Nghiên cứu lý luận

Giá trị tiêu biểu lễ hội truyền thống đền thờ vua Lê Thái Tổ xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh

02 Tháng Sáu 2016

            Lê Thị Phương Anh [*]

 

Hàng năm, cứ đến ngày 21,22/8 âm lịch, nhân dân và du khách thập phương lại tụ hội về xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ để dự Lễ hội đền thờ Vua Lê Thái Tổ. Nhân vật thờ phụng của lễ hội chính là đức vua Cao Thái Tổ Hoàng đế Lê Lợi, vị vua có tài năng, đức độ và đặc biệt là công lao hiển hách chống giặc ngoại xâm phương Bắc

 

Rước kiệu trong ngày Lễ hội (Nguồn: st)

 

   Lễ hội truyền thống với tư cách là di sản văn hoá phi vật thể, là kho tàng văn hoá dân tộc đã có giá trị to lớn trong đời sống xã hội hiện đại, đồng thời có vai trò to lớn trong việc cố kết cộng đồng dân tộc tạo nên nền tảng vững chắc của tinh thần đoàn kết toàn dân, hướng con người tới giá trị đạo đức giá trị nhân văn, vươn tới các giá trị chân - thiện - mỹ, giúp con người giải toả căng thẳng mệt nhọc, bế tắc khô cứng trong cuộc sống thường ngày. Lễ hội truyền thống còn góp phần bảo tồn lưu giữ trao truyền các giá trị văn hoá dân tộc. Với kinh tế du lịch, lễ hội là nguồn tài nguyên vô giá cho ngành du lịch khai thác, phát triển. 

Đền thờ Lê Thái Tổ ở xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ cũng như nhiều ngôi đền khác ở Việt Nam, cũng gắn liền với những huyền thoại , truyền thuyết, phản ánh một giai đoạn phát triển lịch sử của dân tộc. Những truyền thuyết đó đã làm nên sự linh thiêng của các di tích, những di tích này là những cuốn sử lộ thiên mà người không biết chữ cũng đọc được, để tưởng tượng, để tái hiện những chiến công anh hùng của dân tộc, để giáo dục thường xuyên những bài học đoàn kết yêu nước, chống giặc ngoại xâm. Đền thờ là nơi duy nhất ở tỉnh Quảng Ninh thờ thần chủ là đức vua Lê Lợi và có Lễ hội truyền thống độc đáo với nhiều giá trị tiêu biểu.

            Về giá trị giáo dục

 Việc tổ chức và tham gia lễ hội giúp cân bằng đời sống tâm linh. Trong lễ hội truyền thống, không thể không có nghi lễ thờ cúng thần linh. Đây là yếu tố hàng đầu, là linh hồn, là nguồn cảm hứng xuyên suốt lễ hội . Lễ hội nào cũng gắn với việc thờ cúng một vị thần, một danh nhân văn hóa hay một anh hùng có công dựng nước và giữ nước đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ cộng đồng dân cư, hoặc khai hoang lập ấp. Nghi lễ thờ cúng thần linh, thành hoàng là bày tỏ lòng tôn kính đối với những công lao to lớn của họ, đồng thời cũng làm thoả mãn nhu cầu về đời sống tâm linh của con người nên thông qua Lễ hội giá trị giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn rất đậm nét đối với Lễ hội nói chung và Lễ hội đền thờ Vua Lê Thái Tổ, huyện Hoành Bồ nói riêng.

            Về giá trị cố kết cộng đồng

Trước hết, lễ hội đã tạo sự gắn kết, biểu dương sức mạnh cộng đồng, thể hiện mối quan hệ giao tiếp ứng xử giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cộng đồng. Lễ hội đền thờ Vua Lê Thái tổ xã Lê Lợi hàm chứa một tâm tưởng vừa kín đáo, vừa sâu xa, vừa lan tỏa bao trùm, là sự thờ cúng các vị thành hoàng làng. Hình ảnh thánh thần là hội tụ của những phẩm chất cao đẹp và thiêng liêng mà cả cộng đồng địa phương có Lễ hội hướng tới. Hội làng tập hợp mọi thành viên có chung một khát vọng sống, một niềm tin gắn bó thành một khối để biểu dương và minh chứng cho uy quyền của mình và cộng đồng và mỗi thành viên bằng thái độ hưởng ứng và tinh thần tham dự đã bày tỏ tình cảm và trách nhiệm của mình với cộng đồng. Lễ hội cũng là nơi thu hút toàn bộ các hoạt động văn hóa - nghệ thuật - thể thao và các trò vui chơi của cộng đồng làng xã. Do đó, vào những ngày hội cũng là dịp để cả cộng đồng làng ấy gồm tất cả các thành viên trong làng từ già trẻ, trai gái, lớn bé, ai nấy cùng nhau làm những việc để tổ chức hội, cùng nhau hưởng thụ và vui chơi. Chính vì thế, lễ hội là dịp biểu dương sức mạnh của cả cộng đồng và là chất kết dính tạo nên sự gắn kết cộng đồng. Sự gắn kết cộng đồng này cũng chính là nhu cầu của cộng đồng trong sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hoá mà lễ hội là môi trường quan trọng tạo nên sức mạnh đó.

Lễ hội đền thờ Vua Lê Thái Tổ là của cộng đồng người dân xã Lê Lợi, mà rộng hơn là của người dân huyện Hoành Bồ và chính lễ hội là dịp biểu dương sức mạnh của cộng đồng và là chất kết dính  tạo nên sự cố kết cộng đồng thông qua mọi khâu tổ chức của lễ hội như chuẩn bị Lễ hội, góp hội, các trò chơi dân gian truyền thống có tính tập thể cao, các tích trò diễn lại sự việc, công trạng của người được thờ… Đến với lễ hội mọi người bình đẳng với nhau, giàu cũng như nghèo, trẻ cùng già vui chơi, đoàn kết .

Ngày nay, trong điều kiện xã hội hiện đại, con người càng ngày càng khẳng định “cái cá nhân”, “cá tính” của mình thì không vì thế cái “cộng đồng” bị phá vỡ, mà nó chỉ biến đổi các sắc thái và phạm vi, con người vẫn phải nương tựa vào cộng đồng, có nhu cầu cố kết cộng đồng. Trong điều kiện như vậy, lễ hội vẫn giữ nguyên giá trị biểu tượng của sức mạnh cộng đồng và tạo nên sự cố kêt cộng đồng ấy.

            Về giá trị lịch sử

Trong nhịp sống xã hội hiện đại ngày nay, con người ngày càng bị xa rời với điều kiện tự nhiên, môi trường và lịch sử xa xưa. Vì vậy, lễ hội đền thờ Vua Lê Thái Tổ không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh mà còn là cầu nối giữa con người ở xã hội đương đại và cội nguồn của mình. Con người được tham gia lễ hội như được trở về với những kí ức lịch sử thiêng liêng, ở nơi đó có vị thần hoàng làng đang theo dõi và che chở cho họ. Lễ hội được tổ chức hàng năm để cầu khấn thành hoàng làng – Đức vua Lê Lợi bảo trợ của cộng đồng, đồng thời để tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân của người dân địa phương với công đức của đức vua Lê Lợi  đối với đất nước. Tài năng và đức độ của Vua Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc Minh xâm lược tàn ác, giữ vững non song, bờ cõi Đại Việt. Giành được giang sơn,  người điều hành đất nước phát triển phồn thịnh, nhân dân ấm no, các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo.

