Nội san

Công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn phường Ô chợ dừa, quận Đống Đa, Hà Nội

26 Tháng Tư 2016

 Đặng Thị Mai Phương [*]

 

Di sản văn hóa Việt Nam (DSVH) là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. DSVH được coi là nguồn sử liệu được sử dụng để nghiên cứu lịch sử dân tộc, trong đó di tích lịch sử - văn hóa là đối tượng được con người quan tâm nhất, bởi các di tích chính là những bằng chứng xác thực, cụ thể về đặc điểm lịch sử, văn hóa của một dân tộc. Ở đó chứa đựng tất cả những gì thuộc về truyền thống tốt đẹp, kỹ năng, kỹ xảo và trí tuệ của con người. Các di tích lịch sử - văn hóa chính là những thông điệp của quá khứ được các thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau, nhờ đó người ta đã cảm nhận được quá khứ, và từ những thông tin của quá khứ tìm đến với truyền thống lịch sử, những giá trị đạo đức, thẩm mỹ, tín ngưỡng, tâm linh.

Trên cơ sở truyền thống lịch sử, các thế hệ đi sau đã tiếp nối và sáng tạo ra những giá trị văn hoá mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong những năm qua, nền văn hóa Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên, cùng với thời gian, do hoàn cảnh và hạn chế nhất định, những di sản văn hóa được các thế hệ cha ông để lại đang có nguy cơ mai một. Giá trị của di sản văn hóa nói chung và của di tích lịch sử văn hóa nói riêng là vô cùng to lớn, song điều quan trọng hơn là việc quản lý, bảo tồn và phát huy những giá trị của nó như thế nào đang là vấn đề cần được quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành, nhất là những người làm công tác quản lý văn hóa hiện nay. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân các dân tộc phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội đã góp phần viết lên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Những trang sử vẻ vang đó còn đọng lại trong hệ thống các di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn, giữ gìn cho tới ngày nay.

Cùng với sự phát triển về kinh tế, và công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công tác quản lý, bảo tồn giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa ở Thủ đô Hà Nội đã luôn được các cấp, ngành quan tâm thực hiện đạt được nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên do điều kiện thời gian và trước nhu cầu đổi mới phát triển kinh tế hiện đại nên nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị quận Đống Đa có nguy cơ bị mai một dần. Tình trạng xâm hại, lấn chiếm di tích, trùng tu không đúng tinh thần của Luật Di sản văn hóa làm biến dạng giá trị di tích, thất thoát cổ vật xảy ra ở một số di tích trên địa bàn quận, đồng thời nhu cầu phát triển tham quan khám phá du lịch của người dân ngày một lớn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc quản lý, bảo tồn, gìn giữ các di tích. Trước thực trạng đó, một vấn đề đặt ra là phải vận dụng sáng tạo các quy định của pháp luật và các hướng dẫn chuyên ngành về quản lý Di tích lịch sử văn hoá, đồng thời, phối hợp với các ban ngành, các cấp chính quyền, cụ thể hoá chính sách quản lý của nhà nước để quản lý việc bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa của địa phương.

Đống Đa là mảnh đất với bề dày nghìn năm văn hiến cùng với truyền thống văn hóa lâu đời đã sản sinh và giữ gìn nhiều di tích lịch sử văn hóa quý báu của nhân loại. Đó chính là tài sản vô cùng quý báu của Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung.

Di tích lịch sử văn hóa (LSVH) của quận Đống Đa là mảnh đất có bề dày lịch sử chứa đựng một hệ thống các di tích lịch sử không chỉ nhiều về số lượng, mà còn phong phú về loại hình trong đó những giá trị lịch sử trải dài qua các thời kỳ, gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất giàu truyền thống của Thủ đô như gò Đống Đa, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đàn Xã Tắc, Y Miếu Thăng Long, đình Thổ Quan, Chùa Láng v.v… Những giá trị lịch sử văn hóa hàm chứa trong các di tích trên địa bàn quận  mãi là nguồn tư liệu lịch sử vô giá, có vai trò to lớn trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt là thế hệ trẻ.

Theo số liệu thống kê trên địa bàn quận Đống Đa hiện nay có 99 di tích lịch sử văn hóa được phân bổ tại 19/21 phường trong đó có 52 di tích lịch sử văn hóa đã được nhà nước xếp hạng bao gồm 4 di tích thuộc loại hình di tích lịch sử, 1 di tích thuộc loại hình di tích khảo cổ, còn lại là các di tích kiến trúc  nghệ thuật bao gồm có đình, chùa, đền, lăng, miếu, đạo quán v.v... Trải qua các biến cố lịch sử, xã hội, sự bào mòn, hủy hoại của thiên nhiên nên phần lớn các di tích của quận đã bị xuống cấp nghiêm trọng, một số điểm di tích chỉ còn là dấu tích.

Mỗi di tích trong hệ thống di tích LSVH trên địa bàn quận đều hàm chứa những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam, đó chính là lòng hướng thiện, tinh thần “uống nước nhớ nguồn” tôn thờ những người có công với nước, với dân. Đống Đa là quận có kho tàng di sản văn hóa phong phú. Trong suốt quá trình  hình thành và tồn tại của mình, di tích LSVH đă hội tụ chức năng là những trung tâm sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng làng xã. Trong đó, những ngôi đình, đền, chùa, miếu… của làng và những cơ sở thờ tự khác luôn giữ vai trò là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư làng xã, mà đỉnh cao là các lễ hội làng. Những buổi sinh hoạt đó là những dịp chung vui, góp phần hình thành sợi dây cố kết cộng đồng, đem lại sự cân bằng cho đời sống tâm linh của cư dân  sau những ngày lao động vất vả. Thông qua việc tìm hiểu các giá trị ẩn chứa trong các di tích, con người không chỉ thấy được sự phát triển của lịch sử mà còn thấy được truyền thống văn hiến, các giá trị chân, thiện, mỹ của dân tộc mình. Qua đó trau dồi đạo đức, lối sống, niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước, yêu lao động, lòng biết ơn để từ đó sáng tạo ra những giá trị văn hoá mới, có “sức đề kháng” trước những sản phẩm văn hoá độc hại, lối sống không lành mạnh, tạo ra một xã hội phát triển vững bền. Vì vậy, làm thế nào để gìn giữ các di tích trước sự xâm hại của thiên nhiên khắc nghiệt và của chính bàn tay con người là trách nhiệm của các cấp, các ngành đặc biệt là chính quyền và người dân quận Đống Đa.

Các di tích trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa thường có lịch sử xây dựng từ lâu đời, đến nay đã trải qua nhiều lần tu sửa, nhưng những kiến trúc nghệ thuật độc đáo của các di tích trên địa bàn quận vẫn là những bức tranh sống động giúp ta thấy được những dấu ấn riêng của từng thời kỳ lịch sử, phản ánh nét tài hoa, khéo léo của người dân nơi đây. Những giá trị tiềm ẩn trong các di tích LSVH trên địa bàn quận cần được gìn giữ để chúng mãi là những giá trị bất biến cho các thế hệ đi sau nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử phát triển của quận Đống Đa.

Từ rất lâu, trong tâm thức của người dân thủ đô, các di tích LSVH chính là một phần linh hồn, một nét văn hóa đặc sắc của quê hương. Nhiều ngôi đình, chùa, đền v.v… đã đi vào thơ ca, là nguồn cảm hứng của nhiều loại hình nghệ thuât, là biểu tượng của văn hóa làng, xã. Có thể nói, những di sản văn hóa vật thể tiêu biểu này là một bộ phận cấu thành môi trường sống của con người, là nguồn tư liệu quý giá cho lớp người đương đại nhận thức về xã hội và văn hóa thời quá khứ, vì thế, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị . Do đó, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân phường Ô Chợ Dừa không chỉ giữ gìn, phát huy mà còn nỗ lực quản lý chặt chẽ các DTLSVH và tạo cho nó một sức tỏa mới, một chỗ đứng vững bền trong đời sống văn hóa của nhân dân.

Từ khi Luật DSVH có hiệu lực thi hành, với sự kết hợp của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý chuyên ngành, công tác quản lý di tích của quận Đống Đa đã có những chuyển biến tích cực. Từ việc tuyên truyền trong nhân dân pháp luật về DTLS –VH đến việc tổ chức thực hiện các khâu công tác chuyên môn như: kiểm kê, tư liệu hoá, xếp hạng di tích, nghiên cứu khoa học về di tích, bảo vệ chống vi phạm di tích, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích ngày càng được mở rộng và nâng cao hiệu quả. Việc thanh, kiểm tra, phát hiện sai phạm và xử lý đơn thư khiếu nại được thực hiện nghiêm túc. Các hình thức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nhằm nâng cao kiến thức và năng lực quản lý di tích cho lực lượng làm công tác này đã được chú trọng. Việc khen thưởng, kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm về di tích được thực hiện triệt để góp phần gìn giữ và phát huy giá trị của các di tích.

