Nghiên cứu lý luận

Hát ru của một số dân tộc ở Thanh Hóa

02 Tháng Sáu 2016

Đỗ Thị Thu Phương [*]

 

            Trong cuộc đời của mỗi người con Việt Nam, Hát ru đã trở nên vô cùng thân thuộc và gần gũi. Ngay từ lúc mới chào đời, tâm hồn chúng ta đã được tắm trong dòng sữa ngọt ngào, mát trong của những bài hát ru. Đây là một loại hình văn nghệ dân gian, được lưu truyền rộng rãi từ đời này sang đời khác và có ảnh hưởng sâu đậm trong suốt cuộc đời của mỗi con người… 

Có thể thấy cũng như những tộc người khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng bào Kinh, Mường, Thái,... sống trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đều tạo dựng cho mình những sắc thái văn hóa vừa có những nét riêng nhưng vẫn hòa vào tổng thể chung làm nên những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Hát ru là một loại hình văn hóa như vậy. Từ lúc mới chào đời, trẻ thơ đã được nuôi dưỡng trong dòng sữa ngọt ngào và những lời hát ru đằm thắm “sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” của người mẹ hiền tần tảo sớm hôm để nuôi bé thơ khôn lớn, trưởng thành.

Hát ru ở Thanh Hóa thường tập trung ở hai loại hình là Hát ru con và Hát ru em. Hát ru con (thường do người mẹ, người bà hát ru) thường xuất hiện trong các bài dân ca của dân tộc Thái, Mường, Kinh...

Ngoài ra, ở Thanh Hóa do đặc điểm tự nhiên, địa bàn cư trú, phương thức sản xuất, tâm lý tính cách con người và âm điệu ngôn ngữ khác nhau của mỗi tộc người... mà sản sinh ra những điệu hát ru của riêng mình. Song mỗi dân tộc đều có những làn điệu và những lời hát ru dồi dào và phong phú.

1. Hát ru dân tộc Kinh

Hát ru của người Kinh ở Thanh Hóa thường phân theo từng vùng, miền. Có một số bài hát ru tại các vùng khác nhau như Hát khúc ở Tĩnh Gia, Ru hời tại huyện Hoằng Hóa hay Hò ru ngủ tại vùng ven sông Mã, ven biển...

Hát ru con của người Kinh tại Thanh Hóa có thể kể đến thể loại Hát Khúc Tĩnh Gia (là tên gọi khác của điệu hát ru vùng biển Lạch Bạng huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Có thể thấy Hát Khúc là một làn điệu hát ru độc đáo chỉ riêng Tĩnh Gia Thanh Hóa mới có. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì hát khúc Tĩnh Gia có tới vài trăm bài.

Ngoài ra, Hát ru của người Kinh ở Thanh Hóa còn có bài Ru hời (Huyện Hoằng Hóa - Thanh Hóa). Bài này cũng có ở Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng. Trong bản sưu tầm dân ca của ông Nguyễn Ngọc Oánh (Nhà xuất bản Âm nhạc Hà Nội 1960) đã ghi trích từ Ca trù. Vậy là Ru hời vốn là từ đồng bằng Bắc Bộ du nhập.

