Tin tức

NCS Quách Thị Ngọc An bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ

12 Tháng Bảy 2015

                                                                                   BBT

 

Ngày 22/6/2015, dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Trương Thị Minh Hằng, tại Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Học viện, Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam số 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, NCS Quách Thị Ngọc An đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Văn hóa dân gian với đề tài Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc lăng mộ thế kỷ XVII - XVIII ở đồng bằng Bắc Bộ (nghiên cứu trường hợp lăng Phạm Đôn Nghị).

Quách Thị Ngọc An sinh ngày 18/8/1980 tại Thanh Xá, Thanh Hà, Hải Dương. Ngay từ sau khi tốt nghiệp THPT, Ngọc An đã chọn Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương là nơi nuôi dưỡng đam mê mỹ thuật của mình. Tiếp tục học ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật tại Trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội, trải qua những năm tháng học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, năm 2007, chị trở lại giảng đường trường ĐHSP Nghệ thuật TW với một vai trò mới - một giảng viên Đại học. Chị trực tiếp giảng dạy bộ môn Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam và lịch sử mỹ thuật thế giới ở khoa Tại chức và Đào tạo liên kết, sau đó là môn Lịch sử Mỹ thuật Ứng dụng và Thẩm mỹ công nghiệp tại khoa Thiết kế Đồ họa. Với vai trò là một giảng viên Đại học, Quách Thị Ngọc An luôn xác định công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ gắn bó chặt chẽ với nhau vì vậy, ngoài giảng dạy trên lớp, chị còn tham gia viết bài trên các Tạp chí khoa học uy tín như: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Tạp chí Nghiên cứu mỹ thuật, Tạp chí Giáo dục Nghệ thuật - ấn phẩm khoa học của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW và tham gia thực hiện 07 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Khoa và Trường. Các công trình khoa học mà chị đã thực hiện khai thác những khía cạnh mới trong mảng nghệ thuật nói chung, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc nói riêng đều được đồng nghiệp, hội đồng phản biện đánh giá cao, có những đóng góp thực tiễn cho công tác giảng dạy tại Nhà trường.

Trong môi trường công tác, Quách Thị Ngọc An cũng như nhiều đồng nghiệp đã nhận được sự khuyến khích, ủng hộ, tạo điều kiện của lãnh đạo Nhà trường đối với việc học tập, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn. Từ động lực đó, cùng với niềm đam mê nghiên cứu về mỹ thuật, sau khi hoàn thành bậc Thạc sĩ, chị tiếp tục tham gia làm Nghiên cứu sinh đợt 2 năm 2011 tại Học viện Khoa học Xã hội, chuyên ngành Văn hóa dân gian. Với kỹ năng nghiên cứu mỹ thuật đã được đào tạo khá căn bản, có điều kiện được tìm hiểu, thâm nhập thực tế, điền dã di tích tại các địa phương khá nhiều do đặc thù công việc, Ngọc An đã hoàn thành luận án Tiến sĩ đề tài Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc lăng mộ thế kỷ XVII - XVIII ở đồng bằng Bắc Bộ (nghiên cứu trường hợp lăng Phạm Đôn Nghị) trong thời gian ngắn nhất, trở thành nghiên cứu sinh đầu tiên của khóa tham gia bảo vệ thành công Luận án cấp Học viện.

 

NCS Quách Thị Ngọc An trình bày Luận án trong Lễ bảo vệ

 

Luận án nghiên cứu kiến trúc và điêu khắc lăng mộ thế kỷ XVII - XVIII ở đồng bằng Bắc Bộ trên hai phương diện văn hóa và nghệ thuật tạo hình. Dựa trên những tài liệu lịch sử, truyền thuyết, hiện vật minh văn và tư liệu điền dã, tìm hiểu và làm rõ những đặc điểm của nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc trong các lăng mộ ở đồng bằng Bắc Bộ trong bối cảnh văn hóa xã hội và lịch sử mỹ thuật thế kỷ XVII - XVIII. Bằng những kết quả khảo sát điền dã và nghiên cứu tư liệu, luận án đã phác dựng một bức tranh tổng quan về diện mạo lăng mộ Việt Nam từ thời Trần, thế kỷ XIII - XIV đến thế kỷ XIX, XX ở đồng bằng Bắc Bộ về lịch sử phát triển cũng như những đặc trưng về phong cách nghệ thuật qua các thời kỳ. Tìm hiểu nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc lăng Phạm Đôn Nghị ở Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội, mỹ thuật lăng mộ thế kỷ XVII - XVIII ở đồng bằng Bắc Bộ, trong đó, tập trung làm rõ nét riêng của ngôn ngữ kiến trúc, điêu khắc lăng mộ, cũng như sự tiếp nối của phong cách nghệ thuật lăng mộ trong diễn trình mỹ thuật Việt Nam. Trên cơ sở những thành phần còn lại gần như nguyên vẹn của lăng Phạm Đôn Nghị ở Lại Yên, Hoài Đức, Hà Nội, đề tài tìm ra những nét đẹp độc đáo của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của lăng Phạm Đôn Nghị nói riêng và lăng một thế kỷ XVII - XVIII nói chung theo hướng tiếp cận văn hóa học và mỹ thuật học, lý giải một số yếu tố văn hóa hàm chứa trong các tác phẩm mỹ thuật trong các lăng mộ giai đoạn này. Bằng phương pháp so sánh, luận án tìm ra sự tương đồng và khác biệt của lăng Phạm Đôn Nghị với các lăng mộ cùng thời để có cơ sở khoa học xác định phong cách nghệ thuật, yếu tố văn hóa đặc trưng của nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc lăng mộ ở đồng bằng Bắc Bộ thế kỷ XVII - XVIII.