Có được những kết quả nêu trên là có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, của lãnh đạo thành uỷ, HĐND, UBND thành phố  Hà Nội, Quận uỷ, HĐND, UBND quận Đống Đa, Đảng uỷ, HĐND, UBND phường; sự nỗ lực trong việc triển khai và thực hiện của cơ quan quản lý chuyên ngành như Sở VHTT&DL thành phố Hà Nội, Phòng Văn hoá và Thông tin quận Đống Đa, cán bộ văn hoá phường và vai trò không thể thiếu của BQL di tích phường, tiểu ban QLDT cùng ý thức của các tầng lớp nhân dân trong việc cùng chung tay giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị của các DTLSVH phục vụ sự phát triển của cộng đồng.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn tồn tại, hạn chế đó là: Với sự phát triển kinh tế xã hội của quận thì quá trình quy hoạch đất, đô thị hoá đã tạo ra những rạn nứt trong hệ thống di tích hiện có, công tác bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị DTLSVH gắn với hoạt động phát triển kinh tế tại địa phương chưa hiệu quả; công tác tổ chức bộ máy nhân sự ở các cấp và các cơ chế phối hợp chưa chặt chẽ; việc phân cấp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích vẫn còn nhiều vấn đề cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của quận và những quy định của pháp luật.

 

Ảnh: Phương đình và cảnh quan đình Hoàng Cầu (Nguồn: tác giả)

 

Với số lượng di tích lớn, mật độ di tích dày đậm đặc, trong những năm qua hoạt động quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích trên địa bàn quận Đống Đa đi liền với thành tựu thì vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhất là quá trình phát triển kinh tế đòi hỏi phải gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa không phải lúc nào cũng tương đồng với nhau. Đây là vấn đề lớn đã và đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặt ra trong việc cân bằng giữa hai yếu tố bảo tồn và phát triển.

Xuất phát từ chủ trương, chính sách, luật pháp của Nhà nước về di sản văn hóa; tình hình thực tế về tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực các cấp và thực trạng công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích LSVH trên địa bàn quận Đống Đa, tác giả đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý di tích LSVH của quận với mong muốn góp phần giải quyết tốt hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích, trong đó có sự kết hợp hài hòa với hoạt động phát triển kinh tế  - du lịch, khai thác các giá trị di tích cho mục tiêu phát triển kinh tế - phường hội ở địa phương trong thời gian tới.

 DTLS – VH trên địa bàn quận Đống Đa là một bộ phận quan trọng của di sản văn hoá dân tộc, trong mỗi di tích chứa đựng phong phú những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể. Đó là những giá trị vô gía gắnliền với lịch sử oai hùng, truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc, đó là cuốn sử sống động về lịch sử ngàn năm văn hiến Thăng Long – Hà Nội.

Việc quản lý nhằm giữ gìn những di sản văn hoá đó cho hôm nay và mai sau thể hiện sự biết ơn của chúng ta đối với bậc tiền nhân. Đó cũng là thể hiện cụ thể lòng yêu nước của thế hệ hôm nay bằng ý thức giữ gìn, vun đắp những truyền thông tốt đẹp của cha ông ta, lấy đó làm cội nguồn để phát huy trong quá trình xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Quản lý DTLS –VH trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế là vấn đề cấp thiết, nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Trong những năm gần đây, mặc dù còn những bất cập nhưng về cơ bản, công tác quản lý DTLS – VH của quận Đống Đa đã thu được những thành tích khả quan, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá độc đáo của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Nghiên cứu về công tác quản lý di tích LSVH trên địa bàn phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa  là một đề tài khó và phức tạp. Tuy nhiên, với tâm huyết của một cán bộ trẻ công tác trong ngành văn hóa, với mong muốn các di tích LSVH của quận Đống Đa nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung được quản lý, gìn giữ và phát huy giá trị một cách thực sự có hiệu quả, tác giả  hy vọng, với các giải pháp đã nêu, công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận Đống Đa thời gian tới sẽ phát huy hơn nữa những thành công đã đạt được cũng như khắc phục được những tồn tại hiện nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Đặng Văn Bài (1995), Vấn đề quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn di tích”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, (2).

2.   Đặng Văn Bài (2005), Tiếp cận thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích theo tinh thần của Luật di sản văn hoá, Một con đường tiếp cận di sản văn hoá, Nxb Thế giới, Hà Nội.

3.   Đặng Văn Bài (2006), “Tu bổ và tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá là hoạt động có tính đặc thù chuyên ngành, Tạp chí Di sản văn hoá, (2).

4.   Ban Chấp hành Trung ương 5 khoá VIII (1998), Nghị quyết lần thứ 5 Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

5.   Bộ Văn hóa - Thông tin (1998), Chương trình hành động của Bộ Văn hóa - Thông tin thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 B.C.H Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Hà Nội.

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa