Nội san

Hát giao duyên của ngư dân làng chài vịnh Hạ Long

28 Tháng Ba 2016

                                                                                                 Bùi Thanh Long [*]

 

Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới bởi hai giá trị  nổi bật: giá trị cảnh quan và giá trị địa chất địa mạo vào năm 1994 và 2000. Sau khi vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, việc tồn tại những làng chài thủy cơ trên vịnh Hạ Long đã tạo nên một nét đặc trưng riêng của vùng vịnh này. Các hình thức du lịch cộng đồng, trải nghiệm cùng ngư dân, nghe những làn điệu hát giao duyên mượt mà, đằm thắm, trữ tình được rất nhiều khách du lịch quan tâm, tìm hiểu và ưa thích. Nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng được xây dựng và phát triển dựa trên nền tảng giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của cộng đồng ngư dân trên vịnh Hạ Long.

Những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của cộng đồng ngư dân, tập trung vào sinh hoạt hát giao duyên - một đặc điểm văn hóa nổi trội và đặc trưng nhất của ngư dân Hạ Long là một thành tố văn hóa quan trọng góp phần định hướng, xây dựng chiến lược quản lý toàn diện, hiệu quả đối với vịnh Hạ Long trong tình hình mới hiện nay.

Trước đây, làng Giang Võng và Trúc Võng được các nhà Nho thời phong kiến ghi lại dưới tư cách một đơn vị làng thủy cơ, xuất hiện vào nửa cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20, trong Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn). Tuy nhiên, các công trình mang tính chất lịch sử và địa dư này chỉ nêu tên địa danh làng thủy cơ Giang Võng, Trúc Võng với những đặc điểm nghề nghiệp và vị trí.địa lí thuần túy.Sự xuất hiện có tính chất độc đáo của hai làng chài Giang Võng và Trúc Võng tại Cửa Lục – Vịnh Hạ Long dù không được các sử gia và những danh nhân văn hóa chú ý tới, nhưng những làn điệu hát giao duyên của cư dân hai làng chài này ít nhiều để lại nhiều ấn tượng trong một số bài viết của các nhà Nho, thi nhân ở đầu thế kỉ 20.

Hát giao duyên xuất hiện và phát triển từ khá lâu đời. Trải từ đời này sang đời khác nó được trau chuốt gọt dũa, tích tụ trở thành những giá trị chân thiện mỹ, làm phong phú, giàu có văn hóa dân tộc. Hát giao duyên của ngư dân vạn chài Hạ Long có nhiều hình thức, làn điệu song chủ yếu là lối hát đối đáp giữa nam và nữ, đặc sắc hơn cả là hát chèo đường, hò biển và hát cưới trên thuyền.

Hò biển, hát chèo đường (hát chèo thuyền) còn gọi là hát đúm, hát giai gái, hát đố, hát giảng. Giai điệu của lối hát này gần với giai điệu của giọng hò miền Trung nhưng mềm mại, chậm rãi, mênh mang, trữ tình hơn. Sau tiếng “..ơ..ơ…ơ” ngân rất dài là lời hát với tiết tấu chầm chậm, âm vực thấp, vì vậy ai cũng có thể hát được. Cái hay của hát đúm được thể hiện trong ý tứ của lời ca, những bài ca dao thể thơ lục bát hoặc lục bát biến thể chủ đề về tình yêu nam nữ, sự đối đáp ứng biến nhanh nhạy, hay họa lại một cách tinh tế, ý nhị. Hát chèo đường thường diễn ra rất tự nhiên ở mọi nơi, mọi lúc trên Vịnh Hạ Long.  Hát giao duyên trên biển là những khúc hát say đắm nhất, những sinh hoạt không thể thiếu trong lúc lao động, khi nghỉ ngơi, đặc biệt là những ngày lễ tết, ngày hội . Say đắm như lời hát: Trên lồng chim, dưới đôi Gà Chọi/ Em hát câu này, rằng gọi anh ra/ Những người hát tối hôm qua/ Hôm nay có giỏi thì ra hát cùng/ Hát cho con gái có chồng/ Con trai có vợ, nạ dòng có con/ Hát cho má đỏ môi son/ Nó thông như điếu, nó tròn như se/ Có nghe nín lặng mà nghe/ Em kể như quấn như quýt, như se vào lòng…’  (Bà Đỗ Thị Thân, 75 tuổi ở thôn Cửa Vạn cung cấp)

Từ lâu, hát giao duyên đã trở thành “phương tiện” giao lưu, tâm tình, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, và tự lúc nào hát giao duyên trở thành nhu cầu không thể thiếu của ngư dân. Vì vậy, lời ca của hát giao duyên phong phú, đủ các cung bậc, có kín đáo duyên dáng lại có cả mê đắm suồng sã; có thủy chung chân thành, lại có cả giận hờn ghen tuông; có khi khép nép nhún nhường lại có khi đanh đá, chua ngoa…

Hát đám cưới trên thuyền lại là một “hội hát giao duyên”. Bên ngoài, trên khoang mũi thuyền, người ta làm ba lần “ngõ”, cách điệu bằng ba dải lụa chăng thứ tự từ mũi thuyền đến khoang giữa. Dải lụa màu xanh tượng trưng ngõ khách, dải lụa màu vàng tượng trưng ngõ cheo, dải lụa màu đỏ tượng trưng ngõ hoa. Ở chính cửa vào khoang giữa có treo một đôi chim bằng bông, hoặc đan bằng tre dán giấy. Có đám kết hình chim phượng, có đám đôi chim bồ câu… Nhà trai thường đi đón dâu vào sau bữa cơm chiều. Dẫn đầu nhà trai là một vị cao niên trong họ gọi là Chánh Sứ. Cuộc hát bắt đầu từ hát dậy gánh: Bây giờ đã đến giờ thân/ Nào trai nào gái nhanh chân xuống thuyền.

Hoặc cũng có thể gia chủ hát:  Bây giờ đã đến giờ mùi/ Xin mời Chánh Sứ, xin mời Bù Đa*!” .

Dọc đường đi các chàng trai vui vẻ hát tặng chú rể, nhưng chủ yếu là luyện giọng, sắp xếp đội hình, dự đoán các tình huống trong cuộc hát đấu với nhà gái. Thấy thuyền nhà trai tới, nhà gái thường chủ động hát hỏi, chẳng hạn: Thuyền nào mà đến bến ta/ Mua tơ mua lụa hay là mua duyên?/ Thuyền quan thì đậu bến quan/ Thuyền buôn thuyền bán đậu sang bến người! Nhà trai phải hát trả lời, sao cho phải lẽ. Chẳng hạn: Không dưng thuyền đến bến này/ Vì tình, vì nghĩa vì dây tơ hồng…Cũng có khi nhà gái hát chào song lại đặt ra rất nhiều lý do để gây khó dễ cho nhà trai phải đợi chờ. Cuộc hát đối đáp diễn ra, có đám diễn ra nhanh nhưng không ít những đám nhà trai phải chùn chân mỏi gối đợi chờ. Khi nhà gái thương tình cho mở ngõ khách (dải lụa màu xanh được cởi ra) cho bắc cầu nối hai thuyền: Cầu này cầu trúc cầu mai/ Cầu ân cầu ái, nối hai họ nhà…Nhà gái hát mời nước, mời trầu ông bà Chánh Sứ, Bù Đa đại diện nhà trai, cuộc hát tiếp tục đối đáp đến khi nhà trai cởi được hai dải lụa ngõ cheo, ngõ hoa. Hát đám cưới hay nhất phần hát ngõ hoa. Nhà trai là người mua hoa, nhà gái là người bán hoa. Ẩn giấu trong những lời ca tiếng hát “mặc cả” giằng co là tình yêu lứa đôi tha thiết, đằm thắm mặn mà mang đậm tính nhân văn. Các chàng trai hát: Hỡi nàng thấp thoáng ngõ hoa/ Hoa còn tươi tốt hay là hoa ôi?/ Mua hoa xin hỏi thật thà/ Hoa còn trong nhụy hay là ong châm?/ Mấy cơn gió lốc mưa dầm/ Hoa tàn nhị rữa có còn hỡi hoa?…Nhà gái hát đáp lại:  Cũng thân cỏ nội hoa đồng/ Liệu chàng có kén một bông hoa hèn?/ Hoa thơm thoang thoảng mà bền/ Còn hơn hoa đỏ tím vàng mà hôi!/ Hoa này ngan ngát chàng ơi/ Hoa bền còn ở tay người cắm hoa!/ Cho dù gió táp mưa sa/ Che mưa che nắng biết là mấy công/ Cho dù ong bướm lượn quanh/ Nhụy còn phong kín ở trong hoa này!/ Hoa thơm hái tự vườn nhà/ Xin đừng chuộng rẻ hoa đường hỡi ai!…

Thông thường, trong hát ngõ hoahát đố, hát giảng. Bắt đầu là hát hỏi về các loài hoa, cách trồng hoa rồi đến hỏi nhà, hỏi họ hàng, về thuyền, về cá… Có đám cưới hát ba đêm mới đón được cô dâu sang thuyền. Trước khi bước sang thuyền nhà trai, bao giờ cô dâu cũng hát lạy ông bà, bố mẹ, hát từ biệt anh chị em trong cảnh sụt sùi nước mắt. Phần lời hát chủ yếu trong đám cưới trên thuyền của ngư dân vạn chài vùng Đông Bắc cũng là hát giao duyên. Những lời hát đối, hát đáp, hát giảng ở ngõ hoa thường gặp trong hát chèo đường và ngược lại.

 

Ảnh: Vịnh Hạ Long (Nguồn: sưu tầm)

 

Hát giao duyên là phương tiện để truyền đạt tình cảm, diễn tả cảm xúc, tư tưởng của cư dân vạn chài sống thủy cư trên biển. Nó là một sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng cao không thể thiếu trong đời sống tinh thần của ngư dân, trong mỗi câu hát đầu chứa đựng niềm vui, nỗi buồn, ước vọng, hoài bão của họ.

Cộng đồng ngư dân trên vịnh Hạ Long do đặc thù sống thủy cư trên biển nên ít bị ảnh hưởng của lễ giáo phong kiến. Thanh niên trai gái khi tìm hiểu yêu đương ít bị sự cấm đoán, định hướng của cha mẹ, cuộc sống của họ lại luôn phải cọ sát với trao đổi buôn bán do vậy kể cả các cô gái đều rất mạnh dạn, chủ động trong tỏ tình yêu đương.

Bên cạnh đó, hát giao duyên còn thể hiện những giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật. Những giá trị này thể hiện rất rõ qua lời ca và và giai điệu của hát giao duyên.

   Hát giao duyên có tiết tấu chậm, đều, âm vực thấp, ai cũng có thể hát, nói chung là đơn giản, mộc mạc về thang âm, điệu thức, tiết tấu về kết cấu giai điệu song không hề nhàm chán, người nghệ sỹ không chuyên đã khéo léo nhấn và nhả câu trong khi hát khiến cho lời ca ngân nga, mượt mà, trữ tình và sâu lắng.

Về lời ca trong câu hát hầu hết là những ngôn từ đơn sơ mộc mạc trong đó đôi khi còn những từ ngữ địa phương. Nhưng cũng vì sự đơn sơ mộc mạc ấy lại toát lên một vẻ đẹp hồn nhiên, trong sang nhưng lại giàu tính biểu cảm

Anh về xẻ ván còn lâu

Anh đưa vạt áo bắc cầu em qua

Trong hát giao duyên không thể thiếu được miếng trầu vì “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Việc mời trầu tưởng như đơn giản nhưng mời sao cho khéo, sao cho thể hiện được sự chân thành tha thiết mà lại gửi gắm được cả ý nguyện của người mời qua miếng trầu:

Cầu quế Hải Ninh, cau quế Hải Phòng

Đã ăn thì chớ ngại ngùng xa xôi

Ăn trầu thì nhớ đến vôi

Lá vỏ anh hái nước người đường xa

Cộng đồng ngư dân trên vịnh Hạ Long xưa do đặc thù sống thủy cư trên biển, nên hầu hết họ không biết chữ. Những tư tưởng, suy nghĩ, những tri thức về tự nhiên, xã hội, về ngư trường, về các loại thủy hải sản, kinh nghiệm đánh bắt, ứng phó với thiên nhiên… của họ do không biết chữ, gần như biệt lập với đời sống văn hóa trên bờ, nên chỉ có duy nhất cách truyền khẩu lại cho con cháu và thế hệ sau.

Hát giao duyên ngoài việc truyền tải tâm tư tỉnh cảm của chàng trai cô gái ngư dân, thể hiện sự điêu luyện, chau chốt trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ còn là kênh tốt để họ lưu trữ và chuyển tải tri thức của mình.

Trong tư liệu đã được hệ thống hóa về hát giao duyên. Có rất nhiều câu hát, bài hát thể hiện sự hiểu biết về các loài hải sản và các cách đánh bắt

“Cá gạo, cá gúng em ơi

Cá thiều, cá gúng ngoài khơi nó vào

Cá ngừ cho chí cá song

Vốn dĩ nó chỉ ở trong chân cồn”…

Hoặc mô tả về cách đánh bắt

…“Câu chằng nó thả thơ ờ

Mồi thì không có, đợi chờ cá đi”…

Như vậy, dù có nhiều khó khăn trong tiếp cận văn hóa và truyền tải tri thức do không biết chữ, người ngư dân vẫn tìm ra cho mình một con đường riêng để trau dồi và chuyển tải kiến thức làm giàu thêm vốn văn hóa biển của mình.

 

Nhiều năm nay, ngành văn hóa thông tin đã chủ động nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức hội diễn, liên hoan văn hóa quần chúng cơ sở… giới thiệu các làn điệu hát dân ca trên các kênh thông tin đại chúng, một số công trình nghiên cứu, các tác phẩm của các nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật được biên soạn xuất bản. Những giá trị văn hóa truyền thống với hàng loạt các điệu hò câu hát, phong tục tập quán một thời quên lãng được khôi phục. Song, nhìn lại, đến nay một số loại hình văn nghệ dân gian của ngư dân vạn chài Hạ Long dù đã được nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu…  nhưng vẫn còn là một lời ngỏ chưa có giải đáp thỏa đáng.  Việc bảo tồn, phát huy các giá trị của hát giao duyên  là công việc cần kíp và cấp thiết, bởi chẳng bao lâu, thế hệ người cao tuổi lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống không còn; thế hệ trẻ chưa tiếp nối được, dòng chảy văn hóa dân gian sẽ đứt quãng, đây là nỗi lo, đồng thời là trách nhiệm không của riêng ai.

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Tống Khắc Hài (1987,) Tạp chí Văn hóa dân gian, - Hát giao duyên trên Vịnh Hạ Long.
  2. Hương ước hai làng Giang Võng, Trúc Võng (1942)

3.    Đỗ Văn Ninh (1997), Huyện Đảo Vân Đồn, UBND huyện Vân Đồn, Quảng Ninh.

4.    Quốc sử quán triều Nguyễn (1992), Tập 4 trang 17 Sách Đại Nam nhất thống chí, NXB Thuận Hóa

5.    SVHTTTT&DL Quảng Ninh (2010), Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa làng chài thủy cư phục vụ phát triển du lịch, Hội thảo khoa học.

  1. Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến (1924), Chơi Vịnh Hạ Long, Tạp chí Nam phong

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa