Nội san

Dạy cảm thụ âm nhạc cho trẻ khuyết tật

09 Tháng Chín 2015

Trung Quỳnh Hoa

 

Những đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh được sống trong tình yêu thương bao bọc của gia đình thì việc được làm quen, vui chơi trong môi trường âm nhạc không còn là điều xa lạ. Nhưng trên thế giới cũng như ở Việt Nam chúng ta vẫn còn biết bao trẻ em thiệt thòi được sinh ra nhưng lại bị bỏ rơi hay là mang trong mình những dị tật bẩm sinh, các em thiếu đi vòng tay yêu thương chăm sóc của gia đình nên việc được tiếp xúc và làm quen với âm nhạc là rất khó khăn. Do vậy, chúng ta cần tạo một môi trường học tập vui chơi lành mạnh, gần gũi, đồng thời nuôi dưỡng và giáo dục những tư tưởng tình cảm tốt đẹp cho các em thông qua các hoạt động âm nhạc.

Giáo dục nghệ thuật nói chung và giáo dục âm nhạc nói riêng là một phần không thể thiếu trong giáo dục bắt buộc ở các nước trên thế giới, không phân biệt sự khác biệt về địa lý, văn hóa, tôn giáo, chính trị, kinh tế, xã hội… trong đó phải kể đến cả giáo dục đặc biệt.

Để đảm bảo cho trẻ khuyết tật được hưởng những quyền giáo dục cơ bản, quyền tự do không tách biệt, quyền tham gia vào các hoạt động xã hội và có cơ hội cống hiến cho xã hội cần phải phát triển toàn diện các mặt cho trẻ khuyết tật như là đối với một trẻ em bình thường khác. Mục tiêu đang đặt ra hiện nay đó là: phát triển đạo đức, phát triển trí tuệ, phát triển thể chất, phát triển thẩm mỹ và năng lực lao động, phát triển kiến thức, kỹ năng văn hóa xã hội, thái độ tích cực, tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng khi trẻ đủ 18 tuổi.

Âm nhạc như liều thuốc tinh thần nó tác động tới các giác quan còn lại của trẻ khuyết tật như khả năng nghe đối với trẻ khiếm thị, khả năng quan sát đối với trẻ khiếm thính, khả năng tập trung, quan sát, phát triển ngôn ngữ, khả năng ghi nhớ, gần gũi bạn bè đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ…

Do có tính độc lập so với môi trường giáo dục nói chung nên dạy học cho trẻ em khuyết tật có ba môi trường giáo dục chính đó là môi trường giáo dục chuyên biệt, môi trường giáo dục hòa nhập và môi trường giáo dục hội nhập. Trong từng môi trường, giáo dục cho trẻ khuyết tật cần dựa trên những đặc điểm sau: Giáo dục trẻ khuyết tật dựa trên sinh lý học thần kinh cấp cao; giáo dục trẻ khuyết tật dựa trên tâm lý học giáo dục; giáo dục trẻ khuyết tật dựa trên xã hội học; giáo dục trẻ khuyết tật dựa trên nhu cầu, năng lực của đối tượng.

Dạy cảm thụ âm nhạc cho trẻ khuyết tật là việc hướng dẫn cho trẻ lĩnh hội các dạng hoạt động âm nhạc cơ bản như: làm quen với việc nghe nhạc, học hát, nhảy múa theo nhạc, một số kiến thức nhạc lý cơ bản, tham gia trò chơi âm nhạc và hưởng ứng một cách nồng nhiệt. Ngoài ra đối với trẻ khuyết tật một hình thức hỗ trợ liên quan đến âm nhạc đó là trị liệu bằng âm nhạc. Hình thức này trong những năm gần đây đang được rất nhiều bác sĩ, nhà tâm lý học, giáo viên dạy cho trẻ khuyết tật quan tâm.

Có thể nhận thấy rằng đa phần các trung tâm, cơ sở bảo trợ, nuôi dưỡng trẻ khuyết tật trên toàn quốc đều trang bị một số loại nhạc cụ đơn giản như trống, chuông nhỏ, đàn organ và tổ chức các trò chơi âm nhạc trong việc giáo dục cũng như trị liệu. Tuy nhiên, việc sử dụng các nhạc cụ, những phương pháp hướng dẫn trẻ nghe nhạc, vận động theo nhạc thường theo hướng tự nhiên chưa có những chương trình học tập cụ thể, lâu dài. Giáo viên chưa được đào tạo về kiến thức âm nhạc cũng như các kĩ năng trong việc sử dụng các nhạc cụ, lựa chọn các bài hát, dạy trẻ nghe nhạc.... Vì thế, việc sử dụng các nhạc cụ, hoạt động âm nhạc chưa thực sự đạt hiệu quả cao.


 Ảnh: Một giờ học âm nhạc của trẻ khuyết tật (Nguồn:st)

 

Qua những nghiên cứu, chúng tôi đưa ra một vài giải pháp nâng cao chất lượng dạy cảm thụ âm nhạc cho trẻ khuyết tật như sau:

 Xây dựng nội dung chương trình dạy cảm thụ âm nhạc cho trẻ khuyết tật dựa trên nhu cầu, năng lực, cơ sở kinh tế, văn hóa, giáo dục xã hội.

Nhu cầu được sinh ra do sự tác động của cả yếu tố bên trong lẫn yếu tố bên ngoài. Nhu cầu có thể trở thành động lực thúc đẩy con người hành động bởi những kích thích bên ngoài và chúng ta luôn cố gắng để thỏa mãn những nhu cầu đó. Nhưng đối với trẻ khuyết tật nhu cầu của các em bị chi phối rất nhiều do môi trường sống và thể trạng của mỗi em. Ví dụ: Một trẻ bị khuyết tật vận động phải sự dụng nạng làm dụng cụ hỗ trợ cho việc đi lại thì khi nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa vui chơi, chạy nhảy sẽ khiến cho trẻ khao khát được di chuyển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn.

Mọi trẻ em đều có thể học được, học theo nhiều cách khác nhau và có những năng lực khác nhau trong một lĩnh vực nào đó. Hãy nhìn nhận mọi trẻ em đều có khả năng, khả năng đó thể hiện ở các mặt, các lĩnh vực khác nhau từ đó giúp các nhà giáo dục có thể áp dụng phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng, chú ý tới các hình thức tổ chức hoạt động, đa dạng hóa nội dung và chương trình học tập. Ví dụ nếu trẻ bị khiếm khuyết đôi chân hãy để trẻ được làm mọi thứ bằng đôi tay của mình, trẻ có thể đàn, hát…

Sự xuất hiện của nền kinh tế tri thức đã tạo ra một cơ sở hạ tầng mới cho xã hội thông tin - xã hội học tập. Một xã hội học tập không ngừng được thể hiện ở nhiều hình thức học tập khác nhau. Học tập thường xuyên, học tập suốt đời không chỉ là khẩu hiệu mà nó đi vào thực tiễn của đời sống con người. Một xã hội học tập đòi hỏi: trường, lớp được xây dựng đúng tiêu chuẩn hơn, các thiết bị dạy học, bảng, bàn ghế, trang thiết bị tốt hơn, hiện đại hơn. Trẻ khuyết tật được đến trường, môi trường lớp học cần phải phù hợp với nhu cầu và sinh hoạt của các em và cần được tiếp cận các phương tiện học tập từ phổ thông đến hiện đại, tham gia các hình thức giáo dục khác nhau một cách bình đẳng, dân chủ, công bằng và được giáo dục về những vấn đề thời sự, văn hóa của xã hội.

Kết hợp về mặt tâm lý học trong việc dạy cảm thụ âm nhạc cho trẻ khuyết tật.

Trẻ khuyết tật vận động khó đạt được những trải nghiệm như một trẻ bình thường khác. Chẳng hạn, trẻ không có cảm giác mỏi chân nếu trẻ đó bị bại liệt đôi chân và không thể đi lại được. Trẻ không thể leo trèo nên không có cảm giác về độ cao và lấy thăng bằng của cơ thể, không cảm nhận thấy sức đẩy của nước khi không được ngâm mình dưới nước…

Từ những vấn đề liên quan đến hoạt động nhận thức và tâm sinh lý của trẻ mà việc dạy học cảm thụ âm nhạc cho trẻ khuyết tật vận động cần lưu ý những điều sau:

Thứ nhất là phát huy tối đa khả năng đọc nhạc, phát âm rõ lời, hát đúng lời bài hát.

Thứ hai là đưa ra những phương pháp dạy học tích cực phát huy khả năng sáng tạo của trẻ khuyết tật.

Thứ ba là đề cao những mô hình học tập mở, khơi gợi sự tìm tòi, quan sát, học hỏi của các em.

Thứ tư là tránh các hình thức vận động theo nhạc quá mạnh nên lựa chọn các cách vận động nhẹ nhàng và phù hợp với từng đối tượng tham gia.

Thứ năm là phát huy khả năng nghe nhạc, cảm nhận âm thanh.

Trẻ chậm phát triển trí tuệ rất khó khăn trong việc nắm các quy tắc và khái niệm. Trẻ có thể học thuộc lòng được các quy tắc nhưng không hiểu hết ý nghĩa, không biết sử dụng các quy tắc đó vào thời điểm nào, lúc nào, vì vậy, trẻ học toán và ngữ pháp là hết sức khó khăn. chương trình học cảm thụ âm nhạc dành cho đối tượng trẻ chậm phát triển trí tuệ cần chú ý các đặc điểm sau đây:

Một là thời gian đặt vấn đề và giải quyết vấn đề trong khoảng thời gian ngắn để thu hút sự chú ý của trẻ và khuyến khích trẻ giải quyết vấn đề được đặt ra. Tăng dần thời gian tập trung lắng nghe, quan sát sự vật hiện tượng của cuộc sống thông qua các hoạt động trò chơi âm nhạc, ngoại cảnh để trẻ được tận mắt chứng kiến, quan sát, chạm đến và cảm nhận.

Hai là lồng ghép vào trong chương trình học những bài học về màu sắc để thu hút trẻ và giúp trẻ ghi nhớ, phân biệt sắc màu.

Ba là kiến thức trong một tiết học đặt ra với nội dung đơn giản, dễ hiểu, ngắn gọn nhưng kèm theo nhiều ví dụ thực hành trò chơi để tiếp thu kiến thức đó.

Vận dụng phương pháp, nâng cao chất lượng dạy cảm thụ âm nhạc cho trẻ khuyết tật.

Vận dụng phương pháp của Montessori “Chấp nhận sự phát triển duy nhất của mỗi trẻ và cho phép trẻ phát triển theo khả năng riêng, thời gian riêng”. Cách tiếp cận kiến thức dựa trên khả năng của cá nhân trẻ, ví dụ cùng tìm hiểu nhịp 2/4 nhưng đưa ra 2 bài tập ở 2 mức độ khác nhau.

Ví dụ: Bài hát Con chim ri (áp dụng cho trẻ ở mức chậm)

Vận dụng phương pháp của Kodaly: sau khi trẻ đã nắm được những kiến thức và kĩ năng cơ bản thì giáo viên sẽ nâng cao khả năng cho trẻ ở những hình thức sáng tạo phù hợp. Ví dụ: Sáng tạo tiếp nét giai điệu cho trước.

Phương pháp Orff-Schulwerk dựa trên nền tảng khai thác và phát triển năng lực âm nhạc thông qua khả năng vui chơi tập thể và vận động. Theo Orff-Schulwerk: âm nhạc tồn tại đa thành phần mà không riêng rẽ. Nghĩa là âm nhạc phải gắn kết với động tác, vận động, vũ điệu và nói - xướng theo vần điệu. Ví dụ hình thức nói theo nhịp điệu:

Âm hình tiết tấu chủ đạo của bài đồng dao

Xây dựng đội ngũ giáo viên có kiến thức cơ bản về giáo dục âm nhạc cho trẻ khuyết tật.

 Người giáo viên có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác giáo dục và dạy học trẻ khuyết tật. Giáo viên là người trực tiếp tổ chức thực hiện tất cả các hoạt động giáo dục và dạy học trong nhà trường nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục và dạy học đã đề ra đối với trẻ khuyết tật thuộc lớp học của mình hoặc là môn học mà mình phụ trách. Một giáo viên dạy cảm thụ âm nhạc cho trẻ khuyết tật cần phải được trau dồi những năng lực và phẩm chất như sau: Trang bị kiến thức chuyên môn; trau dồi những kiến thức, kỹ năng trong việc dạy học cho trẻ khuyết tật; xây dựng và thực hiện kế hoạch cá nhân cho trẻ khuyết tật; giáo viên cần thường xuyên đổi mới phương pháp dạy học; tạo nên những giờ học lôi cuốn, thu hút học sinh;tổ chức, xây dựng vòng kết nối bạn bè cho trẻ khuyết tật; xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và đồ dùng học tập. Do đó, xây dựng đội ngũ giáo viên có kiến thức cơ bản về giáo dục âm nhạc cho trẻ khuyết tật và có những phẩm chất nói trên là một nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp giáo dục nghệ thuật nói riêng và sự nghiệp giáo dục nói chung.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Xuân Hải (2009), Giáo dục học trẻ khuyết tật, Nxb Giáo dục,

Hà Nội.

2. Lê Tiến Thành, Trần Đình Thuận và Nguyễn Xuân Hải (2009), Sổ tay Giáo dục hòa nhập học sinh khuyết tật dành cho giáo viên tiểu học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3.. Nguyễn Thị Hoàng Yến, (2006 - 2008) dự án “Phát triển nguồn nhân lực giáo dục đặc biệt”, Kết hợp với trường Đại học Chiba Nhật bản, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Chiba với sự hỗ trợ của Tổ chức JICA Nhật Bản, Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.

 4. Nguyễn Thị Hoàng Yến (2010), Giáo trình Quản lí giáo dục đặc biệt, Nxb Phụ nữ, Hà Nội.