Nội san

Phát huy giá trị di sản văn hóa của vương triều Lý gắn với phát triển du lịch bền vững

25 Tháng Ba 2016

Quyền Minh Hoàng Phương[*]

 

Di sản văn hóa trên địa bàn thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh rất phong phú về số lượng, loại hình, vừa có giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, vừa góp phần làm giàu bản sắc văn hiến Bắc Ninh - Kinh Bắc. Theo thống kê của Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh, toàn thị xã hiện có 134 di tích lịch sử văn hoá, trong đó có 49 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, cấp tỉnh, cùng hàng trăm tài liệu và hiện vật, cổ vật có giá trị khai thác nhằm phát huy truyền thống và phát triển du lịch. Tiêu biểu như: Cụm di tích lịch sử văn hoá Đền Đô là nơi thờ 8 vị vua triều Lý, được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, hay di tích đình làng Dương Lôi; Đền Miễu…

Ngày nay, du lịch được coi là một trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi văn hóa, là động lực tích cực cho việc bảo vệ di sản văn hóa, và đã thành một phức hợp đóng một vai trò chủ yếu trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, sinh thái và thẩm mỹ... đó là mối tương tác giữa du lịch và di sản văn hóa nêu tại Công ước quốc tế về du lịch văn hóa đã được ICOMOS thông qua tại kỳ họp Đại Hội Đồng lần thứ 12 ở Mexico năm 1999. Một số mục tiêu đáng chú ý của Công ước: “Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích ngành kinh doanh du lịch đẩy mạnh và quản lý du lịch theo hướng tôn trọng và phát huy di sản và các văn hóa đang tồn tại...”, “Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích đối thoại giữa những người chịu trách nhiệm về di sản và những người kinh doanh du lịch nhằm làm họ hiểu rõ hơn tầm quan trọng và tính chất mỏng manh dễ hỏng của các tổng thể di sản, các sưu tập, các văn hóa đang tồn tại, kể cả sự cần thiết phải đảm bảo một tương lai bền vững cho những di sản đó”.

Bắc Ninh nói chung và Từ Sơn nói riêng rất phong phú về hoạt động du lịch nhưng hiện nay khách tham quan chủ yếu mới chỉ ở mức độ đi du lịch kết hợp với việc tham quan, đi lễ tại các di tích. Chính vì vậy, nguồn thu từ lĩnh vực này chưa cao, việc tạo ra các sản phẩm tại di tích hầu như chưa có, chưa có sự kết hợp các hoạt động hoặc yếu tố khác trong các tuyến tham quan di tích nên lượng khách đến với di tích, hoặc đi du lịch chỉ mang tính chất ghé qua trong ngày mà hầu như không có khách lưu trú, nên nguồn thu mang lại không cao. Để làm được việc này, UBND tỉnh Bắc Ninh cần triển khai nội dung quy hoạch phát triển du lịch kết hợp với việc bảo tồn di sản văn hóa tỉnh Bắc Ninh để phát huy mọi nguồn lực kể cả xã hội hóa, đầu tư từ nước ngoài để đầu tư bảo vệ, tu bổ, phục hồi di tích, cảnh quan môi trường, lễ hội, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo nhiều điểm đến cho khách tham quan, hưởng thụ văn hóa.

Trong những năm qua, các hoạt động phát huy giá trị di sản văn hóa thời Lý đã được tỉnh Bắc Ninh đặc biệt quan tâm và bước đầu đã đạt những hiệu quả đáng kể. Trên địa bàn thị xã Từ Sơn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao tập trung trong các di tích thời Lý; quê hương Đình Bảng có trường trung học phổ thông mang tên Lý Thái Tổ. Nhiều năm nay, khu di tích Đền Đô thường xuyên đón tiếp các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng bảo trong nước, nước ngoài tới tưởng niệm và tham quan. Lễ hội Đền Đô đã trở thành ngày hội lớn quy mô quốc gia, nhân dân cả nước bày tỏ sự kính trọng, biết ơn với các vua Lý. Các chương trình của lễ hội Đền Đô đã đóng góp quan trọng vào lễ hội kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2000.

Các di tích lịch sử văn hóa thời Lý như đền Đô, hàng ngày có du khách trong nước và nước ngoài đến dâng lễ, tưởng niệm và tham quan du lịch. Những khu di tích lịch sử - văn hóa có giá trị tiêu biểu của quốc gia, như khu di tích về quê hương nhà Lý ở Đình Bảng và Dương Lôi (thị xã Từ Sơn), cần xúc tiến nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị Nhà nước xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt. Khuyến khích các địa phương đóng góp và tham gia tu bổ, tôn tạo các di tích đang xuống cấp; Tăng cường công tác quản lý Nhà nước và hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm chỉnh Luật Di sản văn hóa trong việc bảo vệ, tu sửa, tôn tạo và sử dụng di tích, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Đẩy mạnh phong trào xã hội hóa công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích nhằm huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội đóng góp vào công việc có ý nghĩa văn hóa – xã hội to lớn này. Những hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của Vương triều Lý vô cùng phong phú và đa dạng. Cụ thể như bảo tàng tỉnh có cuộc trưng bày di sản văn hóa thời Lý năm 2010, và 2014 với chủ đề: “Di sản văn hóa thời Lý và những cổ vật tiêu biểu”, trong đó có số lượng phong phú và đặc sắc các di sản văn hóa thời Lý.

 

6

Khung cảnh Đền Đô (Nguồn: sưu tầm)

 

Công tác nghiên cứu, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, nhằm làm sáng tỏ giá trị của các di sản văn hóa tiêu biểu, những sự kiện lịch sử tiêu biểu thời Lý là người quê hương Từ Sơn, như các vua Lý, bà Phạm Thị, các thiền sư Khánh Văn, Vạn Hạnh, các danh nhân lịch sử văn hóa của quê hương, đã đóng góp to lớn vào việc kiến lập và xây dựng triều Lý. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Ninh đã triển khai các cuộc hội thảo“ Quê hương Bắc Ninh với vương triều Lý” nhân kỷ niệm 1000 năm  vua Lý Thái Tổ đăng quang (1009 – 2009), nhằm khẳng định vị trí, vai trò của Bắc Ninh và những cống hiến to lớn mang tầm vóc lịch sử của Lý Thái Tổ - vị vua khai mở triều Lý, dựng lập quốc đô Thăng Long.

 Tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật chào mừng, tiêu biểu là Festival văn hóa Kinh Bắc, các lễ hội Đền Đô, lễ hội chùa Tiêu... Phát triển các tour du lịch tham quan những di sản văn hóa trên quê hương nhà Lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị di sản văn hóa thời Lý và các hoạt động văn hóa nghệ thuật của quê hương Bắc Ninh chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Các hoạt động này đã góp phần phát huy giá trị Di sản văn hóa (DSVH)  gắn liền với phát triển du lịch bền vữngcủa địa phương.

Hiện nay, du lịch văn hóa đang là một trào lưu mang tính toàn cầu, nó không thể không được quan tâm vì những tác động tích cực của nó đối với cả lĩnh vực kinh tế và văn hóa. Du lịch văn hóa là hình thức du lịch dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc với sự tham gia của cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Như vậy, du lịch văn hóa không chỉ dựa vào văn hóa để phát triển mà còn mang sứ mệnh tôn vinh văn hóa, bảo vệ những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời làm giàu thêm văn hóa bằng những hoạt động của mình thông qua sự giao lưu văn hóa, làm cầu nối cho sự tiếp xúc, tiếp nhận những tinh hoa văn hóa các dân tộc khác trên thế giới.

Các di sản văn hóa của Vương triều Lý có lịch sử gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước. Đây là những di sản văn hóa vật thể vô giá mà các thế hệ đi trước đã trao truyền lại cho chúng ta. Thế hệ trẻ hôm nay không những phải biết quý trọng mà phải biết phát huy tác dụng của hệ thống di sản này, phục vụ cho việc giáo dục truyền thống, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Để có thể phát triển du lịch bền vững tại các di tích lịch sử văn hóa nói chung và di sản văn hóa của Vương triều Lý nói riêng không nên để diễn ra tình trạng các cơ sở dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, hạ tầng giao thông gây tác động tiêu cực đến các di sản. Muốn vậy, trước hết cần quan tâm đến việc xây dựng hoàn thiện quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản và quy hoạch phát triển du lịch cùng các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tại các di tích lịch sử văn hóa; các quy hoạch này phải hài hòa hỗ trợ cho nhau, không mâu thuẫn nhau theo nguyên tắc đảm bảo cho sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Các hoạt động phát triển, dịch vụ du lịch nhà nước và cộng đồng cần được thực hiện theo đúng quy hoạch và đúng luật. Chúng ta cũng đã nói nhiều đến những hiện tượng không lành mạnh tại một số điểm tham quan du lịch như: sự quá tải về phương tiện dịch vụ, cửa hàng ở một số khu vực di sản vào các thời kỳ cao điểm như chính hội, giữa mùa du lịch, nạn chèo kéo khách, ăn mày, ăn xin, lừa đảo, tệ nạn xã hội; tình trạng thiếu hướng dẫn chuyên nghiệp v.v... Đó là những việc thường xuyên xảy ra tại các điểm tham quan du lịch hiện nay. Để giải quyết các tình trạng nêu trên, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, địa phương và một số ngành liên quan thì mới có thể giải quyết tận gốc của vấn đề.

Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương công bố quy hoạch và triển khai thực hiện quản lý quy hoạch. Xây dựng, trình HĐND, UBND tỉnh ban hành các Văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong quản lý di sản văn hóa. Cụ thể hoá nội dung quy hoạch thành kế hoạch hàng năm, đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện; hướng dẫn cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước, quản lý chỉ đạo hoạt động khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa. Phối hợp với ngành liên quan tham mưu chỉ đạo gắn việc triển khai thực hiện quy hoạch với Kế hoạch thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với di sản văn hóa. Xây dựng, trình duyệt và là chủ đầu tư một số dự án, công trình trọng điểm. Định kỳ kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Sở Công thương để xây dựng quy hoạch phát triển khôi phục các làng nghề, thủ công; Phối hợp với Sở Giao thông vận tải để phát triển đề án giao thông đường bộ, đường thủy dẫn đến các điểm tham quan. Xây dựng hệ thống hạ tầng, các điểm dừng chân đón, phục vụ khách dọc các tuyến quốc lộ, rà soát, kiểm tra hệ thống biển bảng, xe vận tải chuyên chở khách du lịch; Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường để biết được vị trí và các khu vực được cắm mốc; Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, tỉnh đoàn để xây dựng chương trình giáo dục cho học sinh, sinh viên và thanh niên để đưa các bài giảng về hệ thống di sản văn hóa của Vương triều Lý vào các trường học, các buổi sinh hoạt và các cuộc thi tìm hiểu về di tích, về lịch sử địa phương và về các nhân vật nổi tiếng… Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chính sách thu hút, ưu đãi khuyến khích đầu tư; Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật của nhà nước về khai thác và phát huy giá trị di tích gắn với việc phát triển du lịch; Phối hợp với Báo Bắc Ninh, Đài phát thanh và truyền hình Bắc Ninh tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư hiểu, nắm vững mục tiêu và các quy định về bảo tồn phát huy di sản văn hóa.

Các vấn đề trên nếu được làm một cách bài bản, khoa học và kịp thời thì việc khai thác và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với du lịch trên địa bàn thị xã Từ Sơn là việc trong tầm tay đối với các nhà hoạch định, các nhà quản lý. Những hoạt động trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích đã góp phần vào công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa của cả nước nói chung và của địa phương nói riêng. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa của thị xã Từ Sơn nói riêng, tỉnh Bắc Ninh nói chung, các di tích liên quan đến Vương triều Lý nói riêng được thực hiện có hiệu quả sẽ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, giáo dục truyền thống đoàn kết, yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các thế hê đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay, đồng thời tạo nên nguồn nội lực to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Sở Văn hóa thể thao Hà Bắc (1982), Địa chí Hà Bắc, Nxb Văn hóa Thể thao, Hà Nội.
  2.  Sở Văn hóa thông tin (2004), Danh nhân – danh thắng xứ Bắc, Nxb Văn hóa dân tộc.
  3.  Đỗ Thị Thủy (1999), Văn hóa quê hương nhà Lý, Nxb Hà Nội.
  4. Đỗ Thị Thủy (2010), Làng Dương Lôi với vương triều Lý, Nxb Văn hóa dân tộc, Bắc Ninh.
  5.  UBMTTQ Tp Hà Nội, Hội Sử học Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành Cổ và Văn phòng quốc gia Ban chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long (2009), Vương triều Lý và kinh đô Thăng Long, Hà Nội.
  6. UNESCO(1972),Côngướcvềviệcbảovệdisảnvănhoávàtựnhiêncủathếgiới,www.nea.gov.vn/luat.
  7.  UNESCO (2004), Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Thông báo khoa học Viện văn hóa - Thông tin, số 9, 6/2004.

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k1 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa