Nội san

Nâng cao chất lượng dạy học Guitar tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và du lịch Yên Bái

21 Tháng Tám 2015

                                                                     Bùi Quốc Huy

 

 Nâng cao chất lượng dạy Guitar nói chung và năng lực đệm hát cũng như hòa tấu Guitar nói riêng cho học sinh Trung cấp tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái là một việc làm cần thiết. Việc đổi mới nội dung chương trình, thay đổi phương pháp giảng dạy, chú trọng nâng cao chất lượng dạy học Guitar bằng cách bổ sung, điều chỉnh dạy học hòa tấu, đệm hát phù hợp với học sinh dân tộc miền núi cần được thực hiện nhằm đáp ứng với yêu cầu của các nhà tuyển dụng,  của xã hội, với mục tiêu đào tạo, phù hợp tình hình thực tế tại tỉnh Yên Bái.

Yên Bái là một tỉnh miền núi nằm giữa vùng Tây Bắc - Đông Bắc miền Bắc Việt Nam, có 180 xã phường, trong đó 70 xã vùng cao và 62 xã đặc biệt khó khăn. Với 30 dân tộc: Kinh, Tày, Dao, H’Mông, Thái, Nùng, Mường, Khơ mú, Sán Chỉ… trong đó người dân tộc chiếm gần 50% . Tính đến nay, toàn tỉnh Yên Bái có 918 đội văn nghệ quần chúng, trong đó 573 đội văn nghệ hoạt động thường xuyên; 9 đội Thông tin lưu động thường xuyên bám sát cơ sở phục vụ mỗi năm được trên 2.000 buổi, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên mức hưởng thụ về văn hóa nghệ thuật của nhân dân ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng cao quá thấp so với vùng đô thị. Phong trào quần chúng về hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở đã có nhưng chưa ổn định, xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở còn chậm đổi mới, chưa huy động được các nguồn lực xã hội tham gia.

Từ đó, trong quy hoạch tổng thể phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh Yên Bái đã đề ra mục tiêu phát triển văn hóa của tỉnh đó là: Rút ngắn sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng trong tỉnh, đáp ứng cơ bản được những nhu cầu tối thiểu của người dân về hưởng thụ văn hóa, thưởng thức nghệ thuật, xây dựng gia đình, làng, bản, cơ quan văn hóa, đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, ngăn chặn và đấu tranh chống sự xâm nhập của văn hoá độc hại. Phát triển sự nghiệp văn hóa, phải gắn liền với phát triển kinh tế ở địa phương, có chọn lọc, phù hợp các phong tục tập quán sinh hoạt của các dân tộc với việc hoà nhập cộng đồng quốc tế. Tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ và đổi mới cơ chế quản lý, đảm bảo nội dung hoạt động phong phú, có hiệu quả theo định hướng của Nhà nước.

Yên Bái, với đặc thù là một tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa như vậy, ngoài việc sử dụng các nhạc cụ truyền thống, vai trò của đàn Guitar với quần chúng khá phổ biến với các vùng gần xa, có thể thấy trong hầu hết các sinh hoạt của người dân: trong các đám cưới, hội hè, lễ tết, trong các câu lạc bộ người cao tuổi, cựu chiến binh, và trong các cơ quan, đoàn thể. Có thể nói, trong các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên ở tỉnh Yên Bái, việc sử dụng cây đàn Guitar khá phổ biến, mà chủ yếu sử dụng phần đệm hát và hòa tấu cùng ban nhạc.

Trước thực tế những năm gần đây có khá nhiều trường rất khó khăn về công tác tuyển sinh, nhất là các nhóm trường thuộc ngành văn hóa nghệ thuật. Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái là một trường thuộc tỉnh miền núi nên công tác tuyển sinh ngày càng gặp khó khăn hơn. Để thu hút học sinh, nhất là những học sinh có năng khiếu nghệ thuật, nhà trường đã thực hiện đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, thực hiện chính sách thu hút cho thí sinh trúng tuyển được hưởng hỗ trợ sinh hoạt.

Vì vậy, đối tượng trúng tuyển vào trường nói chung và chuyên ngành Guitar nói riêng, chủ yếu là những học sinh dân tộc: Tày, Dao, H’Mông, Thái, Nùng, Mường… đến từ những miền núi, vùng sâu, vùng xa. Các em ít được tiếp cận với văn hóa nghệ thuật, nhất là với âm nhạc chuyên nghiệp. Các em có mức độ năng khiếu âm nhạc nhất định. Tuy nhiên năng khiếu ở học sinh dân tộc trong hệ trung cấp âm nhạc là không đồng đều, vì thế đòi hỏi chúng ta phải có phương pháp giảng dạy tốt, nội dung chương trình phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng học sinh, để thực hiện tốt mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường, giúp học sinh tốt nghiệp có khả năng đáp ứng với yêu cầu của xã hội. Từ thực tế đòi hỏi phải có giáo trình giảng dạy phù hợp với nhận thức của học sinh dân tộc một tỉnh miền núi, để từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy đáp ứng yêu cầu xã hội, việc thay đổi khung chương trình đào tạo, thay đổi nội dung đào tạo, thay đổi phương pháp giảng dạy, việc điều chỉnh khối lượng, thời gian cho phù hợp với thực tế là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách. 

 Những năm trước đây, chương trình đào tạo trung cấp là 4 năm. Nhưng từ năm học 2011-2012, việc điều chỉnh chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp theo Thông tư 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, theo hướng giảm tải chương trình, từ chương trình 4 năm xuống chương trình khung 3 năm. Như vậy, chương trình khung 3 năm, thời gian học bị giảm 2 học kỳ, số tiết rút đi 120, thêm vào đó chương trình 3 năm số tiết hòa tấu môn hòa tấu được học ở kỳ cuối của khóa học, còn môn học đệm thì chưa được đưa vào chương trình. Từ đó ta có thể lý giải vì sao học sinh ra trường chưa đáp ứng được với yêu cầu xã hội: Vì môn học hòa tấu đưa vào quá muộn khi học sinh đã sắp ra trường, và vì không được học đệm nên khả năng đệm hát bằng Guitar của các em không có.

Ngoài những khả năng còn yếu kém của học sinh, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng, lựa chọn giáo trình giảng dạy, đặc biệt là giáo trình giảng dạy các ngành nghệ thuật. Thực tế, nguồn giáo trình các ngành nghệ thuật này chủ yếu ở các trường đại học Trung ương như: Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội… Số giáo trình ở các trường này phát hành rất hạn chế, chủ yếu là sách tham khảo, tài liệu nghiên cứu, hoặc viết cho chương trình đào tạo tài năng của các trường trung ương với thời gian đào tạo từ 5 năm, 7 năm, 9 năm… Qua thực tế đào tạo, nhu cầu xã hội, đối tượng học sinh tại Yên Bái các chương trình áp dụng hệ đào tạo 5, 7, 9 năm vào tại trường Yên Bái gặp rất nhiều khó khăn, khó thực hiện. 

Về phía học sinh, đa phần các em chưa được làm quen với âm nhạc chuyên nghiệp. Vì vậy, khi bước vào môi trường đào tạo chuyên nghiệp, chính quy các em không khỏi mắc phải những bỡ ngỡ khi tiếp cận với các kiến thức chuyên ngành âm nhạc trong đó có bộ môn Guitar. Với khả năng đệm hát có khi không nắm bắt được nội dung, phong cách, âm hình tiết tấu, thể loại… do vậy các em chưa thể hiện, lột tả được tính chất của tác phẩm.

Bên cạnh đó, giáo viên giao bài có khi chưa thật phù hợp với từng học sinh. Chúng tôi lấy ví dụ như: Đối với học sinh nữ năm thứ nhất, có khả năng về tiết tấu, hay nói cách khác trong chuyên ngành tay gảy thuận hơn, nhưng tay trái về khả năng bấm nốt còn chậm. Đối với trình độ này, giáo viên chỉ nên giao những bài ở mức độ bình thường, nhịp 2/4 hoặc 3/4 với nhịp độ chậm, không nhiều dấu hóa bất thường, nhảy quãng không quá xa. Cũng có những trường hợp học sinh được giao bài không phù hợp với ngón bấm và gảy dẫn đến tình trạng kết quả học tập kém.

Qua quá trình đào tạo học sinh trung cấp âm nhạc Guitar tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái từ trước đến nay cho thấy cách bố trí và sắp xếp thời gian của các nội dung dạy học chưa hợp lý. Học sinh chủ yếu chỉ được học phần kĩ thuật và các tác phẩm cổ điển Việt Nam hoặc nước ngoài, các em hoàn toàn không được học phương pháp đệm ca khúc và rèn luyện kỹ năng nghe hòa tấu. Nên khi ra trường phần thực hành đệm hát và hòa tấu của các em còn rất kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng, hoặc ngay như đệm hát cho học sinh thanh nhạc các em cũng chưa đáp ứng được.

Từ thực trạng đó, để nâng cao chất lượng dạy Guitar nói chung và năng lực đệm hát cũng như hòa tấu Guitar nói riêng cho học sinh Trung cấp tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái thì cần phải có những đổi mới, bổ sung về nội dung chương trình dạy học.