* Về thang âm, điệu thức

Thang âm điệu thức là thành tố quan trọng cấu thành nên một tác phẩm âm nhạc và thông qua đó chúng ta có thể nhận biết được đặc thù riêng của từng dân tộc trong tác phẩm đó. Theo định nghĩa trong cuốn Nhạc lý cơ bản của  V.A.Vakhơromêep: “Hệ thống âm nhạc được dùng làm cơ sở cho thực tiễn âm nhạc hiện đại là một dãy những âm thanh có tương quan nhất định với nhau về độ cao. Sự sắp xếp các âm của hệ thống theo độ cao được gọi là thang âm” [50, tr.17]. Cũng theo PGS. Tô Vũ thì “Âm nhạc truyền thống người Việt dùng thang 7 âm (ngũ cung thất thanh = 5 điệu 7 âm), nhưng trong thực tế dân ca người Việt, ta lại thấy hệ thang điệu 5 âm mới là phổ biến và lý do, như đã gợi ý, rất có thể là do vấn đề thanh điệu của ngôn ngữ tiếng Việt” [47, tr.62]. Nhạc sĩ Phạm Phúc Minh trong cuốn Tìm hiểu dân ca Việt Nam cho rằng: “Trong dân ca Việt Nam có rất nhiều kiểu gam - điệu thức, nhưng phổ biến nhất vẫn là 5 cung (ngũ cung)” [19, tr.89]. Có rất nhiều khái niệm về thang âm điệu thức, tuy nhiên chúng tôi thống nhất phân tích và sử dụng theo khái niệm trong cuốn Nhạc lý cơ bản của V.A.Vakhơromêep.Thang 5 âm là thang âm có cấu tạo gồm 5 âm (5 nốt). Trong hát ru dân tộc Kinh ở Thanh Hóa chủ yếu sử dụng điệu thức ngũ cung, trong đó sử dụng nhiều ở điệu thức Bắc và Nam.[cách gọi tên điệu thức Bắc và Nam theo sách Nhạc lý cơ bản của Đỗ Hải Lễ] [15, tr.98,99,100].

Sau đây là một số bài hát ru được viết ở thang âm 5 như bài Ru hời. Có thể thấy, bài ca này đã được kết hợp một cách tinh tế từ 2 dạng điệu thức Bắc và Nam, đan xen, lồng ghép với nhau từng câu, từng vế, thêm vào đó là nốt Si thêu càng tạo cho giai điệu thêm màu sắc duyên dáng mượt mà.

            - Điệu thức Bắc là dạng 5 âm: G - A - C - D – E

            - Điệu thức Nam là dạng 5 âm: G - A - C - D – F

Ngoài ra còn có bài Thương em viết theo làn điệu Hát khúc do nhạc sĩ Văn Hòe ký âm cũng được viết ở thang 5 âm: C – D – E – G – A. Còn được gọi là điệu thức Bắc.

* Về giai điệu

Bên cạnh thang âm điệu thức thì giai điệu, cấu trúc giai điệu cũng là một trong những thành tố quan trọng cấu thành nên màu sắc riêng biệt cho tác phẩm. Giai điệu của các bài hát ru dân tộc Kinh tại Thanh Hóa thường mang đặc điểm của không gian văn hóa.

*Về tiết tấu

Tiết tấu của các bài hát ru ở Thanh Hóa ảnh hưởng bởi nhịp điệu lao động công việc và nhịp sống của người dân xứ Thanh. Thật vậy bài hát Hò ru ngủ có nội dung mang tính chất vùng miền sông nước rõ nét nhất, điệu hò đặc trưng với nhịp điệu chắc nịch, khỏe khoắn như câu hát của những người dân đánh cá ở các làng chài.

Bài hát sử dụng các mô - tip đặc trưng xuyên suốt tạo nên nhịp kéo chài, kéo lưới đều đặn theo từng tiếng hò: 

Ngoài ra có thể thấy tiết tấu của thể loại Hát khúc (Tĩnh Gia - Thanh Hóa) có sử dụng loại tiết nhịp 3 phách tạo nên làn sóng đong đưa phù hợp với nhịp sóng nước vùng biển. Âm hình tiết tấu của hát khúc mở đầu bằng tiết tấu của thơ lục bát nhịp 2/4 sau chuyển sang âm hình tiết tấu nhịp 3/8.

* Về mặt nội dung lời ca

Nội dung lời ca trong bài Hò ru ngủ chủ yếu là tiếng “dố khoan, dố khoan” đều đặn. Từng lời ru tuy mạnh mẽ, nhịp nhàng nhưng vẫn ngọt ngào, dịu dàng tình cảm.

Ngoài ra, nội dung lời ca đặc sắc của hát ru dân tộc Kinh ở Thanh Hóa còn thể hiện qua bài Ru hời. Bài hát có nội dung ca ngợi tình nghĩa vợ chồng, cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ, chia ngọt sẻ bùi thấm nhuần tình cảm về giá trị đạo đức giữa người với người.

            Mặt khác, các bài hát khúc thường mang chất kể lể tình duyên, than thân, trách phận hoặc mơ ước tình duyên lứa đôi hạnh phúc mà người ru muốn thông qua đối tượng là con hoặc cháu để gửi gắm lòng mình.

2. Hát ru dân tộc Mường

Theo những nghệ nhân hát ru Mường thì hát ru có 4 làn điệu: u hạy, dạ ơi dạ óm, ru ngày, ru đêm. Người Mường ru con ban ngày một làn điệu khác và ru đêm bằng một làn điệu khác, còn làn điệu u hạy và dạ ơi dạ óm, họ thường dùng cả ban ngày lẫn ban đêm. Các làn điệu ru đều nhẹ nhàng, trữ tình, khoan thai, trìu mến và được thể hiện bằng những giai điệu mượt mà, uyển chuyển. Lời ca trong hát ru mộc mạc, ngôn ngữ gần với đời thường, thể hiện ước mơ, mong muốn, hy vọng đứa con khi lớn lên sẽ có ích cho xã hội, cho cộng đồng. [8]

Hát ru của dân tộc Mường còn gọi là ru ún, ru ún là loại hát ru con, hấp dẫn và đặc sắc bởi những âm điệu cũng như tiết tấu cùng lời ca độc đáo, đậm chất thi ca.

 “Ru ún” của dân tộc Mường cũng lại có 3 loại. Loại ru con ban ngày (mang tính chất kể cho con nghe). Loại ru con ban đêm (tiếng ru vang vọng, đánh thức, không chỉ hát ru con mà còn nhằm kể cho mọi người biết những điều nên làm hoặc không nên làm). Đặc biệt đã ru ngày thì kiêng ru đêm và ngược lại, đây là một điều kiêng kị của hát ru dân tộc Mường. Và loại ru con không những hát vào lúc ru mà hát lúc thường gọi là ru kể.

*Về đặc điểm thang âm, điệu thức

Cũng giống như các bài hát ru của dân tộc Kinh, hát ru dân tộc Mường tại Thanh Hóa chủ yếu sử dụng các thang âm 5. Ví dụ bài Hát ru em (Dân ca Mường – Thạch Thành – Thanh Hóa) được viết ở thang âm 5 và ở điệu thức Nam:

A - C - D - E - G

Ngoài ra, còn có bài Ru em (Dân ca Mường - Thanh Hóa) cũng được viết ở thang âm 5, điệu thức Nam: D - F - G - A - C

7

Tuy nhiên, ngoài những bài được viết ở thang âm 5 thì cũng có bài chỉ dùng thang âm 4 như trong bài Ru con (Dân ca Mường – Thanh Hóa). Bài hát được viết ở thang âm 4 và điệu thức Bắc: D - E - G – A.

Bên cạnh đó, bài Hát ru (Theo trường ca Nàng Ờm - Dân ca Mường Thanh Hóa) cũng được viết ở thang âm 4: D - F - G - A

* Về giai điệu

Các bài hát ru của người Mường thường dài, có giai điệu đều đều và rất khó hát cao giọng, hát to. Chỉ nhẹ nhàng vừa để dỗ dành cho em bé ngủ. Giai điệu thường êm dịu và man mác buồn, nội dung lời ru như vẽ ra các hình ảnh, sự việc sống động, kể một câu chuyện hay, để cho các bé thả hồn mình vào đó và giai điệu hát miên man dần dẫn em vào giấc ngủ.

* Về tiết tấu

Các bài hát ru dân tộc Mường mang tính vần, điệu: Gieo vần, luyến láy, chơi chữ có nhạc điệu, có thể vừa nói, vừa hát được. Cụ thể như bài hát ru Hát ru em (Dân ca Mường – Thạch Thành – Thanh Hóa) sau đây sử dụng lối nói vần:

Đập bông bông... bông

Đập bông bưởi... bưởi

 Trái bưởi vàng... vàng

       Vàng như chim cu Cườm ...

Ngoài ra còn có bài Ru em (Dân ca Mường – Thanh Hóa) cũng có tiết tấu mang tính vần, điệu như thế.

