Nghiên cứu lý luận

Ca khúc trữ tình của Franz Schubert trong giảng dạy thanh nhạc

20 Tháng Bảy 2015

                                                                   ThS. Đỗ Hương Giang

                                            Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương

 

Franz Schubert  là một nhà soạn nhạc người Áo. Ông là một trong những người đặt nền móng cho thể loại thanh nhạc thính phòng trữ tình. Trước đó, thế hệ các nhạc sĩ thuộc trường phái cổ điển như Haydn, Mozaart và L.Beethoven chỉ coi sáng tác ca khúc là loại hình thứ yếu mà người nhạc sĩ chỉ nhân tiện sáng tác mà thôi. 

Franz Schubert – Một trong những người đặt nền móng cho dòng nhạc trữ tình

Thế kỷ XVIII – Khi kỷ nguyên Ánh sáng bắt đầu và trở thành dấu mốc quan trọng viết nên những trang sử rực rỡ về sự phát triển của nhân loại. Âm nhạc lúc này cũng mang hơi thở của thời đại và khoác cho mình một chiếc áo mới, chiếc áo của chủ trường phái lãng mạn.Thời kỳ này, các nhạc sĩ đều hướng đến sự trữ tình và đề cao cái “tôi” của mình trong tình yêu, trong cuộc sống, trong ước mơ và hoàn toàn đối lập với sự xem trọng cái “ta” của trường phái cổ điển.

Nhạc sĩ Franz Schubert (1797- 1828) là một nhà soạn nhạc người Áo. Ông là một trong những người đặt nền móng cho thể loại thanh nhạc thính phòng trữ tình. Trước đó, thế hệ các nhạc sĩ thuộc trường phái cổ điển như Haydn, Mozart và L.Beethoven chỉ coi sáng tác ca khúc là loại hình thứ yếu mà người nhạc sĩ chỉ nhân tiện sáng tác mà thôi. Do đó, những ca khúc của Franz Schubert đối với người đương thời thực sự là một vấn đề mới. Tuy không có những kiểu mẫu điển hình để dựa vào đó sáng tác, nhưng chính những khó khăn này đã mở ra con đường mới trong lĩnh vực sáng tác dòng nhạc trữ tình của ông sau này.

Nhạc sĩ Franz Schubert đã để lại cho đời trên 600 tác phẩm âm nhạc, trong đó phải kể đến một số tác phẩm nổi tiếng như: 9 bản giao hưởng, khúc mở màn “Chú tể của các thần”; 2 concerto cho piano với dàn nhạc; Concerto nhỏ cho piano và dàn nhạc; nhạc cho kịch của Schiller của Wolf; hai tập liên ca khúc “Cô chủ cối xay xinh đẹp” và “Con đường mùa đông”; khoảng trên 100 tác phẩm thanh nhạc ở các thể loại lớn như messa, cantate, hợp xướng và nhạc thính phòng sonate piano, tứ tấu, ngũ tấu. Phần lớn các ca khúc của ông thuộc dòng nhạc trữ tình lãng mạn, giai điệu phong phú và có sức cảm hóa người nghe.

Trong lĩnh vực sáng tạo ca khúc, Franz Schubertđã sử dụng toàn bộ kinh nghiệm của âm nhạc chuyên nghiệp Tây Âu được tích lũy qua nhiều năm. Đó chính là các thể loại opera, singspiel (opera hài) và những vở opera của Gluck, Mozart. Điều đặc biệt là phong cách belcanto của Italia trong một chừng mực nào đó cũng đã góp phần tạo nên sự uyển chuyển, mềm mại của cách biểu diễn cantilena (hát âm thanh đẹp liền giọng) ở những tác phẩm nhạc trữ tình mà chúng ta thường bắt gặp ở trường phái âm nhạc của các nhạc sĩ cổ điển Viên.

Franz Schubert - Ngữ điệu đặc trưng của thể loại nhạc trữ tình

Thể loại ca khúc trữ tình của Franz Schubert được sáng tác dựa trên những ca khúc dân gian Áo vốn có ngữ điệu rất đặc trưng của người Hungari, Croatia, Séc, Slovakia và Italia. Nền tảng nghệ thuật truyền thống của Franz Schubert cũng được người đương thời cảm nhận rõ. Trong số những ca khúc trữ tình của ông phải kể đến bản Serenade (khúc nhạc chiều) được sáng tác để tặng sinh nhật cho một thiếu nữ mà ông thầm yêu trộm nhớ. Bản Serenade có giai điệu buồn da diết, mượt mà, thể hiện những cảm xúc phong phú khiến cả nhân loại phải thổn thức. Âm hình chủ đạo của giai điệu với những chùm ba và nhân tố bước nhảy đã thể hiện sự phóng khoáng của cảm xúc, làm cho giai điệu thêm nồng nàn và say đắm.

 

 

           Chúng ta có thể thấy những lời nỉ non, thổn thức của ca từ quyện với giai điệu lãng mạn, quyến rũ bản Serenade là một thong điệp tình yêu chuyển tải bằng âm nhạc tuyệt vời. Để thể hiện được thì người ca sĩ phải sử dụng kỹ thuật legato, đây cũng chính là kỹ thuật được sử dụng xuyên suốt trong ca khúc. Đồng thời, phải có sự chuẩn bị về hơi thở để thể hiện trọn vẹn ý nghĩa của câu nhạc và chú ý đến sắc thái với cách hát nhỏ (ở chùm ba) – đẩy âm lượng lớn dần (crescendo) ở những bước nhảy và khéo léo tinh tế xen kẽ sắc thái. Phần chuyển điệu từ giọng thứ sang giọng trưởng được xem là nơi để người ca sĩ có thể khoe được giọng trong việc giữ âm (cao độ), trường hơi, ngân rung đuôi câu cùng với cách hát belcato giống như trong opera nhưng vẫn phải giữ được sự uyển chuyển của giai điệu, không làm mất đi tính chất trữ tình chủ đạo của bài.

 

 

Trong ca khúc viết về thiên nhiên thời kỳ lãng mạn Die Forelle (Con cá Foren), Franz Schubert đã sử dụng ba khổ thơ đầu và loại đi khổ thơ thứ tư có nội dung cảnh báo các cô gái trẻ phải tỉnh táo trước các “ngư ông” với mồi câu hấp dẫn. Ca khúc được viết cho giọng Des–dur và solo dùng cho piano có giai điệu lặp đi lặp lại rất điển hình khiến người nghe dễ dàng say mê và có thể nhớ ngay lập tức, nó càng tươi sáng hơn bởi âm hình nhấp nhô vui vẻ của phần đệm piano gợi lên hình tượng con cá.

 

 

            Vào phần một của tác phẩm, Franz Schubert đã sử dụng âm hình tiết tấu có tính chất nhảy múa, kết hợp với giai điệu sử dụng quãng nhảy như diễn tả một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, một dòng suối trong lành với đàn cá tung tăng, nô đùa. Để diễn tả điều này, người ca sĩ phải đặc biệt chú ý nhấn mạnh đầu câu, ngắt nhanh ở những dấu lặng và xử lý các âm hình móc giật, tạo tính chất vui vẻ, đùa nghịch. Kỹ thuật thể hiện ở phần này chủ yếu là non legato.

 

 

Ở phần hai có âm hình đơn giản, được nhắc lại cùng với hòa âm của nét giai điệu làm cho người nghe có cảm giác như một làn điệu dân gian. Ở đây, tác giả muốn nói đến tình cảm chân thành của mình, một tình cảm mộc mạc đối với thiên nhiên tươi đẹp. Chính vì âm hình đơn giản và được nhắc lại nhiều lần, càng khiến người thể hiện phải tìm tòi, sáng tạo ra những cách thể hiện khác nhau để người nghe không bị nhàm chán, đồng thời vẽ nên được một bức tranh nhiều màu sắc, đa không gian.

         Sang phần ba có sự thay đổi âm hình tiết tấu, giai điệu đi theo chiều ngang, các nốt trì tục được tác giả sử dụng nhiều. Điều này như nói lên sự đau thương trước việc hủy hoại của con người đối với thiên nhiên, qua đó tác giả muốn chia sẻ tâm trạng buồn chán, bế tắc trước xã hội hiện tại, từ đó ước mơ đến những điều hoàn mỹ và tươi đẹp hơn. Việc xuất hiện nhiều các nốt trì tục ở nhiều cao độ khác nhau, đòi hỏi người hát phải giữ chuẩn cao độ, kết hợp với kỹ thuật legato vừa miết tiếng, vừa ngắt tiếng rất nhanh ở một số chỗ lặng đen và đẩy nhanh tốc độ khi tiết tấu thay đổi, kỹ thuật ngân rung đuôi, thể hiện được nhiều cảm xúc vừa ca ngợi thiên nhiên, vừa buồn chán trước sự bế tắc trong xã hội hiện tại.