         Thứ nhất, bổ sung nội dung rèn luyện kỹ năng đệm

Đệm là một kỹ năng không thể thiếu được với một người chơi đàn nói chung và Guitar nói riêng. Bên cạnh khả năng độc tấu, với sự đòi hỏi cao về kỹ thuật, sự siêng năng rèn luyện và một bản lĩnh sân khấu vững chắc thì việc đệm đàn tuy nghe có vẻ đơn giản nhưng để trở thành một “nghệ sỹ đệm đàn” nhuần nhuyễn thực thụ thì cũng không hề dễ dàng. Như vậy, để có được khả năng đệm đàn tốt, trước hết học sinh phải nắm chắc các kỹ năng: kỹ năng rải hợp âm; kỹ năng chụm hợp âm; kỹ năng dập hợp âm; kỹ năng thay đổi bè trầm khi đệm. Từ đó học sinh có khả năng quán xuyến các kỹ năng đã học, áp dụng và thể hiện nội dung vào các bài hát hay bản nhạc.

         Thứ hai, bổ sung nội dung rèn luyện kỹ năng soạn đệm

            Trong thực tế, ca khúc Việt Nam đa số chỉ được nhạc sĩ sáng tác viết phần giai điệu mà không có phần đệm kèm theo, đặc biệt là các ca khúc phổ thông. Vì vậy, khi ca sĩ biểu diễn cần thêm một người viết phần nhạc đệm. Những phần đệm này, nhiều khi được nhạc công chơi đàn phối tự do ngẫu hứng tại chỗ, mỗi người và mỗi lúc thể hiện một cách khác nhau. Có những bản được ngẫu hứng đệm khá ấn tượng, song cũng có những bài được đệm hết sức mờ nhạt, không tăng thêm sức sống cho giai điệu. Việc soạn đệm một cách bài bản với tư duy logic chặt chẽ, sáng tạo, thậm chí tạo thành hình tượng thì chắc chắn tác phẩm sẽ được nâng lên một bình diện mới, tăng thêm vẻ đẹp và sự hấp dẫn.

Việc viết phần đệm cho ca khúc thực sự được coi như một sáng tạo thứ hai sau sáng tạo giai điệu. Điều đó đòi hỏi cả tài năng lẫn tình cảm của người soạn đệm. Để viết phần đệm tốt cần nắm chắc việc xác định thể loại; cấu trúc hình thức; xác định hợp âm; lựa chọn vòng hòa âm; lựa chọn âm hình tiết tấu; cách soạn câu dạo đầu, cầu nối, kết đơn giản. Nắm chắc được các bước này, học sinh áp dụng những kỹ năng nêu trên soạn đệm những bài hát bản nhạc đơn giản ở các bước đã học.

Thứ ba, bổ sung nội dung rèn luyện kỹ năng nghe hòa tấu đơn giản

          Hòa tấu là một thể loại âm nhạc được tạo nên bởi các nhạc cụ mà không có giọng hát của ca sĩ. Kỹ năng hòa tấu chỉ chung cho hình thức tạo một phần giai điệu và nền hòa thanh và tiết tấu để làm nên một tác phẩm có sự thống nhất cao trong cách thể hiện và biểu diễn, có thể là hình thức song tấu, tam tấu, tứ tấu, tốp nhạc, nhóm nhạc…Trên đàn Guitar, người chơi có thể sử dụng những kỹ thuật Guitar cổ điển và hiện đại. Kỹ thuật hòa tấu trên đàn cho dù thực hiện bè đệm hay giai điệu chính thì về cơ bản nó là sự phối kết hợp hài hòa của giai điệu, bè đệm trong đó kỹ thuật, kỹ năng, kỹ năng nghe tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh có sự thống nhất cao. Kỹ năng hòa tấu đòi hỏi khá nhiều yếu tố: Kỹ thuật chạy ngón lưu loát, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm, đặc biệt là kỹ năng nghe hòa tấu cũng như sự nhanh nhạy, “bản năng” tốt để có thể ứng biến, xử lý linh hoạt tạo thành một bản hòa tấu hòa quện với giai điệu của nhạc cụ solo.

