Nội san

Nâng cao khả năng nhận thức ký hiệu âm nhạc cho trẻ năng khiếu 5 - 6 tuổi

20 Tháng Ba 2016

 Vũ Thị Thanh Nhiều [*]

 

 

Vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mầm non, việc tổ chức các trò chơi cho trẻ là vô cùng quan trọng và có ý nghĩa giáo dục to lớn. “Học mà chơi - chơi mà học” là nét đặc trưng trong hoạt động nhận thức của trẻ.  

Thông qua hoạt động học tập, các trò chơi sẽ vừa là môi trường, vừa là phương pháp để trẻ nhận biết những kiến thức về xã hội, tự nhiên, khoa học và nghệ thuật. Nói một cách khác, trò chơi chính là phương tiện để trẻ học làm Người . Xuất phát từ những đặc điểm về tâm sinh lý, cùng nhu cầu vui chơi cho thấy, trẻ mầm non trải nghiệm và thu nhận những kiến thức, kĩ năng trong cuộc sống tự nhiên, xã hội thông qua việc cảm nhận và vận động các giác quan để lĩnh hội các kiến thức và kĩ năng chủ yếu trong  quá trình vui chơi, giao tiếp.

Với đặc điểm nhận thức theo kiểu tư duy “trực quan hình tượng”, cảm xúc luôn chi phối hành động, để thu hút, kích thích được sự tập trung, hứng thú, tích cực chủ động và sáng tạo của trẻ tham gia vào các hoạt động vui chơi - học tập, giáo viên cần tích cực cho trẻ tiếp xúc với thế giới của giai điệu, của âm thanh thông qua các trò chơi âm nhạc. Vui chơi, thực hành trong các hoạt động giáo dục sẽ chính là hình thức, đồng thời cũng là phương pháp giáo dục phù hợp nhất, hiệu quả nhất để nâng cao khả năng ghi nhớ các kí hiệu âm nhạc sơ giản nhất đối với trẻ.

Và cũng chỉ khi hiểu, cảm nhận và thực hành được các kí hiệu trong bản nhạc thì các em mới có thể chủ động trong việc thực hành các kĩ năng cơ bản trong đọc nhạc, trong hát hay chơi đàn. Từ đó, việc cảm thụ âm nhạc mới sâu sắc hơn, hoạt động giáo dục âm nhạc cho trẻ mầm non năng khiếu âm nhạc mới thực sự đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, bồi dưỡng và phát triển năng khiếu âm nhạc cho trẻ.

 1. Khái lược về trò chơi âm nhạc

Trò chơi âm nhạc chính là những hoạt động vui chơi, trải nghiệm và thu nhận các kiến thức, kĩ năng thực hành âm nhạc cho trẻ mầm non. Trò chơi vừa là hình thức, đồng thời là biện pháp để giúp trẻ mầm non nói chung và trẻ năng khiếu 5 - 6 nói riêng thu nhận, tích lũy, thực hành kĩ năng, hình thành tri thức và kinh nghiệm hoạt động âm nhạc.

Như vậy, với mỗi trò chơi âm nhạc bao giờ cũng bao gồm hai yếu tố kết hợp chặt chẽ và tích hợp trong nhau không thể chia tách, các nội dung và yêu cầu chơi luôn được thể hiện qua các yêu cầu và kĩ năng thực hành âm nhạc. Hay có thể nói, nội dung và yêu cầu thực hành kĩ năng âm nhạc sẽ luôn quyết định tính chất và hành động trong trò chơi.

            Trong mỗi trò chơi âm nhạc, bao giờ cũng nhằm mục đích cung cấp, mở rộng ấn tượng, khái niệm và cảm xúc với âm nhạc, đồng thời cũng giải quyết các nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể về nhận thức, rèn luyện hay củng cố kĩ năng thực hành âm nhạc. Chính vì vậy, mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, hành động chơi, luật chơi, quá trình chơi đều phải tôn trọng những đặc trưng, những thành tố, tính thẩm mĩ của nghệ thuật âm nhạc, căn cứ vào khả năng thực hành của trẻ, bên cạnh việc đảm bảo các điều kiện về phương tiện, thiết bị cơ sở vật chất và an toàn với trẻ.  

 

Ảnh: Một giờ học âm nhạc của trẻ em ( Nguồn: sưu tầm)

 

             Thực tế, những trò chơi âm nhạc do các giáo viên năng khiếu âm nhạc thiết kế và tổ chức cho trẻ chơi trong giờ học âm nhạc, bao giờ cũng xác định nhiệm vụ nhận thức rõ ràng nhằm hỗ trợ việc tiếp thu và lĩnh hội các kiến thức hay kĩ năng học tập, nhất là trong việc dạy học cho trẻ năng khiếu âm nhạc.

2.Trẻ năng khiếu âm nhạc

Theo sách Tâm lý học nhân cách của tác giả Nguyễn Ngọc Bích, “Năng khiếu là những tiền đề bẩm sinh, những khuynh hướng đầu tiên tạo điều kiện cho năng lực và tài năng phát sinh. Nó bao gồm những đặc điểm tâm sinh lý giải phẫu của hệ thống thần kinh và khuynh hướng tâm lý đầu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển một năng lực nào đó”[1]. Nghĩa là không phải trẻ nào có năng khiếu cũng là thiên tài. Một em có năng khiếu đối với hoạt động nào đó không nhất thiết sẽ trở thành tài năng trong lĩnh vực ấy và ngược lại.

Điều này cho thấy rằng năng khiếu chỉ là dấu hiệu ban đầu của tài năng chứ không phải là tài năng. Cấu trúc của năng khiếu chỉ mới xuất hiện một số thành phần cơ bản nhưng chưa ổn định, dễ thay đổi. Trẻ có năng khiếu thường có ý chí, tình cảm đặc biệt với hoạt động đặc biệt nào đó.

Trẻ năng khiếu âm nhạc 5 - 6 tuổi ở bậc học mầm non, là trẻ có độ nhạy cảm cao hơn, khả năng ghi nhớ âm nhạc và thực hành âm nhạc tốt hơn những trẻ mầm non bình thường.

Việc xác định sự cảm nhận âm nhạc của một trẻ ở mức độ “bình thường” hay “có năng khiếu” sẽ được căn cứ trên mặt bằng và yêu cầu chung về các kĩ năng thực hành âm nhạc các chuyên gia xây dựng và ban hành các nội dung chương trình giáo dục âm nhạc đại trà cho lứa tuổi mầm non và các bậc học tiếp theo.

             3. Vai trò của trò chơi trong việc nâng cao khả năng nhận thức và thực hành âm nhạc cho trẻ mầm non

Trên thế giới, đã có rất nhiều nhà nghiên cứu đưa ra những quan điểm về ý nghĩa của trò chơi và sự tác động của nó đối với việc giáo dục và phát triển nhân cách và trí tuệ, nhận thức của trẻ mẫu giáo. Trong đó cần kể đến quan điểm của nhà giáo dục Xô - viết như N.K. Crupxkaia mà tác giả Nguyễn Thị Hòa đề cập đến trong cuốn Phát huy tính tích cực nhận thức của trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi trong trò chơi học tập như sau:

“Trò chơi học tập không những là phương thức nhận biết thế giới, là con đường dẫn dắt trẻ em đi tìm chân lý mà còn giúp trẻ xích lại gần nhau, giáo dục cho trẻ tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc. Trẻ em không chỉ học trong lúc học mà còn học cả trong lúc chơi. Chơi với trẻ là vừa là học, vừa là lao động, vừa là hình thức giáo dục nghiêm túc” [4, tr.21].

Theo sách Nguyễn Ánh Tuyết (2003). Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội) thì  “Trò chơi có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển tâm lý trẻ bởi những phẩm chất tâm lý và những đặc điểm nhân cách của trẻ em mẫu giáo được phát triển mạnh mẽ nhất là trong hoạt động vui chơi”

Trong công trình nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Hòa đã chỉ ra rằng:

“Việc dạy học cho trẻ mẫu giáo bằng các trò chơi học tập đã tạo cho chúng khả năng giải quyết nhiệm vụ nhận thức dưới hình thức chơi nhẹ nhàng, không bị áp đặt, nâng cao hứng thú của trẻ, phát triển năng lực tập trung chú ý, tạo điều kiện thuận lợi cho những hành động có định hướng phù hợp với lời chỉ dẫn của cô giáo và đảm bảo cho việc lĩnh hội tri thức, kỹ năng một cách tốt hơn” [4, tr.49]

Từ những quan điểm trên có thể nhận thấy vai trò quan trọng của trò chơi âm nhạc trong việc phát triển năng nhận thức những kiến thức âm nhạc qua các biểu hiện dưới đây.

Thứ nhất, trò chơi âm nhạc phát triển khả năng ghi nhớ có chủ định những kiến thức âm nhạc.

Khi chơi trò chơi trẻ bắt đầu hình thành chú ý và ghi nhớ có chủ định. Trên cơ sở đó trẻ biết tập trung điều khiển sự chú ý vào đối tượng nhất định nhằm đạt được mục đích trong trò chơi. Trẻ biết điều khiển khả năng ghi nhớ của mình vào đối tượng quan trọng để hoàn thành nhiệm vụ, vai trò của mình trong khi chơi. 

Từ đặc điểm này, khi chơi trò chơi có sự xuất hiện của những ký hiệu âm nhạc, những kiến thức âm nhạc sơ giản. Giáo viên đặt ra nhiệm vụ rõ ràng cho trẻ cần chú ý, ghi nhớ những ký hiệu âm nhạc nào, những kiến thức âm nhạc nào, đi đôi với nhiệm vụ là phần thưởng cho trẻ. Bản năng ham chơi, thích được khen, thích được thưởng cùng với khả năng chú ý, ghi nhớ có chủ định vốn có của trẻ sẽ giúp chúng hoàn thành nhiệm vụ tiếp thu những kiến thức âm nhạc mà giáo viên giao cho một cách dễ dàng.

             Thứ hai, trò chơi âm nhạc góp phần phát triển khả năng miêu tả các ký hiệu âm nhạc bằng ngôn ngữ của trẻ.

Khi tham gia trò chơi với các bạn, trẻ bắt buộc phải dùng ngôn ngữ để diễn đạt ý của mình và mong muốn của bản thân trong trò chơi. Từ đó trẻ sẽ hình thành và phát triển khả năng miêu tả những ký hiệu âm nhạc trong trò chơi và trẻ có thể trình bày khái niệm âm nhạc đã được học bằng ngôn ngữ của bản thân.

             Thứ ba, trò chơi âm nhạc thúc đẩy sự phát triển các thao tác của tư duy.

Khi trò chơi được thiết kế gắn liền với những khái niệm, ký hiệu âm nhạc, thì trong quá trình chơi bắt buộc trẻ phải suy nghĩ hình dung, tưởng tượng về những ký hiệu đã được nhận biết, ghi nhớ, đồng thời cũng cần suy nghĩ để làm sao để thực hiện được các hành động, yêu cầu, kĩ năng chơi nhanh và đúng nhất. Ví dụ: Khi trẻ chơi trò chơi “Voi con chở củi”, trẻ cần tưởng tượng ra vị trí của các dòng kẻ phụ trên khuông nhạc, đồng thời trẻ phải quan sát trên khuông nhạc các vị trí đúng của các dòng kẻ phụ rồi gắn các thanh củi lên khuông nhạc cho chính xác. Chính vì vậy, trò chơi sẽ góp phần phát triển khả năng quan sát óc tưởng tượng và sáng tạo ở trẻ  của trẻ.

            Thứ tư, trò chơi âm nhạc kích thích tính chủ động, tích cực, độc lập ở trẻ.

            Khi tham gia trò chơi âm nhạc, trẻ được kích thích vận động tất cả các giác quan, phát triển cảm giác, tri giác, chú ý, tư duy, trí nhớ cũng như tình cảm và kinh nghiệm, và các mối quan hệ tương tác với người và sự vật xung quanh. Từ đó sẽ làm cho trẻ trở nên tích cực hơn trong việc nhận biết những kiến thức âm nhạc mới. Và ngay khi thàm gia vào các trò chơi, sự hứng thú, phấn khích sẽ khiến trẻ chủ động, độc lập và tích cực tham gia với vai trò cá nhân hoặc gắn kết với nhóm bạn trong khi chơi. Ví dụ: Khi tham gia trò chơi “Voi con trở củi” trẻ phải vận động tay, chân, cơ thể, sự khéo léo của đôi tay và sự tinh nhanh của đôi mắt cùng vơi khả năng phối hợp ăn ý vơi bạn cùng đội để gắn được các thanh củi lên vị trí  các dòng kẻ phụ nhanh và chính xác nhất. Từ đó trẻ sẽ nhớ được tên gọi và vị trí  của các dòng kẻ phụ một cách tự giác tự nguyện và tích cực.  

Phương pháp, biện pháp dạy học là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, chất lượng dạy học; xây dựng các trò chơi âm nhạc để hỗ trợ việc dạy những nhận biết các ký hiệu âm nhạc cho trẻ mầm non 5-6 tuổi, nhằm khắc phục các vấn đề khó khăn, tồn tại trong dạy học lý thuyết âm nhạc cho trẻ năng khiếu, và như vậy trò chơi chính là một biện pháp khả thi và hỗ trợ đắc lực cho các giáo viên. Với tính chất “mở” vả linh hoạt, trò chơi âm nhạc vừa là biện pháp, hình thức, vừa là nội dung tạo ra các môi trường học tập linh hoạt.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.    Nguyễn Ngọc Bích (1998), Tâm lý học nhân cách, Nxb Giáo dục

2.         Trần Diệu Hiền (2005), Nghiên cứu và ứng dụng một số trò chơi âm nhạc cho học lớp một trong hoạt động ngoại khóa, Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương.

3.        Nguyễn Thị Hòa (2003), Biện pháp tổ chức trò chơi học tập nhằm phát huy tính tích cực nhận thức của trẻ mẫu giáo lớn 5 – 6 tuổi, Luận án tiến sĩ giáo dục học, Hà Nội.

4.         Nguyễn Thị Hòa (2010), Phát huy tính tích cực nhận thức của trẻ mẫu giáo 5-6 trong trò chơi học tập, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

5.        Cù Minh Nhật (2011), Bài tập vui giúp bé thuộc nhanh nốt nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k3 – Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc