Nội san

Một số vấn đề về đặt hợp âm cho phần đệm ca khúc

08 Tháng Năm 2015

                                                            Nguyễn Khải

 

         Đệm cho ca khúc là một thành tố của hoạt động ca hát. Việc đệm đòi hỏi khá nhiều kỹ năng như chơi đàn, viết phần đệm… Một tác phẩm có thể không thành công nếu như phần đệm không hay hoặc bị hỏng. Muốn phần đệm hay, trước hết phải có phần đặt hợp âm đệm tốt, trong đó việc soạn hòa âm cho phần đệm có một ý nghĩa quan trọng.

            Ở thời kỳ lãng mạn, các nhạc sĩ như F. Schubert (1797-1828), R. Schumann (1810-1856), F. Mendelssohn (1809-1847)… rất chú trọng phần đệm, họ đồng thời là nhạc sĩ viết phần đệm cho bài hát của mình. Ở đó, phần đệm không chỉ để dẫn giọng, nâng đỡ giọng hát mà còn bổ sung hình tượng cho giai điệu. Hiện nay, nhiều bài hát nhạc nhẹ (Rock-pop) phải có đủ cả phần đệm mới tạo thành một tác phẩm hoàn chỉnh. Các ban nhạc nhẹ nổi tiếng thế giới như Scorpions, Rolling Stones, The Beatles, ABBA, Bee Gees… khi sáng tác bài hát đồng thời sáng tác phần đệm, nhiều bài của các ban nhạc này có phần đệm hết sức độc đáo, hấp dẫn, gần như không thể thay thế, được coi như một thành tố của tác phẩm, thậm chí thiếu nó còn trở nên nhàm chán. Có thể kể một số bài có phần hòa âm và viết phần đệm ấn tượng như Happy new year, Fernando của nhóm ABBA; Holiday, Still loving you của nhóm Scorpions; Hotel California của Eagles; Making love out of nothing at all của Air Supply…

            Trong thực tế, ca khúc Việt Nam đa số chỉ được nhạc sĩ sáng tác viết phần giai điệu mà không có phần đệm kèm theo, đặc biệt là các ca khúc phổ thông. Vì vậy, khi ca sĩ biểu diễn cần thêm một người viết phần nhạc đệm. Những phần đệm này, nhiều khi được nhạc công chơi đàn phối tự do ngẫu hứng tại chỗ, mỗi người và mỗi lúc thể hiện một cách khác nhau. Có những bản được ngẫu hứng đệm khá ấn tượng song cũng có những bài được đệm hết sức mờ nhạt, không tăng thêm sức sống cho giai điệu. Việc phối đệm một cách bài bản với tư duy logic chặt chẽ, sáng tạo, thậm chí tạo thành hình tượng thì chắc chắn tác phẩm sẽ được nâng lên một bình diện mới, tăng thêm vẻ đẹp và sự hấp dẫn. Việc viết phần đệm cho ca khúc thực sự được coi như một sáng tạo thứ hai sau sáng tạo giai điệu. Điều đó đòi hỏi cả tài năng lẫn tình cảm của người soạn đệm. Học tập để viết phần đệm cho tốt trước tiên được bắt đầu từ

phối hòa âm.  

             Bài viết này đề cập đến một số nguyên tắc đặt hợp âm cho phần đệm ca khúc.

1. Bảng ký hiệu hợp âm

Trước khi đi vào cách thức đặt hợp âm, người soạn cần nắm được các ký hiệu hợp âm thường dùng. Hiện nay có nhiều cách ký hiệu hợp âm khác nhau. Vì âm nhạc cổ điển không dùng ký hiệu hợp âm mà chỉ ký hiệu công năng (T,S,D…) nên dưới đây là bảng tóm tắt một số dạng ký hiệu hợp âm thường dùng trong nhạc nhẹ:

 

 

2. Cách thức đặt hợp âm

            Đặt hợp âm cho phần đệm ca khúc thường có bước chuẩn bị đó là phân tích ca khúc, cụ thể như sau: Xác định giọng điệu, loại nhịp và nhịp độ của ca khúc; Phân tích cấu trúc hình thức: câu, đoạn, xác định cao trào; Xác định tính chất âm nhạc của ca khúc (vui tươi, trữ tình, trầm hùng, khỏe khoắn…)

Với việc đệm cho ca khúc, mỗi người có thẩm mỹ về hòa âm khác nhau, hợp âm được đặt cho ca khúc không bao giờ là duy nhất đúng mà có thể có nhiều cách khác nhau, quan trọng là nghe hay, phù hợp với bài hát, nếu tạo sự độc đáo càng tốt.

2.1. Một số quy tắc đặt hợp âm đệm cho ca khúc

2.1.1. Đặt hợp âm theo ô nhịp

            Nếu các âm (hay hầu hết các âm) trong một ô nhịp thuộc cùng hợp âm, chỉ việc đặt công năng chung cho toàn ô nhịp. Cách phối này là tương đối dễ dàng, thuận lợi, thường sử dụng trong các ca khúc thiếu nhi hoặc với ca khúc có giai điệu đơn giản.

Ví dụ 1:                                   ƠI CUỘC SỐNG MẾN THƯƠNG

(Trích)

Nhạc và lời: Nguyễn Ngọc Thiện

 

 

Bài Ơi cuộc sống mến thương được viết ở giọng G-dur, chúng ta thấy các âm trong mỗi ô nhịp đều thuộc về các hợp âm nào đó trong giọng G-dur nên việc lựa chọn đặt hợp âm như trên là hoàn toàn phù hợp.

Nếu các âm trong ô nhịp không hoàn toàn trong một hợp âm, chúng ta có thể lựa số âm tối đa có thể quy vào hợp âm, rồi chọn ra công năng thích hợp cho cả nhịp (hoặc trọng âm của nhịp). Chọn hợp âm nên nhằm vào những âm đứng ở thời gian mạnh, những âm có trường độ lớn để mầu sắc được rõ. Ở cuối câu cuối đoạn cần chú ý những hợp âm để tiến hành kết cho phù hợp.

 

Ví dụ 2:                                   CON CHIM NON

(Trích)

                                     Dân ca Pháp

Ở ô nhịp thứ nhất có 3 âm nằm trong hợp âm G, 1 âm nằm trong hợp âm D  nên ta chọn hợp âm G. Ở ô nhịp thứ 2 có 3 âm sol đều thuộc hợp âm G hoặc C, 1 âm la nằm trong hợp âm D vì thế hợp âm D không được chọn, ở đây tốt nhất là chọn hợp âm C để tạo sự thay đổi màu sắc so với hợp âm G ở ô nhịp trước đó và đến ô nhịp thứ 3 lại có thể đặt hợp âm G. Ô nhịp thứ 4 có 2 âm la nằm trong hợp âm D, 1 âm si nằm trong hợp âm G nên ta chọn D. Ô nhịp thứ 5 có 2 âm đô đều có thể đặt hợp âm C hoặc D7 nhưng nên chọn D7 để ô nhịp 6 về hợp âm G, tạo vòng hòa âm đẹp hơn…

Một điểm cần lưu ý là không phải bất cứ lúc nào nốt ở thời gian mạnh (thậm chí là ở đầu nhịp) thì sẽ đặt hợp âm chứa nốt đó nếu như các nốt bên cạnh rõ màu sắc hợp âm khác thì sẽ chọn hợp âm không có nốt ở phách mạnh.

Ví dụ ở bài: Fly me to the moon của B. Howard (viết ở a-moll), ô nhịp thứ 7 mặc dù phách mạnh đầu nhịp là nốt la nhưng tác giả đã đặt hợp âm E7 vì các nốt tiếp theo mang màu sắc hợp âm E7 và sau đó đã tạo sức hút dẫn sang Am ở ô nhịp tiếp theo. Đây là ca khúc điển hình về chuỗi hợp âm liên tiếp tạo bè trầm đi theo vòng quãng 4 hết sức độc đáo (Am- Dm7-G7-C- F-Bm7...), một lối nối tiếp nhạc nhẹ hay sử dụng.

Ví dụ 3:                                   FLY ME TO THE MOON

(Trích)

B Howard

 

Với một âm ngân dài có thể thay đổi hai thậm chí nhiều hợp âm. Ở ví dụ trên ta thấy nốt sol kéo dài 2 ô nhịp (nhịp 11 và 12), tác giả đã đặt hợp âm C ô nhịp 11 sau đó sang nhịp 12 đổi hợp âm A7 thay đổi màu sắc phong phú hơn rồi tiếp theo về Dm7 tạo một vòng hòa âm có sức hút dẫn và giải quyết. 

            Nếu dấu lặng ở đầu nhịp hoặc ở phách mạnh đều có thể đặt hợp âm, lúc đó hợp âm còn được nổi rõ màu sắc khi giai điệu ngưng nghỉ.

Ví dụ 4:                                         YESTERDAY

 

 

            Bài Yesterday của The Beatles đã đặt nhiều hợp âm ở những chỗ có dấu lặng và đã làm nổi rõ màu hợp âm, tạo nên nét ấn tượng cho bài hát.

2.1.2. Đặt hợp âm dựa vào nhịp độ của ca khúc

Đặt hợp âm cũng cần xem xét sự chuyển động nhanh, chậm của tiết tấu trong giai điệu, để chọn ra cách phối phù hợp. Tiết tấu khoan thai, hợp âm thay đổi tuỳ chỗ và có thể phối dày; tiết tấu nhanh, có thể đặt hợp âm thưa thoáng.

Nếu giai điệu với nhịp độ chậm, có thể thay đổi hợp âm ở bất kỳ phách nào dù mạnh hay yếu. Cách phối này giúp cho giai điệu tự do, rộng rãi hơn và luôn phong phú về màu sắc hoà âm.

Ví dụ 5:                                       LOVE STORY

(Trích)

           

Ở bài Love story, mặc dù 4 ô nhịp đầu chỉ sử dụng 2 hợp âm nhưng ở vòng kết chúng ta thấy, với nhịp độ chậm, riêng trong ô nhịp 8, người soạn đệm đã sử dụng 3 hợp âm: D11, D7, D7(-9) ở vị trí không phải là phách mạnh đã tạo màu sắc mới mẻ, xáo động hơn nếu chỉ dùng một hợp âm D7 trước khi về kết.

            Còn với bài có nhịp độ nhanh, hợp âm thường thay đổi ở phách mạnh, vừa làm nổi rõ chức năng lại vừa làm nổi rõ loại nhịp.

Ví dụ 6:                          CHÚNG EM CẦN HÒA BÌNH

(Trích)

Hoàng Long- Hoàng Lân

 

2.1.3. Đặt hợp âm kết hợp chiều dọc với mối tương quan chiều ngang giữa các hợp âm.

            Hợp âm được đặt không chỉ phụ thuộc vào tuyến chiều dọc với giai điệu mà còn phụ thuộc vào mối tương quan chiều ngang của hợp âm trước và sau nó như thế nào.

            Xem lại ví dụ 4 trong bài Yesterday của nhóm The Beatles, ngay ô nhịp thứ 2 ở phách đầu nhịp là dấu lặng đen, chúng ta vẫn có thể giữ nguyên hợp âm F nhưng việc đặt hợp âm Em7 tạo sức hút đến ngay A7 ngay sau đó; hay như đầu ô nhịp thứ 4 cũng tương tự như vậy, hợp âm Bb được sử dụng tạo sức hút dẫn cho vòng hòa âm: Dm - Bb - C.

            Tương quan chiều ngang của hợp âm còn tạo ra những vòng hòa âm, chu kỳ hòa âm rất đặc trưng gây ấn tượng cho toàn bài. Thực tế trên thế giới có rất nhiều bài hát của các ban nhạc nổi tiếng có phần soạn hợp âm theo chu kỳ rất độc đáo và giai điệu nhiều khi không nằm trong các âm của hợp âm, vẻ đẹp ở đó không chỉ là chiều dọc mà cả do mối tương quan chiều ngang.

