Nội san

Một số ý kiến về nguồn gốc dân ca quan họ

14 Tháng Bảy 2015

Trần Hùng Viện

 

 Quan họ có từ bao giờ? một câu hỏi gắn liền với bao thế hệ người Kinh Bắc. Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, những câu hát ấy vẫn được các thế hệ cha anh truyền miệng cho nhau từ đời này sang đời khác.

Đã có rất nhiều nhà nghiên cứu vào cuộc để tìm hiểu nguồn gốc của tên gọi dân ca Quan họ như: GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh, GS.TSKH. Phạm Lê Hòa, PGS.TS. Nguyễn Trọng Ánh, Hồng Thao, Lê Danh Khiêm, Đặng Văn Lung, Trần Linh Quý… Các nhà nghiên cứu đã sưu tầm bằng nhiều hình thức để đưa ra những giả thuyết về nguồn gốc tên gọi Quan họ ở một số vùng quê, các làng Quan họ… và cũng có những quan điểm cách giải thích riêng về nguồn gốc tên gọi Quan họ.

            Trong Dự án Tìm hiểu dân ca Quan họ do GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh là Trưởng ban chỉ đạo. Dự án đã tống kết một số giả thuyết về nguồn gốc tên gọi Quan họ của người vùng Quan họ như sau:

Tiếng hát họ nhà quan Người vùng Bịu (Hoài Thị, Bịu Sim huyện Tiên Du cũ) và vùng Diềm (Viêm Xá, huyện Yên Phong), vốn là hai nơi kết bạn Quan họ bền vững, lâu dài nhất từ trước đến nay cho rằng gọi là hát Quan họ vì tiếng hát ấy là tiếng hát giữa hai họ nhà quan kết bạn với nhau. Truyền thuyết gắn tiếng hát với một người có thật trong lịch sử là Trạng Bịu, tức Nguyễn Ðăng Ðạo, đỗ trạng nguyên khoa 1684, người Hoài Thượng, huyện Tiên Du, cho rằng ông có công đặt ra cách ca hát Quan họ [1, tr.53].

 Quan họ là tiếng hát của quan viên hai họ:“ Người vùng Châm Khê (Bùi Xá, huyện Yên Phong) truyền rằng lối hát Quan họ là lối hát giữa quan viên họ nhà trai và quan viên họ nhà gái”[1, tr.53].

Nghe tiếng hát hay mà dừng lại, “họ”lại:

Người vùng Chè, Quả Cảm, Thị Cầu… thì lại gắn tiếng hát Quan họ như truyền thuyết: Chúa Trịnh Sâm đi du xuân, thấy một người con gái cắt cỏ trên núi Chè (có nơi kể là núi Long Khám, có nơi kể là núi Quả Cảm…) vừa cắt cỏ vừa hát:

Tay cầm bán nguyệt xênh xang

Bao nhiêu cây cỏ lai hàng tay ra

Tiếng hát hay khiến quan quân phải họ lại (dừng lại) để nghe. Thấy người đẹp, hát hay, bài hát lại chứa đựng khẩu khí "trị, bình", chúa vời về cung, trở nên bà chúa. Dân gian cho là tiếng hát kia tạo nên sự may mắn, hạnh phúc nên đua nhau hát, nên tiếng hát lan rộng, ngày càng bầy đặt ra nhiều, trở thành lối hát gọi là hát Quan họ [1, tr.54].

Quan họ là tiếng hát kết chạ, kết nghĩa họ hàng giữa hai làng: “ Ở vùng Y Na, Bố Sơn( nay thuộc thành phố Bắc Ninh) và người ở Tam Sơn, Lũng Giang (nay thuộc Tiên Sơn) cho rằng Quan họ là tiếng hát kết chạ, kết nghĩa họ hàng giữa hai làng, được hát lên trong các cuộc họp mặt giữa hai làng kết họ”[1, tr.54,55].

Ngoài ra, chúng tôi thấy còn có những giả định khác nhau của một số nhà nghiên cứu:

Quan họ người đàn ông của họ: Trong một tham luận đọc tại hội nghị khoa học về sưu tầm, nghiên cứu Quan họ lần thứ 4, năm 1971, Mấy ý kiến vềvấn đề tìm hiểu nguồn gốc dân ca Quan họ, Lê Thị Nhâm Tuyết, Viện Dân tộc học, đã dành một phần tham luận để “tìm hiểu nguồn gốc của cái tên Quan họ...”. Tác giả không đồng ý với cách giải thích Quan họ là họ nhà quan, hoặc Quan họ là dừng lại, hoặc là quan viên họ, tức là hội của lớp người nông dân có quyền ăn nói và coi cách giải thích ấy là "duy danh", "thông tục", tác giả cho rằng:

Từ quan không phải là một từ Hán - Việt vay mượn mà đã có từ thời Hùng Vương trong từ kép quan lang là một từ Việt cổ trước khi nhập vào từ quan Hán Việt, và có nghĩa là người đàn ông. Còn từ họ... chỉ một cộng đồng gắn theo máu mủ, huyết thống, và đã có nhiều thời kỳ cộng đồng này mang ý nghĩa vai trò của những đơn vị xã hội (những công xã thị tộc), sau này thành những làng. Do những lý do lịch sử những công xã thị tộc ấy có thể tách ra làm hai (hoặc nhiều hơn), những người đàn ông trong họ (Quan họ) mới tách ra, dẫn dân mình (họ mình)về làng gốc chơi và hát theo tục lệ, nên lối chơi và hát ấy cũng được gọi tên là hát Quan họ như trường hợp hát quan làng hát đám cưới Tày, Nùng. Tác giả đã giả định như vậy sau khi so sánh thấy hát quan làng, gọi tên như vậy để chỉ một loại dân ca đám cưới, chỉ vì một điều giản dị.

Quan làng là người đại diện cao nhất của họ nhà trai có thẩm quyền bàn bạc về tất cả mọi việc liên quan tới nghi lễ và tổ chức cưới hỏi với nhà gái.Quan làng phải thuộc nhiều bài hát đám cưới để đối lại với họ nhà gái [1, tr.55].

                         Ảnh: Hát Quan họ Bắc Ninh ( Nguồn: st)

Quan họ là tiếng hát của quan viên họ Lý hát mừng vua về  thăm quê: Nhà nghiên cứu văn học dân gian nổi tiếng Vũ Ngọc Phan, trong bài viết Mấy ý kiến sơ bộ về dân ca Quan họ. Sau khi bác bỏ giả thuyết Quan họ là quan họ lại, dừng lại, tác giả gợi ý các nhà nghiên cứu lưu tâm tới những truyền thuyết về Quan họ ở châu Cổ Pháp (Ðình Bảng) quê hương của Lý Công Uẩn với những người trong họ nhà Lý tụ họp hát mừng mỗi khi các vua Lý về thăm quê hương. Tác giả viết: "Cứ mỗi khi vua về thăm quê (châu Cổ Pháp) thì những người trong họ Lý, mà người đương thời gọi là "quan viên họ Lý", đều đến ly cung và hát những câu dân ca mà nhân dân trong vùng thường hát để mừng nhà vua. Từ đó, nhân dân gọi những câu dân ca ấy là  hát Quan họ" [1, tr.57].

Quan họ là nhóm người có cùng sở thích họ với một người đứng đầu được tôn xưng là quan. Đó là lí giải của nhà Kiều học Nguyễn Khắc Bảo (2004) dựa vào bài Văn tế Trường lưu nhị nữ của thi hào Nguyễn Du, trong đó thi hào dùng từ Quan họ đối với các quân phường, chị em, trong làng- Là những từ chỉ “một nhóm người có chung một đặc điểm nào đó liên kết với nhau” [3, tr.68].

Trong luận văn thạc sỹ Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc của tác giả Đặng Thị Lan, sau khi nghiên cứu các giả thuyết về nguồn gốc Quan họ, tác giả cũng đưa ra giả thuyết Quan họ Quan hệ như họ hàng, xem nhau như ruột thịt.

