Nội san

Vài suy nghĩ về dạy và học môn Sáng tác ca khúc tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

13 Tháng Năm 2015

                                                                                Lại Hồng Phong

 

Âm nhạc là loại hình nghệ thuật dùng âm thanh làm phương tiện biểu hiện hình tượng nghệ thuật nhằm phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan, trình độ phát triển của xã hội, thông qua đời sống tinh thần riêng của người nghệ sĩ. Ngôn ngữ âm nhạc có tính trừu tượng cao, hình tượng âm nhạc tác động trực tiếp vào tâm hồn. Đó chính là thế mạnh riêng của âm nhạc so với các loại hình nghệ thuật khác. Người sáng tác là người tổ chức âm thanh một cách chặt chẽ, logic để phản ánh sự đa dạng của cuộc sống cũng như đời sống nội tâm của con người. Thông qua âm điệu và nhịp điệu của tác phẩm, người nghệ sĩ cho ta thấy được niềm vui sướng và nỗi đau thương, sự say mê và niềm hạnh phúc, những xúc cảm nội tâm và những ước mơ, hoài bão cao xa. Qua tác phẩm, cuộc sống hiện ra một cách sống động, chân thực, được hòa quện với những tâm tư tình cảm của con người và đi thẳng vào thế giới nội tâm của người nghe, gợi lên những tình cảm trong sáng, đánh thức những tâm hồn cao thượng và nuôi dưỡng, khích lệ những lý tưởng cao đẹp, hướng tới cái Chân – Thiện – Mỹ.

     Cái hay, cái đẹp trong âm nhạc mang tính điển hình hóa cao, biểu hiện ngay trong khả năng ước lệ đặc trưng chỉ có ở âm nhạc. Cùng với các ngành nghệ thuật khác, âm nhạc góp phần vào giáo dục nhân cách con người và góp phần vào việc cải tạo xã hội. Ngày nay, trước sự vận động và phát triển của lịch sử xã hội, dân trí đã được nâng cao đòi hỏi người nghệ sĩ và các nhà sư phạm âm nhạc phải luôn tự hoàn thiện mình để đáp ứng được những yêu cầu và thách thức mà xã hội đặt ra.

      Người nghệ sĩ phải là một trí thức chân chính của thời đại mình, đem đến cho công chúng những nhận thức và hiểu biết mới mẻ, giáo dục cho họ phân biệt được cái chân – cái giả, cái thiện – cái ác, hướng họ tới những cảm xúc và lý tưởng thẩm mỹ chân chính. Hiện nay đất nước Việt Nam đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế để tiếp nhận, khám phá những thành tựu của khoa học kỹ thuật hiện đại và nền văn minh trí tuệ của nhân loại. Vì vậy, giáo dục là chiến lược vô cùng quan trọng và là quốc sách hàng đầu của Nhà nước ta, giáo dục cùng với văn hóa là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội.  Mỗi một thành viên trong xã hội đều có quyền, có điều kiện, có nghĩa vụ để phát huy, phát triển phẩm chất, năng lực của mình dể góp phần vào sự nghiệp giáo dục nước nhà.

        Như đã trình bày ở trên, nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng là sự kết tinh, lắng đọng, thăng hoa để tạo nên những  giá trị thẩm mỹ. Giáo dục nghệ thuật là giáo dục con người hướng tới cái đẹp, cái thiện, bao gồm cả nhu cầu thưởng thức và như cầu được trực tiếp tham gia vào các hoạt động sáng tạo ra cái đẹp. Giáo dục âm nhạc là một bộ phận của giáo dục thẩm mỹ và có vai trò tích cực trong việc phát triển toàn diện nhân cách con người. Chính vì vậy,  khoa Sư phạm Âm nhạc, khoa Nhạc cụ và khoa Thanh nhạc giữ chức năng đào tạo giáo viên âm nhạc. Ngoài các môn thuộc khối Kiến thức đại cương, các môn Kiến thức âm nhạc cơ bản hầu hết đã có đủ giáo trình được biên soạn từ các công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp cơ sở. Cho đến nay, sau nhiều năm đào tạo ngành Sư phạm Âm nhạc, tôi thấy, giảng viên của Khoa SP Âm nhạc  chưa có giáo trình riêng mà hầu như chỉ sử dụng các cuốn sách và tài liệu sưu tầm được từ rất nhiều nguồn khác nhau.

            Cuồn sách Người bạn đường - Nghệ thuật viết ca khúc của nhạc sĩ Vân Đông , là một  cuốn sách có ưu điểm rất súc tích, cách trình bày gọn gàng, dễ hiểu, kiến thức đưa ra có hệ thống, bao quát những kiến thức cần thiết của môn Sáng tác ca khúc, nhưng  còn có một số hạn chế như sắp xếp các chương mục có chỗ chưa thật hợp lý, chưa có phần bài tập thực hành.

Cuốn sách Bạn muốn sáng tác ca khúc? của nhạc sĩ Ngọc Kôn cũng  là một tài liệu tham khảo có giá trị.

Hai cuốn sách Âm nhạc – Lý luận và cây đờiTheo dòng âm thanh cái đẹp sải cánh của giáo sư Dương Viết Á rất bổ ích cho người học sáng tác,  chuẩn bị cho người sáng tác có một tâm thế, một quan niệm thẩm mỹ chuẩn mực, những kiến thức về sử dụng ca từ, cung cấp những hiểu biết dưới góc độ của người thưởng thức để soi sáng cho người sáng tác.

Ba cuốn Giáo trình Phân tích tác phẩm của GS.TSKH Phạm Lê Hòa, Phân tích tác phẩm của PGS.TS Nguyễn Thị Nhung và Phân tích tác phẩm của Nhạc sĩ Đào Ngọc Dung đáp ứng toàn diện những kiến thức cần thiết cho sinh viên học môn sáng tác ca khúc.

Tất cả những vấn đề đó phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học môn sáng tác ca khúc. Do đòi hỏi bức thiết của nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và chuẩn hóa các môn kiến thức ở trình độ đại học, do nhu cầu của cuộc sống cũng như việc nâng cao trình độ và năng lực sáng tạo của sinh viên, việc đổi  mới, nâng cao chất lượng giảng dạy môn Sáng tác ca khúc là một yêu cầu cấp bách.

Trong đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, môn Sáng tác ca khúc giữ một vai trò quan trọng. Muốn diễn đạt nội dung, ý tưởng của mình  bằng ngôn ngữ văn học, tối thiểu ta phải biết ghép vần, đọc chữ. Tương tự như vậy, muốn sáng tác một bản nhạc, ít nhất ta cũng phải biết các cấu trúc âm nhạc, các thủ pháp phát triển, khúc thức, cách phổ nhạc cho thơ...

Môn Sáng tác ca khúc có thể giúp người học có chiếc chìa khóa mở cánh cửa để tiếp cận với công việc sáng tạo âm nhạc, dùng ngôn ngữ âm nhạc để biểu đạt tư tưởng, tình cảm của mình. Từ đó, cùng với kiến thức của các môn học khác mà thể hiện được nét đặc trưng hay hình tượng âm nhạc trong  tác phẩm của mình. Môn học này có mối liên quan chặt chẽ với nhiều môn học khác. Khi học môn Sáng tác ca khúc, ta phải nắm vững các môn:

Lý thuyết âm nhạc cơ bản và ký - xướng âm: để có thể ghi lại trung thực những nội dung, ý tưởng chứa đựng trong  giai điệu mà mình sáng tạo ra.

 Hòa thanh: cung cấp những kiến thức về điệu thức, thang âm, chức năng của các hợp âm và sự kết hợp hài hòa giữa các hợp âm.

            Phân tích tác phẩm: cung cấp những kiến thức về kết cấu âm nhạc với các nhân tố tạo nên âm nhạc, các thủ pháp phát triển, các cách ngắt ý, ngắt câu, các dơn vị của kết cấu âm nhạc, những kết cấu phụ, các hình thức âm nhạc cơ bản...

