Nội san

Sử dụng một số phương tiện trực quan trong dạy học phân môn Nhạc Lý phổ thông ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định

22 Tháng Tám 2015

Đinh Thị Chung Thủy

 

Âm nhạc là bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh để khắc họa cuộc sống, tư tưởng, tình cảm của con người. Âm thanh trong âm nhạc là mối quan hệ tổng hòa các phương tiện diễn tả như giai điệu, tiết tấu, hòa thanh, cường độ, nhịp dộ, âm sắc…Âm nhạc có hệ thống lý luận bao gồm: Lý thuyết âm nhạc, hòa âm, phân tích tác phẩm, lịch sử âm nhạc…

Sự hình thành lý thuyết âm nhạc có từ rất sớm trong lịch sử phát triển nghệ thuật âm nhạc. Người ta gọi nó theo ngôn ngữ của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, tên môn học Lý thuyết âm nhạc xuất phát từ việc dịch nghĩa từ tiếng nước ngoài. Nó có khá nhiều tên gọi như: Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nhạc lý cơ bản, Nhạc lý, Lý thuyết âm nhạc, Nhạc lý sơ giản, Nhạc lý phổ thông… Tên gọi và nội dung của nó tùy mức độ sử dụng và yêu cầu ở các chương trình đào tạo khác nhau. Ở hệ Cao đẳng Sư phạm Tiểu học tại Nam Định thì đây là phân môn Nhạc lý phổ thông, một phần của bộ môn Âm nhạc, trong chương trình đào tạo giáo viên tiểu học trình độ cao đẳng.  

 Phân môn Nhạc lý phổ thông trong đào tạo giáo viên CĐSP Tiểu học gồm những kiến thức âm nhạc khá đơn giản, cần thiết như về âm thanh, độ cao, độ dài, tiết tấu, nhip, quãng, hợp âm, gam, điệu thức, dịch giọng,… Đó là những kiến thức cơ bản, là cơ sở để sinh viên có thể tiếp thu các phân môn khác như: hát, tập đọc nhạc, sử dụng nhạc cụ, phương pháp dạy học âm nhạc…

Tuy phân môn Nhạc lý phổ thông là đơn giản so với những chương trình đào tạo khác, nhưng nội dung của nó vẫn là những kiến thức trừu tượng mang tính lý thuyết. Vì vậy, vấn đề làm thế nào cho sinh viên hiểu, nắm chắc và vận dụng được kiến thức phân môn Nhạc lý phổ thông vẫn là một thách thức đối với giảng viên dạy học phân môn này. Sử dụng phương tiện trực quan là một trong các biện pháp để nâng cao chất lượng dạy học phân môn Nhạc lý phổ thông.

Phương tiện trực quan có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình dạy học phân môn Nhạc lý phổ thông. Những nội dung của bài học Nhạc lý phổ thông đòi hỏi tư duy trừu tượng, tư duy logic sẽ được cụ thể hóa qua các phương tiện nghe thấy, nhìn thấy một cách trực tiếp. Khi giảng viên sử dụng phương tiện trực quan phù hợp, linh hoạt và vừa đủ để làm rõ nội dung tiết học nhạc lý phổ thông, sinh viên sẽ dễ dàng tiếp thu được kiến thức trong tiết học đó.

   Trong dạy học phân môn Nhạc lý phổ thông bao gồm nhiều phương tiện trực quan. Những phương tiện trực quan này được phân theo các nhóm như sau:

Nhóm Nhạc cụ phổ thông trong dạy học phân môn Nhạc lý phổ thông bao gồm đàn Organ, đàn Ghi ta, trống, song loan, thanh phách. Đàn Organ được xem là nhạc cụ có khả năng ứng dụng cao, dễ học và khả năng trình diễn đa dạng.

 

Ảnh: Một giờ học âm nhạc (Nguồn:st)

 

Đàn Organ có thể được sử dụng để minh họa nhiều nội dung nhạc lý phổ thông. Để phù hợp với việc dạy học âm nhạc nói chung và dạy học phân môn nhạc lý phổ thông nói riêng cho hệ CĐSP Tiểu học, giảng viên nên chọn những loại đàn Organ có nhiều ứng dụng hơn trong việc phối âm, có nhiều âm sắc, điệu nhạc nền… Để việc sử dụng đàn Organ được hiệu quả, giảng viên cần phải nghiên cứu và chuẩn bị thật kỹ trong giáo án từ việc nội dung nào cần minh họa bằng đàn và sử dụng đàn vào thời điểm nào là hợp lý. Đàn Organ phát ra âm lượng khá to và khá ồn, do đó khi sử dụng trong các giờ học trên lớp giáo viên cần sử dụng âm lượng vừa phải để không ảnh hưởng đến các lớp học bên cạnh.

Đàn Guitar là loại nhạc cụ có phím và dây. Đàn Guitar thông dụng ngày nay có 6 dây. Nó có ưu điểm là nhẹ nhàng, dễ di chuyển, không gây tiếng ồn lớn trong không gian cần yên tĩnh, trong khi lớp học Nhạc lý phổ thông diễn bên cạnh các lớp học khác. Đặc biệt, khi không có điện thì đàn Guitar rất hữu ích. Đàn Guitar cũng có nhược điểm là âm thanh nhỏ. Nếu muốn âm lượng lớn hơn ở chỗ đông người thì cần phải kết nối thêm với thiết bị khuếch đại âm thanh như tăng âm, loa…Trong dạy học các nội dung phân môn Nhạc lý phổ thông, giảng viên nên chọn loại đàn Guitar thùng có 6 dây mi, la, rê, sol, si, mi. Loại đàn Guitar này rất gọn, nhẹ. Giảng viên có thể dùng đàn Guitar vào minh họa một số nội dung nhạc lý phổ thông như âm thanh, cao độ, quãng hòa thanh, quãng giai điệu, tiết tấu, hợp âm, gam… trong dạy học phân môn này.

Trống là nhạc cụ quan trọng trong bộ gõ. Loại nhạc cụ này có ưu điểm là nhỏ gọn và dễ sử dụng. Tuy nhiên, trống có độ vang lớn, gây ồn ào. Giảng viên có thể sử dụng trống trong khi giới thiệu hoặc ôn tập nội dung nhạc lý về nhịp, phách, tiết tấu…

Song loan là một loại nhạc cụ gõ làm bằng gỗ cứng, hình tròn dẹt, được xẻ miệng sâu vào thân để thoát âm. Song loan dùng để giữ nhịp, Giảng viên có thể sử dụng song loan để giữ cho sinh viên tập đánh một số các loại nhịp cơ bản, trong thực hành ôn tập nội dung nhạc lý phổ thông về nhịp, tiết tấu…

Thanh phách bao gồm hai thanh gỗ cứng hoặc hai thanh tre dài khoảng 18 cm, đường kính khoảng 2 cm. Thanh phách là loại nhạc cụ có ưu điểm dễ chế tạo và sử dụng. Giảng viên có thể tận dụng các chất liệu sẵn có của địa phương như: gỗ, tre, nứa, sừng trâu… để làm thanh phách. Trong dạy học phân môn Nhạc lý phổ thông, thanh phách có thể dùng khi ôn tập hoặc kiểm tra để sinh viên gõ tiết tấu, làm quen với nhịp, phách.

Nhóm giáo cụ trực quan trong dạy học phân môn Nhạc lý phổ thông bao gồm bảng biểu, sơ đồ; tấm ghép…

Sơ đồ, bảng biểu trong dạy học phân môn Nhạc lý phổ thông là những hình ảnh minh họa nội dung dạy học do giảng viên tổng hợp, khái quát và sáng tạo ra. Sơ đồ, bảng biểu có thể  là những hình ảnh minh họa nội dung bài học có sẵn trong giáo trình. Bảng biểu có thể được giảng viên dùng trong nội dung cấu tạo của các dạng hợp âm ba, các loại quãng cơ bản. Sơ đồ có thể được giảng viên sử dụng để biểu thị tương quan giữa các trường độ nốt nhạc, so sánh sự khác nhau giữa điệu trưởng và điệu thứ, giữa các loại nhịp, vòng quãng năm chỉ khoảng cách nối tiếp giữa các giọng trưởng, giọng thứ…Sinh viên vừa nghe giảng, vừa quan sát bảng biểu hoặc kết hợp nghe đàn sẽ cùng lúc huy động mọi khả năng tiếp thu kiến thức phân môn Nhạc lý phổ thông qua cả “kênh hình” và “kênh tiếng”, kết hợp bộc lộ cảm xúc các nội dung âm nhạc khác nhau. Sử dụng các phương tiện là sơ đồ, bảng biểu cũng đòi hỏi giảng viên phải biết kết hợp với các phương pháp dạy học âm nhạc khác nhau để đạt đến hiệu quả tối ưu trong việc truyền thụ nội dung kiến thức cho sinh viên tiếp nhận.

Tấm ghép là những miếng ghép nhỏ bằng giấy, bìa cứng hoặc bằng nhựa có nhiều màu sắc khác nhau. Màu nền của tấm ghép phải làm nổi rõ hình mô tả nội dung nhạc lý cần quan sát. Giảng viên tạo ra từng tấm ghép hoặc bộ ghép theo từng nội dung, yêu cầu của môn học. Các bộ ghép, tấm ghép có thể sử dụng trên lớp trong những giờ ôn tập, kiểm tra… Trong dạy học nhạc lý phổ thông, các tấm ghép có thể được giảng viên dùng vào nội dung nhận biết các nốt nhạc cơ bản, trường độ của các nốt nhạc, dấu lặng… Tấm ghép hay bộ ghép còn được phát huy tác dụng khi giảng viên yêu cầu sinh viên sử dụng tấm ghép để trình bày một số bài tập thực hành nội dung nhạc lý phù hợp. Điều đó sẽ phát huy tính chủ động, tích cực tham gia các hoạt động xây dựng bài, trình diễn các nội dung nhạc lý cho các sinh viên khác trong lớp cùng xem, góp ý, nhận xét. Cứ như vậy, bài học nhạc lý sẽ đi vào nhận thức của từng sinh viên một cách vui, sinh động. Sinh viên sẽ ghi nhớ các khái niệm âm nhạc một cách sâu sắc, dễ dàng…

Nhóm Trang thiết bị điện tử sử dụng trong dạy học có thể kể đến như máy vi tính, máy chiếu, loa đài, máy ảnh, máy quay phim… Trong dạy học phân môn Nhạc lý phổ thông, các thiết bị điện tử này là những phương tiện trực quan có thể sử dụng khá hiệu quả.

Máy vi tính Trong dạy học phân môn Nhạc lý phổ thông có thể được dùng để ghi chép hoặc lưu trữ những nội dung cần thiết, cài đặt các phần mềm âm nhạc, thiết kế các bài giảng điện tử hoặc chỉnh sửa các đoạn nhạc theo ý muốn, lướt web tìm kiếm thông tin, kết nối đến máy chiếu… Máy tính có thể sử dụng trong hầu hết các nội dung của chương trình dạy học phân môn Nhạc lý phổ thông.

   Máy chiếu được sử dụng để trình chiếu nội dung bài giảng, hình ảnh, trình chiếu video… Tuy nhiên khi sử dụng máy chiếu, giảng viên cần đảm bảo sự ổn định của các phương tiện kết nối liên quan như máy tính, loa đài, dây kết nối, ổ điện, nguồn điện… Máy chiếu có thể sử dụng cho hầu hết tất cả các nội dung trong chương trình dạy học phân môn Nhạc lý phổ thông.

Loa là một thiết bị điện tử dùng để khuếch đại âm thanh.  Trong dạy học Nhạc lý phổ thông, giảng viên nên lựa chọn dùng loại loa nhỏ có tích hợp âm ly ở phía trong để khuếch đại âm thanh, có thể cắm được trực tiếp USB hoặc thẻ nhớ. Loại loa này còn có ưu điểm là gọn, nhẹ, có thể hoạt động độc lập và dễ kết nối với các phương tiện trực quan khác như: máy tính, đầu đĩa... Loa có thể được giảng viên dùng vào nhiều nội dung trong dạy học phân môn Nhạc lý phổ thông.

Máy trợ giảng là loại máy tổng hợp cả ba chức năng của loa, đài và micro trong một chiếc máy nhỏ, gọn. Dùng máy trợ giảng, giảng viên có thể di chuyển tự do trong lớp, tới gần sinh viên, treo bảng biểu, sơ đồ, đánh đàn…, kết hợp với phương pháp dùng lời một cách thuận tiện. Giảng viên cũng có thể đọc nốt nhạc, thị phạm một số nội dung âm nhạc trong phân môn Nhạc lý phổ thông cho tất cả sinh viên nghe rõ mà không tốn sức nhiều.

Nhóm Phần mềm tin học trong dạy học phân môn Nhạc lý phổ thông có nhiều nhưng chúng tôi lựa chọn một số phần mềm như sau; Phần mềm Encore, phần mềm Adobe, phần mềm Power point.

   Encore là một phần mềm âm nhạc ra đời từ rất sớm. Đây là một phần mềm soạn nhạc tiêu chuẩn với những ký hiệu nốt nhạc, khuông nhạc, khóa nhạc, các dấu hóa,... Trong dạy học nhạc lý phổ thông, giảng viên sử dụng phần mềm Encore soạn các nốt nhạc, khuông nhạc, khóa nhạc, dấu hóa, hợp âm, gam, giai điệu… để làm ví dụ minh họa hoặc làm đề kiểm tra, đề thi văn bản âm nhạc, thay vì cách kẻ, viết nốt nhạc truyền thống. Sau khi soạn được một bản nhạc hoàn chỉnh, hay một chuỗi các âm thanh với tiết tấu, cao độ… cần thiết, giảng viên có thể in ra giấy hoặc chèn vào slide các giáo án điện tử hoặc lưu lại dưới dạng file midi để tiện sử dụng trong các tiết học nhạc lý phổ thông.

   Phần mềm Adobe Audition là một phần mềm biên tập và xử lý âm thanh chuyên nghiệp. Trong dạy học nhạc lý phổ thông, giảng viên có thể khai thác những tính năng của phần mềm này để minh họa các nội dung về âm thanh, cao độ âm nhạc rất sinh động.

   Microsoft PowerPoint là một công cụ biên soạn và trình chiếu hết sức thuận lợi và dễ dùng. Phần mềm này có thể sử dụng được trong hầu hết tất cả nội dung trong học phần Nhạc lý phổ thông.

   Như vậy có thể thấy ba phần mềm tin học: Encore, Adobe Audition, và Power Point có những khả năng ứng dụng khá cao trong dạy học nhạc lý phổ thông.

Phương tiện trực quan có ý nghĩa nhất định trong toàn bộ quá trình dạy học, tuy nhiên không phải tự thân nó có toàn bộ ý nghĩa đó. Nói cách khác là không phải cứ sử dụng phương tiện trực quan là có tác dụng dạy học - giáo dục, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào việc người giảng viên sử dụng nó như thế nào. Để việc sử dụng phương tiện trực quan đạt hiệu quả cao trong quá trình dạy học nói chung và dạy học phân môn Nhạc lý phổ thông nói riêng đòi hỏi giáo viên cần phải sử dụng phương tiện trực quan phù hợp với phương pháp dạy học âm nhạc, bám sát nội dung và sử dụng phương tiện trực quan thật thành thạo và vừa đủ sẽ đem lại kết quả tốt trong giờ học phân môn Nhạc lý phổ thông.

 

                                TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.         Phạm Tú Hương (1999), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, (giáo trình CĐSP) Nxb Giáo dục, Hà Nội.

2.         Phạm Tú Hương, Đỗ Xuân Tùng, Nguyễn Trọng Ánh (2005), Giáo trình Lý thuyết Âm nhạc cơ bản dành cho hệ Trung học Âm nhạc chuyên nghiệp, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Hà Nội.

3.         Đỗ Hải Lễ (2001), Lý thuyết cơ bản về âm nhạc, Nhà in Khoa học và Công nghệ 70B Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.

4.         Ngô Thị Nam (1996), Âm nhạc và phương pháp dạy học âm nhạc tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

5.         Ngô Thị Nam (1998), Âm nhạc và phương pháp dạy học âm nhạc tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

6.         Trần Tuyết Oanh (chủ biên), Phạm Khắc Chương, Phạm Viết Vượng, Bùi Minh Hiền, Nguyễn Ngọc Bảo, Bùi Văn Quân, Phan Hồng Vinh, Từ Đức Văn (2013), Giáo dục học tập 1, tập 2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.