Nội san

Đôi nét về truyền dạy làn điệu tuồng ở thôn Dương Cốc Đồng Quang - Quốc Oai - Hà Nội

08 Tháng Năm 2015

                                                             Nguyễn Thị Hương

 

Việt Nam là một quốc gia có bề dày văn hóa. Nghệ thuật Tuồng là một thành tố của văn hóa, là trí tuệ, tâm hồn của con người Việt Nam và là di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam.

Tuồng là một bộ môn nghệ thuật sân khấu tổng hợp bao gồm: Văn học, hội họa, âm nhạc, múa, hát, diễn xuất của diễn viên… Cũng như các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống (Tuồng, Chèo, Múa rối) nghệ Tuồng là loại hình có nhiều tính ước lệ tượng trưng.

Trong quá trình phát triển của nghệ thuật cách mạng, đội Tuồng thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai đã ra đời, đem lại hứng thú đặc biệt cho nhân dân lao động Dương Cốc, góp phần tích cực trong phong trào cải cách ruộng đất, xây dựng hòa bình, sản xuất chiến đấu chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Được thành lập năm 1967 do sự giúp đỡ của các nghệ sĩ Tuồng liên khu V về sơ tán và sự giúp đỡ của nhà hát Tuồng Việt Nam, đội Tuồng Dương Cốc đã đạt được nhiều thành tích cao trong các kỳ hội diễn Tuồng không chuyên. Để có một đội Tuồng Dương Cốc như ngày hôm nay, phải kể đến công lao của các nghệ sĩ trực tiếp dạy trong thời gian sơ tán là NS. Dương Long Căn, NS. Phạm Dị, NSND. Đàm Liên, Kim Cúc, Thị Lợi, Xuân Nồng,... Từ thời điểm này, hàng năm đội Tuồng  Dương Cốc vẫn bổ sung thêm nhạc công và diễn viên do cụ Nguyễn Ngọc Bỉnh làm nhạc trưởng. Hiện nay, đội Tuồng Dương Cốc thường duy trì 23 người, trong đó có một số gia đình đến 3 thế hệ tham gia như gia đình cụ Bỉnh, vừa nhạc công, vừa diễn viên có 6 người; gia đình cụ Thiết 3 người, đặc biệt là hai vợ chồng bác Nguyễn Huy Thường và Nguyễn Thị Bích Hảo là hai diễn viên xuất sắc của đội Tuồng.

Năm 2006, đội Tuồng Dương Cốc đổi tên thành Câu lạc bộ Tuồng Dương Cốc do ông Nguyễn Văn Lý làm chủ nhiệm. Tính từ năm 1967 đến 1998, đội đã được các nghệ sĩ Tuồng liên khu V, và nhà hát Tuồng Việt Nam dựng khoảng gần 20 tiết mục đó là: Tình cá nước, Trần Quốc Toản, trích đoạn Đám mía, Đề Thám, Ngọn lửa Hồng Sơn, Lê Lai đổi áo, Nắng soi dòng suối Păng Pơi, Trần Bình Trọng, Thạch Sanh, Chị Ngộ, Nỗi lòng cây lúa, Thái hậu Dương Vân Nga, Hương trầm, Người con gái sông Tích, Nghĩa quân sơn lộ, Nghêu Sò Ốc Hến, Tình sử loa thành, An Tư công chúa. Trong số tác phẩm kể trên, có những vở diễn rất xuất sắc và được dư luận đánh giá cao, như vở Trần Quốc Toản, Nghêu Sò Ốc Hến, Trần Bình Trọng, Nắng soi dòng suối Păng Pơi,

Trong thời gian Tuồng liên khu V về sơ tán tại thôn Dương Cốc, các nghệ sĩ đã truyền dạy cho “nghệ sĩ làng” những vở Tuồng, trích đoạn Tuồng độc đáo. Phương pháp dạy của các nghệ sĩ, chủ yếu là truyền nghề, bằng cách thị phạm, thầy diễn trước, trò làm theo sau, trò cố gắng làm sao cho thật giống với thầy. Với phương pháp thị phạm này, các nghệ sĩ Tuồng Liên Khu V đã chia diễn viên không chuyên Dương Cốc ra thành 5 nhóm theo 5 mẫu cơ bản của sân khấu dân tộc là: Đào, kép, lão, mụ, hề để 5 loại “nghệ sĩ chuyên gia” của từng mẫu dạy hát Nam, hát Khách cho phù hợp.

Phương pháp dạy làn điệu Tuồng bằng thị phạm của các nghệ sĩ chuyên nghiệp cho diễn viên không chuyên ở Dương Cốc không tuân theo thời gian của “giáo trình” mà theo năng lực, sở trường, sở đoản của mỗi diễn viên, nghĩa là, học theo khả năng vốn có của diễn viên và đến bao giờ đạt yêu cầu của thầy mới thôi. Do đó, có diễn viên thành đạt sớm và có diễn viên thành đạt muộn (Sớm hay muộn đều không phụ thuộc vào thời gian quy định của thầy trò theo trường lớp chính quy). Phương pháp truyền dạy của các nghệ sĩ Tuồng chuyên nghiệp tạo những hiệu quả bất ngờ cho Tuồng Dương Cốc.

 

Ảnh: Đạo diễn Lưu Ngọc Nam truyền dạy Tuồng ở thôn Dương Cốc

 

     Trước cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và sự du nhập của nhiều loại hình văn hóa truyền hình, truyền thanh, báo chí, báo mạng… thì, những loại hình văn nghệ truyền thống gặp nhiều khó khăn, trong đó, Tuồng không chuyên lại càng khó khăn hơn. Làn điệu hát Nam, hát Khách trong Tuồng là hai làn điệu cơ bản, kết hợp đan xen với nói lối, với múa, và  nghệ thuật biểu diễn để tạo nên sân khấu Tuồng mang tính chất tổng hợp. Việc truyền dạy các làn điệu Tuồng ở thôn Dương Cốc hiện nay gặp nhiều khó khăn do nhiều yếu tố mà đặc biệt nhấn mạnh là thế hệ trẻ đang lãng quên Tuồng và đội Tuồng thiếu diễn viên kế nghiệp. Việc giúp các bạn trẻ hiểu được những giá trị thẩm mỹ, cao đẹp, những tấm gương tận trung báo quốc trong Tuồng là điều cần thiết, để từ đó giúp các bạn trẻ có cái nhìn chân thực hơn về Tuồng.

Với phương pháp truyền dạy thị phạm trước đây, Tuồng Dương Cốc đã đem lại hiệu quả đáng kể. Bên cạnh những thành tích mà phương pháp truyền dạy thị phạm đem lại thì cũng có những hạn chế như sau:

- Khi đạo diễn chưa về hướng dẫn thì tổ chức, khả năng tập luyện của các diễn viên giảm sút, những phần hát, múa không có người hướng dẫn. Vì vậy các diễn viên thường có thái độ chán nản, không tập trung.

- Vì các diễn viên là không chuyên, cho nên ngoài việc tập các diễn viên còn rất nhiều công việc gia đình. Sau khi nghe đạo diễn hướng dẫn, khi về nhà lại quên lời thoại, quên vũ đạo.

- Số diễn viên đóng được vai chính rất ít khoảng 4 tới 5 người. Từ khi thành lập cho tới nay không có nhiều diễn viên đảm nhận được các vai diễn chính. Không phát triển được số người đóng vai chính vì thế khi dựng một vở đạo diễn thường khó khăn trong việc phân vai diễn.

- Các diễn viên đóng vai phụ luôn đóng vai phụ, không có khả năng đóng được vai diễn chính.

- Các diễn viên trong đội tập vở nào thì chỉ biết vở đấy, không có điều kiện tìm hiểu sâu về nghệ thuật Tuồng.

- Diễn viên nào có năng khiếu, có khả năng tiếp thu nhanh thì bắt chước được chi tiết hơn về cách luyến láy, cách phát âm nhả chữ… còn diễn viên nào chậm hơn thì những kiến thức của thầy đôi khi không được diễn viên lĩnh hội một cách đầy đủ.

- Không có những đột phá mới trong cách đào tạo diễn viên trẻ, không thử nghiệm khả năng của các bạn trẻ, nên không phát hiện được những tài năng mới để có đội ngũ diễn viên kế tiếp.

           Chính vì vậy, trước sự phát triển của các phương tiện hiện đại như ghi âm, ghi hình… chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng các phương tiện nay để hỗ trợ trong việc truyền dạy được tốt hơn. Có thể tổ chức ghi âm, ghi hình sau đó sử dụng thành tài liệu để phục vụ trong việc truyền dạy. Qua tìm hiểu nghiên cứu chương trình giảng dạy bộ môn âm nhạc trong nhà trường phổ thông, chúng tôi thấy rằng chương trình âm nhạc đã chú trọng đến dạy hát dân ca, trong phần âm nhạc thường thức đã có một số tiết giới thiệu về âm nhạc truyền thống nhưng chưa có tiết nào giới thiệu về nghệ thuật Tuồng. Qua tìm hiểu ở địa phương, những buổi sinh hoạt tập thể cho đoàn viên, thanh thiếu nhi cũng không đề cập đến nghệ thuật Tuồng. Như vậy, các bạn ít hoặc không được tiếp với nghệ thuật Tuồng cả về lý luận đến thực tiễn.

            Đối tượng truyền dạy các làn điệu Tuồng là đoàn viên thanh niên, đội viên ở thôn Dương Cốc. Với đối tượng là những người không chuyên có ít thời gian tham gia tập luyện, và trình độ về chuyên môn âm nhạc hạn chế. Cho nên việc chọn lựa một số làn điệu Tuồng để truyền dạy phải đảm bảo phù hợp với trình độ của người học đó là: Ít luyến láy, không dài, quãng âm vực không quá rộng… với những tiêu chí đó chúng tôi lựa chọn một số làn điệu Nam, Khách trong một số vở thuộc Tuồng để truyền dạy với lời thơ, câu văn dễ hiểu, gần gũi với đời sống hàng ngày. Trong một buổi sinh hoạt tập thể chỉ truyền dạy một loại làn điệu Nam hoặc Khách.

Nhận thấy phương pháp truyền dạy của các nghệ sĩ Tuồng Liên khu V, và các nghệ sĩ nhà hát Tuồng Việt Nam đã đem lại nhiều ưu điểm cho đội Tuồng Dương Cốc, với phương pháp này, chúng tôi nhận thấy có nhiều ưu điểm đối với Tuồng chuyên nghiệp. Nhưng đối với Tuồng nghiệp dư (khi không có đạo diễn, khi diễn viên của đội Tuồng đều đã cao tuổi) thì phương pháp này không phải lúc nào cũng phát huy tính ưu việt của nó. Chính vì vậy, có thể kết hợp một số phương pháp sử dụng các phương tiện trực quan đó là các tài liệu ghi âm, ghi hình để hỗ trợ trong quá trình truyền dạy để đạt kết quả tốt hơn. Với phương pháp này các bạn trẻ khi đã được hướng dẫn hát, thì có thể tập hát được mọi lúc, mọi nơi (dù chưa đúng hẳn) nhưng cũng có thái độ tích cực hơn với nghệ thuật Tuồng của quê hương mình.

Sau khi tìm hiểu những khó khăn, những bất cập mà Tuồng Dương Cốc gặp phải trong thời đại kinh tế thị trường như hiện nay, tác giả đề xuất một số giải pháp góp phần giải quyết những khó khăn của Tuồng Dương Cốc hiện nay đó là:

Thứ nhất, truyền dạy bằng thị phạm, chúng tôi vẫn áp dụng phương pháp truyền dạy cũ đó là thầy hát trước, trò hát theo sau, trò cố gắng bắt trước thầy làm sao cho đúng với cao độ, trường độ, đúng với những ngân nga luyến láy của câu hát. Bên cạnh việc truyền dạy thị phạm chúng tôi có giới thiệu thêm về một số đặc điểm trong Tuồng, để các bạn trẻ hiểu rõ hơn về loại hình nghệ thuật này

Thứ hai, truyền dạy có sử dụng các phương tiện trực quan. Với những phần tài liệu đã được tổ chức ghi âm, ghi hình từ trước. Chúng tôi nêu ra một số phương pháp để truyền dạy đó là sử dụng một số sản phẩm công nghệ hỗ trợ. Trong quá trình truyền dạy có sử dụng các phương tiện trực quan chúng tôi cũng lồng ghép một số trò chơi để gây hứng thú cho người học.

Thứ ba, đào tạo khán giả, tổ chức các buổi biểu diễn giao lưu giữa khán giả và diễn viên đội Tuồng

Thứ tư, tổ chức các buổi giao lưu giữa nhà hát Tuồng Việt Nam với đội Tuồng Dương Cốc để trao đổi về kinh nghiệm và phát hiện những tài năng mới.

Tóm lại, Tuồng Dương Cốc đang mai một từng ngày, đang cần rất nhiều sự quan tâm, phối hợp của tất cả các cấp, các ban ngành đoàn thể, các cá nhân. Là thế hệ trẻ, chúng ta phải có những hành động thiết thực để Tuồng Dương Cốc mãi tồn tại, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.