Nghiên cứu lý luận

Đào tạo Sau đại học của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW - Sau 3 năm nhìn lại

21 Tháng Bảy 2015

                                                                               PGS.TS. Trịnh Hoài Thu

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW

 

            Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương (ĐHSP Nghệ thuật TW) trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, là trường đại học đặc thù thuộc khối ngành nghệ thuật. Từ cơ sở ban đầu là trường Trung cấp Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương, tiếp đến trở thành trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương và nay là Trường ĐHSP Nghệ thuật TW; một chặng đường dài gần 45 năm với bao nỗi thăng trầm của quá trình hình thành và phát triển Nhà trường.

            Gần nửa thế kỷ qua, Trường đã đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp đội ngũ giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật cho hầu khắp các trường phổ thông, các trường văn hóa nghệ thuật trên cả nước. Ngoài hai chuyên ngành truyền thống của Trường: Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm Mỹ thuật, hiện nay, Nhà trường đã mở và đào tạo nhiều chuyên ngành ngoài sư phạm thuộc liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật ở trình độ đại học và sau đại học.

            Ngày 18/01/2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ra quyết định cho phép Trường đào tạo trình độ Thạc sỹ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc; tiếp theo đó, ngày 30/8/2013, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW cũng đã được Bộ cho phép đào tạo trình độ Thạc sỹ chuyên ngành Quản lý văn hóa. Tính đến thời điểm này, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã tuyển sinh được 04 khóa Cao học Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, 02 khóa Cao học Quản lý văn hóa. Học viên khóa I và khóa II chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc đã hoàn thành chương trình nghiên cứu và bảo vệ thành công luận văn Thạc sỹ. Các học viên khóa III cũng đã và đang lần lượt hoàn thành và bảo vệ luận văn. Với những kết quả trên, Nhà trường đã được Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước cho thành lập Hội đồng Chức danh Giáo sư cơ sở năm 2014 và đặc biệt là vào ngày 30/01/2015, Bộ GD&ĐT đã ra quyết định cho phép Trường ĐHSP Nghệ thuật TW được đào tạo trình độ Tiến sỹ chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc. Đây là trình độ đào tạo bậc cao nhất, chứng tỏ độ tín nhiệm, khả năng đào tạo và bước tiến vững mạnh của một trường đại học nói chung, của trường ĐHSP Nghệ thuật TW nói riêng. Đồng thời, để đạt được những thành tựu của hôm nay, Nhà trường tự hào về lịch sử hình thành và phát triển xuyên suốt 45 năm qua; khẳng định thương hiệu hàng đầu về chất lượng đào tạo trong khối ngành Nghệ thuật ở Việt Nam bằng công sức của các thế hệ thầy và trò Nhà trường đã dày công xây đắp.

Về đội ngũ giảng viên

            Tới nay, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW có đội ngũ giảng viên trình độ cao (từ Thạc sỹ trở lên), trong số giảng viên cơ hữu có 02 Giáo sư, 06 Phó giáo sư, 01 TSKH và 25 Tiến sỹ. Ngoài ra, Trường còn mời thỉnh giảng hàng chục giảng viên cao cấp có học hàm/học vị cao, có uy tín thuộc liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật ở cả trong và ngoài nước tới tham gia giảng dạy. Với chính sách thu hút nhân tài của Đảng ủy/Ban giám hiệu, đội ngũ giảng viên cơ hữu của Trường ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Hầu hết các giảng viên đều có ý thức tự bồi dưỡng, nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho bản thân. Có thể nói, so với các trường đại học thuộc lĩnh vực khác thì số lượng giảng viên có học hàm/học vị như trường ĐHSP Nghệ thuật TW chưa phải là cao. Tuy nhiên, với các trường đại học đặc thù thuộc liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay thì đội ngũ giảng viên cơ hữu có trình độ cao như trường ĐHSP Nghệ thuật TW là con số đáng kể, đứng ở vị trí tốp đầu trong các trường đại học Nghệ thuật ở Việt Nam.