Thanh nhạc: cung cấp kiến thức về các loại giọng hát, lấy hơi, phát âm nhả chữ…

            Nhạc cụ: cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng sử dụng nhạc cụ.

 Lịch sử âm nhạc: cho kiến thức về những thành tựu của âm nhạc thế giới và Việt nam, các tác giả tiêu biểu, tác phẩm tiêu biểu và các trường phái, khuynh hướng  âm nhạc khác nhau, bổ trợ cho thế giới quan của người sáng tác

            Giới thiệu nhạc cụ: cung cấp  kiến thức về tính năng kỹ thuật, âm sắc của các nhạc khí phổ thông gần gũi với thể loại ca khúc.

Ngoài ra, còn có nhiều môn học khác bổ trợ cho môn STCK như:

             Văn học: Người sáng tác ca khúc phải có kiến thức văn học, nhất là thơ ca, phải có đầu óc và trí tưởng tượng phong phú, có tâm hồn lãng mạn, bay bổng, có năng lực cảm thụ và sáng tạo, có tư chất truyền đạt cảm xúc và cảm hóa tâm hồn người khác...

             Văn hóa: Người sáng tác ca khúc phải có một nền tảng văn hóa vững chắc, hiểu biết về nhiều lĩnh vực về lịch sử, phong tục, tập quán, địa lý, văn hóa vùng miền, để khi muốn sáng tác về đề tài nào thì đã có sẵn những kiến thức về mảng đề tài đó để kết hợp với tư duy, cảm xúc, sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị.

            Một điều quan trọng nhất đối với người sáng tác là “tư chất”. Chỉ gói gọn trong hai từ “tư chất” nhưng trong đó bao gồm bốn yếu tố quan trọng: tài năng, trí tuệ, cảm xúc (trái tim) và vốn sống. Bốn yếu tố đó gắn bó với nhau một cách hữu cơ, bổ sung và hỗ trợ cho nhau một cách hài hòa, hợp lý, tạo nên tư chất của người nghệ sĩ. Trong ‘tư chất” của người nghệ sĩ có những yếu tố bẩm sinh, trời phú, nhưng cũng có những yếu tố phải học tập, rèn luyện lâu dài mới có thể có được. Nếu chỉ có yếu tố bẩm sinh mà không học tập, rèn luyện và không biết nâng niu, trân trọng, giữ gìn, phát huy thì cũng sẽ bị mai một. Ngược lại, người không có yếu tố bẩm sinh mà biết học tập, rèn luyện, trau dồi một cách đúng mực vẫn có thể trở thành người sáng tạo. Chính vì lẽ đó, sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc cần phải nỗ lực phấn đấu học tập tốt tất cả các môn kiến thức cơ bản âm nhạc và các môn học khác để không ngừng nâng cao trình độ, nâng cao nhận thức và trau dồi năng lực tư duy sáng tạo của mình.Nếu không có kiến thức về STCK, sinh viên sẽ không thể biết cách xây dựng một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh, có giá trị nghệ thuật. Trong thực tế, có một số trường hợp không được học bài bản, chỉ sáng tác theo bản năng và cũng đã có tác phẩm được công chúng đón nhận nhưng sự nghiệp sáng tác của họ không thể đi xa hơn được nếu họ không trau dồi thêm các kiến thức về sáng tác âm nhạc. Mặt khác, khi nắm vững kiến thức và kỹ năng sáng tác, sinh viên sẽ có được cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn đối với các môn học khác, hiểu rõ được lợi ích mà các môn học đó mang lại cho mình. Về mặt giáo dục, khi sinh viên viết được một tác phẩm, tác phẩm đó là kết tinh những cảm xúc, tâm tư, tình cảm, ước vọng của mình sau đó trình bày và được mọi người ghi nhận, các em sẽ tự tin hơn, sẽ hào hứng hơn với việc tiếp tục rèn luyện, học tập và sự tự tin, hào hứng đó sẽ theo các em trong suốt cuộc đời.