Từ việc bổ sung một số nội dung chương trình dạy học như vậy, thì trong quá trình dạy học Guitar, giáo viên hướng dẫn học sinh rèn luyện phương pháp tự học để thực hiện các nội dung chuyên môn, giúp học sinh biết tra cứu tài liệu, chọn lọc kỹ thuật, bài bản, tác phẩm phù hợp trình độ và sở trường. Giáo viên vận dụng các hình thức tổ chức học tập kết hợp giữa thầy và trò, giữa học tập cá nhân - độc tấu với học tập hợp tác - hòa tấu; giữa hình thức học cá nhân với hình thức dạy theo nhóm, tạo dựng không khí học tập thích hợp để học sinh có thể tranh luận, lắng nghe, học hỏi kinh nghiệm với nhau, với giảng viên và tự đánh giá kết quả học tập của bản thân, của bạn. Tránh tình trạng diễn giải nhiều bằng lời mà không có âm thanh minh chứng, tránh tình trạng học bắt chước rập khuôn, thầy thị phạm một nốt, một câu, trò bắt chước máy móc y hệt và dừng lại ở đó. Trong quá trình lên lớp, giáo viên cần tăng cường sử dụng đồ dùng dạy học, các thiết bị về âm thanh, hình ảnh, nghe - nhìn trực quan sinh động. Không áp đặt, gò bó giờ học theo qui trình cứng nhắc (45 phút/1 tiết cho mỗi trò trong mỗi buổi lên lớp). Cho phép giáo viên chủ động, sáng tạo trong thiết kế giờ dạy học trên cơ sở căn cứ vào mục tiêu cụ thể của từng bài học, nội dung kỹ thuật, tác phẩm. 

Là một cơ sở đào tạo giáo dục nghệ thuật ở một tỉnh miền núi, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái luôn phấn đấu vươn lên, phát huy thế mạnh của mình. Sau gần 50 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái đã có một bước tiến đáng kể về quy mô, chất lượng, góp phần tích cực vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà và cho các tỉnh trong khu vực. Trong những năm qua, khoa Âm nhạc nói chung và môn Nhạc cụ Guitar nói riêng đã có những bước tiến và thành công nhất định trong việc giảng dạy và học tập của thầy và trò. Điều đó khẳng định phần nào sự nỗ lực và cố gắng vươn lên của tập thể giảng viên giảng dạy bộ môn này. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số vấn đề tồn tại cả mặt khách quan cũng như chủ quan cần phải tháo gỡ, khắc phục. Đối với môn nhạc cụ Guitar trong thời gian qua, dù đã có những cố gắng tìm tòi đổi mới trong phương pháp giảng dạy nhưng không tránh khỏi những hạn chế nhất định.Với những biện pháp cụ thể đã đề cập, tác giả bài viết mong muốn bổ sung cho việc dạy và học đàn Guitar những kiến thức, kỹ năng mới phù hợp với thực tiễn đào tạo âm nhạc tại Trường, để thu được kết quả của quá trình dạy học Guitar là học sinh phải biểu diễn một cách tự tin, diễn cảm, lưu loát và chính xác những tác phẩm độc tấu cũng như đệm hát hay hòa tấu cùng dàn nhạc, ban nhạc.

Giảng dạy và học tập luôn là một chặng đường dài và mỗi giảng viên cần có cách thức làm mới mình để chặng đường đó không mệt mỏi, không chán ngán. Chúng ta tin rằng nếu có kiến thức và tâm huyết trong việc dạy học, mỗi người thày sẽ nâng cao hiệu quả giảng dạy, hết lòng, tận tâm với nhà trường và học sinh của mình, cùng với những bạn đồng nghiệp góp phần xây dựng khoa Âm nhạc và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái ngày một vững chắc, phát triển, đào tạo ra những thế hệ học sinh, sinh viên phục vụ cho đời sống âm nhạc ngày một tốt hơn .



 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Ban dân vận và dân tộc, Tỉnh ủy Yên Bái (2000), Một số đặc trưng các dân tộc tỉnh Yên Bái.

2.      Đảng Cộng sản Việt Nam (1997), Văn kiện Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb CTQG, Hà Nội.

3.      Nguyễn Thị Hà (2007), Vấn đề giảng dạy các tác phẩm Guitar Việt Nam cho học sinh bậc trung cấp dài hạn, Luận văn thạc sĩ Nghệ thuật học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

4.      GS. TSKH. Phạm Lê Hòa (2013), Giáo trình phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

5.      Phạm Hồng Phương (2003), 10 bản solo Guitar và dàn nhạc nhẹ, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

6.       Nguyễn Ngọc Quang (1989), Lý luận dạy học đại cương, Trường Đào tạo quản lý giáo dục Trung ương.

7.       Phan Đình Tân (1996), “Guitar - Ngày đầu du nhập Việt Nam”, Tạp chí Âm

8.       Tạ Tấn (2008), Những tác phẩm nước ngoài nổi tiếng soạn cho Guitar, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

9.       Lương Đức Thắng (2005), Giảng dạy đàn Guitar tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội", Luận văn Thạc sĩ Nghệ thuật học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

10.   Nguyễn Quốc Vương (2005), Lịch sử hình thành và phát triển cây đàn Guitar, Nhạc viện Hà Nội.

11.   Nguyễn Quốc Vương (2005), Thực trạng và một số giải pháp đào tạo Guitar trong giai đoạn mới ở Nhạc viện Hà Nội, Luận văn thạc sĩ nghệ thuật học, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.