Nội san

Nghệ nhân Trịnh Thị Răm với việc truyền dạy Hát Dậm - Quyển Sơn - Hà Nam

29 Tháng Bảy 2014

                                                                    Giáp Trường Thịnh

 

 

Hát Dậm (hay còn gọi là hát Dặm) - loại hình múa hát độc đáo chỉ có ở làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam). Trải qua hàng trăm năm, hát Dậm có những nét độc đáo riêng. Đến nay những điệu hát Dậm được các nghệ nhân đem đi giới thiệu tại 16 quốc gia trên thế giới.

Vùng châu thổ Bắc Bộ, nơi người Việt sáng tạo ra nền văn minh lúa nước, nơi hầu như mỗi làng xã đều có những sinh hoạt ca hát của riêng mình. Những sinh hoạt ca hát này vừa có những nét chung, lại có những nét riêng rất độc đáo. Ở thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam có sinh hoạt Hát Dậm. Hát Dậm được hình thành nên do nhu cầu của đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân làng sống chủ yếu là trồng lúa nước. Những năm gần đây, bất cứ ai quan tâm tới ca hát dân gian nói chung, hay hát Dậm nói chung, đều biết đến tên tuổi quen thuộc cụ trùm Hát Dậm, nghệ nhân Trịnh Thị Răm.

Quyển Sơn là một làng cổ thuộc xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam, nằm dọc theo quốc lộ 21. Phía Tây giáp Đông Sơn, một chi lưu của sông Đáy. Phía Nam giáp Ao Dong - Động Thuỷ. Phía Đông giáp làng cổ Thanh Nộn. Phía Bắc giáp sông Đáy và làng Đanh Xá nơi có chùa Bà Đanh, núi Ngọc.

   Làng Quyển Sơn nằm ven núi Cấm- nơi có các hang động tự nhiên, là một làng quê nằm ven sông Đáy. Nằm ngay bên thành phố Phủ Lý nhưng toàn cảnh làng Quyển Sơn như một vùng trung du có núi thấp, rừng xanh; có đồng ruộng thênh thang, có sông dài trong mát. Quyển Sơn là một làng quê bán sơn địa trong vùng đồng bằng sông Hồng. Vì vậy, phong tục, tập quán của làng Quyển Sơn về cơ bản có nét tương đồng với các làng xã khác ở đồng bằng Bắc Bộ nói chung và ở Kim Bảng nói riêng.

Ở Quyển Sơn có Đền Trúc, là nơi thờ người anh hùng Lý Thường Kiệt. Để tưởng nhớ đến công lao của Thái úy Lý Thường Kiệt, từ xa xưa nhân dân trong vùng Quyển Sơn tổ chức lễ hội Hát Dậm hàng năm từ ngày mùng 10 tháng Giêng đến ngày mùng 10 tháng Hai (Âm lịch) tại Đền Trúc.

Mùa xuân là thời điểm thời tiết tốt đẹp, nhân dân đã nghỉ ngơi sau khi thu hoạch vụ mùa cũ và các hội mùa cùng các lễ hội tế thần được mở ra trong dịp này để cầu mong một năm mới tốt đẹp. Cũng nhu hội Hát Xoan của Vĩnh Phúc, những ngày này ở vùng Quyển Sơn, xã Thi Sơn các phường Dậm lại được tập trung, chuẩn bị cho những cuộc hát.

 

Ảnh: Múa hát Dậm được luyện tập hàng ngày tại 
sân Đền Trúc, làng Quyển Sơn, xã Thi Sơn, Kim Bảng - Hà Nam (Nguồn: st)

 

Nghệ nhân Trịnh Thị Răm cho biết, Hát Dậm có ba mươi tám bài. Bài là những bài thơ, văn có làn điệu. Bài dài tới cả trăm câu thơ, văn. Bài ngắn chỉ có ba, bốn câu thơ, văn. Hát Dậm không chia thành chặng, phường Dậm vừa hát vừa múa từ bài này sang bài khác.

Hát Dậm thuộc dạng ca – múa – nhạc tổng hợp. Hầu như bài nào cũng có múa. Múa trong Hát Dậm có nhiều tổ hợp động tác. Một số tổ hợp động tác múa rất đẹp, duyên dáng và mang phong cách riêng. Đa phần bài, làn điệu Hát Dậm có xướng và xô. Người xướng là bà trùm. Người xô là các con Dậm.

