Nội san

Giới thiệu các hình thức thanh nhạc chủ yếu trong Opera

14 Tháng Bảy 2015

 

Đinh Khánh Cường

 

Trong opera, âm nhạc luôn đóng vai trò trung tâm của toàn bộ tác phẩm (bao gồm thanh nhạc và khí nhạc). Đặc biệt, vai trò của thanh nhạc được ví như “linh hồn” của opera, bởi nó có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong bộ môn nghệ thuật bác học này. Thanh nhạc trong opera, với các aria giữ vai trò chính, ngoài ra còn có các thể loại khác cũng khá quan trọng như: recitative, arietta, ariozo, romance, ca khúc, hợp ca, hợp xướng.

1. Recitative (hát nói)

          Theo tiếng Ý, thuật ngữ recitative có nghĩa là đọc để nghe (nói với khán, thính giả). Phần lời được nói theo cách hát trên nền của giai điệu, tiết tấu trong một khuôn khổ với số ô nhịp nhất định. Có thể hiểu phần lời không vượt ra khỏi phạm vi tiết tấu nói, còn tuyến giai điệu hòa quyện với âm điệu của lời nói.

Chức năng cơ bản của recitative là truyền đạt nội dung, âm điệu của lời nói khi được tham gia vào tình huống kịch. Những recitative thường xuất hiện trước khi bắt đầu các aria, duo, trio…

Recitative được chia làm hai loại:               

Recitative secco: Hát nói khô, tiết tấu tự do, có dàn nhạc hoặc đàn clavecin đệm theo với các hợp âm khô, ngắn.

Recitative accompagnato: Đây là dạng hát nói có giai điệu rõ ràng, tiết tấu quy chuẩn và phần đệm của dàn nhạc được viết phong phú, đa dạng, gần giống với phần đệm cho hát.

2. Một số thể loại thuộc hình thức đơn ca

          Aria: Theo tiếng Ý, thuật ngữ aria có nghĩa là “khúc ca” hay “khúc hát”. Bản chất của nó trong âm nhạc là những giai điệu đẹp, khắc họa nhiều mặt của hành động, tính cách nhân vật.

Nói cách khác, aria là tên gọi một thể loại thanh nhạc có trong tác phẩm opera, oratorio (thanh xướng kịch), cantata (đại hợp xướng), messe (tổ khúc thanh nhạc) và còn cả các bản aria độc lập với quy mô vừa và lớn (concert aria). Ở đây, chúng ta chỉ tìm hiểu thể loại aria viết trong opera.

Aria trong opera là một trích đoạn hoàn chỉnh về nghệ thuật và kết cấu (thường được viết ở hai đoạn hoặc ba đoạn). Aria chỉ dành riêng cho một diễn viên đơn ca (solist) với dàn nhạc đệm. Nhà phê bình âm nhạc Nga nổi tiếng Asafiev đã gọi aria trong opera là những cao trào cảm xúc. Sau khi thưởng thức một aria, ta có thể xác định (hiểu rõ) được “chân dung” của nhân vật ấy. Chủ đề âm nhạc trong aria thường nổi bật, có sức diễn cảm cao. Có thể nói, ở đó tập trung tinh hoa của vở opera. Nên khi nói đến những nét đặc sắc trong các vở opera, người ta thường dẫn chứng bằng aria [6, tr. 18].

Aria có một vị trí trung tâm trong opera, nó có vai trò vô cùng quan trọng cho sự thành công của một vở opera. Việc chọn diễn viên cho nhân vật, chọn loại giọng sao cho phù hợp với tính cách nhân vật và đảm bảo về trình độ chuyên môn cần phải có sự chọn lựa chính xác.

 

Ảnh:  “Cosi fan Tutte” – vở opera của Mozart trình diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội ( số 1 Tràng Tiền) ngày 25-4- 2014 ( Nguồn: St)

 

Ariozo: Theo tiếng Ý, thuật ngữ ariozo có nghĩa là “du dương”. Về tính chất, ariozo giống như aria nhưng thường được viết ở hình thức nhỏ hơn, ngắn hơn và tự do hơn trong cấu trúc thanh nhạc.

Ariozo được chia ra làm hai loại; loại thứ nhất mang giai điệu, tình tiết giống một bài hát nhưng được dựa trên chất liệu âm nhạc của recitative (hát nói). Loại thứ hai của Ariozo có cấu trúc và hình thức tinh tế, phong phú hơn. Nó được viết theo lối âm nhạc xuyên suốt. Đây là một thể loại thanh nhạc đứng trung gian giữa giai điệu du dương thanh thoát kiểu ca khúc và hát nói. Cũng như aria, ariozo được sử dụng như một tiết mục đơn ca lớn và hoàn chỉnh [9, tr. 11].

Romance: Thuật ngữ romance, theo từ điển ngôn ngữ về âm nhạc của các nước trên thế giới, đều có chung nghĩa đó là trữ tình với không khí lãng mạn. Romance là thể loại vô cùng phong phú, thường được viết ở dạng độc lập và xuất hiện nhiều trong các tác phẩm opera. Romance được viết cho cả thanh nhạc và khí nhạc.

Nguồn gốc của từ romance được bắt nguồn ở Tây Ban Nha từ đầu thế kỷ 16 với tên gọi ban đầu là romanceco với hình thức ballad mang tính kể chuyện, nghĩa là những ca khúc đơn giản có tính chất dân gian, phần đệm khi ấy chỉ đơn giản do cây đàn guitar đảm nhiệm. Trong cuốn Nghệ thuật opera, GS. Nguyễn Trung Kiên đã viết: “Romance là một ca khúc nghệ thuật có phần nhạc đệm, nội dung trữ tình và đa dạng về thể loại. Romance sử dụng trong opera để truyền đạt những rung động trữ tình, trữ tình - kịch tính, để biểu hiện một cách chân thực khí sắc của nhân vật” [6, tr. 35].

Ballad: Thuật ngữ ballad bắt nguồn từ động từ “ballar” có nghĩa là nhảy múa. Ballad trong opera là những phần đơn ca tự do về cấu trúc, mang tính chất thơ ca, trữ tình, trữ tình - kịch tính, đôi khi có nội dung phóng túng. Thể loại này xuất hiện nhiều trong các vở opera hài của Pháp.

 

Arietta: Thể loại aria ngắn, nhỏ bé được gọi là arietta, theo tiếng Ý có thể hiểu arietta là aria nhỏ hoặc giảm bớt. Arietta mang đậm tính ca khúc và thường gặp các arietta được viết trong opera hài Pháp.

Monolog: Là một dạng giống aria nhưng có tính chất “độc thoại”, trong đó nhân vật tự nói với mình, giới thiệu về mình hoặc nói cùng khán giả. Cấu trúc aria - monolog so với các aria khác thì aria - monolog thường có nhiều đoạn, chi tiết và phức tạp hơn.

Cavatina: Là thể loại aria trữ tình với tính chất của những ca khúc trữ tình - lãng mạn, cùng lối cấu trúc tự do trong hình thức. Aria - cavatina xuất hiện từ nửa sau thế kỷ 18. Nói đến cavatina là nói đến sự nổi trội về giai điệu mượt mà trong thanh nhạc, các âm thanh được gắn kết, liền giọng, đẹp và tươi sáng.

Ca khúc: Trong opera, ca khúc cũng có vai trò quan trọng, nó chiếm một vị trí nổi bật và rất đa dạng. Ca khúc có thể miêu tả tính cách, hành động của nhân vật, thể hiện những căng thẳng, kịch tính mang tính kịch. Ở một số ca khúc còn được mở rộng về hình thức, đôi khi có ý nghĩa, sức mạnh biểu cảm như một aria. Mặt khác, ca khúc được bắt nguồn từ nghệ thuật dân gian, như các bài hát miêu tả về cảnh sinh hoạt đời thường đến những bài hát ru, hát quay tơ, hát chèo thuyền, hát ví, hát vè…

 3. Hình thức hợp ca

Hợp ca là thể loại thanh nhạc thường có trong bất kỳ một vở opera nào. Cũng giống như thể loại aria, hợp ca trong opera gợi tả và thể hiện hình tượng, tính cách, xúc cảm cùng trong một lúc, cùng trong một thời điểm của các nhân vật tham gia trong hợp ca ấy. Đôi khi các nhân vật trong hợp ca cùng giống nhau về cảm xúc, niềm vui hay nỗi buồn. Nhưng cũng có khi mỗi nhân vật ở một trạng thái, cảm xúc khác nhau, thậm chí là đối lập nhau.

           Hợp ca trong opera được phân loại theo số lượng nhân vật (số người tham gia) của các tiết mục thanh nhạc, thông thường là từ hai đến mười diễn viên (không vượt quá mười diễn viên). Hợp ca có các dạng sau:

           Duo: theo tiếng Ý là hợp ca của hai diễn viên (hai người hát).

           Trio: theo tiếng Ý là hợp ca của ba diễn viên (ba người hát).

           Quartetto: theo tiếng Ý là hợp ca của bốn diễn viên (bốn người hát).

           Quintetto: theo tiếng Ý là hợp ca của năm diễn viên (năm người hát).

           Certett: theo tiếng Đức là hợp ca của sáu diễn viên (sáu người hát).

           Septett: theo tiếng Đức là hợp ca của bảy diễn viên (bảy người hát).

          Otetto: theo tiếng Ý là hợp ca của tám diễn viên (tám người hát).

           Nonetto: theo tiếng Ý là hợp ca của chín diễn viên (chín người hát).

           Decimetto: tiếng Ý là hợp ca của mười diễn viên (mười người hát) [6, tr. 36].

Như đã phân tích ở trên, chúng ta có thể chia hợp ca ra làm hai loại: Hợp ca đồng thuận và hợp ca không đồng thuận. Hợp ca đồng thuận là các nhân vật thể hiện cùng một trạng thái tình cảm trên cùng một sự kiện kịch, trong một hòa âm thống nhất, các bè liên kết với nhau bằng một chủ đề âm nhạc thống nhất. Hợp ca không đồng thuận là các nhân vật cùng một lúc thể hiện những trạng thái cảm xúc khác nhau, trái chiều, thậm chí là xung đột cảm xúc giữa những người tham gia hành động với các bè giai điệu khác nhau, đối lập nhau [9, tr. 12].                                                                 

4. Hình thức hợp xướng

Trong opera, hợp xướng cũng đóng một vai trò quan trọng. Có thể ví hợp xướng trong opera như một bức tranh nhiều màu sắc, đôi khi nó là “gam mầu nền” tạo các nét chấm phá cho các tiết mục khác nổi bật hơn. Nói một cách khác, để có một vở opera hay thì không thể thiếu được những tiết mục của hợp xướng.

Hợp xướng được chia ra các dạng sau: Hợp xướng nam, hợp xướng nữ, hợp xướng trẻ em, hợp xướng hỗn hợp.

Hợp xướng được sinh ra trước cả opera. Vào thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI, hợp xướng thường được biểu diễn trong các nhà thờ ở các nước Tây Âu và rất phát triển. Đến cuối thế kỷ XVII, hợp xướng hầu như không còn được sử dụng trong opera. Tới cuộc Cách mạng tư sản Pháp năm 1789, hợp xướng đã quay trở lại và công đầu là của nhạc sĩ vĩ đại C. W. Gluck. Ông đã cải cách opera để đáp ứng những yêu cầu về tư tưởng thẩm mỹ, những đòi hỏi được thưởng thức nghệ thuật của các nhóm người tiến bộ trong xã hội bằng việc phục hồi cho hợp xướng trở lại trong các vở opera của mình [20, tr. 139].

