Nội san

Dàn dựng chương trình nghệ thuật trong Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên

29 Tháng Bảy 2014

                        Lương Ngọc Quỳnh

 

Hoạt động âm nhạc từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người. Trong nhà trường, hoạt động âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, đào tạo, góp phần giáo dục tư tưởng, chính trị, trí tuệ, đạo đức, thể chất, thẩm mỹ và năng lực sáng tạo cho học sinh, sinh viên (HSSV). Hoạt động âm nhạc không chỉ là một phương tiện giáo dục hữu hiệu, tạo cho sinh viên hòa đồng, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, học hỏi lẫn nhau mà nó còn góp một phần không nhỏ trong việc phát triển, hoàn thiện nhân cách con người một cách toàn diện và hài hòa.         

Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên với đặc thù là đào tạo giáo viên cho các cấp học Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, hàng năm có rất nhiều hoạt động như: Văn nghệ, thể dục thể thao, các chương trình ngoại khóa, chuyên đề. Một trong những hoạt động mang tính bề nổi và có tác dụng giáo dục cao đó là hoạt động văn nghệ. Hoạt động này thường xuyên được diễn ra trong các dịp như: Khai giảng năm học mới, ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, ngày Hội học sinh, sinh viên Việt Nam 09/1, ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3, ngày sinh nhật Bác 19/5, hội thi nghiệp vụ sư phạm, văn nghệ, thể thao toàn quốc  và rất nhiều những chương trình ngoại khóa chuyên môn của các khoa, tổ bộ môn cũng cần đến chương trình nghệ thuật biểu diễn chào mừng. Trong đó phải kể đến một hoạt động lớn diễn ra hàng năm đó là hội thi văn nghệ, thể thao và giáo viên giỏi khối các trường Cao đẳng và Trung cấp số I, tỉnh Thái Nguyên. Đây cũng là dịp để các trường thể hiện tài năng của mình trong việc tổ chức dàn dựng một chương trình nghệ thuật để tranh tài.  

   Với những đặc điểm về văn hóa (là địa bàn cư trú của nhiều tộc người anh em, là nơi hội tụ, giao thoa giữa văn hóa các dân tộc miền núi với văn hóa đồng bằng Bắc bộ, nơi tập trung của các đoàn nghệ thuật như: Đoàn Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên, đoàn Văn công Quân Khu I, Nhà hát Dân gian Việt Bắc) cũng như giáo dục (là một trong 3 địa phương trong cả nước tập trung nhiều trường Cao đẳng và Đại học) đã có những tác động và ảnh hưởng nhất định, tạo điều kiện tốt đến sự phát triển về hoạt động văn hóa, nghệ thuật của trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên.

Được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng ủy, Ban giám hiệu cũng như các phòng, ban, khoa, tổ, hoạt động văn hóa văn nghệ được duy trì và phát triển trên diện rộng với kế hoạch chặt chẽ.

Mặc dù lực lượng học sinh, sinh viên đông đảo, đến từ các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc nhưng  năng lực hoạt động âm nhạc của các em cũng không đồng đều, chủ yếu tập trung vào những lớp Cao đẳng Sư phạm Âm nhạc và cao đẳng mầm non vì đây là những đối tượng được tuyển chọn năng khiếu đầu vào. Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên cũng thường xuyên dành những giải cao trong các hội diễn, liên hoan nghệ thuật do tỉnh và khối các trường Cao đẳng và Trung cấp số 1 tổ chức.

 Dàn dựng chương trình nghệ thuật là một việc làm thực sự cần thiết và bổ ích bởi tính ứng dụng thực tiễn của nó. Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức dàn dựng chương trình nghệ thuật tại trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên còn gặp nhiều vấn đề khó khăn.

 

Ảnh: Khu giảng đường chính Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên

                                                                                                                                

Từ thực tế của việc dàn dựng các chương trình nghệ thuật và những kết quả nhất định đã đạt được cũng như những khó khăn và những trăn trở về chất lượng của những chương trình nghệ thuật, chúng tôi nghĩ, cần thiết phải có một cách làm, một hướng đi để tìm ra phương pháp phù hợp nhằm đạt kết quả tốt nhất cho chương trình nghệ thuật của trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên.  

1. Nội dung, chủ đề các chương trình nghệ thuật trong nhà trường

Từ những đặc điểm về đào tạo cũng như những hoạt động văn hóa văn nghệ thường xuyên được diễn ra trong nhà trường, các chương trình cũng luôn bám sát  nội dung và chủ đề của mỗi sự kiện.

 Cụ thể là chương trình với những nội dung, chủ đề như: Ca ngợi ngành, nghề sư phạm; ca ngợi tình yêu quê hương đất nước; ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu; ca ngợi truyền thống nhà trường; ca ngợi  tuổi trẻ trong thời đại mới.   

 Trong những năm qua, phong trào văn hoá văn nghệ trong nhà trường đã có những phát triển đáng phấn khởi. Tuy vậy, kết quả đạt được còn chưa phản ánh hết tiềm năng của phong trào, nhất là về mặt phương pháp biên tập, xây dựng và dàn dựng chương trình. Hạn chế này một phần do lực lượng dàn dựng phong trào phần lớn do chưa được học tập, tiếp xúc nhiều, chủ yếu vẫn xuất phát từ lòng nhiệt tình, tình yêu nghề hoặc tinh thần trách nhiệm khi được phân công; kết quả đạt được chủ yếu do tìm tòi, tự học trên kinh nghiệm là chính.

Qua những thực tế trong việc tổ chức, hướng dẫn, dàn dựng, đạo diễn nghiên cứu tài liệu và xem lại băng hình của một số chương trình văn nghệ tiêu biểu của trường như: Chào mừng lễ khai giảng năm học 2010 – 2011; kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long; ngày truyền thống học sinh- sinh viên 09/01/2012; ngày nhà giáo việt nam 20/11 và ngày truyền thống nhà trường 23/11/2013; kỷ niệm thành lập đoàn 26/3 đã phần nào cho thấy những ưu điểm và hạn chế sau:

 Ưu điểm

 Nội dung chủ đề và tính giáo dục của các chương trình đã được xác định rõ ràng và được nêu bật thông qua nội dung các tiết mục. Chương trình có bố cục, thể loại, hình thức biểu diễn và sự dẫn dắt giữa các tiết mục của chương trình tương đối hợp lý và phong phú. Bố cục và nội dung chương trình đảm bảo được tính giáo dục, truyền thống tự hào ngành nghề, công ơn Bác đối với ngành giáo dục, các tiết mục đã được những diễn viên không chuyên thể hiện một cách say sưa, hết mình trên sân khấu.

Hạn chế

Nhìn chung chất lượng nghệ thuật của một số chương trình chưa cao. Các tiết mục mới chỉ dừng lại ở việc hát đúng lời ca, tương đối đúng giai điệu và tiết tấu của bài hát chứ chưa chủ ý nhiều đến sắc thái, tính chất của bài hát.

 Với một số tiết mục múa mới dừng lại ở mức độ thực hiện đủ các động tác múa mà chưa chú ý đến cái hồn của động tác múa, diễn viên chưa biết sử dụng ngôn ngữ múa bằng hình thể và các cử chỉ phi ngôn từ… Một số tiết mục hát múa chưa thực sự quan tâm đến trang phục, đạo cụ, sử dụng đạo cụ còn lúng túng, vấp ngã trên sân khấu. Nhiều tiết mục chưa được phối âm hoặc chỉ được phối một cách sơ sài, dàn dựng ít đầu tư như

 Do vậy, cần thiết phải có những phương pháp, biện pháp cụ thể có tính khả thi để khắc phục những nhược điểm  nêu trên.

 

Ảnh: Tiết mục “Mùa xuân cô nuôi dạy trẻ”, do sinh viên Thúy Nga lớp CĐMN K7 trình bày.

 

2. Ý nghĩa của việc dàn dựng chương trình nghệ thuật trong nhà trường

 Hoạt động văn hoá văn nghệ trong nhà trường luôn được quan tâm, cũng là tiêu chí, là món ăn tinh thần không thể thiếu sau nhiệm vụ chính là học tập và công tác của HSSV, cán bộ giảng viên nhà trường.

 Luôn tìm tòi, phát hiện và bồi dưỡng các hạt nhân phong trào có năng khiếu về lĩnh vực văn hoá văn nghệ như: Ca, múa, nhạc, kịch...; tạo điều kiện giúp đỡ, nâng cao nghiệp vụ để đáp ứng với sự phát triển của phong trào văn hoá văn nghệ cho học sinh- sinh viên trong nhà trường.

 Trong những năm qua, cùng với việc duy trì và phát triển những hình thức hoạt động văn hoá văn nghệ như: Ca nhạc tổng hợp, liên hoan văn nghệ giữa các khoa, các liên chi..., tổ chức các chương trình văn hoá văn nghệ hấp dẫn, lồng ghép các hội vui học tập, tạo ra được sân chơi lành mạnh cho học sinh- sinh viên; qua đó, đã bộc lộ tài năng, năng khiếu tạo niềm vui tươi, phấn khởi cho HSSV tham gia sinh hoạt.

 Có thể nói, phong trào sinh hoạt văn hoá văn nghệ trong nhà trường đã phát hiện các tài năng, năng khiếu nghệ thuật, tạo ra một sân chơi bổ ích cho học sinh- sinh viên sau giờ lên lớp để các em thoải mái, sảng khoái tinh thần, tránh được sự mệt mỏi; qua đó, đóng góp tích cực vào việc phát triển phong trào văn hóa văn nghệ của nhà trường, tiếp tục góp phần không nhỏ vào việc xây dựng và phát triển đội văn nghệ của nhà trường tham gia vào các hội diễn, liên hoan nghệ thuật trong khối các trường Cao đẳng và trung cấp số I của tỉnh nhà.

 Việc dàn dựng chương trình nghệ thuật một cách bài bản và hợp lý không tách khỏi sự tìm tòi, ham học hỏi và sáng tạo của người dàn dựng. Bởi vậy nếu không có sự tham gia tích cực tư duy sáng tạo của người dàn dựng hay được gọi là “bàn tay đạo diễn” thì không thể có tiết mục hay, chương trình ca nhạc có chất lượng nghệ thuât cao. Một bài hát, một chương trình ca nhạc có rất nhiều cách dàn dựng và cũng mang tới người xem những hiệu quả khác nhau.

Có thể nói, hoạt động văn hóa văn nghệ  đối với học sinh- sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên là một nhu cầu cần thiết và gắn trực tiếp với việc học tập và rèn luyện của các em. Là trung tâm kinh tế, giao lưu văn hóa của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, đây là lợi thế không nhỏ giúp cho hoạt động văn hóa văn nghệ của học sinh- sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Thái nguyên được học hỏi và tiếp cận. Từ những quan điểm và thực trạng dàn dựng chương trình nghệ thuật ở trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên cũng như những thuận lợi và khó khăn gặp phải trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã xây dựng một quy trình cụ thể khi dàn dựng chương trình nghệ thuật cho đối tượng là học sinh- sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên. Qua đó cũng thấy được sự cần thiết và ý nghĩa của dàn dựng chương trình nghệ thuật cũng như vai trò của người làm công tác dàn dựng chương trình nghệ thuật trong nhà trường, góp phần ngày càng hoàn thiện hơn hệ thống lý luận cũng như thực tiễn trong công tác dàn dựng một chương trình nghệ thuật có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của học sinh- sinh viên./.