Nội san

Lễ hội chùa Bối Khê xã Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội

26 Tháng Tư 2016

                                                                                               Bùi Linh Chi [*]

 

Lễ hội không chỉ là nơi hội tụ giá trị văn hóa đặc trưng của mỗi vùng quê, mà còn là nơi phản ánh rõ nét đời sống vật chất, kinh tế, xã hội của vùng đó. Trong cuộc sống, lễ hội mang lại sự thanh thản cho con người, gạt đi những lo toan thường nhật, tăng thêm sự gắn bó và tình yêu với thiên nhiên và đất nước. Mỗi một lễ hội nước ta gắn bó với làng xã, địa danh, vùng đất, gắn với những điển tích về những anh hùng, những vĩ nhân, những người có công dạy dỗ truyền nghề...

Làng Song Khê ở xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội có từ khi nào và người có công khai lập làng đến nay vẫn chưa có tài liệu chính xác. Tên Song Khê có thể do, một là: Trước là làng Bối Khê, sau cùng với làng Phúc Khê hợp lại, thành làng Song Khê cho đến ngày nay; hai là do: Sông Đỗ Động là một dòng sông cổ, nối với hai con sông là sông Đáy với sông Nhuệ, có đoạn chảy qua làng Song Khê đã cạn, một thời là đường giao thông huyết mạch ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Tại đây phát hiện được những di vật thời kỳ đồng thau ở Sài Sơn, những trống đồng thuộc thể loại I Hê-gơ nổi tiếng, hàng loạt mũi mác, dao găm có cán hình người và nhiều hiện vật khác. Điều đó nói lên rằng ngay từ thời kỳ đầu dựng nước, đất làng Song Khê đã từng thuộc một trung tâm của người Việt Cổ.

Chùa Bối Khê có tên chữ là chùa Đại Bi, là ngôi chùa được xây dựng ở làng Song Khê. Chùa Bối Khê không chỉ là di tích lịch sử quý giá mà còn có kiến trúc đẹp. Chùa được xây dựng từ năm 1382, từ đời Trần.Năm 1979, Bộ Văn hoá -Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã công nhận chùa Bối Khê là di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật đặc biệt cấp quốc gia, theo Quyết định số 54/1979/QĐ-BVH ngày 29 tháng 4 năm 1979, chùa Bối Khê là một ngôi chùa cổ, có niên đại lâu đời, thuộc loại đẹp và xưa nhất còn lại ở nước ta, mang những đặc trưng tiêu biểu của những ngôi chùa ở phía Bắc Việt Nam. Qua một số lần trùng tu vào các thời Lê, Mạc, Nguyễn, đến nay chùa Bối Khê đã trở thành một trong những ngôi chùa cổ, hội tụ nhiều phong cách kiến trúc truyền thống của Việt Nam. Cảnh quan trong chùa Bối Khê thanh tịnh, thoáng đãng. Vẻ đẹp kiến trúc, cũng như những hiện vật còn được lưu giữ lại trong chùa là những di vật có ý nghĩa lịch sử lớn lao. Đây cũng là ngôi chùa không chỉ thờ Phật, mà còn thờ thánh, nghĩa là tiền phật, hậu thánh, thờ mẫu, thờ Thái thượng lão quân và cả một số nhân vật có công xây dựng, trùng tu ngôi chùa qua các thời kỳ.

Nằm trong hệ thống lễ hội truyền thống văn hóa của người Việt Nam, lễ hội chùa Bối Khê là một lễ hội đầy đủ các yếu tố điển hình của một lễ hội truyền thống Việt Nam. Lễ hội chùa Bối Khê trong đời sống tinh thần của người dân xã Tam Hưng có tầm quan trọng rất lớn. Theo lịch của nhà nông và đặc điểm riêng của nông nghiệp Việt Nam, lễ hội làng Song Khê cũng được tổ chức giống những lễ hội khác ở nước ta theo lịch “xuân thu nhị kỳ”, bởi đây là thời kỳ nhàn rỗi giữa hai vụ sản xuất trong năm. Bên cạnh đó, âm hưởng của những ngày Tết nguyên Đán của dân tộc vừa kết thúc trước đó không lâu, trong những ngày xuân đẹp đẽ, lễ hội chùa Bối Khê được coi như cái Tết thứ hai của người dân nơi đây và của cả vùng mấy xã thuộc huyện Thanh Oai.

