Nội san

Ca khúc về Hà Nội trong những ngày đầu cách mạng và kháng chiến chống Pháp

15 Tháng Bảy 2015

                                                           Bùi Thị Phương Đông

                                                             Đài PT-TH Hà Nội

 

Nhìn lại những tác phẩm viết về các địa danh trên đất nước Việt Nam thì có lẽ không nơi nào có số lượng ca khúc nhiều và hay như Hà Nội. Hà Nội- mảnh đất ngàn năm văn hiến, trung tâm văn hóa, kinh tế và chính trị - trái tim yêu dấu của Tổ quốc. Chắc hẳn là thế! Nên Hà Nội là một đề tài chiếm ưu thế hơn cả về số lượng cũng như chất lượng của tác phẩm.

Hà Nội cũng như các vùng quê khác của Việt Nam luôn hiện hữu trong cuộc sống một cách sinh động với bao biến cố thăng trầm theo tiến trình lịch sử của đất nước, lúc đau thương trong khói lửa chiến tranh, lúc hào hùng, quật cường, anh dũng hi sinh trong đấu tranh và chiến thắng, lúc thanh bình, quyến rũ mộng mơ. Tất cả những hình ảnh ấy vẫn hiện lên sống động, tươi xanh, vẫn ăn sâu, bám rễ chặt chẽ trong tâm thức người Hà Nội. Vì thế, Hà Nội đã trở thành cảm hứng để các nhạc sĩ sáng tác ra những ca khúc hay với giai điệu khi hùng tráng, lúc lại ngọt ngào, lãng mạn bất tử cùng thời gian. Nếu ai đó có định làm một con toán thống kê cũng khó có thể đếm hết được những bài ca viết về Hà Nội. Dù ai có ngôn từ phong phú, đẹp đẽ đến đâu cũng khó có thể mô tả được hết cái hay, cái đẹp của những ca khúc viết về Hà Nội.

            Mảnh đất Hà Nội đã ngấm vào xương tủy, đã ăn sâu, bám rễ bền chặt vào tâm thức người Hà Nội. Âm hưởng ngợi ca truyền thống lịch sử oai hùng của Thăng Long - Hà Nội là âm điệu chủ đạo của các ca khúc viết về Hà Nội trong những ngày đầu cách mạng tháng Tám và kháng chiến chống Pháp. Những giai điệu hùng tráng, sôi động và thiết tha đã được phản ánh một cách sống động, hào hùng qua các ca khúc:  Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca (Văn Cao); Hội  nghị Diên Hồng (Lưu Hữu Phước); Ba Đình nắng (Bùi Công Kỳ )…. Làm sao chúng ta có thể quên được những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng pha lẫn chút bùi ngùi, nhớ nhung da diết của những ca khúc trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp: “Ai về Thủ đô cho gửi vài lời, Tây Hồ mờ xa là nhà tôi đó….”  (Sẽ về Thủ đô - Huy Du), hoặc: “Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi, áo màu tung gió chơi vơi …(Hướng về Hà Nội -Hoàng Dương).

Khi quê hương chìm trong khói lửa chiến tranh, bao mất mát hi sinh, bao chia ly cách trở thì bất kì người miền quê nào cũng có chung một cảm nhận: sự bùi ngùi, chua xót, những nỗi đau chồng chất, hơn thế nữa có thể là những tiếng  kêu xé lòng. Nhưng có lẽ, đứng trước sự kiện ấy, ngoài tâm trạng chung ấy, dường như người Hà Nội còn có một cái gì đó rất riêng, điềm tĩnh hơn, sâu lắng hơn, thậm chí còn có cả sự lãng mạn, một sự lãng mạn cần thiết  trong đó.

Ca khúc Sẽ về thủ đô (Huy Du) là lời nhắn nhủ và là sự hy vọng, chờ đợi ngày trờ về. Ở ca khúc Hướng về Hà Nội (Hoàng Dương) là những lời tâm tình, thủ thỉ, ta có thể hình dung ra âm hưởng của tiếng đàn cello du dương, ấm áp, trữ tình. Phải chăng, những nét giai điệu quyến rũ mượt mà ấy chỉ có thể có trong tâm thức của người Hà Nội, trong trí tuệ và tâm hồn của người nhạc sĩ - chàng trai gốc Hà Nội.

Trong kháng chiến chống Pháp, Hà Nội ngập chìm trong khói lửa chiến tranh. Mỗi góc phố, mỗi căn nhà, mỗi con đường, mỗi hàng cây đều trở thành trận địa chống quân thù. Tinh thần chiến đấu anh dũng hi sinh của quân dân Thủ đô, của các chiến sĩ cảm  tử quân đã được phản ánh trong các tác phẩm Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Cảm tử quân (Hoàng Quý), Lời thề quyết tử (Lương Ngọc Trác-Lĩnh Nam)… Người Hà Nội đã đón nhận những ca khúc ấy với tinh thần hào hứng, kiêu hãnh, tự hào. Tâm hồn người nhạc sĩ và công chúng hòa làm một: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây. Đây lắng hồn núi sông ngàn năm. Đây Thăng Long, đây Đông Đô, Đây Hà Nội. Hà Nội mến yêu…”. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra một cách gay go quyết liệt đã được phản ánh một cách chân thực, sống động : “Hà Nội cháy khỏi lửa ngợp trời, Hà Nội ầm ầm rung, Hà Nội vùng đứng lên, Sông Hồng reo Hà Nội vùng đứng lên…”.

Trong đau thương, hoang tàn, đổ nát nhưng người Hà Nội vẫn lạc quan yêu đời, tự tin, bình thản. Đan xen với tấm lòng quả cảm, chiến đấu hi sinh là những khoảng lặng trong tâm hồn, một tình cảm chan chứa yêu thương, mà có lẽ chỉ có người Hà Nội mới có được: “Hà Nội đẹp sao! Ôi nước Hồ Gươm xanh thắm long. Bút Tháp rùa thân mật êm ấm long…”. Và rồi, khí phách của hồn thiêng sông núi lại cuồn cuộn trào dâng, cảnh vật đất trời, dòng sông Hồng Hà cùng hòa nhịp với con người làm nên sức mạnh tinh thần quật khởi:  “Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn, ngàn nguồn sống, tràn đầy dâng… ”. Cứ như thế, mạch nguồn âm nhạc tuôn chảy, khi êm ái, nhẹ nhàng, khi sục sôi, cuộn chảy: “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời, Hà Nội hồng ấm ấm rung…” với những cụm từ mạnh:  “Sông Hồng reo”, “thét lên xung phong”, “căm hờn sôi gầm súng”, “bùng cháy”, “vùng lên”. Cao trào nối tiếp nhau, rồi lại yên ả vỗ về. Người nghe cứ bị cuốn đi theo những lớp sóng cảm xúc, nhiều tầng, nấc, với những hình ảnh, những sự kiện quá khứ được tái hiện sống động, tài tình. Những hình ảnh chiến đấu rực lửa đan xen với những hình ảnh phố phường tấp nập, nhộn nhịp đông vui “Hà Nội vui sao, những cửa đầu ô. Tíu tít gánh gồng, đây ô Chợ Dừa, kia ô Cầu Rền, làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm…”. Bên cạnh những gam màu nóng miêu tả cuộc chiến đấu như “Hà Nội đỏ máu”, “Hà Nội hồng”, “thấm máu hồng tươi”, là những gam màu lạnh “ôi nước Hồ Gươm xanh thắm lòng”, “làn áo xanh nâu”, “xanh tươi bát ngát”, “phơi phới vàng sao”…

Hơn thế nữa, trong khung cảnh của cuộc chiến tranh, hoang tàn đổ nát và chết chóc, hình ảnh Hồ Chủ tịch, vị cha già của dân tộc vẫn hiện hữu “Bóng cờ bát ngát ngày vui, nước non reo cười trên môi người”. Tác giả đã thể hiện được tinh thần lạc quan cách mạng và một cái nhìn biện chứng “Ngày về chiến thắng”.

Ca khúc Người Hà Nội là bản tráng ca về đất nước và con người Thủ đô. Một Hà Nội anh hùng, hào hoa, văn hiến - trái tim yêu dấu của Tổ quốc. Một Hà Nội kiêu hãnh tự hào và là tình yêu bất diệt của tất cả chúng ta!