Về trình độ học viên

            Do trước khi vào học Cao học ở trường ĐHSP Nghệ thuật TW, các học viên đã học đại học ở nhiều chuyên ngành khác nhau, nhiều cơ sở đào tạo khác nhau nên về mặt bằng chuyên môn Sư phạm Âm nhạc hay Quản lý Văn hóa rất không đồng đều. Mặc dù đã được học bổ sung kiến thức trước khi tuyển sinh, nhưng trong quá trình học tập Cao học, nhiều học viên vẫn còn hổng về kiến thức cơ sở ngành, phương pháp nghiên cứu khoa học; những học viên là nghệ sỹ biểu diễn thì khả năng viết văn và tư duy lý luận rất hạn chế... Vì vậy, để hoàn thành các môn học/chuyên đề của chương trình đào tạo, đòi hỏi học viên phải rất nỗ lực, tự bồi dưỡng, tự rèn luyện cao. Bởi vì nội dung chương trình đào tạo Thạc sỹ của trường ĐHSP Nghệ thuật TW không có sự giảm tải hay ưu tiên cho bất kỳ một trường hợp đặc biệt nào.

Về chương trình/giáo trình đào tạo sau đại học

- Về chương trình

            Chương trình đào tạo sau đại học của trường ĐHSP Nghệ thuật TW đang hiện hành đã được Bộ GD&ĐT thông qua. Nội dung chương trình chi tiết luôn được Nhà trường quan tâm và có sự điều chỉnh bổ sung thường xuyên nhằm mang lại những kiến thức cần thiết, hiệu quả nhất đối với từng mã ngành đào tạo. Từ năm 2014, các chương trình đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ của Trường đều xây dựng theo học chế tín chỉ. Tổng số tín chỉ của chuyên ngành Thạc sỹ Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc là 46 tín chỉ, Thạc sỹ Quản lý Văn hóa là 50 tín chỉ, Tiến sỹ Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc là 32 tín chỉ. Các môn học và các chuyên đề giảng dạy được đúc kết từ kinh nghiệm của các trường đại học tiên tiến có cùng loại hình đào tạo ở trong và ngoài nước nên đảm bảo tính khoa học, logic, thực tiễn và mới mẻ. Sau mỗi khóa học, Hội đồng khoa học và đào tạo Trường lại rà soát về nội dung chương trình, môn học cho phù hợp với người học và đáp ứng nhu cầu xã hội. Cả 02 chương trình đào tạo Thạc sỹ của Trường hiện nay đều là chuyên ngành hiếm ở Việt Nam, do đó, những hạn chế nhất định là không tránh khỏi. Trong số các học viên đã và đang theo học tại Trường vẫn còn có ý kiến phàn nàn về chương trình học như: Phải học nhiều môn/chuyên đề quá, thời gian học trên lớp nhiều quá nên học viên khá vất vả khi phải vừa công tác, vừa đi học; nội dung bài giảng của một số giảng viên chưa thật sự thu hút được người học... Có thể nói, những ý kiến khen hay chê của người dạy và người học chính là một kênh thông tin, là cơ sở để Nhà trường tiếp thu chỉnh sửa, bổ sung chương trình hàng năm; tuy vậy, vẫn phải đảm bảo khối lượng kiến thức chuẩn đầu ra của mã ngành đào tạo.

- Về giáo trình, tài liệu giảng dạy

            Trong chương trình đào tạo Thạc sỹ Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc, Thạc sỹ Quản lý Văn hóa hiện nay chưa có giáo trình riêng cho từng môn học. Do đó, nhiều tài liệu/ giáo trình môn học ở bậc đại học vẫn được sử dụng trong giảng dạy Cao học. Mặc dù nguồn tài liệu để học viên tham khảo thì có rất nhiều trên Internet, sách báo, tạp chí… nhưng, để trở thành tài liệu giảng dạy sau đại học một cách chính thức thì vẫn thiếu hụt trầm trọng. Tài liệu giảng dạy và học tập của giảng viên, học viên đang sử dụng đều do các giảng viên dạy môn đó cung cấp. Đa số là các sách chuyên khảo, tham khảo, tập bài giảng chuyên đề và do các giảng viên của Trường tự viết hay biên soạn, sưu tầm. Đây cũng vừa là ưu điểm vừa là nhược điểm trong đào tạo Thạc sỹ ở Trường giai đoạn hiện nay.

- Về phương pháp giảng dạy

            Các giảng viên giảng dạy và hướng dẫn học viên Cao học của Trường đã có ý thức đổi mới cách dạy học. Bên cạnh các phương pháp dạy học truyền thống thì các phương pháp dạy học tích cực kết hợp với thiết bị dạy học hiện đại cũng được nhiều giảng viên thực hiện mang đến kiến thức mới, không khí học tập sôi nổi cho các học viên. Nhưng song hành tồn tại vẫn còn có những giờ học buồn tẻ bởi phương pháp truyền thụ kiến thức của giảng viên chưa lôi cuốn và thuyết phục được người học. Thông qua trao đổi với các học viên, bản thân mỗi giảng viên cũng như Nhà trường cần rút kinh nghiệm để có sự điều chỉnh và đổi mới phương pháp dạy và học nhiều hơn nữa.

            Đào tạo sau đại học ở trình độ thạc sỹ là đào tạo ra những bậc thầy, những người có trình độ chuyên môn vững của một chuyên ngành, có khả năng nghiên cứu độc lập và làm việc nhóm theo đúng nghĩa. Chính vì vậy, trường ĐHSP Nghệ thuật TW luôn quan tâm đến chất lượng đầu ra của đào tạo sau đại học. Trước khi chính thức bảo vệ luận văn Thạc sỹ, Nhà trường thành lập hội đồng thảo luận góp ý cho học viên với mục đích giúp cho học viên hoàn thành luận văn nghiên cứu đạt kết quả tốt. Cũng có những ý kiến cho rằng quá trình bảo vệ luận văn của Trường là rườm rà, phức tạp và nên bỏ bớt hội đồng thảo luận trước khi bảo vệ chính thức. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi thấy rằng qui trình bảo vệ luận văn thực hiện như vậy là cần thiết. Bởi lẽ, từ nhiều năm nay, thương hiệu của trường ĐHSP Nghệ thuật TW đã được xã hội công nhận chính vì chất lượng đào tạo của Nhà trường cũng như trình độ chuẩn đầu ra của các học viên/sinh viên Nhà trường sau khi tốt nghiệp và đấy là niềm tự hào, khẳng định vị trí đầu đàn trong sự nghiệp giáo dục nghệ thuật của trường ĐHSP Nghệ thuật TW. 

            Sau 03 năm đào tạo thạc sĩ, tôi cho rằng Nhà trường đã có những bước tiến đáng kể. Đó là sự trưởng thành vượt bậc về đội ngũ cán bộ giảng viên ở trình độ cao, sự phát triển về các loại hình đào tạo, sự cải tiến về cơ sở vật chất và đặc biệt hơn cả là sự tin tưởng của Bộ GD&ĐT, của xã hội, của người học đối với trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

            Cha ông ta thường nói “Vạn sự khởi đầu nan”, 03 năm qua, để có được 02 khóa Cao học tốt nghiệp là biết bao tâm huyết của của các nhà giáo, nhất là GS.TSKH. Phạm Lê Hòa, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường; là những giọt nước mắt và mồ hôi, sự nỗ lực phấn đấu của các học viên Cao học. Nhìn lại 03 năm đào tạo Thạc sỹ, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những mặt hạn chế và đó là những bài học kinh nghiệm trong đào tạo sau đại học, đòi hỏi Nhà trường cần phải tiếp tục đổi mới về nội dung chương trình, bổ sung tài liệu giáo trình giảng dạy, phương pháp dạy học, đổi mới tư duy của người học (cần chủ động tự học/tự nghiên cứu nhiều hơn), tăng cường hội thảo, seminar, giao lưu trao đổi nghiên cứu và thực hành biểu diễn với các chuyên gia, các nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước cho các khoá học; mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo sau đại học vào thời gian tới.

            Năm 2015, trường ĐHSP Nghệ thuật TW sẽ tuyển sinh khóa Tiến sỹ Lý luận và phương pháp dạy học âm nhạc đầu tiên ở Việt Nam, một thách thức mới với Nhà trường nhưng cũng là cơ hội phát triển nâng cao trình độ cho những người làm công tác giáo dục âm nhạc trên cả nước. Trong giai đoạn kế tiếp, Nhà trường sẽ mở còn thêm nhiều mã ngành đào tạo trình độ Thạc sỹ và Tiến sỹ ở khối ngành Văn hoá - Nghệ thuật để xứng đáng là cái nôi giáo dục nghệ thuật hàng đầu của đất nước./.