Thực tế trong thời gian gần đây, rất nhiều lễ hội làng, lễ hội chùa đang được đua nhau tổ chức. Đó là những lễ hội cổ truyền được khôi phục lại và cả những lễ hội mới được mở ra với quy mô lớn, hoành tráng và rất tốn kém, lãng phí tiền của và công sức của nhà nước và nhân dân, kèm theo đó là nhiều hiện tượng phát sinh ra từ lễ hội mới này, các giá trị văn hóa tinh thần thiêng liêng đang dần mai một cũng như hình thức bị thay đổi khiến vai trò làm chủ của nhân dân cũng đang mất dần. Người dân đến với lễ hội chủ yếu là cầu cúng, xin tài lộc, và vui chơi giải trí để giải tỏa sau những ngày làm việc, giao lưu kết nối với nhau và gần gũi tình làng nghĩa xóm.Lễ hội được phục dựng theo hướng bảo lưu các yếu tố tích cực của lễ hội truyền thống, kết hợp với một số yếu tố mới, để phù hợp yêu các của văn hóa trong giai đoạn hiện nay.

Lễ hội chùa Bối Khê là không gian để dân làng và khách thập phương vui chơi giải trí, làm phong phú thêm đời sống tinh thần sau một năm vất vả làm kinh tế với công việc nhà nông. Lễ hội chùa Bối Khê đã tồn tại qua năm tháng lịch sử, là một lễ hội đặc trưng tiêu biểu vùng nông thôn Việt Nam, một trong số ít những lễ hội giữ được màu sắc, biểu trưng cho nền văn minh lúa nước một thời. Là một ngày hội lớn của người dân nơi đây, thu hút được đông đảo du khách từ khắp mọi miền, thuộc mọi thành phần, lứa tuổi tới tham dự và chứng kiến. Đặc biệt, trong phần hội có nhiều trò chơi, trò diễn dân gian được đầu tư khôi phục, đã góp phần làm phong phú thêm cho lễ hội, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, văn nghệ của nhân dân và thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc, như: múa rồng, cờ người, bắt vịt, ném còn, chọi gà, đi cầu khỉ,…

 

Ảnh: Chùa Bối Khê (Nguồn: tác giả)

 

Lễ hội chùa Bối Khê là nơi cố kết cộng đồng làng xã, đây là giá trị tiêu biểu nhất của lễ hội cổ truyền. Lễ hội biểu dương những giá trị văn hoá, sức mạnh của cộng đồng, tạo nên tính cố kết và bền chặt của cộng đồng. Người dân xã Tam Hưng tham gia cùng tổ chức, tham dự lễ hội, để cùng nhau hướng về vị thần mà họ đang thờ cúng, vui chơi, để củng cố thêm tình đoàn kết giữa con người với con người, giữa cá nhân với các thành viên trong làng.Trong lễ hội chùa Bối Khê, người dân trong làng, xã đều tham gia tổ chức, xây dựng, trình diễn, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, tạo nên niềm cộng cảm giữa các thành viên trong làng, sự nhất quán trong vệc trao truyền các giá trị văn hoá, giữa các thế hệ trong làng xã. Đó là một trong những tiêu chí của lễ hội, là tính cộng đồng tuyệt đối, có sự tham gia của cả nhân dân quanh vùng. Những người con Tam Hưng dù ở xa quê hương, đi đâu, ở đâu nhưng trong mỗi dịp đầu xuân đều nhớ về quê hương, về với lễ hội với niềm vui đoàn tụ. Về với lễ hội, người ta không phân địa vị sang hèn, mà mọi thành viên tham dự đều bình đẳng như nhau.Do đó, trong lễ hội, mối quan hệ giữa con người với con người thân mật, cởi mở và phóng khoáng, nó như một sợi dây dàng buộc, níu kéo làm cho con người xích lại gần nhau hơn, xoá đi sự xa lạ thường ngày. Từ đó nảy sinh những tình cảm yêu thương, gắn bó quê hương, đất nước và con người.

