Nghiên cứu lý luận

Di tích cách mạng kháng chiến quận Hoàn Kiếm

02 Tháng Sáu 2016

                                                                                       Nguyễn Thị Bích Hoan [*]

 

Nằm ở trung tâm Thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm  là nơi không chỉ có bề dày lịch sử của thời kỳ dựng nước, giữ nước xa xưa mà còn in đậm những chiến tích lừng lẫy và oai hùng của thời đại Hồ Chí Minh. Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân và các ngành liên quan, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích cách mạng kháng chiến ở quận Hoàn Kiếm đã đạt được nhiều kết quả. Nhiều di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân Thành phố xếp hạng. Những di tích lớn được đầu tư, tu bổ, nâng cấp, có phần trưng bày nội dung. Các cấp, các ngành đã có những hoạt động “về nguồn” đưa học sinh, đoàn viên thanh niên, thiếu niên đến tham quan, sinh hoạt truyền thống ở cách di tích cách mạng kháng chiến…

            So với cả nước, quận Hoàn Kiếm là địa phương có số lượng di tích Cách mạng kháng chiến nhiều và phong phú nhất; trong đó có nhiều di tích vượt qua không gian và thời gian trở thành niềm tự hào chung của cả nước. Đó là những địa điểm ghi dấu những sự kiện lịch sử liên quan đến quá trình hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam, Hội quần chúng Cách mạng, lực lượng vũ trang, các lãnh tụ và cán bộ Cách mạng; nơi ghi dấu những chiến tích anh hùng của quân dân quận Hoàn Kiếm cũng như quân dân Hà Nội trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập tự do, kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ; đồng thời, đó còn là chứng tích nêu cao khí phách kiên cường, bất khuất của các chiến sĩ cộng sản; tố cáo tội ác dã man của kẻ thù.

Những di tích lịch sử văn hóa và Cách mạng là niềm tự hào của nhân dân Hoàn Kiếm, là bằng chứng hùng hồn về mảnh đất văn hiến và anh hùng giữa trung tâm Thăng Long - Hà Nội. Những công trình đó đã và đang được nhiều thế hệ người dân Hoàn Kiếm gìn giữ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích trong công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và thanh thiếu niên hôm nay.

Các di tích lịch sử Cách mạng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là những di tích đã gắn liền với quá trình đấu tranh Cách mạng của nhân dân Hà Nội nói chung, nhân dân quận Hoàn Kiếm nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Mỗi di tích ấy đều mang trong nó nhiều giá trị khác nhau mà ngày nay chúng ta cần phải bảo vệ và phát huy nhằm giáo dục truyền thống anh hùng Cách mạng cho các thế hệ đi sau. Di tích cách mạng - kháng chiến có giá trị lịch sử to lớn. Lịch sử Việt Nam trải mấy nghìn năm hào hùng, anh dũng. Dân tộc Việt Nam bao phen đánh thắng kẻ thù lớn xâm lược, giành độc lập tự do. Lịch sử Cách mạng Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là một chặng trong bản anh hùng ca đó. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã làm nên những chiến công rạng rỡ. Suốt chặng đường lịch sử ấy, biết bao địa điểm, căn nhà, góc phố, hầm hào, đã chứng kiến và trở thành những địa điểm của cuộc đấu tranh giành lại độc lập. Các địa điểm ấy còn là bằng chứng vật chất phản ánh những sự kiện lịch sử quan trọng. Ngày nay, chúng ta đến với những di tích, những hiện vật để tìm hiểu về lịch sử, các phong trào Cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hơn thế, mỗi người còn có thể tự đánh giá những sự kiện lịch sử bằng cảm nhận trực quan của  riêng mình, có những suy nghĩ, tâm tư tình cảm riêng về một giai đoạn lịch sử hào hùng, về những sự kiện hoặc về một con người, một danh nhân Cách mạng cụ thể. Những di tích, những hiện vật ấy là bằng chứng trung thực, sống động để các nhà sử học và khách tham quan có thể nghiên cứu, tìm hiểu, học tập, làm cơ sở chứng minh cho nhiều vấn đề của lịch sử.

 

Phòng họp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đồng chí lãnh đạo Đảng

tại di tích 48 Hàng Ngang (Nguồn: Tác giả)

 

            Hiện nay 57 di tích lịch sử Cách mạng kháng chiến ở quận Hoàn Kiếm vì nhiều lý do khác nhau như: sự tàn phá của chiến tranh, sự tác động của môi trường tự nhiên và xã hội, cùng với sự gia tăng khai thác di tích và danh thắng để phục vụ các hoạt động tham quan, du lịch đã ảnh hưởng trực tiếp đến các di tích Cách mạng kháng chiến gây nên những tác động xấu đến sự tồn tại của hệ thống di tích trên địa bàn. Việc quản lý di tích còn nhiều hạn chế, bất cập do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan gây ảnh hương tới di tích. Đây là vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý di tích Cách mạng kháng chiến của quận Hoàn Kiếm.

Do tính chất của di tích là nơi diễn ra sự kiện đơn lẻ trong chuỗi sự kiện lịch sử nên cần có sự xâu chuỗi và hiểu biết tổng thể về bối cảnh, sự kiện lịch sử để hiểu hoặc chuyển tải được thông tin về giá trị và ý nghĩa thông qua hệ thống hiện vật và các hình ảnh trưng bày bổ sung. Cũng chình vì vậy mà các tài liệu, hiện vật trưng bày vẫn còn khuôn mẫu, tẻ nhạt, không phong phú như các bảo tàng. Do vậy, chưa thu hút được khách tham quan tới với di tích hoặc trở lại với di tích.

Nhu cầu tham quan, tìm hiểu của người dân, của các đối tượng tới các di tích hầu như chưa có; Cơ quan quản lý di tích cũng chưa có nhiều sáng kiến, đổi mới trong hoạt động về chuyên môn, tuyên truyền, thu hút khách tới với di tích. Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống tại các cơ quan, trường học chưa thường xuyên. Đối với việc tham quan của học sinh các trường còn hạn chế. Hầu hết các trường khi tổ chức đều chỉ có đại diện các em học sinh có thành tích, tiêu biểu của trường, lớp ở các khối; Nhà trường chưa có điều kiện đưa các lớp đến tham quan thực tế, do nhiều nguyên nhân về thời gian, về chương trình giảng dạy, về công tác tổ chức đi - về còn nhiều phức tạp, nhất là ở cấp học sinh Tiểu học.

            Để tăng cường quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử cách mạng, Thành uỷ, UBND thành phố Hà Nội cũng như quận ủy Hoàn Kiếm, UBND quận Hoàn Kiếm cần có sự đánh giá nghiêm túc về vị thế và tình hình quản lý các di tích này từ trước tới nay. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội cần có những đề xuất cụ thể về biện pháp quản lý phù hợp đối với các di tích lịch sử Cách mạng đáp ứng được yêu cầu đặt ra của xã hội. Cần xây dựng một cơ chế quản lý phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành và với cộng đồng cư dân nơi di tích tồn tại. Đặc biệt chú ý đến vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích:cộng đồng sẽ là sợi dây liên kết giữa di tích với các nhà quản lý, mọi hiện tượng vi phạm, gây tác hại đối với các di tích sẽ nhanh chóng bị phát hiện.

            Tiếp tục hoàn thiện việc lập hồ sơ khoa học cho các di tích lịch sử Cách mạng. Cần rà soát, bổ sung, chỉnh lý hồ sơ khoa học - pháp lý cho các di tích đã được lập từ trước tới nay; khảo sát, nghiên cứu, sưu tầm và bổ sung thông tin cho các hồ sơ này đồng thời trong quá trình này cũng cần thiết sưu tầm các hiện vật có liên quan trực tiếp đến di tích để làm cho di tích tăng thêm sự hấp dẫn đối với du khách. Đối  với những di tích đã bị thay đổi hoàn toàn thì phải tiến hành tư liệu hóa dưới dạng ghi chép thành văn bản, ghi âm, quay phim, chụp ảnh,  lấy lời kể của các nhân chứng.

            Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về ý nghĩa, giá trị của các di tích Cách mạng - kháng chiến bằng nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt chú ý tới các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, ngay tại các di tích cũng cần được giới thiệu thông qua các ấn phẩm xuất bản như sách, tờ rơi, đĩa CD. Sử dụng các biện pháp và hình thức phù hợp nhằm tạo sự hấp dẫn cho các di tích như hoàn thiện việc đặt bia, thay các biển di tích cũ bằng các tấm biển mới với chất liệu bền vững ở các di tích lịch sử cách mạng để cho nhân dân biết và quan tâm hơn nữa đến di tích; chú ý hơn nữa tới cảnh quan môi trường của di tích. Sự thu hút của di tích một phần quan trọng là do cảnh quan, không gian và sau đó là giá trị đích thực của nó. Do vậy cần thiết phải nghiên cứu và xây dựng một không gian, cảnh quan phù hợp vừa có tính khoa học vừa có tính nghệ thuật để tăng giá trị của di tích, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng khi đến với di tích.Nâng cao chất lượng, tinh thần thái độ phục vụ khách tham quan của các cán bộ quản lý di tích, đặc biệt cần chú ý nâng cao hơn nữa công tác thuyết minh, hướng dẫn tham quan tại các điểm di tích. Đây chính là yếu tố, là cầu nối quan trọng giữa di tích với khách tham quan, làm cho di tích sống động, hấp dẫn hơn bằng những thông tin quan trọng, bổ ích.

            Di tích lịch sử - Cách mạng kháng chiến chính là “bằng chứng sống” phản ánh sự kiện lịch sử quan trọng, các phong trào đấu tranh của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bảo tồn và phát huy các di tích cách mạng không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách tri ân của người dân Hoàn Kiếm với cha ông và thế hệ đi trước. Để tiếp tục phát huy giá trị các di tích Cách mạng cần có các biện pháp với sự định hướng của nhà nước nhưng không làm mờ nhạt vai trò chủ thể của cộng đồng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.    Ban Chấp hành Trung ương 5 khóa , Nghị quyết lần thứ 5 (1998), Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

2.    Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX (2004), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 về việc Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

3.    Ban Bí Thư TW Đảng (2006), Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 17/5/2006 về “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích cách mạng kháng chiến ở Hà Nội”, Hà Nội. 

4.                     Bộ Văn hóa - Thông tin (2001), Quyết định số 1706/2001/QĐ-BVHTT ngày 24 tháng 7 năm 2001 phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020.

5.                     Nguyễn Đăng Duy, Trịnh Thị Minh Đức (1993), Bảo tồn du tích lịch sử - văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

6.                     Trịnh Thị Minh Đức, Phạm Thu Hương (2007), Bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lí văn hóa