Nội san

Xây dựng chương trình hoạt động Âm nhạc ngoại khóa tại một số trường THCS của Quận Đống Đa - Hà Nội

20 Tháng Tám 2014

Dương Anh Đức

 

Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt tình cảm, xúc cảm của con người. Môn học âm nhạc trong nhà trường là phương tiện tích cực để hình thành ở học sinh một tâm hồn trong sáng, một thị hiếu âm nhạc lành mạnh, tư duy sáng tạo, làm cho học sinh nhanh nhẹn và sống lạc quan yêu đời. Âm nhạc góp phần phát triển những tố chất tâm sinh lý của lứa tuổi học sinh, tạo điều kiện để học sinh phát triển hoàn chỉnh, cân đối về tâm hồn, trí tuệ và thể chất. Có thể nói, âm nhạc có vai trò rất lớn đối với sự hình thành, phát triển nhân cách của con người nói chung cũng như học sinh phổ thông nói riêng.

Khi xã hội ngày càng phát triển, cùng với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu cuộc sống ngày càng được nâng cao, đặt ra những yêu cầu to lớn về chất lượng cuộc sống, nguồn nhân lực và con người thì văn hóa và giáo dục đóng vai trò là động lực then chốt để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội. Do vậy, định hướng của ngành giáo dục,  đào tạo hiện nay là: Không chỉ dừng lại ở việc giáo dục những kiến thức văn hóa mà còn hướng tới việc phát triển con người toàn diện. Để đạt được mục đích đó, đòi hỏi học sinh, nhất là học sinh phổ thông, phải được giáo dục đầy đủ về mọi lĩnh vực: Khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nghệ thuật.

Hoạt động giáo dục âm nhạc đã mang lại những hiệu quả nhất định đối với sự phát triển về thể chất, nhân cách và chiếm một vị trí đáng kể trong quá trình giáo dục âm nhạc ở trường THCS. Việc dạy học âm nhạc ở các bậc học phổ thông hiện nay, nhất là đối với bậc THCS, chủ yếu dựa trên các giờ học âm nhạc, một số tiết tăng cường và các hoạt động ngoại khóa (với số lần không nhiều) trong một năm học. Chất lượng và hiệu quả của các hoạt động ngoại khóa phụ thuộc vào những điều kiện về sự quan tâm, đầu tư của cấp quản lý về cơ sở vật chất, những điều kiện về phương tiện thiết bị, về trình độ và kĩ năng thực hành âm nhạc, kĩ năng tổ chức sự kiện của đội ngũ giáo viên tại các nhà trường. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả mà chương trình giảng dạy âm nhạc trong các trường THCS đã đạt được, còn có một số vấn đề bất cập như: Chương trình giảng dạy chính khoá vẫn còn khô khan, thiếu sự mềm dẻo. Nếu người giáo viên không có sự sáng tạo linh hoạt trong các giờ dạy sẽ gây cho học sinh cảm giác nhàm chán, mệt mỏi, dẫn đến việc học sinh sẽ mất hứng thú đối với môn học.

Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã đi tìm hiểu thực tế, đồng thời nghiên cứu việc giảng dạy và học tập bộ môn âm nhạc tại một số trường THCS của quận Đống Đa - Hà Nội.Chúng tôi nhận thấy, ngoài việc đảm bảo tốt nội dung chương trình giáo dục âm nhạc do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, các trường còn quan tâm đến phong trào văn hoá văn nghệ, tuy nhiên lại không có khung chương trình ngoại khoá một cách quy mô bài bản mà phụ thuộc vào tâm huyết và sự sáng tạo của các giáo viên. Vì vậy, việc xây dựng chương trình hoạt động âm nhạc ngoại khoá tại một số trường THCS của quận Đống Đa là điều cần thiết.

Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt tình cảm, xúc cảm của con người. Môn học âm nhạc trong nhà trường là phương tiện tích cực để hình thành ở học sinh một tâm hồn trong sáng, một thị hiếu âm nhạc lành mạnh, tư duy sáng tạo, làm cho học sinh nhanh nhẹn và sống lạc quan yêu đời. Âm nhạc góp phần phát triển những tố chất tâm sinh lý của lứa tuổi học sinh, tạo điều kiện để học sinh phát triển hoàn chỉnh, cân đối về tâm hồn, trí tuệ và thể chất. Có thể nói, âm nhạc có vai trò rất lớn đối với sự hình thành, phát triển nhân cách của con người nói chung cũng như học sinh phổ thông nói riêng.

Là một trong số các loại hình nghệ thuật, âm nhạc cũng như các bộ môn nghệ thuật khác, được coi là phương tiện hiệu quả nhất để đưa vào ý thức học sinh mối quan hệ thẩm mỹ với thế giới âm nhạc một cách sâu sắc, tích cực và có mục đích. Quan hệ thẩm mỹ với âm nhạc chính là sự phản ánh âm nhạc trong ý thức học sinh, sự hình thành những quan hệ giữa học sinh với âm nhạc. Đó là một tập hợp những mối quan hệ có lựa chọn của học sinh với tác phẩm âm nhạc và các dạng hoạt động âm nhạc.

          Âm nhạc không chỉ tác động tới tình cảm của học sinh mà đồng thời hình thành ở các em phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Quá trình cảm thụ âm nhạc gắn bó chặt chẽ với sự phát triển trí tuệ của học sinh, đòi hỏi học sinh phải quan sát, chú ý, ghi nhớ và có độ nhạy bén. Âm nhạc có ảnh hưởng đến quá trình phát triển cơ thể con người nói chung và học sinh nói riêng.

Hoạt động  âm nhạc ngoại khóa trong trường THCS là những hoạt động  được tổ chức theo nhóm, tập thể hay dưới hình thức các câu lạc bộ âm nhạc, nhằm mục đích tạo ra các hoạt động trải nghiệm, thực hành, rèn luyện hay củng cố mở rộng những hiểu biết về văn hóa âm nhạc cho học sinh THCS. Hoạt động âm nhạc ngoại khóa không chỉ là môi trường để các học sinh THCS thực hành và vận dụng những hiểu biết và kĩ năng thực hành âm nhạc mà còn là môi trường tạo nên sự gắn bó đoàn kết, những cơ sở nền tảng của tình cảm cộng đồng xã hội, lòng yêu quí và trân trọng các giá trị nghệ thuật của nhân loại và dân tộc, đồng thời đây cũng là những môi trường hình thành và rèn luyện những kĩ năng" mềm" trong ứng xử, giao tiếp ... và những phẩm chất tốt đẹp của các thế hệ công dân trong xã hội hiện đại, nhất là sự chi phối và ảnh hưởng của những phương tiện và thiết bị công nghệ đã khiến cho con người mất đi nhiều cơ hội giao tiếp trực tiếp với nhau trong tập thể. Chính vì vậy, hoạt động ngoại khóa âm nhạc cùng với những hoạt động tập thể, cộng đồng khác sẽ có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục và phát triển toàn diện, nhất là đối với lứa tuổi học sinh THCS, các em đã có những cảm nhận, hiểu biết và khả năng điều chỉnh hành vi để tạo nên tính thích ứng trong môi trường học tập, giao tiếp, sinh hoạt ở trong gia đình và cộng đồng.

 

Ảnh: Hoạt động âm nhạc ngoại khóa của học sinh THCS ( Nguồn: st)

 

Các em học sinh tại một số trường THCS của quận Đống Đa - thành phố Hà Nội có khả năng nghe nhạc, nhạy cảm. Các em rất thích được tham gia các hoạt động âm nhạc, có những em biết sử dụng các loại nhac cụ như: đàn phím điện tử, đàn bầu, kèn, sáo... Qua quan sát,tìm hiểu và trò chuyện với nhiều em học sinh ở các khối lớp trong phạm vi nghiên cứu của đề tài cho thấy, nhiều em rất yêu thích hoạt động âm nhạc và hưởng ứng hoạt động này một cách say mê, tích cực.

          Việc thường xuyên được tiếp xúc với âm nhạc đã có ảnh hưởng rất nhiều đến khả năng âm nhạc nói chung cũng như khả năng ca hát nói riêng của học sinh. Các em có điều kiện để thưởng thức âm nhạc, có điều kiện để thể hiện năng khiếu âm nhạc của mình. Cũng từ đó, khả năng âm nhạc được bồi dưỡng phát triển.

          Như vậy, có thể thấy, học sinh tại một số trường THCS của quận Đống Đa - thành phố Hà Nội có năng khiếu âm nhạc và có thể phát triển khả năng âm nhạc nếu quá trình tiếp xúc với âm nhạc của các em có sự định hướng sư phạm và sự hướng dẫn trực tiếp, cụ thể.

Qua điều tra tìm hiểu về thực trạng hoạt động âm nhạc ngoại khóa tại hai trường THCS tiêu biểu trong địa bàn quận Đống Đa, chúng tôi nhận thấy: quá trình tìm hiểu thực tiễn các hoạt động  âm nhạc ngoại khoá tại một số trường THCS của quận Đống Đa - thành phố Hà Nội cho thấy, do các nội dung hoạt động được tổ chức chưa chặt chẽ, chưa có một chương trình mang tính hệ thống và khai thác từ chính những yếu tố cơ bản, cấu thành của nghệ thuật âm nhạc nên hiệu quả giáo dục chưa cao.

          Nếu hoạt động âm nhạc ngoại khoá tại một số trường THCS của quận Đống Đa - thành phố Hà Nội được tổ chức, sắp xếp lại và xây dựng thành một chương trình có hệ thống, qua sự điều hành, hướng dẫn của người giáo viên âm nhạc, có sự bố trí phòng học và thời gian thích đáng của nhà trường thì các em học sinh sẽ có được nhiều hiểu biết hơn về cái hay cái đẹp của âm nhạc, từ đó gợi ở các em sự hứng thú và yêu thích đối với âm nhạc, giúp cho quá trình học âm nhạc của các em thêm hào hứng và là tiền đề đắc lực cho công tác thúc đẩy các môn học văn hoá tốt hơn. Do đó, cần thiết phải xây dựng một chương trình âm nhạc ngoại khoá thường xuyên cho học sinh tại một số trường THCS của quận Đống Đa - thành phố Hà Nội phù hợp với hứng thú, đặc điểm và khả năng thực hành âm nhạc của học sinh THCS cùng những điều kiện thực tiễn của các nhà trường THCS tại quận Đống Đa.

Xuất phát từ những đặc điểm của học sinh và chương trình giảng dạy âm nhạc, đồng thời qua thực tế nhà trường, việc xây dựng chương trình âm nhạc ngoại khóa nhằm:

          Thứ nhất, phát triển nhu cầu yêu thích âm nhạc của học sinh, từ đó giúp các em tích lũy thêm kiến thức về âm nhạc, các khả năng hoạt động âm nhạc, phát triển tư duy âm nhạc. Qua đó hiểu được tư tưởng, tình cảm thể hiện trong âm nhạc.

          Thứ hai, phát huy được khả năng âm nhạc của học sinh, qua đó giáo viên đánh giá được năng lực hoạt động âm nhạc của các em, đồng thời phát hiện ra những học sinh có năng khiếu để có kế hoạch biện pháp bồi dưỡng hạt nhân tiêu biểu, làm nòng cốt trong phong trào văn nghệ của học sinh.

          Thứ ba, giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, thị hiếu âm nhạc cũng như óc sáng tạo âm nhạc cho học sinh.

          Thứ tư, làm phong phú kinh nghiệm nghe nhạc, mở rộng hơn khả năng tác động của nghệ thuật âm nhạc vào lứa tuổi học trò.

          Thứ năm, giúp học sinh nắm bắt được một số kỹ thuật thanh nhạc và kỹ năng biểu diễn.

          Thứ sáu, giúp học sinh nắm bắt được một số khái niệm đơn giản về thể loại và hình thức âm nhạc, các phương tiện biểu hiện âm nhạc, màu sắc của các nhạc cụ, hiểu được cuộc đời sự nghiệp của một số nhạc sĩ tên tuổi ở Việt Nam cũng như trên thế giới.

          Thứ bảy, ôn luyện, củng cố những kiến thức âm nhạc đã được học trong chương trình chính khóa cho học sinh.

Bên cạnh đó, trong công tác giáo dục âm nhạc cho học sinh nói chung và học sinh bậc THCS nói riêng, dù là chính khóa hay ngoại khóa cũng đều phải hướng đến những mục tiêu:

1- Giáo dục tình cảm, đạo đức, thẩm mĩ âm nhạc trong sáng lành mạnh cho học sinh, góp phần phát triển toàn diện các mặt của nhân cách.

2- Hình thành và phát triển năng lực âm nhạc cho học sinh

Để đạt được những mục tiêu trên, mỗi nhà trường, mỗi người tham gia vào việc giáo dục âm nhạc cho học sinh đều phải xác định được những nhiệm vụ, phương pháp cụ thể sao cho phù hợp với cơ sở vật chất, đặc điểm khả năng âm nhạc của học sinh…

Tóm lại, Các hình thức hoạt động âm nhạc nêu trên có thể tổ chức ở trường, lớp, ở trong và ngoài giờ học, ở từng khối hoặc toàn trường mang tính chất phong trào. Giáo viên tiến hành thường xuyên hoặc đột xuất trong từng thời gian qui định, sao cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, không gian, đặc điểm của nhà trường./.