Về bài bản, các “ con Dậm” được cụ Trùm trực tiếp chỉ dạy và hướng dẫn về các điệu bộ múa tay, nhịp chân trong những ngày luyện tập, tuy việc luyện tập không thường xuyên nhưng Hát Dậm lưu truyền được tới ngày nay, vì các cụ Trùm luôn được kế tiếp nhau. Hơn nữa, tuy không được hát, nhưng ngay từ tấm bé, trẻ em ở đây cũng đã được nghe, được xem nên cũng nhớ được tương đối đầy đủ các bài bản và lối diễn xướng. Lời ca của các bài bản Hát Dậm, từ lâu đã được ghi thành chữ Nôm thờ ở Đình. Mặc dù có những điểm khác biệt với một số thể loại dân ca nghi lễ khác, nhưng Hát Dậm vẫn tuân thủ theo xu hướng chung của các các loại dân ca nghi lễ Việt Nam. Tức là phần lớn đều mang ý nghĩa ca ngợi thần thánh là các vị anh hùng dân tộc. Cũng chính vì điều đó mà dân ca nghi lễ có khả năng thâm nhập sâu vào đời sống tinh thần của nhân dân ta.

Hát Dậm là hát tế thần, vì thế các con Dậm rất vinh dự được làng tuyển chọn vào phường Dậm. Mỗi khi hát ở cửa đền, cửa đình các con Dậm phải sạch sẽ. Ngày xưa khi đi hát các con Dậm mặc áo tứ thân, năm thân, váy lĩnh, yếm đào, thắt lưng màu hoa lý, khăn mỏ quạ. Ngày nay, các con Dậm mặc quần áo dài màu trắng, đầu đội khân vấn màu đỏ, thắt lưng màu đỏ và một chiếc quạt giấy, chân để trần. Bà trùm mặc quần áo dài màu vàng, khăn vấn mầu vàng. Đạo cụ khi diễn xướng Hát Dậm sử dụng quạt giấy màu đỏ, màu trắng (mỗi con Dậm một chiếc quạt). Nhạc cụ sử dụng trong Hát Dậm có một cặp xênh, Một cặp trống (trống làm bằng gỗ, bịt da trâu hay da bò, có tay cầm) và hai dùi trống. Nhạc cụ có cặp xênh do bà trùm sử dụng để gõ nhịp. Một cặp trống con do hai con Dậm vừa dùng làm đạo cụ, vừa là nhạc cụ diễn xướng trong một số bài.

Giai điệu hầu hết các bài Hát Dậm khá giản dị, đơn sơ, gần với hát nói, mang tính chất tế lễ, nghi lễ. Cấu trúc của Hát Dậm đa số ở dạng khổ nhạc hoặc cấu trúc liên hoàn theo trình thức tế lễ. Điệu thức chủ yếu được viết ở các thang 4 âm, một số bài ở thang 5 âm, là những bài có giai điệu tương đối phức tạp hơn, một số bài thành phần âm chính được sử dụng là thang 3 âm. Tuy nhiên sự đơn giản của Hát Dậm lại làm rõ nhưng nét đặc trưng của một thể loại dân ca cổ vô cùng quý giá.

Mười hai tuổi cụ Răm đã tham gia hội Hát Dậm ở làng Quyển Sơn, dưới sự hướng dẫn của các bà Trùm Nhích, bà Trùm Nguyễn Thị Bồ, và bà Trùm Trịnh Thị Èo. Cho tới nay, cụ Răm đã gắn bó với sự nghiệp ca hát ấy trên dưới sáu mươi năm (trừ hai mươi năm xây dựng gia đình, không được trực tiếp hát trước cửa đình, cửa chùa). Với niềm say mê ca hát từ nhỏ, cộng với sự sáng dạ, khéo léo, và giọng hát trời cho “vang, rền, nền, nẩy”, chẳng bao lâu cô thôn nữ Trịnh Thị Răm đã trở thành nghệ nhân Hát Dậm nổi tiếng của làng Quyển Sơn.