* Về mặt nội dung lời ca

 Qua sưu tầm và tìm hiểu theo quan điểm cá nhân có thể phân loại nội dung các bài hát ru của người Mường phổ biến có các loại sau:

Loại thứ nhất là loại mang tính thống kê, tư duy nhảy cóc. Phần nhiều nội dung các bài hát ru Mường được tác giả dân gian sáng tạo theo lối tư duy nhảy cóc từ vấn đề này sang vấn đề khác, mang tính thống kê, điểm sự vật, sự việc.

Loại thứ hai của hát ru con Mường là một số lời ru, lời đồng dao thường gắn với một câu chuyện kể dân gian. Bên cạnh đó, những bài hát ru còn khuyên nhủ trong mối quan hệ anh em ứng xử phải yêu thương lẫn nhau.

Còn loại thứ ba là ru con bất cứ lúc nào thường mượn lời trong ca dao để giãi bày ý nghĩ, tình cảm nào đó để mọi người hiểu “bầu tâm sự” của người hát.

3. Hát ru dân tộc Thái

Một số bài hát ru của dân tộc Thái tại tỉnh Thanh Hóa như: Hát ru con; Ru em; Ru con...

* Về thang âm điệu thức

 Có thể thấy các bài hát ru Thái cũng được viết ở thang âm 5 như các dân tộc khác. Ví dụ như bài hát Ru con (Dân ca Thái – Quan Hóa – Thanh Hóa) được viết ở thang âm 5: D – E – G – A – H

Ngoài thang âm 5 thường xuyên được sử dụng, hát ru dân tộc Thái còn sử dụng thang âm 4 như bài Ru con (Dân ca Thái – Như Thanh – Thanh Hóa). Bài hát được viết ở thang âm 4 là điệu thức Nam: D - F - G – A

* Về âm hình tiết tấu, giai điệu

Các bài hát ru Thái thường có giai điệu mượt mà, tiết tấu khoan thai dễ dàng dỗ ngủ đứa trẻ. Giai điệu thường sử dụng một số nốt chính và được nhắc đi nhắc lại âm hình tiết tấu giống nhau ở các câu có thay đổi. Ngoài ra giai điệu chủ yếu được tiến hành liền bậc, các nốt có âm vực liền nhau tạo cảm giác dễ hát và giai điệu ngân nga, dễ ru ngủ hơn. Nhịp điệu của các bài hát ru dân tộc Thái đều là chậm vừa phải và âu yếm, thể hiện tính chất âm nhạc đặc trưng trong cách hát ru của dân tộc Thái ở Thanh Hóa.

* Về nội dung lời ca

Giống như hát ru của nhiều dân tộc khác, hát ru dân tộc Thái là những lời ca mượt mà, sâu lắng, câu từ giản dị, dễ hiểu, giai điệu nhẹ nhàng. Hát ru chủ yếu là người mẹ, mượn giai điệu nhẹ nhàng, câu hát ngân nga, êm ái để con thơ lắng nghe và đi vào giấc ngủ. Nội dung mỗi bài hát đề cập đến đều rất thực tế, gần gũi với cuộc sống thường ngày nhưng thể hiện tình yêu và sự bao dung của người mẹ hết lòng vì con.

              Tóm lại, hát ru có tầm quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục nhân cách con người, tuy nhiên việc dạy học, lưu giữ chưa được chú trọng, chính vì thế cần có các biện pháp thích hợp để bảo tồn, giữ gìn và phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc nói chung và hát ru các dân tộc ở tỉnh Thanh Hóa nói riêng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ngọc Huấn (2014), “Thạch Thành chú trọng bảo tồn hát ru dân tộc Mường”, Báo Văn Hóa và đời sống Thanh Hóa, (số 9/2014)
  2. Đỗ Hải Lễ (2001), Lý thuyết cơ bản về âm nhạc, Trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa TW, Hà Nội.
  3. Phạm Phúc Minh (1994), Tìm hiểu dân ca Việt Nam, Nxb Âm nhạc, Hà   Nội.
  4. Tô Vũ (2002), Âm nhạc Việt Nam truyền thống và hiện đại, Viện Âm nhạc, Hà Nội.
  5. V.A.Vakhơromêep (1985), Nhạc lý cơ bản, Nguyễn Xinh dịch và chú giải, Nhạc viện Hà Nội.

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k4 – Chuyên ngành Lí luận và phương pháp dạy học Âm nhạc