Nội san

Đôi nét về công tác dàn dựng chương trình nghệ thuật tổng hợp trong hoạt động âm nhạc ngoại khóa dành cho lứa tuổi tiểu học

21 Tháng Tám 2015

                                                                                              Bùi Thanh Huyền 

 

Âm nhạc là một môn học có thế mạnh và nhiều ưu điểm để có thể tổ chức các hoạt động giúp các em học sinh “học mà chơi - chơi mà học”, giảm bớt được áp lực học tập. Đối với một giáo viên âm nhạc trong nhà trường phổ thông, bên cạnh việc dạy tốt nội dung trong các giờ học chính khóa thì hoạt động ngoại khóa âm nhạc là một nội dung rất quan trọng. Đó là cơ sở để xây dựng những hình thức sinh hoạt tập thể lành mạnh, tạo không khí vui tươi, giúp các em học sinh mạnh dạn hòa nhập trong cộng đồng.

Tổ chức các hoạt động âm nhạc ngoại khóa hiện nay đang được nhiều nhà trường quan tâm. Không những duy trì và đẩy mạnh phong trào văn hoá văn nghệ, đây còn là hoạt động rất bổ ích đối với học sinh, giúp các em lĩnh hội vốn kiến thức âm nhạc dồi dào, tạo môi trường thuận lợi để học sinh phát huy mọi khả năng âm nhạc của mình. Qua đó giúp giáo viên phát hiện và bồi dưỡng kịp thời các tài năng nghệ thuật tạo nền tảng cho âm nhạc chuyên nghiệp phát triển.

Hoạt động ngoại khóa âm nhạc được sử dụng rộng rãi, phong phú, đa dạng ở nhà trường phổ thông. Trong hầu hết các sinh hoạt đời sống hàng ngày đều cho thấy sự hiện diện của các hoạt động ngoại khóa âm nhạc. Nó thể hiện ở việc hát, múa, sáng tạo các hoạt động âm nhạc ở mọi nơi, mọi lúc, giờ ra chơi… Hay trong các ngày lễ hội truyền thống của nhà trường thì các hoạt động này lại mang tính trọng tâm và được giáo viên  lên kế hoạch, nội dung và chương trình hoạt động cụ thể mang tính chất giao lưu giữa các lớp, trường… ví dụ như ngày khai giảng, bế giảng năm học, tết trung thu, kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam, sinh hoạt lớp…

Trong bài viết này, hoạt động ngoại khóa âm nhạc được chúng tôi đề cập đến dưới ba hình thức chính: hoạt động biểu diễn âm nhạc, tổ chức trò chơi âm nhạc, tổ chức nói chuyện và thường thức âm nhạc.

Hoạt động ngoại khóa trong nhà trường phổ thông có vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển toàn diện nhân cách học sinh, giúp cho đời sống tinh thần của các em trong sáng, lành mạnh.

            Được sinh hoạt ngoại khóa sẽ giúp các em học sinh thư giãn sau các giờ học văn hóa căng thẳng, tạo được không khí vui tươi, phấn khởi trong lớp, trường và ngoài trường, giúp học sinh thêm hiểu biết, đồng cảm với nhau, tạo điều kiện cho những trẻ nhút nhát, thiếu tự tin thêm mạnh dạn, giúp cho các phong trào của nhà trường phát triển mạnh mẽ và hiệu quả.

            Đồng thời, hoạt động ngoại khóa âm nhạc là nơi thể hiện kết quả hoạt động âm nhạc của học sinh. Trong đó, học sinh được ôn luyện, củng cố và thể hiện những kiến thức, kĩ năng âm nhạc đã học, là môi trường thuận lợi để học sinh phát huy mọi khả năng âm nhạc. Nhờ đó, giáo viên tiếp tục đánh giá năng lực âm nhạc, phát hiện năng khiếu âm nhạc của các em để có biện pháp bồi dưỡng và phát triển.

Đối với lứa tuổi Tiểu học, việc truyền đạt kiến thức lý luận về âm nhạc sẽ phải cần đến những thủ pháp/thủ thuật giảng dạy phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí để đưa đến cho các em các kiến thức một cách nhẹ nhàng nhất. Bởi ở lứa tuổi này, các em rất hiếu động, vui chơi nhưng cũng ham hiểu biết, thích hoạt động âm nhạc. Mặt khác, trình độ văn hóa và vốn hiểu biết của các em còn hạn chế, khả năng ghi nhớ không bền vững.