Lễ hội cũng chính là dịp để con người có cơ hội gặp gỡ, giao lưu đồng cảm, là nơi kết nối cộng đồng, nơi con người thể hiện truyền thống uống ngước nhớ nguồn. Với các ý nghĩa to lớn và ảnh hưởng đến đời sống con người như vậy, vấn đề đặt ra là quản lý, tổ chức lễ hội như thế nào để phát huy hết giá trị của lễ hội và để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước. Lễ hội chùa Bối Khê - nơi lưu trữ, bảo tồn và phát huy các lễ nghi tín ngưỡng tâm linh, nơi gìn giữ các dấu ấn lịch sử. Những giá trị văn hóa truyền thống từ bao đời nay, là niềm tự hào lớn của nhân dân xã Tam Hưng đã, đang được bảo tồn, duy trì và phát huy trong lễ hội chùa Bối Khê hiện nay. Từ năm 2005 trở lại đây, UBND huyện Thanh Oai, UBND xã Tam Hưng, cùng người dân đã có rất nhiều cố gắng trong việc tổ chức, quản lý lễ hội. Ban tổ chức lễ hội chùa Bối Khê đã điều hành lễ hội, theo đúng quy định, đúng chương trình đã được cấp phép, đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo không khí trang nghiêm, trọng thể trong phần lễ; vui tươi, lành mạnh trong phần hội. Việc phân công nhiệm vụ trong Ban tổ chức được thực hiện một cách cụ thể, rõ ràng và khiến các bộ phận thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, đạt được hiệu quả thực hiện và tránh sự chồng chéo.

Kết quả của hoạt động lễ hội chùa Bối Khê thời gian vừa qua cho thấy, lễ hội đã phát huy được các tiềm năng, thế mạnh của văn hóa, để phục vụ cho việc phát triển du lịch, dịch vụ và đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, giải trí của nhân dân địa phương và các vùng lân cận. Ngoài ra, lễ hội được tổ chức tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn, trùng tu lại di tích chùa Bối Khê và tránh sự xuống cấp di tích. Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng phải nhìn nhận những mặt còn hạn chế, tồn tại trong quá trình quản lý tổ chức lễ hội chùa Bối Khê trong những năm gần đây, thấy được những mặt cần phải khắc phục, để lễ hội phát huy tính văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Ảnh: Rước kiệu từ đình Kim về chùa Bối Khê (Nguồn: tác giả)

 

Trên cơ sở phân tích thực trạng về chùa Bối Khê, về thực trạng quản lý lễ hội truyền thống ở chùa Bối Khê, tác giả đã đưa ra những mục tiêu quản lý lễ hội chùa Bối Khê của chính quyền sở tại. Đồng thời, với mong muốn nâng cao hiệu quả quản lý lễ hội chùa Bối Khê, tác giả mạnh dạn đề xuất các giải pháp, như: Nâng cao nhận thức như hoàn thiện văn bản pháp quy và tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lễ hội; Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân; Phát huy vai trò của cộng đồng người dân với quản lý lễ hội; Nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác văn hóa, cần kiện toàn tổ chức bộ máy và phân cấp quản lý, đào tạo nguồn nhân lực; Cần chú trọng tăng cường đầu tư và thu hút nguồn lực xã hội bằng cách đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử chùa Bối, gìn giữ không gian văn hóa của lễ hội, thu hút nguồn lực xã hội; Tăng cường quảng bá lễ hội chùa Bối Khê.

Những bất cập của lễ hội chùa Bối Khê trong thời gian qua sẽ là một kinh nghiệm quý giá trong công tác quản lý với các lễ hội cổ truyền, đang và sẽ phục hồi. Để tránh xảy ra các hiện tượng như vậy sau này, ban tổ chức phải nghiên cứu, tìm hiểu xu hướng xã hội mới, trên cơ sở đó có tính dự báo trước, để kịp thời có hướng quản lý cho phù hợp. Bên cạnh đó, quản lý lễ hội luôn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, người dân địa phương và các ban ngành liên quan. Những vấn đề đã và đang đặt ra cho việc tổ chức, quản lý lễ hội chùa Bối hôm nay, có thể phát sinh do những bối cảnh xã hội hiện thời, có thể phát sinh từ bản chất vốn có của nó, hay cũng có thể phát sinh do những quyết định quản lý của quá khứ để lại. Điều quan trọng ở đây là chúng ta phải khẳng định, lễ hội chùa Bối thực sự đang tồn tại và có vai trò nhất định trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng, có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của người dân làng Song Khê nói riêng và Tam Hưng nói chung. Biện pháp cấp bách là quản lý lễ hội chùa Bối, sao cho phải phù hợp với xu thế chung, không làm ảnh hưởng đến giá trị của di sản và không làm biến dạng lễ hội. Đặc biệt, phải dung hòa mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa qua hoạt động tổ chức lễ hội, để tránh xảy ra những bất cập phát sinh. Trên cơ sở nhu cầu tham gia lễ hội chùa Bối của người dân, sẽ tạo ra nguồn lực về tài chính và nhân lực. Vì vậy, chính quyền địa phương phải biết tận dụng các nguồn lực này, bằng các chính sách xã hội hóa văn hóa thích hợp để huy động sức người, sức của của dân trong việc tổ chức, quản lý và giám sát các công đoạn tổ chức lễ hội, để di tích lịch sử văn hóa chùa Bối Khê ngày càng phát triển lành mạnh, bền vững.

Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, đã dẫn đến những thay đổi trong đời sống văn hóa của người dân làng Song Khê, nhưng lễ hội vẫn thể hiện tính nhân bản, tạo nên một sức sống mãnh liệt, của những giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh xã hội phát triển hiện nay. Lễ hội chùa Bối Khê đã, đang tồn tại và sẽ biến đổi cùng với quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, Nhưng như là một thành tố văn hóa, lễ hội chùa Bối Khê không chỉ thể hiện mong muốn của người dân, để giải quyết các nhu cầu tâm linh, mà còn là nơi giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, nhằm xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban bí thư Trung ương Đảng (2015),Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/02/2015.

2. Bộ Chính trị (khóa X) (2005), Về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội kèm theo ở Kết luận số 51-KL/TW ngày 22/7/2005 về việc tiếp tục thực hiện chỉ thị số: 27-CT/TW ngày12/1/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII).

  1. Bộ Văn hóa - Thông tin (2001), Mục đích tổ chức lễ hội kèm theo quyết định số 9/2001/QĐ-QC ngày 23/8/2001, Hà Nội.
  2. Bộ Văn hóa - Thông tin (2001), Quy chế tổ chức lễ hội ban hành kèm theo Quyết định số 39/2001/QĐ-BVHTT ngày 28/03/2001, Hà Nội.
  3. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (2015), Về quy định tổ chức lễ hội kèm theo Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22/12/2015.
  4. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (2015), Về việc ban hành tiêu chí thang điểm đánh giá thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội dân gian kèm theo Quyết định số 486/QĐ-BVHTTDL ngày 12/02/2015.
  5. Phạm Minh Phúc (2000), Vai trò của dòng họ trong đời sống nhân dân làng Song Khê, Khóa luận tốt nghiệp, Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN.
  6. Bùi Hoài Sơn (2009), Quản lý lễ hội truyền thống của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ từ năm 1945 đến nay - Luận án TS. Văn hoá học, Viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam.

9.     Bùi Hoài Sơn (2009), Quản lý lễ hội truyền thống của người Việt, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

  1. Thủ tướng Chính phủ (2015), Về tăng cường công tác tổ chức quản lý lễ hội của Ban bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị 41/CT-TW và Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện 229/CĐ-TTg.
  2.  Nguyễn Quốc Tuấn (1999), Chùa Bối Khê, Luận án tiến sĩ Lịch sử, Viện khảo cổ học, Hà Nội.
  3.  Nguyễn Quốc Tuấn (1998), Cung thánh chùa Bối Khê, Khảo cổ học
  4.  Nguyễn Quốc Tuấn (1999), Về tấm bia Đại Bi tự thiền gia bi ký ở chùa Bối Khê, Khảo cổ học.
  5.  Nguyễn Quốc Tuấn (2000), Mô hình phật - thánh qua chùa Bối Khê Đại Bi, Nghiên cứu tôn giáo.
  6.  Nguyễn Quốc Tuấn (2001), Về khối đá chạm phong cách trang trí thời Lý và niên đại doanh tạo của chùa Bối Khê Đại Bi, Khảo cổ học.
  7.  Ủy ban nhân dân xã Tam Hưng (2015), Kế hoạch tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn xã Tam Hưng năm 2015 theo Kế hoạch số 03A/KH-UBND ngày 19/01/2015.
  8.  Ủy ban nhân dân xã Tam Hưng (2015), Chương trình tổ chức lễ hội chùa Bối Khê năm 2015 theo Chương trình số 01/CTr-BTC ngày 25/01/2015.
  9.  Ủy ban nhân dân xã Tam Hưng (2015), Quyết định thành lập Ban chỉ đạo tổ chức lễ hội chùa Bối Khê năm 2015 theo Quyết định số 05/QĐ-UBND ngày 20/01/2015.
  10.  Ủy ban nhân dân xã Tam Hưng (2015), Về việc quản lý và tổ chức Hội lệ năm 2015 theo Công văn số 01/UBND-VH ngày 09/02/2015.
  11.  Ủy ban nhân dân xã Tam Hưng (2015), Báo cáo kết quả quản lý lễ hội năm 2014, phương hướng nhiệm vụ năm 2015 theo Báo cáo số 02A/BC-UBND ngày 19/01/2015.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lý văn hóa