi giai điệu ở vị trí nốt đô, chúng ta có hợp âm đô trưởng C cùng tên, xuống một quãng 3 chúng ta có hợp âm la thứ (Am), đi xuống tiếp một quãng 3 nữa chúng ta có hợp âm Fa trưởng (F). Tương tự như vậy, khi giai điệu ở nốt Mi, chúng ta có các hợp âm thay thế nhau là Mi thứ (Em), Đô trưởng (C), La thứ (Am). Giai điệu ở nốt Sol, chúng ta có các hợp âm thay thế nhau là Sol trưởng (G), Mi thứ (Em), Đô trưởng (C). Chẳng hạn, chúng ta có một vòng công năng trên cung D: D | D | Bm | Bm | Em | A7 | D ||. Sau khi dùng hợp âm thay thế, chúng ta có vòng công năng mới: D | F# | Bm | G | Em | A7 | D ||.  

          Trường hợp chuyển tiếp giữa hai hợp âm mà không theo vòng quãng 5, cũng không thay thế cho nhau, thì các nốt của hợp âm trước chuyển sang các nốt của hợp âm sau liền bậc, lên hoặc xuống một quãng 2.

           Như vậy, soạn công năng hòa âm cho giai điệu, dựa trên sự hút dẫn và tăng hiệu quả khi chuyển tiếp giữa các hợp âm cần lưu ý: theo vòng quãng 5, hợp âm thay thế nhau, các nốt của hợp âm trước di chuyển lên hoặc xuống một quãng 2 sang các nốt của hợp âm kế tiếp.

4. Ứng dụng tác phẩm chuyển soạn từ ca khúc cho đàn Accordéon

              Trong lĩnh vực đào tạo, việc sử dụng các tác phẩm chuyển soạn từ ca khúc cùng với những tác phẩm nguyên bản cho Accordéon trong nội dung chương trình, giáo trình giảng dạy sẽ giúp cho học sinh trau dồi thẩm mỹ âm nhạc, rèn luyện kỹ năng diễn tấu, thể hiện tốt các hình tượng, ngôn ngữ âm nhạc mang nhiều phong cách khác nhau. Với những lý do đó, tác giả mong muốn được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình, chuyển soạn các ca khúc cho Accordéon.

Tác phẩm chuyển soạn thành công dự kiến sử dụng:

 Bổ sung tác phẩm cho chương trình giảng dạy Accordéon tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc nói riêng và các cơ sở giáo dục khác nói chung.

 Cung cấp thêm bài mới cho kho tàng các phẩm chuyển soạn ca khúc cho Accordéon dùng trong chương trình đào tạo và biểu diễn.

 Dùng làm tài liệu phổ cập âm nhạc phổ thông cho đông đảo công chúng

Phân bổ tác phẩm chuyển soạn trong chương trình đào tạo: Âm nhạc là ngành đào tạo có những đặc thù riêng, có nhiều điểm khác biệt với các ngành khác về nội dung chương trình, giáo trình, cách lên lớp, cách giảng dạy, thi cử, kiểm tra... tính chất đặc thù thể hiện trong từng chuyên ngành nhạc cụ, trong đó có Accordéon.

Hình thức lên lớp các chuyên ngành âm nhạc mang tính cá nhân một thầy, một trò, người thầy, ngoài việc giảng dạy theo đúng nội dung trong chương trình, giáo trình đào tạo, còn làm một nhiệm vụ lớn lao là truyền nghề. Truyền dạy cho học trò cả kinh nghiệm tích lũy của bản thân, lòng say mê, đam mê, khát khao, biết ước mơ, yêu nghề.

Các tác phẩm chuyển soạn sử dụng phân bổ trong chương trình đào tạo dựa theo các tiêu chí nghệ thuật, mức độ khó về kỹ thuật diễn tấu, trình độ, khả năng của người học. Người thầy trực tiếp giảng dạy sẽ lựa chọn tác phẩm trong nội dung chương trình, giáo trình, phù hợp với khả năng và trình độ của từng học sinh. Như vậy, sự phân bổ các tác phẩm chuyển soạn trong chương trình đào tạo, mặc dù được sắp xếp tăng dần từ dễ đến khó, phù hợp với trình độ theo năm học quy định nhưng mang tính ước lệ. Bởi, khả năng tiếp thu nhanh hoặc chậm trong từng tác phẩm đối với mỗi học sinh cùng thời gian học là khác nhau, nên việc lựa chọn tác phẩm giảng dạy cũng có sự mềm dẻo phù hợp với từng học sinh. Chẳng hạn, một học sinh học năm thứ ba có thể đánh các tác phẩm ở trình độ năm thứ tư, thứ năm, nếu khả năng tiếp thu nhanh, đủ trình độ. Cũng là học sinh năm thứ ba, nhưng do khả năng tiếp thu chậm thì chỉ đánh các tác phẩm của năm thứ hai, thậm chí là tác phẩm ở năm thứ nhất. Đối với tác phẩm chuyển soạn cũng vậy, phụ thuộc vào khả năng nhận thức của học sinh , một tác phẩm ở năm thứ ba trong nội dung chương trình, giáo trình có thể sử dụng giảng dạy ở năm thứ nhất, thứ hai đối với học sinh khá giỏi, tiếp thu nhanh, sử dụng ở năm thứ tư, thứ năm đối với học sinh có sức tiếp thu trung bình, chậm.

Việc ứng dụng các tác phẩm chuyển soạn từ ca khúc vào giảng dạy cho sinh viên là phương thức ứng dụng hiệu quả cho công tác đào tạo, nhằm nâng cao giá trị biểu hiện của cây đàn Accordéon, phát triển theo nhu cầu thị hiếu âm nhạc của Việt Nam./.