Nội san

Hoạt động công đoàn trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhìn từ tỉnh Quảng Ninh

26 Tháng Tư 2016

Nguyễn Hữu Bình [*]

 

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, các doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến văn hóa doanh nghiệp (VHDN) của đơn vị mình. VHDN đã trở thành “bản sắc”, là “cá tính” riêng dễ nhận biết của mỗi doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Ở tỉnh Quảng Ninh, những nơi đã hình thành VHDN có vai trò khá rõ nét của hoạt động Công đoàn.

1. Công đoàn tham gia xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Theo tác giả Gareth Morgan, Giáo sư  Đại học York ở Toronto đã mô tả VHDN như: “Các thiết lập của niềm tin, giá trị, và các định mức, cùng với các biểu tượng như các sự kiện và các cá nhân, đại diện cho nhân vật duy nhất của một doanh nghiệp, và cung cấp bối cảnh cho hành động ở trong đó” [1].

VHDN có những nét đặc trưng: Biểu hiện hữu hình và biểu hiện vô hình. Bản chất của VHDN là đối nội phải tăng cường tiềm lực, quy tụ được sức sáng tạo của công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ), khích lệ họ sáng tạo ra nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp; đối ngoại phải được xã hội địa phương nơi doanh nghiệp đứng chân chấp nhận. Có thể hiểu, “VHDN chính là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần được gây dựng nên trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, trở thành truyền thống của doanh nghiệp, nó chi phối tư tưởng và hành động của mọi thành viên trong doanh nghiệp” [1].

Tỉnh Quảng Ninh được xác định là một điểm của vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ, là cửa ngõ quan trọng của hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Tính đến tháng 12/2015, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có tổng số hơn 10.000 doanh nghiệp [2].  Cùng với đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, hiện nay các doanh nghiệp đã và đang chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị kiến thức cơ bản để phát triển bền vững, mở rộng thị trường và sẵn sàng cho hội nhập kinh tế quốc tế.

Các doanh nghiệp của tỉnh Quảng Ninh kinh doanh và sản xuất nhiều lĩnh vực như: Du lịch, dịch vụ, xi măng, nhiệt điện, cơ khí... Nhưng một số nhóm ngành nổi trội nhất phải kể đến ngành than, ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Tháng 12 năm 2015, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) được xếp thứ 9 trong top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam [2]. Quảng Ninh được coi là một trong những “cái nôi” của giai cấp công nhân Việt Nam, vai trò tổ chức công đoàn trong xây dựng VHDN đã được phát huy. Tổ chức công đoàn có đã tích cực tham gia xây dựng VHDN. Phong trào thi đua đạt danh hiệu Doanh nghiệp giỏi, Cơ quan giỏi trước đây (và hiện nay được đổi tên thành phong trào thi đua Doanh nghiệp giỏi – Doanh nhân tiêu biểu) đã được Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Quảng Ninh và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp phát động. Hàng năm, các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn được LĐLĐ tỉnh đề nghị UBND tỉnh công nhận đạt danh hiệu Doanh nghiệp giỏi cấp tỉnh. Trong 2 năm (2012 - 2013) đã  có 529 lượt cơ quan, đơn vị đăng ký “Cơ quan, Đơn vị văn hóa”; 388 lượt DN đăng ký “Doanh nghiệp giỏi”. Các doanh nghiệp đều tập trung khai thác tốt tiềm năng thế mạnh của tỉnh, phát huy nội lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, có lợi nhuận, tăng trưởng vốn, thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Nhà nước, nộp đủ, kịp thời BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp và chăm lo tốt hơn việc làm, thu nhập, đời sống cho CNLĐ. Công đoàn các cấp đã chủ động cùng các doanh nghiệp tổ chức tốt phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đăng ký hoàn thành các công trình việc khó với năng suất, chất lượng, hiệu quả. Theo thống kê, đã có 11.337 sáng kiến, giải pháp, của CNVCLĐ làm lợi 236 tỷ đồng. 

Theo tôi, hoạt động Công đoàn ở tỉnh Quảng Ninh góp phần tích cực trong việc xây dựng VHDN, thông qua các hoạt động thường xuyên, đặc biệt là qua các phong trào thi đua của tổ chức công đoàn.

Thứ nhất, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền giáo dục đội ngũ công nhân lao động ở doanh nghiệp mình và khu vực địa bàn mình thi đua thực hiện nếp sống văn minh, tác phong công nghiệp. Ví dụ, Công đoàn các công ty than vận động công nhân lao động thực hiện khẩu hiệu “kỷ luật và đồng tâm”, chấp hành công tác đảm bảo an toàn trong lao động. Công đoàn cơ sở các doanh nghiệp trong ngành du lịch tuyên truyền về bộ quy tắc ứng xử thực hiện chương trình “Nụ cười Hạ Long”, thân thiện và mến khách... Bởi chính sự tác động vào tư tưởng để có nhận thức đúng, thì sẽ có hành động đúng.

 

Ảnh: Các đội tham gia Ngày hội văn hóa thể thao công nhân viên chức – lao động Quảng Ninh lần thứ 3 khu vực TP Hạ Long (Nguồn: st)

 

Thứ hai, hoạt động Công đoàn trong xây dựng VHDN được phát huy từ chính những “chức năng”, từ “quyền” của Công đoàn. Công đoàn các cấp   đồng hành cùng sự phát triển bền vững của doanh nghiệp trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Mười năm qua (từ 2005-2015), ở tỉnh Quảng Ninh có gần 800 gia đình công nhân lao động khó khăn về nhà ở được xây dựng nhà theo chương trình “Mái ấm Công đoàn” [  ]; hàng nghìn lượt CNLĐ được thăm hỏi, trợ cấp khi gặp rủi ro; hàng chục nghìn lượt CNLĐ được sinh hoạt tại các Cụm văn hóa thể thao do Công đoàn quản lý. Phát huy vai trò của mình, Công đoàn đã trực tiếp (hoặc gián tiếp) tác động vào đối tượng đoàn viên, CNLĐ trong doanh nghiệp, làm cho họ tin tưởng vào đường lối, hướng phát triển của doanh nghiệp, giúp họ “an cư, lập nghiệp”, gắn bó với doanh nghiệp, thiết lập “niềm tin, giá trị” của mình với doanh nghiệp.

Thứ ba, Công đoàn các cấp ở Quảng Ninh đã phát huy vai trò giám sát thực thi pháp luật tại doanh nghiệp. Tuyên truyền, giáo dục xây dựng đội ngũ CNLĐ chấp hành quy định pháp luật, nội quy, quy chế doanh nghiệp, đồng thời Công đoàn cũng  giám sát thực thi pháp luật tại doanh nghiệp của nhà doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp. Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp chính là thực hiện “bộ quy tắc” ứng xử trong quan hệ lao động mà pháp luật quy định và “hương ước” doanh nghiệp đã thương lượng, kí kết với công đoàn cơ sở. Giám sát để thực hiện đúng thì khuyến khích, ghi nhận; thực hiện chưa đúng thì nhắc nhở, có ý kiến tham gia để doanh nghiệp điều chỉnh cho đúng, đó cũng là góp phần xây dựng VHDN của tổ chức công đoàn.

 

2. Nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàntrong xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Bên cạnh những doanh nghiệp biết quan tâm, khơi gợi và phát huy vai trò Công đoàn trong xây dựng VHDN, thì ở tỉnh Quảng Ninh còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến xây dựng VHDN.  Một số doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, nên chất lượng sản phẩm không tốt, trình độ quản lý kém, không trả lương, thưởng, đóng BHXH, BHYT cho người lao động đầy đủ. Một số doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động, nên vẫn xảy ra tai nạn lao động chết người. 

Theo tác giả, để phát huy hiệu quả hoạt động Công đoàn trong xây dựng VHDN cần thực hiện một số nội dung sau:

Một là, xây dựng hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp

Trong xây dựng hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp, các hoạt động của Công đoàn được thể hiện rõ nét. Ví dụ: Xây dựng và thực hiện tốt nội quy lao động; đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ trong sản xuất đã bao gồm rất nhiều việc công đoàn phải làm. Đảm bảo an toàn lao động cũng là xây dựng và gìn giữ hình ảnh đẹp cho doanh nghiệp.

Nội dung xây dựng nội quy lao động. Công đoàn đại diện người lao động và doanh nghiệp đưa những nội dung nội quy để cùng bàn thảo. Khi đã bàn thảo và đi đến thống nhất, thì chính công đoàn lại là người giám sát thực hiện nội quy, quy chế đó.

"Vinh quang Công đoàn Việt Nam" - Điểm cẩu Quảng Ninh

Hình ảnh trong chương trình truyền hình trực tiếp “Vinh quang Công đoàn Việt Nam” – Điểm cầu Quảng Ninh (Nguồn: st)

 

Nội dung đảm bảo an toàn lao động. Công đoàn là người triển khai, nhưng chính công đoàn cũng là người đại diện người lao động yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo an toàn cho người lao động. Công đoàn có quyền đề nghị doanh nghiệp ngừng sản xuất, không cho lao động vào làm việc khi không có đủ yếu tố an toàn.Vì thương hiệu còn được hiểu là một dạng tài sản phi vật chất nên giữ gìn và xây dựng hình ảnh cũng còn nằm trong niềm tin, thái độ của mỗi người lao động.

Hai là, chú trọng chăm lo nguồn lực con người

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ công đoàn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp công đoàn. Đội ngũ cán bộ công đoàn có đủ năng lực thì mới có thể thực hiện tốt vai trò của công đoàn và tổ chức tốt các hoạt động của CĐCS tại doanh nghiệp. Riêng LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh có Trung tâm Tư vấn pháp luật và Huấn luyện An toàn lao động (tại thành phố Hạ Long), là cơ sở huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ Công đoàn các cấp trên địa bàn toàn tỉnh và nâng cao kỹ năng an toàn lao động cho CNLĐ.

Chăm lo nguồn nhân lực không chỉ đào tạo nguồn cán bộ công đoàn, mà tổ chức công đoàn còn có nhiều chính sách hỗ trợ phù hợp đối với người lao động để góp phần nâng cao trình độ chuyên mônkỹ năng, tay nghề, bậc thợ, chăm lo nguồn lực đoàn viên của công đoàn.

Ba là, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động văn hóa của doanh nghiệp

Tổ chức, chỉ đạo các hoạt động nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người lao động là nhiệm vụ của công đoàn. Công đoàn phối hợp cùng chuyên môn thực hiện các nội dung: Công nhân có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định; tạo thuận lợi cho công nhân về nơi làm việc, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, sinh hoạt đoàn th; hỗ trợ công nhân lúc khó khăn, hoạn nạn; nâng cao đời sống văn hóa cho CNLĐ nói chung là nhiệm vụ của công đoàn và các tổ chức chính trị xã hội.

“Những năm tới, tình hình thế giới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; mức độ hội nhập, toàn cầu hóa ngày càng cao. Số lượng doanh nghiệp, doanh nhân, CNLĐ nước ngoài vào làm việc trong các khu công nghiệp Việt Nam sẽ gia tăng; sự đan xen, giao thoa văn hóa giữa các nước, dân tộc, vùng miền, khu vực ngày càng nhiều” [6]. Do vậy, phát huy vai trò hoạt động công đoàn trong xây dựng VHDN càng cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa, góp phần xây dựng môi trường lao động, văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của CNLĐ, đặc biệt là công nhân lao động trong các doanh nghiệp tại cá khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung.

Có thể nói, nghiên cứu, tìm hiểu về hoạt động Công đoàn trong xây dựng VHDN ở tỉnh Quảng Ninh là vấn đề mới. Tìm cách tiếp cận để hiểu thêm về vấn đề này một cách khoa học là mong muốn của tác giả - người đang theo học ngành Quản lý văn hóa của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Hữu Bình (2015), “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nhìn từ vai trò công đoàn ở tỉnh Quảng Ninh”, Tạp chí Lao động & Công đoàn (586), tr.14-15.

2. Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh, www.HYPERLINK "http://www.quangninh.gov.vn/"quangninhHYPERLINK "http://www.quangninh.gov.vn/".gov.vn, 30/12/2015 - 13:43

3. Luật Công đoàn (2012), Nxb Lao động, Hà Nội.

4. Luật Doanh nghiệp (2014), Nxb Lao động, Hà Nội.

5. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

6. Thư viện pháp luật, http://thuvienphapluat.vn. 04/3/2016- 03:43 AM (GMT+7)

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa