Nội san

Nâng cao chất lượng dạy và học môn Giới thiệu nhạc cụ ở Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

07 Tháng Năm 2015

Nguyễn Đức Linh

 

Đào tạo giáo viên nghệ thuật nói chung và giáo viên âm nhạc nói riêng là một vấn đề hết sức quan trọng. Đáp ứng nhu cầu về giáo viên nghệ thuật nói chung và giáo viên âm nhạc cho các cấp học phổ thông, nhiều cơ sở đào tạo đã hàng năm cung cấp cho ngành giáo dục một khối lượng giáo viên không nhỏ. Với mục tiêu đào tạo giáo viên giảng dạy nghệ thuật cho các cấp học khác nhau, nội dung trong mỗi chương trình đều rất phong phú.

Giới thiệu nhạc cụ là môn học bổ trợ cho người học có thể nghiên cứu được một số  môn học liên quan khác: Phân tích tác phẩm, Lịch sử âm nhạc, Nhạc cụ…Và đặc biệt là giúp người học có khả năng nghe và hiểu được ngôn ngữ của các tác phẩm khí nhạc – điều rất quan trọng đối với một người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc.

Những kiến thức có được sau khi học môn Giới thiệu nhạc cụ sẽ hỗ trợ cho việc tiếp thu/nghiên cứu nội dung của các môn học khác như Lịch sử âm nhạc, Phân tích tác phẩm, Phương pháp dạy học âm nhạc… Đồng thời, những kiến thức này cũng rất cần thiết cho quá trình công tác sau này của sinh viên khi ra trường.

Trong học phần này, sinh viên sẽ được học những kiến thức cơ bản về các loại dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc dân gian. Đặc điểm về cấu tạo, âm thanh, vai trò của các loại nhạc cụ giao hưởng, dân gian và một số nhạc cụ điện tử thông dụng. Nhận biết nhạc cụ thông qua nghe âm thanh, nhìn hình ảnh… Bên cạnh đó, sinh viên còn được làm quen với một số nhạc cụ phổ biến của các khu vực trên thế giới.

Hiện tại, giảng viên giảng dạy học phần này sử dụng các tài liệu/tư liệu sau: Các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng (Hồng Đăng, Nxb. Văn hóa 1978); Nhạc cụ dân tộc Việt Nam (Huy Trân, Nxb. Văn hóa 1992); Nhạc khí (Trịnh Tuấn, Nxb. Hà Nội 1996); Musical Instruments (CD-R); Nhạc cụ dân tộc Việt (Võ Thanh Tùng, CD-R). Theo sự nghiên cứu của chúng tôi, hiện nay chưa có tài liệu chính thức phục vụ giảng dạy học phần này ở hệ đại học. Đây cũng là điểm hạn chế cho quá trình dạy học.

Về phương tiện dạy học: hệ thống trang thiết bị giảng dạy hiện có cũng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của môn học. Hiện nay, các phòng được trang bị phương tiện nghe nhìn của nhà trường chưa nhiều, chưa thực sự phù hợp cho dạy học âm nhạc nói chung. Do vậy, khả năng sử dụng phương tiện cho môn học chưa thực sự được phát huy.

Qua thực tế giảng dạy môn Giới thiệu nhạc cụ tại trường, chúng tôi nhận thấy trong mỗi tiết học giảng viên phải truyền đạt khá nhiều kiến thức do thời lượng của môn học ngắn. Bên cạnh đó, giảng viên khi giảng dạy môn Giới thiệu nhạc cụ thường theo một tiến trình quen thuộc, chưa có kế hoạch riêng cho mỗi bài học. Đề cương bài giảng theo một mẫu chung, chỉ thay thế các nội dung mới theo tiến trình.

 

Ảnh: Lớp học đàn organ ( Nguồn: sưu tầm)

 

Từ những thực trạng trên và những nghiên cứu, điều tra thực tế tại Khoa Sư phạm Âm nhạc, chúng tôi thấy hoạt động dạy học hiện nay của môn Giới thiệu nhạc cụ chưa phát huy được vai trò của người học. Bên cạnh đó, sự đầu tư về phương tiện dạy học cũng như phương pháp của giảng viên vẫn còn hạn chế. Quá trình dạy học mặc dù có sự trợ giúp của phương tiện hiện đại nhưng vẫn chỉ mang dáng vẻ cũ, chưa kết hợp được các phương pháp dạy học tích cực, dẫn đến sinh viên tiếp thu kiến thức môn học thụ động.

Muốn nâng cao hiệu quả dạy học, để kiến thức có thể ứng dụng vào thực tiễn, nhất thiết phải có những thay đổi trong bộ các khâu của quá trình dạy học của môn học. Đó là điều tất yếu để đáp ứng được xu thế mới trong giáo dục ở thời đại hiện nay.

Trên cơ sở những kết quả đã nghiên cứu, tìm hiểu tình hình về nhà trường, đội ngũ giảng viên cũng như về phía sinh viên, đứng trước nhu cầu của xã hội trong tình hình đổi mới hiện nay cũng như nhu cầu về đội ngũ cán bộ, giảng viên âm nhạc, chúng tôi nhận thấy vấn đề dạy học môn Giới thiệu nhạc cụ tại trường cần có những thay đổi thiết thực để chất lượng môn học được cải thiện hơn.

Chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp đổi mới nhằm nâng cao chất lượng dạy học của môn Giới thiệu nhạc cụ như sau:

Thứ nhất: Cải tiến chương trình và biên soạn giáo trình giảng dạy

Giáo trình phải đáp ứng được mục tiêu của môn học thể hiện qua nội dung và bố cục. Các vấn đề trình bày trong giáo trình phải phù hợp với đối tượng, mạch lạc và có luận cứ khoa học rõ ràng. Văn phong không quá phức tạp (không dùng nhiều thuật ngữ chuyên ngành), bố cục theo từng bài phù hợp với cấu trúc của chương trình.

Cân đối hợp lý giữa các nội dung nhạc cụ giao hưởng, nhạc cụ dân tộc và các nội dung mở rộng. Vì thời lượng chương trình không nhiều nên cần có những nội dung cho sinh viên tự nghiên cứu.

Thứ hai: Xây dựng kho tư liệu

Thông qua kho tư liệu dành cho môn học, sinh viên sẽ tìm hiểu rõ hơn về các nhạc cụ bên cạnh việc đọc giáo trình, tài liệu. Sinh viên được tiếp xúc các tư liệu này đồng thời cũng sẽ tiếp thu được các kinh nghiệm sử dụng tư liệu cho quá trình công tác của mình sau này. Do vậy, để chủ động trong giảng dạy giảng viên cần có sự đầu tư xây dựng kho tư liệu cho môn học.

Các dạng tư liệu gồm: Tư liệu nghe nhìn (hình ảnh; audio; video,…); phần mềm… Trong đó lưu trữ các hình ảnh, âm thanh biểu diễn của các nhạc cụ phổ biến có trong chương trình môn học.

Thứ ba: đa dạng hóa phương pháp giảng dạy

Chúng tôi xin đưa ra một số giải pháp cụ thể sau:

·         Tập trung cho các nội dung chính

Sau khóa học tại trường sinh viên phải đảm bảo dạy được những nội dung môn học ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, trong đó môn âm nhạc có một phần khá quan trọng là âm nhạc thường thức. Đây là phần học sẽ cung cấp cho học sinh những kiến thức chung về âm nhạc, trong đó có một số loại nhạc cụ phổ biến của dân tộc và thế giới. Vì vậy, trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần nhấn mạnh những phần trọng tâm, then chốt mà sinh viên sau này ra trường sẽ sử dụng trong công tác.

·         Sử dụng linh hoạt các phương tiện, thiết bị

Hiện nay, việc sử dụng tư liệu không chỉ dừng lại ở tranh ảnh hay băng catsette. Tư liệu phục vụ cho dạy học nhạc cụ rất đa dạng, từ những hình ảnh, file audio/video cho đến các chương trình chạy trên computer. Trong khi điều kiện để sinh viên có thể tiếp xúc trực tiếp với các nhạc cụ chưa được thuận lợi, việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với sử dụng tư liệu theo kiểu truyền thống.

·         Kết hợp phương pháp truyền thống với phương pháp dạy học hiện đại

Trong dạy học truyền thống, giảng viên chủ động truyền đạt, sinh viên thụ động tiếp thu, làm theo thao tác mẫu, giảng viên độc thoại, biểu diễn hoạt động một mình, ít chú ý quán xuyến đến sinh viên. Dạy học hiện đại đòi hỏi giảng viên phải tổ chức, điều khiển, làm cố vấn, trọng tài khoa học giúp sinh viên tìm tòi phát hiện và hành động theo cách riêng, độc lập và sáng tạo. Sinh viên được đối thoại, trình bày, năng động tự tổ chức, tự điều khiển, tự lựa chọn để phát triển tối đa.

·         Thảo luận

Với cách thức tổ chức thảo luận, các vấn đề của bài học sẽ được sinh viên nghiên cứu một cách chủ động, như vậy sinh viên sẽ nhớ bài lâu hơn. Sau mỗi giờ thảo luận, sinh viên vừa được củng cố kiến thức vừa không thấy ngại môn học đồng thời sẽ tăng thêm lòng say mê và học tập tích cực hơn. Bộ môn Giới thiệu nhạc cụ từ một môn học khô khan sẽ trở nên lý thú, hấp dẫn sinh viên hơn.

Thứ tư: Dạy học thông qua hoạt động ngoại khóa

Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động âm nhạc ngoại khóa trong nhà trường và đặc biệt trong môn Giới thiệu nhạc cụ, chúng tôi xin đề ra một số hướng tổ chức như sau:

·         Tổ chức cho sinh viên đi xem các buổi biểu diễn âm nhạc

Đây là một hình thức hoạt động ngoại khóa rất bổ ích. Được tiếp xúc với nhạc cụ trong vai trò diễn tấu sẽ giúp sinh viên hiểu hơn về đặc tính, kỹ thuật diễn tấu của nhạc cụ.

·          Tổ chức cho sinh viên đi tham quan

Giảng viên có thể tổ chức cho sinh viên đi tham quan một số nơi như: Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Việt Nam; Dàn nhạc dân tộc Việt Nam; Phòng trưng bày nhạc cụ - Viện âm nhạc Việt Nam; Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam…

Qua những chuyến tham quan này, sinh viên có điều kiện tìm hiểu kỹ hơn về hình dáng, cấu tạo của nhạc cụ. Đối với các phòng trưng bày nhạc cụ dân tộc, sinh viên còn có thể nắm bắt thêm những kiến thức thực tế về nhạc cụ trong đời sống văn hóa...

·          Tổ chức các buổi sinh hoạt âm nhạc

Nội dung của các buổi sinh hoạt âm nhạc phụ thuộc vào thực tế dạy học của môn học. Trong quá trình lên lớp, giảng viên thấy nội dung nào sinh viên còn thiếu tư liệu hoặc muốn tìm hiểu sâu hơn thì có thể chọn làm chủ đề cho buổi sinh hoạt.

·         Tổ chức các buổi giao lưu giữa nghệ sĩ với sinh viên

Đây là cơ hội tốt cho sinh viên học tập thêm những kiến thức nằm ngoài sách vở. Với những buổi giao lưu này, sinh viên này sẽ được tiếp cận trực tiếp với nhạc cụ mà mình đang xem biểu diễn. Ngoài các vấn đề về kiến thức, các nghệ sĩ sẽ nói chuyện về quá trình rèn luyện, sáng tác, biểu diễn những nhạc cụ. Khi tham gia các buổi giao lưu, sinh viên cảm thấy hào hứng hơn rất nhiều so với nghe giảng trên lớp hoặc xem qua tư liệu video.

Thứ năm: Cải tiến hình thức kiểm tra đánh giá

Đối với môn Giới thiệu nhạc cụ, có thể sử dụng kết hợp một số hình thức kiểm tra đánh giá như:

-  Câu hỏi ngắn và trắc nghiệm khách quan

Nếu như ở hình thức câu hỏi ngắn kiểm tra khả năng tổng hợp là không cao thì ở hình thức trắc nghiệm khách quan, trong một thời gian ngắn có thể kiểm tra được nhiều kiến thức cụ thể với nhiều khía cạnh khác nhau. Kết hợp 2 hình thức này, sinh viên không thể học bài một cách máy móc hay học tủ.

- Trắc nghiệm khách quan và vấn đáp

Khi kết hợp với vấn đáp, bên cạnh việc lựa chọn phương án đúng cho câu hỏi, sinh viên sẽ phải giải thích/phân tích để chứng minh đáp án của mình. Qua đó, giảng viên sẽ đánh giá được chính xác hơn mức độ tiếp thu bài của sinh viên.

- Câu hỏi ngắn và vấn đáp

Khi kết hợp câu hỏi ngắn và vấn đáp, giảng viên sẽ đánh giá nhanh, bao quát được sinh viên. Giảng viên có thể kiểm tra được nhiều khía cạnh như: mức độ suy luận, khả năng ứng đối và sự nhanh trí của sinh viên, đồng thời vẫn đánh giá được mức độ sâu sắc của nội dung bài thi, mang lại hiệu quả cao hơn.

Thứ sáu: Hướng dẫn sinh viên tự học

Giảng viên có thể đưa ra một số phương án sau:

·         Xây dựng kế hoạch học tập

            Kế hoạch và phương pháp học tập (học dưới sự hướng dẫn của người khác và tự học) của mỗi cá nhân là hai thành tố quan trọng góp phần giúp người học chiếm lĩnh được tri thức một cách tốt nhất, khoa học nhất. Xây dựng được kế hoạch học tập là người học đã đạt thành công được một nửa, nếu thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra có thể nói người học đã đạt được thành công trong học tập.

·         Rèn luyện kỹ năng chuẩn bị bài

Sinh viên phải luôn phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của mình qua khả năng tự đọc, tự phát hiện vấn đề mới, tự tìm cách giải quyết vấn đề và ứng dụng vào thực tiễn. Việc chuẩn bị bài ở nhà theo hướng trên đòi hỏi sinh viên phải đầu tư thời gian và tâm trí rất lớn. Ngay từ việc đọc, thống kê và ghi nhớ các kiến thức cũng như việc tìm đọc các tài liệu có liên quan phải thuần thục các thao tác, kỹ năng để không để lãng phí thời gian và tri thức .

·         Sinh viên tự kiểm tra

Đây là hình thức mà sinh viên tự kiểm tra hoặc kiểm tra lẫn nhau trong giờ ôn tập hoặc đầu giờ. Qua đó, môi trường học tập thân thiện giữa các sinh viên được tạo ra, phát triển việc tự học của sinh viên và việc kiểm tra một vấn đề có thể được lặp lại nhiều lần.

Tóm lại, từ việc nghiên cứu chương trình, đối tượng sinh viên và thực trạng dạy học môn Giới thiệu nhạc cụ ở Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, chúng tôi đã đưa ra một số giải pháp đổi mới trong phương pháp dạy và học nhằm nâng cao hiệu quả của môn học.

Mục đích của các giải pháp đổi mới là tạo ra môi trường giáo dục tích cực, tăng cường sự tương tác giữa các thành phần của quá trình dạy học. Vai trò của người học được chú ý hơn, biến mục tiêu của môn học thành nhu cầu của người học, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội

Việc đổi mới trong phương pháp dạy học cần thực hiện kết hợp với nhiều phương diện: chương trình, giáo trình, phương tiện, phương pháp dạy học… đều cần được tiến hành một cách đồng bộ. Đặc biệt, cần có các hoạt động ngoại khóa nhằm rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết với thực tiễn, đồng thời nâng cao tích tích cực của sinh viên trong học tập.


 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

  1. A. Xokhor (1978, Vũ Tự Lân dịch), Vai trò của giáo dục Âm nhạc, Nxb. Văn hóa, Hà Nội.
  2. Phan Trần  Bảng (2000), Phương pháp giảng dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
  3. Bernd Meier - Nguyễn Văn Cường (2014), Lý luận dạy học hiện đại, Nxb. ĐHSP, Hà Nội.
  4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2001), Phương pháp dạy học Âm nhạc (Giáo trình đào tạo giáo viên bậc THCS hệ CĐSP), Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
  5. GeoFrey Petty (1998), Dạy học ngày nay, Nxb. Stanley Thornes.
  6. Hồng Đăng (1983), Các nhạc khí trong dàn nhạc giao hưởng (xuất bản lần thứ 2), Nxb. Văn hóa, Hà Nội.
  7. Phó Đức Hòa, Ngô Quang Sơn (2011), Phương pháp và công nghệ trong môi trường sư phạm tương tác, Nxb. ĐHSP, Hà Nội.
  8. Phạm Thị Hòa, Ngô Thị Nam (2004), Giáo dục âm nhạc (tập I và II), Nxb. ĐHSP, Hà Nội.
  9. Đặng Vũ Hoạt, Hà Thị Đức (2008), Lý luận dạy học đại học, Nxb. ĐHSP, Hà Nội.
  10.  Nguyễn Sinh Huy, Nguyễn Văn Lê (1997), Giáo dục học đại cương, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
  11. Võ Thanh Tùng, (2001). CD-R Nhạc khí dân tộc Việt. Viện âm nhạc.

  12. Microsoft Corporation, (1992). CD-R Microsoft Musical Instruments