Vì vậy, khuyến khích giáo viên sử dụng các trò chơi âm nhạc trong quá trình giảng dạy giúp các em vui - học, tiếp thu kiến thức một các dễ dàng và hiệu quả. Ví dụ, giúp học sinh ghi nhớ tên bài hát có thể cho các em chơi trò chơi nghe giai điệu bài hát chọn hình ảnh minh họa tương ứng hoặc tổ chức cho trẻ tập đóng kịch để trình diễn bài hát đó.

Bởi những điểm khác biệt của lứa tuổi tiểu học so với các lứa tuổi khác về mặt tâm, sinh lí như vậy nên trên cơ sở đó cần đòi hỏi người giáo viên có năng lực chuyên môn và năng lực sư phạm để rèn luyện cho học sinh những kĩ năng cơ bản giúp các em học tốt bộ môn cũng như đáp ứng được mục tiêu chung như: kỹ năng vận dụng hơi thở trong ca hát, tư thế hát đúng, kỹ năng vận động theo nhạc, hoạt động tập thể…

            Trong bài viết này, chương trình nghệ thuật chúng tôi đề cập tới là những chương trình ca - múa - nhạc có chủ đề. Đây là dạng chương trình được sử dụng nhiều trong hầu hết các hoạt động âm nhạc ngoại khóa của nhà trường phổ thông. Trong đó, các tiết mục thuộc các loại hình nghệ thuật sẽ được tổ chức sắp xếp theo một ý đồ, nội dung nhất định đã được xác định trước đó. Chủ đề này sẽ chi phối việc lựa chọn, sắp xếp tiết mục tạo ra sự nhất quán của toàn bộ hoặc từng phần của chương trình.

Loại chương trình này rất phong phú đa dạng, muôn màu muôn vẻ, có tính nghệ thuật, tính thẩm mỹ và tính khoa học là bước phát triển mới về nghệ thuật cấu trúc, nhằm đáp ứng nhu cầu thẩm mĩ mới của thời đại. Nó đòi hỏi người biên tập chương trình phải có trình độ hiểu biết, tư duy và năng lực sáng tạo cao.

Để có một chương trình nghệ thuật biểu diễn thành công, chúng ta cần định hướng tiến hành theo các bước từ biên tập kịch bản để hình dung (từ tổng quan đến chi tiết) những việc sẽ làm sau đó mới lên kế hoạch tập luyện cụ thể để hoàn thành tổng thể chương trình. Hai bước này có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Trong bài viết này, chúng tôi đưa ra những sự phân biệt giữa hai chức danh người dàn dựng và đạo diễn. Người dàn dựng có thể coi như trợ lý của người đạo diễn, trong một số chương trình người đạo diễn có thể đảm nhiệm luôn vai trò người dàn dựng. Một tác phẩm âm nhạc với cùng một ý tưởng đưa ra của người đạo diễn nhưng những người dàn dựng khác nhau có những cách triển khai, sáng tạo riêng tạo ra cách thể hiện khác nhau khi trình diễn tác phẩm đó.  Đạo diễn là người có khả năng hệ thống, điều hành, kết nối các tiết mục một chương trình và tư duy, sáng tạo các thủ pháp kết nối để làm bật nội dung, tư tưởng chủ đề tác phẩm. Ví dụ bài Trên đỉnh Trường Sơn ta hát (sáng tác Huy Du) người đạo diễn sẽ lên ý tưởng mở đầu ra một đoàn người xếp tạo hình ngọn núi, người đứng trên bục cao hát bài ca. Hay ví dụ bài Thuyền và biển (thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu) người đạo diễn sẽ sáng tạo tấm voan lớn màu xanh dương phủ kiến sân khấu tung lên hạ xuống rung tạo sóng biển. Mỗi ca sĩ sẽ đứng một đầu sân khấu với ý tưởng thuyền và biển xa nhau bước đi nhẹ nhàng trên sóng biển rồi hát.

Như vậy, chức năng người đạo diễn chính là tìm tòi sáng tạo để tạo nên sự phong phú sinh động cho từng tiết mục độc lập và các kết nối các tiết mục với nhau bằng thủ pháp mới lạ, hấp dẫn, bằng ánh sáng, âm nhạc, bố cục sân khấu…

            Một người dàn dựng không những cần có chuyên môn tốt mà còn luôn phải có sự hiểu biết rộng ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Nắm vững kiến thức nhạc lý, các phân môn âm nhạc, sử dụng thành thạo nhạc cụ, công nghệ thông tin/công nghệ âm nhạc…sẽ giúp ích rất nhiều cho việc dàn dựng các tiết mục.

            Tuy nhiên, trên thực tế các giáo viên âm nhạc cơ sở của các trường tiểu học không phải lúc nào cũng đáp ứng được hết các yếu tố nói trên của một người dàn dựng chuyên nghiệp. Họ có thể có khả năng chơi đàn, đệm một số bài hát dễ nhưng không có khả năng làm nhạc beat hoặc nhạc múa. Một số giáo viên có tuổi rất có kinh nghiệm trong việc dàn dựng nhưng lại không sử dụng thành thạo công nghệ âm nhạc… Họ sẽ cần đến sự hỗ trợ bên ngoài để giúp hoàn thiện cho việc dàn dựng chương trình ca - múa - nhạc đó.

            Điều này là không thể tránh khỏi và đây cũng là lý do trong khuôn khổ bài viết không cho phép chúng tôi triển khai một cách tỉ mỉ, chi tiết từng vấn đề của kĩ năng dàn dựng như: cách đệm hát, chọn tiết tấu cho thể loại bài như thế nào, cách sử dụng các phần mềm âm nhạc (cắt - ghép nhạc, chép nhạc) ra sao hay cách lựa chọn trang phục sao cho phù hợp và các mẫu luyện thanh sử dụng khi tập tiết mục hát…

            Vì lẽ đó, ngoài việc linh hoạt sử dụng những sự hỗ trợ từ bên ngoài, chúng tôi luôn khuyến khích các giáo viên tự học hỏi, trang bị cho mình những kiến thức chuyên môn để ngày càng hoàn thiện và nâng cao kĩ năng dàn dựng của bản thân.

Trên thực tế, công tác dàn dựng chương trình ca múa nhạc cho các hoạt động ngoại khóa đang dần trở thành một trọng trách cho các giáo viên âm nhạc phổ thông hiện nay. Những khó khăn về kiến thức chuyên môn, hạn chế về phương pháp, cách thức tổ chức, về thời gian, khối lượng công việc… dẫn đến các chương trình ca - múa - nhạc hiện nay trở nên thiếu hấp dẫnchất lượng nghệ thuật chưa cao.

Các chương trình ca múa nhạc phần lớn được tổ chức bởi sự gượng ép theo quy định của chương trình mà chưa thực sự trở thành công cụ giáo dục trẻ. Nhiều chương trình biểu diễn lớn của các trường đều phải thuê các biên đạo và đạo diễn chuyên nghiệp dàn dựng bởi sự cầu toàn của các giáo viên âm nhạc cơ sở chưa phát huy được khả năng của họ.

Chính vì vậy chúng tôi nhận thấy cần thiết có một phương pháp dàn dựng chương trình nghệ thuật cụ thể, thực tế và hiệu quả để các giáo viên âm nhạc phổ thông nghiên cứu và áp dụng.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.      Phan Trần Bảng (2000), Phương pháp giảng dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2.   Nguyễn Ngọc Bảo -  Hà Thị Đức (1999), Hoạt động dạy học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3.   Lê Ngọc Canh (2009), Phương pháp đạo diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp, Nxb Văn hóa thông tin, Thành phố Hồ Chí Minh.

4.   Đặng Vũ Hoạt (chủ biên) (2004), Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường THCS, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5.   Lê Văn Hồng - Lê Ngọc Lan (1995), Tâm lí học và tâm lí học sư phạm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6.   Nguyễn Hữu Hợp (2013), Lý luận dạy học tiểu học, Nxb ĐHSP Hà Nội, Hà Nội.

7.   Nguyễn Hữu Hợp (2013), Giáo dục học tiểu học, Nxb ĐHSP Hà Nội, Hà Nội.

8.   Ngô Thị Nam (1993), Âm nhạc và phương pháp giáo dục âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

9.  Trần Thị Tuyết Oanh (2006), Giáo dục học đại cương tập 1, Nxb ĐHSP Hà Nội, Hà Nội.

10.   Nguyễn Hải Phượng (chủ nhiệm đề tài) (2011), Phương pháp dạy học âm nhạc (cho hệ Đại học sư phạm âm nhạc), tài liệu lưu hành nội bộ Trường ĐHSP Nghệ thuật TW.

11. Hà Nhật Thăng (chủ biên), 2004, Tổ chức giáo dục ngoài giờ lên lớp ở trường phổ thông Nxb Giáo dục, Hà Nội.

12. Lê Anh Tuấn (2007), Giáo trình dàn dựng chương trình âm nhạc tổng hợp, Nxb Giáo dục, Hà Nội.