Nội san

Một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc tại Trường tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội

21 Tháng Tám 2015

                                                                                                   Nguyễn Thu Quỳnh

 

Yêu cầu đối với giáo viên âm nhạc là thực hiện việc dạy học theo hướng sáng tạo, không những chỉ truyền thụ kiến thức âm nhạc cho học sinh mà còn thể hiện tài năng biểu diễn cũng như khả năng âm nhạc. Thực trạng của việc giảng dạy âm nhạc cũng như nhu cầu học âm nhạc của học sinh Trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội đòi hỏi phải tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc.

1. Phương pháp dạy các hoạt động Âm nhạc

Đổi mới phương pháp dạy học là nền tảng để nâng cao kết quả học tập Âm nhạc của học sinh. Chương trình giáo dục Âm nhạc bậc Tiểu học gồm 56 bài học hát và các bài đọc nhạc dựa trên thang 5 âm, 7 âm, nghe 20 bài hát, được dạy ở các phân môn học hát, tập đọc nhạc, âm nhạc thường thức. Muốn nâng cao chất lượng giảng dạy âm nhạc thì cần có biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy của cả ba phân môn. Nội dung các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy âm nhạc Trường Tiểu học Kim Giang được thể hiện qua các phân môn Học hát, Phát triển khả năng âm nhạc, Tập đọc nhạc.

Phân môn học hát chiếm thời lượng lớn trong chương trình âm nhạc bậc Tiểu học. Thông thường, trong giờ học hát, giáo viên hướng dẫn học sinh tập tư thế đúng khi đứng hát, ngồi hát, biết vỗ tay và đệm phách, hát đều, hát đúng, biết lấy hơi. Để nâng cao hiệu quả giờ học hát, giáo viên cần có sự đổi mới trong tất cả các khâu như: chuẩn bị dạy hát, quá trình dạy hát, phương pháp dạy hát, phát huy tính sáng tạo của học sinh, học hát theo góc và nhóm học tập, mở rộng nội dung giờ học hát, ứng dụng công nghệ thông tin trong giờ học hát.

Tập đọc nhạc là thực hiện hệ thống kỹ năng giải mã các kí hiệu ghi chép nhạc trong cùng một lúc, giúp học sinh làm quen với việc đọc các âm. Để giờ Tập đọc nhạc đạt hiệu quả cao, giáo viên cần có sự đổi mới trong dạy kí hiệu âm nhạc, phát triển kỹ năng nhận biết và đọc đúng cao độ, trường độ; thể hiện tính chất, sắc thái của bản nhạc; đọc và nghe nhiều lần,

Phân môn Phát triển khả năng âm nhạc chiếm không nhiều thời lượng của môn Âm nhạc nhưng lại tạo hứng thú cho học sinh bởi nội dung này sinh động, hấp dẫn, là phương tiện để các em học hát và tập đọc nhạc tốt hơn. Thông qua việc học phân môn Phát triển khả năng âm nhạc, học sinh có thể lĩnh hội được kiến thức âm nhạc thông thường; nghe nhạc và cảm thụ nhạc; trình bày kiến thức và cảm xúc âm nhạc của bản thân trước tập thể. Để đạt hiệu quả cao trong Phân môn phát triển khả năng âm nhạc, giáo viên cần dạy học sinh nắm được kiến thức âm nhạc thường thức, đặt câu hỏi mở, học thêm kiến thức âm nhạc ngoài 3 phân môn nói trên, giới thiệu về nhạc cụ,

2. Đổi mới nội dung và phương thức dạy học Âm nhạc

Trước hết, giáo viên cần giới thiệu cho học sinh một số thuật ngữ, khái niệm âm nhạc đơn giản, Ở lớp 1, giáo viên cần làm rõ một số khái niệm về âm thanh như to nhỏ, cao thấp, nhanh chậm… Đây là những khái niệm gợi mở ban đầu, rất cần thiết cho quá trình học âm nhạc của học sinh. Từ lớp 2 đến lớp 5, giáo viên cần giới thiệu cho các em một số khái niệm lý thuyết đơn giản và các thành tố âm nhạc, từng bước đưa các khái niệm này kết hợp với bài tập xướng âm. Các thuật ngữ, khái niệm mà học sinh cần nắm được gồm nốt nhạc, quãng, nhịp, cao độ, trường độ, gõ phách, giai điệu, tiết tấu, gõ đệm, tiết điệu, dịch giọng.

Giáo viên cũng cần tăng cường dạy hát dân ca truyền thống cho học sinh. Những khúc hát dân ca, những bài đồng dao là suối nguồn cảm xúc dồi dào, giúp các em dễ thuộc bài hát, thích nghe hát và thêm hứng thú trong giờ học hát.

Thay đổi cách tổ chức dạy học nhằm thiết kế một giờ dạy học âm nhạc sáng tạo, độc đáo. Giáo viên có thể vận dụng một số cách như đổi vị trí ngồi của học sinh, đổi mới môi trường học tập, thay đổi trình tự tiết học, sử dụng hiệu quả các phương tiện dạy học cũng như các hình thức học tập.

Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả học tập cũng là giải pháp cần thiết nên áp dụng cho chương trình Âm nhạc bậc Tiểu học tại Trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Trước hết, giáo viên âm nhạc cần chú ý tới mục tiêu giáo dục, hình thức và phương pháp tổ chức dạy học âm nhạc như thế nào để phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng học sinh. Để công tác kiểm tra, đánh giá kết quả dạy học Âm nhạc đạt hiệu quả cao, giáo viên cần tăng cường xây dựng đề thi trắc nghiệm. Công tác kiểm tra đánh giá có thể được tiến hành ngay sau giờ học, bằng cách kiểm tra cá nhân, nhóm học tập hay góc học tập. Khi dạy xong giờ học hát, giáo viên có thể kiểm tra từng nhóm, từng cá nhân để sửa sai kịp thời.

            Ngoài các tiết học chính khóa, để nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc, giáo viên có thể tổ chức các hoạt động ngoại khóa như múa hát tập thể, dạy cho học sinh các bài hát truyền thống về Đoàn, Đội, Bác Hồ, các bài dân ca địa phương. Hoạt động ngoại khóa âm nhạc giúp các em học sinh phát huy trí tưởng tượng, sáng tạo, tăng cường giao lưu, bồi dưỡng và kết nối tình cảm với người khác. Trong hoạt động ngoại khóa có thể tổ chức các trò chơi âm nhạc như nghe hát tìm đồ vật, dùng động tác mô tả tên bài hát, hát và vận động, hát và chuyển đồ vật.

3. Nhóm giải pháp về giáo viên, học sinh và nhà trường

Trước hết, giáo viên cần tăng cường sự kết nối với học sinh. Trong giờ học Âm nhạc, giáo viên nên tạo mối quan hệ gần gũi, niềm tin giữa thầy và trò. Giáo viên cần phải tạo cho học sinh những tình cảm tốt và hứng thú với âm nhạc ngay trong quá trình giảng dạy.

Hiện nay, học sinh các khối, lớp của trường có sự chênh lệch nhau về trình độ, gồm các nhóm học sinh bình thường, nhóm học sinh có năng khiếu, nhóm học sinh không có năng khiếu. Trong giảng dạy âm nhạc, việc phân loại học sinh nhằm phát huy tính tích cực học tập của học sinh. Vì thế, ngay từ đầu năm học, giáo viên đã phải tìm hiểu thực lực của từng học sinh, phân loại từng nhóm đối tượng và có kế hoạch giàng dạy, bồi dưỡng cho phù hợp bằng cách quan sát qua giờ dạy trên lớp, tăng cường kiểm tra cá nhân để nắm bắt khả năng của từng học sinh.

Thay đổi không gian phòng học cũng là một biện pháp hữu hiệu để tiết học đạt hiệu quả hơn. Không gian học tập đóng vai trò quan trọng để học sinh tiếp thu tốt kiến thức âm nhạc từ giáo viên. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc, giáo viên dạy âm nhạc tại Trường Tiểu học Kim Giang cần nắm vững chương trình, nguyên tắc và mục tiêu dạy học âm nhạc bậc Tiểu học. Với giáo viên không chuyên âm nhạc, cần từng bước nâng cao trình độ âm nhạc, học thuộc và dạy đúng chương trình âm nhạc các khối 1, 2, 3, 4, 5. Ngoài ra, giáo viên không chuyên trách có thể tận dụng băng đĩa nhạc. Đó là công cụ đắc lực rất tiện ích trong dạy học âm nhạc.

            Học sinh cần nghiêm túc học tập, có ý thức học hỏi, không ngừng trau dồi, mở rộng kiến thức âm nhạc cho bản thân. Các em cũng cần có tinh thần sáng tạo, tự tin, linh hoạt, tự nhiên, thân thiện, gắn kết với thầy dạy và bạn bè. Khi tổ chức dạy học âm nhạc theo nhóm, học sinh cần phát huy tối đa tính tích cực, chủ động kết nối các thành viên trong nhóm. Ngoài ra, học sinh có thể tự học âm nhạc qua việc nghe các ca khúc, đọc sách âm nhạc, tìm hiểu các loại nhạc cụ, tham gia các hoạt động âm nhạc hoặc học thêm ở các lớp dạy Nhạc.

            Ban giám hiệu, cơ sở vật chất của nhà trường là một trong những yếu tố không thể thiếu trong việc nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc. Ban giám hiệu nhà trường cần quan tâm và nắm được những khó khăn, thuận lợi của bộ môn âm nhạc để kịp thời điều chỉnh. Nhà trường cần tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động âm nhạc ngoại khóa, biểu diễn âm nhạc.

4. Thực nghiệm sư phạm

Trên cơ sở những biện pháp đưa ra sau khi đã nghiên cứu, điều tra thực trạng dạy và học âm nhạc tại Trường Tiểu học Kim Giang, chúng tôi tiến hành thực nghiệm để kiểm chứng lại những biện pháp được áp dụng trong thực tiễn giảng dạy âm nhạc tại trường để đạt các mục tiêu tăng cường kiến thức, kỹ năng và thái độ học tập âm nhạc. Nội dung thực nghiệm gồm các tiết ôn tập bài hát, tập đọc nhạc, nghe nhạc, kể chuyện âm nhạc, kí hiệu âm nhạc.

Qua một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, dự giờ thăm lớp, tham khảo ý kiến của các giáo viên trong Trường Tiểu học Kim Giang cũng như một số trường Tiểu học khác dạy những đối tượng học sinh khác nhau và qua vận dụng các biện pháp nêu trên, các tồn tại dần dần được khắc phục. So sánh đối chiếu với việc khảo sát khả năng hoạt động âm nhạc cơ bản của học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5 được khảo sát tại Trường Tiểu học Kim Giang từ đầu năm đến cuối năm học có tăng lên rõ rệt. Cụ thể:

Giáo viên trực tiếp dạy ở lớp thực nghiệm được hướng dẫn thực hiện từng loại tiết dạy: học hát, ôn tập bài hát, nghe nhạc, tập đọc nhạc… Thêm nữa, mỗi giáo viên đều biết cách sử dụng băng đĩa, máy nghe nhạc, thanh phách, nhạc cụ gõ đệm, soạn những động tác phụ họa cho phù hợp với bài hát, biết dùng đàn organ có cài sẵn nhạc đệm cho học sinh hát. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên dạy thực nghiệm âm nhạc còn biết ứng dụng các phương pháp đặc thù vào dạy học âm nhạc với từng loại tiết học, phân biệt rõ các kiểu gõ đệm theo bài hát.

Số học sinh hát sai về độ cao, trường độ, lời ca, chỗ luyến, gõ đệm đã giảm nhiều. Tình trạng học sinh hát cuốn nhịp cũng giảm. Học sinh nắm chắc hơn về tiết tấu, độ cao, nhịp, phách và thể hiện tương đối chính xác. Học sinh có thể tự hát và biểu diễn với các động tác phụ họa đơn giản, được tham gia hoạt động với các trò chơi âm nhạc, khả năng cảm thụ âm nhạc của các em cũng được nâng cao.

Trên đây là những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học âm nhạc tại Trường Tiểu học Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Chúng tôi tiến hành thực nghiệm sư phạm qua 5 tiết dạy học Âm nhạc (mỗi khối chọn 1 lớp) nhằm kiểm chứng, tiếp cận và áp dụng giải pháp trong thực tiễn, qua đó xem xét tính khả thi của những giải pháp đã đưa ra.

 

                                         TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Phan Trần Bảng (2000), Phương pháp giảng dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2.    Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011), Phương pháp dạy học âm nhạc (Giáo trình đào tạo giáo viên bậc THCS hệ Cao đẳng Sư phạm), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3.    Phạm Thị Hòa (2015), Giáo dục âm nhạc, Tập 1, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.

4.    Phạm Thị Hòa, Ngô Thị Nam (2015), Giáo dục âm nhạc, Tập 2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

5.     Hoàng Long C.b. (2013), Âm nhạc 5 (sách giáo viên), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6.      Hoàng Long C.b. (2014), Âm nhạc 4 (sách giáo viên), Nxb Giáo dục, Hà Nội.

7.      Hoàng Long C.b (2015), Âm nhạc 5, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

8.      Hoàng Long C.b (2014), Âm nhạc 4, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

9.      Hoàng Long C.b (2015), Tập bài hát 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

10.    Hoàng Long C.b (2015), Tập bài hát 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

11.    Hoàng Long C.b (2015), Tập bài hát 3, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

12.    Hoàng Long C.b (2012), Giáo trình âm nhạc và phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

13.    Hoàng Long C.b (2005), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

14.    Trần Thị Tuyết Oanh C.b (2007), Giáo trình giáo dục học (Dành cho sinh viên Đại học Sư phạm, Tập 1, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

15.    Trần Thị Tuyết Oanh C.b (2009), Giáo trình giáo dục học (Dành cho sinh viên Đại học Sư phạm, Tập 2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

16.    Trịnh Hoài Thu chủ biên (2012), Giáo trình môn lý thuyết âm nhạc cơ bản, Hệ Đại học Sư phạm âm nhạc, Tài liệu lưu hành nội bộ, Nxb Giáo dục.

17.    Nguyễn Minh Toàn, Nguyễn Hoành Thông, Nguyễn Đắc Quỳnh (2000), Âm nhạc và phương pháp dạy học, Tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

18.    Nguyễn Minh Toàn, Nguyễn Hoành Thông, Nguyễn Đắc Quỳnh (2000), Âm nhạc và phương pháp dạy học, Tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.