Đội ngũ Hát Dậm từ 16 đến 20 cô gái thanh tân. Do hàng năm đều có những cô gái đi lấy chồng, cho nên bà Trùm phải thường xuyên tuyển chọn, dạy dỗ, hướng dẫn những cô gái mới lớn để bổ sung vào đội hát. Hơn nữa, cụ Răm còn giữ vai trò điều hành, tổ chức Hát Dậm trong những ngày lễ hội. Trong suốt một tháng trước khi lễ hội chính thức được diễn ra, cụ Răm và các cô gái Hát Dậm phải tập luyện cật lực, ròng rã ở Đình làng. Là một loại hình tồn tại trong đó tính nguyên hợp, gồm cả múa, cả hát cụ Răm không chỉ dạy tất cả các cô gái từng làn điệu mà còn phải hướng dẫn tỉ mỉ từng động tác múa, sao cho chính xác và đẹp đẽ nhất. Mặt khác, Hát Dậm là loại hình dân ca nghi lễ tế thần, cầu mong cuộc sống mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, cho nên bà Trùm không chỉ truyền dạy đơn thuần những làn điệu Hát Dậm cho thế hệ trẻ mà còn là người thông quan giữa người dân và thế giới thần linh. Ở đây, tính thiêng và tính đời thường hòa quyện, đan xen chặt chẽ vào nhau. Với những vai trò ấy, cụ Răm xứng đáng với danh hiệu “Nghệ nhân dân gian toàn quốc” do hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng.

Qua quá trình nghiên cứu và điền dã tại thôn Quyển Sơn và trực tiếp tham gia các lớp học Hát Dậm của cụ Răm, chúng tôi nhận thấy, mặc dù không qua bất cứ một trường lớp nào nhưng các phương pháp dạy học cơ bản vẫn xuất hiện trong các buổi học này. Khi so sánh với các phương pháp cơ bản, chúng tôi nhận thấy có những sự khác biệt mang tính tích cực. Trong các buổi điền dã được tận mắt tham dự các buổi dạy học của cụ Răm, chúng tôi nhận thấy rằng, cụ xử lý việc trình bày tác phẩm một cách hết sức linh hoạt. Khi thì cụ trình bày tác phẩm ngay từ đầu buổi tập, khi thì cụ lại ngồi cùng với các học sinh của mình và xem các chị đi trước trình bày tác phẩm này để có thể vừa theo dõi bài hát, vừa hướng dẫn cho các bạn hiểu được nội dung, tính chất của bài hát. Sau đó, đích thân cụ mới trình bày bài hát với những cảm xúc mà các bạn học sinh vừa cảm nhận được và của chính cụ Trùm.

Khi hướng dẫn các bạn thực hành luyện tập, cụ Răm đã có sự luân phiên giữa các hoạt động, tránh tình trạng tập luyện quá nhiều. Khi nhận thấy có sự lơ đãng , hay sự mệt mỏi trong khi tập luyện cụ đã có những sự xử lý như: cho học sinh nghỉ tại chỗ đồng thời nghe cụ hoặc cụ Phẩm biểu diễn tác phẩm, hay học thuộc lại lời bài hát.

Trong việc sử dụng cách thức truyền khẩu, cụ Răm thường chia các con Dậm thành từng nhóm nhỏ sau khi đã cho các bạn chép lời bài hát. Sau đó, cụ Răm, cụ Phẩm và một số người tham gia dạy các em sẽ được chia về các nhóm đó và hát cùng với các em. Kết hợp với đó là việc hát nối các câu giữa các nhóm sau đó đảo lại rồi mới đến tất cả cùng hát. Trong quá trình đó, nếu nhóm nào hát sai sẽ ngồi nghe các nhóm khác hát và được người hướng dẫn của nhóm mình sửa sai.

Tuy nhiên, việc kết hợp giữa truyền khẩu và tổ chức vẫn còn nhiều hạn chế khi các em học hát còn bị thụ động. Nhưng tính ưu việt của phương pháp này là giúp các bạn học sinh nắm bắt được cách nhả chữ, luyến láy của ca từ với đúng âm điệu của dân ca từng miền. 

Trong các mô hình bảo tồn và phát huy hiện nay, theo chúng tôi mô hình “Bảo tồn - Phát triển’ mang tính khoa học và khả thi cao hiện đang được thế giới áp dụng là mô hình phù hợp nhất cho việc bảo tồn và phát huy hát Dậm Quyển Sơn. Mô hình này cho thấy công tác bảo tồn và phát huy hát Dậm cần được nhìn nhận một cách tổng thể hoàn chỉnh bao gồm các mặt: hát Dậm, lễ hội Hát Dậm, tín ngưỡng Hát Dậm và văn hoá hành vi Hát Dậm.

Các mặt hoà hợp, thống nhất và chi phối lẫn nhau, trong đó Hát Dậm Quyển Sơn là mặt hoạt động trọng tâm. Chính vì vậy, muốn bảo tồn Hát Dậm Quyển Sơn tất yếu phải lựa chọn phương án ‘Bảo tồn - phát triển’./.