Chức năng của hợp xướng trong opera rất phong phú và đa dạng, loại vai diễn tập thể này thường là đại diện cho cái thiện, cái chính nghĩa… nhưng đôi khi là thế lực bóng tối, cái ác, tà đạo… Hợp xướng thể hiện sức mạnh tập thể, sức mạnh của quần chúng nhân dân.

  Có thể thấy rằng, các hình thức thanh nhạc trong opera có một vị trí trung tâm và rất quan trọng. Thanh nhạc giữ vai trò quyết định tới sự thành công của một vở opera. Vì thế, để xây dựng được các hình tượng nhân vật trong một vở opera, thì việc viết giai điệu, lời ca trong thanh nhạc luôn là vấn đề lưu tâm, chú trọng của các nhà soạn nhạc. Còn với thanh nhạc, opera luôn là mảnh đất màu mỡ giúp nó có điều kiện phát huy cao nhất, phong phú nhất những kỹ thuật, kỹ xảo mà không có thể loại thanh nhạc nào có thể sánh bằng. Nói theo cách khác, nghệ thuật hát trong opera mang tính định hướng cho nghệ thuật hát chuyên nghiệp. Vì vậy, việc xây dựng lối hát với các kỹ thuật chuẩn mực của phương pháp Bel canto cần được coi là mục tiêu đào tạo, đó không chỉ dành riêng cho nghệ thuật hát opera, mà còn cho sự phát triển nền thanh nhạc chuyên nghiệp nói chung và lâu dài.

 

      TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trương Nguyệt Anh (1991), Trích giảng âm nhạc châu Âu nửa cuối thế kỷ XIX, Nhạc viện Hà Nội.

2. Đào Thị Khánh Chi (2014), Aria trong dạy học thanh nhạc tại Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, Luận văn Thạc sĩ - Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc.

3. Đào Ngọc Dung (2003), Phân tích tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Phạm Lê Hòa (2004), Những âm điệu cuộc sống, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

5. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp Sư phạm Thanh nhạc, Viện Âm nhạc, Hà Nội.

6. Nguyễn Trung Kiên (2004), Nghệ thuật Opera, Viện Âm nhạc, Hà Nội.

7. Nguyễn Thị Tố Mai (Luận án tiến sĩ năm 2010), Opera trong sự phát triển nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

8. Nguyễn Thị Tố Mai (2014), Giáo trình Lịch sử Âm nhạc thế giới phần châu Âu từ khởi đầu đến cuối thế kỷ XIX cho hệ ĐHSP Âm nhạc, sách lưu hành nội bộ Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

9. Nguyễn Thị Tố Mai (2014), Opera Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

10. Hồ Mộ La (2005), Lịch sử nghệ thuật thanh nhạc phương Tây, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

11. Hồ Mộ La (2008), Phương pháp giảng dạy Thanh nhạc, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

12. Thụy Loan (Nhạc viện Hà Nội 1993), Lược sử âm nhạc Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

13. Nguyễn Thị Nhung (2008), Lịch sử âm nhạc thế giới (từ nguyên thủy đến hết thế kỷ XIX), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.

14. Nguyễn Thị Nhung (2008), Lịch sử âm nhạc thế giới (từ nguyên thủy đến hết thế kỷ XIX), Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội.

15. Nguyễn Xinh (1983), Lịch sử âm nhạc thế giới (Tập 1), Nhạc viện Hà Nội.

16. A.A. Khahcoxkina (1962), Opera châu Âu, Nxb Âm nhạc Quốc gia Matxcơva.

17. E. Triornaya (1961), Opera, Nxb Âm nhạc Quốc gia Matxcơva.

18. T. Kruntaeva (1966), Opera hài Italia thế kỷ XVIII, Nxb Âm nhạc Leningrad.

19. Nhiều tác giả, Lịch sử âm nhạc Nga - Xô Viết (toàn tập), Nxb Âm nhạc quốc gia Matxcơva (trích đọc).

20. Nhiều tác giả Nga (1981), Các thể loại âm nhạc, Người dịch: Lan Hương, Nxb Văn hóa, Hà Nội.