            Ví dụ như bài Why not my của Enrique Iglesias là một trong dẫn chứng khá điển hình. Gần như từ đầu đến cuối bài chỉ sử dụng một vòng hòa âm: G-Bm-Em-C-G, vòng hòa âm này được quay đi quay lại nhiều lần mặc dù ở ô nhịp thứ 2 toàn các âm sol, la nhưng vẫn được đặt hợp âm Bm tạo sức hút sang ô thứ 3 là Em và thống nhất vòng hòa âm toàn bài.

Ví dụ 7:                                               WHY NOT ME

 

Nhiều ca khúc giai điệu được phát triển theo lối lặp đi lặp lại nhưng phần đệm lại tạo màu sắc hòa âm phong phú bằng cách sử dụng các hợp âm không lặp lại làm cho giai điệu trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều so với không có phần đệm.

Ví dụ như bài My way, với nét giai điệu các ô nhịp đầu lặp đi lặp lại, đều có thể đặt hợp âm đệm là C nhưng ban nhạc này đã phối nhiều hợp âm khác nhau làm thay đổi màu sắc hòa âm và với bè trầm đi lướt xuống nửa cung chromatic (C- B- Bb-A) khiến cho ca khúc trở nên ấn tượng hơn.

Ví dụ 8:                                           MY WAY

        (Trích)

 

2.1.4. Một số vấn đề khác cần chú ý khi đặt hợp âm

            Khi đặt hợp âm đệm cho ca khúc cần chú ý một số vấn đề khác nữa như tính chất âm nhạc, câu nhạc, đoạn nhạc, cao trào… của bài hát. Trong một câu nhạc nên chú ý kết câu hoặc sự hút dẫn các hợp âm cho hợp lý.

Tìm cao trào của bài, của đoạn để chọn hợp âm và vòng hòa thanh cho phù hợp với cao trào. Cao trào của đoạn hay của tác phẩm thường ở cường độ mạnh và giai điệu thường là những nốt cao nhất toàn bài nên chọn những hợp âm có màu sắc sáng, tương phản mạnh với hợp âm trước, khi thể hiện trên đàn những hợp âm này cũng nên xếp bè dày cộng với cường độ mạnh.

            Ví dụ 9:                         HÀ NỘI MÙA THU

(Trích)

 

Trong đoạn 2 của bài Hà Nội mùa thu có cao trào ở nốt f2 với trường độ ngân dài, nếu ở đó đặt hợp âm F thì có thể được song hiệu quả sẽ nhạt, dùng hợp âm Db (bậc VIb của F-dur) tạo hiệu quả thú vị hơn, tạo sự tương phản với Am ở trước đó và sau đó về Eb6-Bb sẽ đẹp hơn. Lối sử dụng này nhạc nhẹ rất ưa dùng.

Như vậy, quan niệm thẩm mỹ của mỗi người về hòa âm đệm cho ca khúc là không giống nhau. Mỗi người có những cách đặt hòa âm theo khả năng và cảm thụ của riêng mình. Mặc dù không có một đáp án trong đặt hòa âm cho mỗi ca khúc nhưng vẫn có những quy tắc chung nhất định. Để thực hành đặt hòa âm cho ca khúc được tốt thì người soạn rất cần có kiến thức cơ bản về hòa âm. Thiết nghĩ, cần nghiên cứu về cách thức phối hợp âm cho phần đệm của các nhạc sĩ ở các thời kì trước và đương thời để tìm ra những quy luật, tính hợp lý cũng như tính thẩm mỹ, từ đó rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Muốn soạn đệm hay, người soạn phải lăn lộn vào thực tế cuộc sống trong những chương trình tập biểu diễn, học hỏi từ bạn bè… phải chịu khó, không ngại vất vả, ngại  tốn công sức, thời gian và đặc biệt là phải rèn luyện tay đàn cho tốt.