Trong các ca khúc miêu tả cảnh chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ta cũng bắt gặp những làng quê yên bình: “Làng tôi xanh bóng tre, trong tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung… ” (Làng tôi -Văn Cao), hoặc : “ Làng tôi sau lũy tre mờ xa, tình quê yêu thương những nếp nhà…” (Làng tôi - Hồ Bắc). Và chiến tranh ập đến, những cảnh làng quê yên bình đâu còn nữa:

“ Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà. Hồi giặc Pháp cướp nhà diệt thôn…” (Làng tôi -Văn Cao), hay “Nhưng ngày nào quân cướp tràn qua, đốt phá tan hoang quê nhà tôi xơ xác…” (Làng tôi - Hồ Bắc). Làng quê với cảnh đau thương tang tóc: “Giờ đây lửa cháy ngút trời, máu nhuộm đồng xanh, Ôi! Đau thương, điêu tàn, Hải Lăng mồ chen thôn xóm, cát trắng ven làng màu hoen...” (Bình Trị Thiên khói lửa -Nguyễn Văn Thương). “Xót thương trước cảnh đàn em xác chìm dòng sông, làng cháy cây héo khô, đồng nương nồng hơi sung… ”, người dân Bình Trị Thiên đã “sôi cháy máu căm hờn trào dâng… ”. Tác giả và cũng là người dân đã cất lên lời hiệu triệu: “Đồng bào ơi, cùng Bình Trị Thiên đứng lên, đứng lên ta nguyện giết bầy lang sói …”.  Và có lẽ, từ trong sâu thẳm tâm thức người Hà Nội, vẫn có gì đó biểu hiện những nét riêng. Xem ra, những hình ảnh ấy chỉ có thể có ở tâm hồn, cốt cách, bản lĩnh của những người con Hà Nội. Điều đó đã được biểu hiện một cách tập trung ở một chàng trai Hà Nội tài ba - Nhà văn - Nhạc sĩ  Nguyễn Đình Thi, tác giả câu thơ đã đi vào lòng bao thế hệ học trò Hà Nội: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.

Vào những thời điểm lịch sử vô cùng khó khăn gian khổ của dân tộc, đó là  bản Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 của đồng chí Trường Chinh ra đời như “một lời tuyên ngôn dõng dạc và đường hoàng ”* về đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, đã trở thành ngọn đuốc soi sáng, dẫn đường cho các văn nghệ sĩ. Người Hà Nội với tâm thức mở đã đón nhận một cách hào hứng và nhiệt tình ngôn ngữ và thủ pháp sáng tác âm nhạc của châu Âu kết hợp với kho tàng âm nhạc truyền thống ngày càng được khai thác, bảo tồn, phát huy, được chắp cánh vươn cao ngang tầm thời đại, để trở thành “một thành tố tiêu biểu của nền âm nhạc chính thống Việt Nam hiện đại và đậm đà bản sắc dân tộc” *. Trong hoàn cảnh trên, nền văn hóa âm nhạc Hà Nội phát triển, hàng loạt ca khúc ra đời, phản ánh kịp thời những diễn biến của xã hội, tinh thần chiến đấu quả cảm, trí tuệ, tâm tư, tình cảm của người dân Thủ đô, trở thành những nét riêng độc đáo trong tâm thức người Hà Nội.

 

* Dương Viết Á (2010), Hằng vọng … và mãi mãi , 1000 năm âm nhạc Thăng Long Hà Nội, Nxb Âm nhạc.

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

          1.Dương Viết Á (2010 ), Đường hướng cảm thụ âm nhạc của người Hà Nội đương đại , 1000 năm âm nhạc Thăng Long Hà Nội, Nxb Âm nhạc.

  1.  Dương Viết Á (2010), Hằng vọng … và mãi mãi , 1000 năm âm nhạc Thăng Long Hà Nội, Nxb Âm nhạc.
  2. Dương Viết Á (2010 ), Sống động và sôi động, các trào lưu âm nhạc mới Hà Nội, 1000 năm âm nhạc Thăng Long Hà Nội, Nxb Âm nhạc.
  3. Dương Viết Á (2010 ), Với âm nhạc, Hà Nội vẫn hỏi và đòi, 1000 năm âm nhạc Thăng Long Hà Nội, Nxb Âm nhạc.
  4. Phạm Lê Hòa (2010), Những bài hát hay về Hà Nội trong thời gian gần đây, 1000 năm âm nhạc Thăng Long Hà Nội, Nxb Âm nhạc.
  5. Nguyễn Lưu (2010 ), Tản mạn với những bài ca Hà Nội , 1000 năm âm nhạc Thăng Long Hà Nội, Nxb Âm nhạc.
  6. Trần Quang (2010), Giai điệu mùa thu, 1000 năm âm nhạc Thăng Long Hà Nội, Nxb Âm nhạc.