Trong tác phẩm Die Forelle của Franz Schubert, chúng ta nhận thấy cấu trúc ba phần tự do, âm hình tiết tấu đơn giản, sử dụng cách nhắc lại khi thể hiện ca khúc đã phản ánh sâu sắc tình cảm của con người đối với thiên nhiên, những dằn vặt, những ước mơ tự do của con người thời đại.

Franz Schubert – Thể loại nhạc trữ tình phù hợp với thủ pháp sáng tạo, lối hát và cữ giọng của người Việt Nam

 Tìm hiểu về ca khúc trữ tình của Franz Schubert cho thấy thủ pháp sáng tác của ông tương đối đơn giản, giúp người hát thể hiện phát huy được tính sáng tạo mình trong việc xử lý giữa các đoạn, tạo nên những âm sắc, cách hát riêng biệt. Về giai điệu, Franz Schubert đã thể hiện một phong cách độc đáo, khi thì du dương, uyển chuyển, khi thì nhảy múa hội hè và cũng có khi mang tính ngâm vịnh, đòi hỏi người thể hiện phải ảm hiểu về kỹ thuật thanh nhạc nhất định, như hát legato, miết tiếng, ngân rung ở những đoạn du dương; non legato hoặc stacatto, nhấn, ngắt phù hợp ở những đoạn nhảy múa, hội hè và có sự chuẩn bị về hơi thở, lấy hơi, trường hơi thật tốt ở những phần mang tính ngâm vịnh. Khi kết hợp giữa văn học và âm nhạc, Franz Schubert đã làm tăng thêm tính nghệ thuật của lời ca, đạt đến trình độ trong sự hài hòa, tinh tế giữa hình ảnh văn học và hình tượng âm nhạc (lời ca và giai điệu).

Trong quá trình giảng dạy thanh nhạc tại trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, chúng tôi nhận thấy ca khúc trữ tình của Franz Schubert có sự tương đồng, phù hợp với âm vực, cũng như cữ giọng không quá rộng của người Việt Nam. Chẳng hạn dòng nhạc trữ tình tiền chiến có: Bến Xuân, Suối Mơ, Thiên Thai - Văn Cao; Sơn Nữ Ca - Trần Hoàn; Dư Âm - Nguyễn Văn Tý; Gửi nắng cho em - Phạm Tuyên…Những năm gần đây có Giấc mơ mùa lá - Trần Mạnh Hùng; Mai em đi rồi – Hoàng Dương; Mai em lại về - Vũ Huy Cương… đều có những điểm chung về thủ pháp sáng tác, thể hiện, cũng như sự kết hợp giữa văn học và âm nhạc trong sáng tạo tác phẩm. 

Tuy nhiên, khi thể hiện những ca khúc trữ tình của Franz Schubert đòi hỏi người hát phải có kiến thức và sự hiểu biết nhất định về đặc điểm âm nhạc của ông. Từ đó, áp dụng cho phương pháp lấy hơi, ngân rung đuôi và kỹ thuật hát legato cần được sử dụng chủ yếu. Cách hát belcato cũng cần phải được áp dụng một cách khéo léo để làm tăng tính nghệ thuật, thẩm mỹ của ca khúc, nhưng đồng thời cũng không được đánh mất tính trữ tình vốn khi thể hiện tác phẩm. Đây là một trong những yếu tố căn bản, không thế coi thường khi chúng ta ứng dụng những ca khúc trữ tình của Franz Schubert vào chương trình giảng dạy thanh nhạc hiện nay.

 

NHỮNG CA KHÚC CHÍNH TRONG SÁNG TÁC

CỦA F.SCHUBERT

 

1. Liên khúc “Cô thợ xay xinh đẹp” gồm 20 ca khúc, op.25 (1823)

2. Liên khúc “Con đường mùa đông” gồm 24 ca khúc trên lời thơ của Muller, op.89 (1827).

3. Liên khúc “Bài ca chim thiên nga” gồm 14 bài phổ thơ của Hainơ (Heinrich Heine) Renxtap, Giâyđơli.

4. Khoảng 60 ca khúc phổ thơ Goethe

5. Khoảng 50 ca khúc phổ thơ Schiler.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

            1. Nguyễn Tố Mai (2010), Giáo trình lịch sử âm nhạc quyển II, Hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc, Trường Đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.

            2. TSKH. Phạm Lê Hòa (16/10/2007),           FRANZ SCHUBERT (1797 – 1828) – Đại diện đầu tiên của chủ nghĩa lãng mạn trong âm nhạc, http://www.spnttw.edu.vn/.

            3. GS.NSND Nguyễn Trung Kiên (Biên soạn) (2014), 50 ca khúc của Franz Schubert dành cho các giọng nam cao, khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.