Tổng kết buổi bảo vệ, Hội đồng kết luận luận án viết công phu, tâm huyết, phối hợp nhuần nhuyễn các phương pháp và giải quyết tốt vấn đề đề tài đặt ra, giải mã một số hiện tượng diễn ra trong bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội đương thời liên quan đến thân thế, sự nghiệp của tầng lớp thái giám - chủ nhân của hệ thống lăng mộ này từ việc tập trung khảo sát phong cách kiến trúc và điêu khắc lăng mộ thế kỷ XVII - XVIII; đặc biệt có 3 phản biện và 1 Ủy viên đề nghị luận án được xuất bản in thành sách sử dụng trong giảng dạy và nghiên cứu. Luận án được các thành viên Hội đồng nhất trí thông qua trong niềm vui mừng, hân hoan, hạnh phúc của nghiên cứu sinh Quách Thị Ngọc An cùng gia đinh, bạn bè và đồng nghiệp.

Được hỏi về lý do chọn đề tài của Luận án, Quách Thị Ngọc An cho biết: “Nhận thấy trong các sách, giáo trình viết về mỹ thuật Việt Nam, vấn đề về mỹ thuật trong các lăng mộ là một mảng nội dung chưa được khai thác nhiều, tạo nên một khoảng trống về kiến thức mỹ thuật dân gian Việt Nam. Khi đi điền dã các lăng mộ đá, tôi nhận thấy các giá trị và sự hấp dẫn của các lăng đá thế kỷ XVII - XVIII nên quyết định lựa chọn hướng đề tài này để nghiên cứu”. Chị cũng chia sẻ “ Khó khăn lớn nhất gặp phải trong quá trình thực hiện luận án là những hạn chế đặc thù của giới tính nữ (cười). Là phụ nữ sẽ hạn chế hơn về sức khỏe, mà muốn nghiên cứu thì cần phải khảo sát và điền dã các lăng mộ (chủ yếu được tạo tác lộ thiên ngoài trời ko mái che), người nghiên cứu phải tiến hành công việc này bất kể thời tiết khắc nghiệt thế nào. Hơn nữa, nhiều khi đi nghiên cứu các công trình liên quan đến tâm linh, với các NCS là nữ giới đôi khi cũng có nhiều khó khăn bởi các quan niệm xưa đối với phụ nữ. Phải kết hợp giữa học tập, nghiên cứu, giảng dạy, ngoài nỗ lực cá nhân, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến giảng viên hướng dẫn khoa học và đặc biệt là Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, khoa Tại chức và Đào tạo Liên kết, khoa Thiết kế Đồ họa - nơi tôi công tác - đã hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất để tôi đạt được thành công như ngày hôm nay”.

 

Giảng viên khoa Thiết kế đồ họa chúc mừng NCS Quách Thị Ngọc An bảo vệ thành công Luân án Tiến sĩ cấp Học viện

 

Một người phụ nữ, lại là một giảng viên, một nhà khoa học thành công quả không phải là một điều dễ dàng, vậy nhưng Quách Thị Ngọc An đã làm được và làm rất tốt tất cả những vai trò ấy. Xin chúc chị sẽ làm được nhiều việc lớn lao, ý nghĩa, thiết thực hơn nữa, xứng đáng với học vị Tiến sĩ cao quý mà chị vừa nhận được, góp phần vào sự phát triển về khoa học, giáo dục Văn hóa - Nghệ thuật nước nhà!