Quan họ trước hết là một lối chơi, là nghệ thuật giao lưu, trao đổi, giãi bày về đề tài tình yêu đối lứa thông qua hình thức ca hát. Đã là một lối chơi cho đông đảo cộng đồng, cần phải có tôn chỉ, quy tắc (lề lối) rõ ràng, minh bạch, thì mới tồn tại lâu bền. Ca hát giao duyên là điều kiện để nam nữ ở tuổi cập kê “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Tuy nhiên, khác với nhiều thể loại hát giao duyên khác, cái đích của hình thức sinh hoạt giao duyên Quan họ không phải là để trai gái tìm bạn tình, “gần lửa, gần rơm” dễ đi đến nảy sinh tình cảm thân xác, mặc dù trong các làn điệu Quan họ có nhiều bộc lộ thể hiện mong muốn nam nữ được yêu và được sống chung một nhà. Đấy dường như là nghịch lí của Quan họ. Song, chính cái tưởng chừng như “nghịch lý” này lại tồn tại một hạt nhân hợp lí: Quả thật, nếu không phải là quan hệ như họ hàng, xem nhau như ruột thịt, thì khó có thể trường tồn tục ngủ bọn với hát canh của trai gái nhiều ngày đêm [2, tr.10].

 Tất cả các giả thuyết về tên gọi được đưa ra, nhưng để có thể khẳng định một cách thỏa đáng thì chưa có giả thuyết nào hoàn toàn có sức thuyết phục, và tên gọi Quan họ vẫn còn phải đưa ra bàn bạc rất nhiều thậm chí nhiều năm sau chưa chắc chúng ta đã có thể đưa ra được một kết luận có sức thuyết phục và thỏa đáng nhất.

Trong Dự ánTìm hiểu dân ca Quan họ, sau khi nghiên cứu về lề lối ca hát trong Quan họ gồm: hát đối đáp, hát canh, hát hội, hát lễ thờ, hát cầu đảo, hát giải hạn, hát mừng, hát kết chạ, chúng tôi thấy rằng lề lối hát và phong tục trong Quan họ đã nói lên được cái gốc để hình thành dân ca Quan họ.Thông qua việc sử dụng các bài hát để cầu bình an, mưa thuận gió hòa, cầu tình duyên và nhờ những câu hát để xây dựng mối quan hệ giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn.Trong quá trình lao động sản xuất, xuất phát từ các nhu cầu thực tế của con người từ xưa đến nay gồm: ăn, uống, lao động sản xuất, cầu may, cầu bình an, duy trì phát triển giống nòi.

Như vậy, theo chúng tôi từ Quan có nghĩa là bề trên, là bậc tối thượng, người ta hát những câu hát ấy để cảm tạ các vị thần thánh đã giúp cho người dân nơi đây bình yên, ấm no, hạnh phúc, còn từ Họ có nghĩa là một cộng đồng gắn bó theo một quy ước của người đứng đầu trong cộng đồng đó. Trong quá trình tham gia các hoạt động tín ngưỡng và các hoạt động giao lưu với nhau, con người đã nảy sinh tình cảm, tính yêu đôi lứa và tình cảm tình yêu ấy cũng phải theo một chế tài trong tín ngưỡng được quy định bởi người đứng đầungười đứng đầu không cho phép bất cứ ai trong cộng đồng ấy vượt qua khỏi ranh giới. Vì vậy, theo chúng tôi Quan họlà tiếng hát cầu bình an, may mắn, hạnh phúc của một cộng đồng. Những người trong một cộng đồng ấy, lại tiếp tục đi gây dựng tiếng hát ở những nơi khác và tạo thêm các cộng đồng khác. Sau này, các cộng đồng có mối giao lưu với nhau thì sinh ra tục kết bạn kết chạ giữa các cộng đồng có cùng chung một tiếng hát, vì vậy mới có 49 làng Quan họ như ngày hôm nay.

Tên gọi Quan họ chắc chắn sẽ còn được đưa ra giải thích và thảo luận nhiều. Nhạc sỹ Hồng Thao đã phát biểu: “Dù sao thì những cuộc bàn cãi về ý nghĩa của từ Quan họ, nếu không phải đưa đến một sự nhất trí thì ít nhất nó cũng làm cho mọi người mỗi ngày một thấy sáng rõ vấn đề hơn” [4, tr.329].

 

 

 

TÀI  LIỆU THAM KHẢO

 

1.      Tô Ngọc Thanh (2011), Tìm hiểu dân ca Quan họ, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

2.      Đặng Thị Lan (2014), Dạy hát Quan họ ở trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, Luận văn thạc sỹ Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc. Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

3.    Nguyễn Khắc Bảo (2004), “Nguyễn Du hiểu về từ Quan họ”, Tạp chí Ngôn ngữ số 5, tr.13.

4.      Hồng Thao (1977), Dân ca Quan họ với sự giao lưu nghệ thuật, Tạp chí nghiên cứu nghệ thuật số 4, Hà Bắc.