Tổ chức Lễ hội cũng là một dịp quan trọng để nhắc lại đời đời con cháu mai sau về một vị vua có nhiều công lao với dân với nước; là biểu tượng bất khuất kiên cường trước giặc xâm lăng phương Bắc. Lễ hội được tổ chức tại di tích, ngay trong khuôn viên đền thờ có cảnh quan rất đẹp, luôn là điểm đến mang đầy ý nghĩa lịch sử đối với khách du lịch, đặc biệt là những đoàn khách học sinh trong và ngoài huyện đến tham quan tìm hiểu về lịch sử của ngôi đền này. Lễ hội được duy trì cũng nhằm mục đích giáo dục lòng kính trọng của thế hệ trẻ đối với các bậc tiền nhân có công với đất nước và khơi dậy truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước.

Như vậy, lễ hội truyền thống đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục truyền thống lịch sử qua những nghi lễ mang tính “Uống nước nhớ nguồn”. Thông qua các hoạt động của lễ hội, người dân hiểu rõ hơn về đức Vua Lê Lợi cùng hai cận thần là Nguyễn Trãi, Lê Lai cùng được phối thờ trong đền và từ đó họ hiểu và biết đến cội nguồn của cộng đồng. Mặt khác, những nghi thức tế lễ trong lễ hội cũng chính là cách bày tỏ lòng biết ơn thành kính và ghi nhớ công lao che chở, phù hộ dân làng của các vị thần được thờ, điều này góp phần vào việc giáo dục con người hôm nay về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.

            Về giá trị văn hóa - Nghệ thuật

Lễ hội là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và lịch sử, là thời điểm mạnh của hoạt động văn hóa cộng đồng, tập hợp tinh hoa trong các sáng tạo các loại hình nghệ thuật. Màu sắc, âm thanh, mùi vị, động thái của sức sống cộng đồng tràn ngập khắp không gian làng quê. Nghệ thuật ngôn từ, âm nhạc và nhảy múa, sân khấu… các trò chơi dân gian, thành quả lao động được phô diễn và dâng lên trước thần linh. Mỗi dịp lễ hội diễn ra, người dân lại cùng nhau tập luyện các môn thể thao, các điệu múa, cách dâng hương, các tiết mục văn nghệ quần chúng… để rồi khi lễ hội diễn ra cũng là lúc người dân được sống trong không khí nhộn nhịp, vui tươi, đầy màu sắc. Lễ hội  thờ Vua Lê Thái Tổ được tổ chức cho thấy: Màn tế lễ với quần áo xanh đỏ; múa dâng hương, dâng hoa; màn hát chèo cổ, hát giao duyên; cùng quần áo mớ ba, mớ bẩy của các mẹ, các chị tham gia các trò chơi dân gian truyền thống tạo nên một sắc màu rực rỡ. 

Bên cạnh đó, lễ hội đền thờ Vua Lê Thái Tổ cũng thể hiện sự sáng tạo và hưởng thụ văn hoá của mỗi người dân, đồng thời thông qua lễ hội, những sáng tạo văn hoá ấy được bảo tồn và trao truyền cho thế hệ sau. Những ngày hội, mọi người dân được hóa thân, nhập cuộc, vừa tham gia sáng tạo, lại vừa hưởng thụ những phong tục, nghi lễ, những sinh hoạt văn hóa văn nghệ, nghệ thuật dân gian. Và mỗi lần, mỗi người dân, khi tham gia vào các nghi lễ, các trò chơi ngày hội, đã bảo lưu, làm giàu và phát huy những giá trị văn hoá đó trong môi trường lễ hội. Chính vì vậy, trải qua bao thế hệ nhưng những giá trị văn hoá tiêu biểu như: những nghi thức; những trò chơi: kéo co, cờ người, chọi gà, têm trầu... đến nay vẫn được duy trì trong lễ hội truyền thống đền thờ Vua Lê Thái Tổ xã Lê Lợi

            Về giá trị bảo tồn và trao truyền văn hóa

Lễ hội dân gian truyền thống đền thờ Vua Lê Thái Tổ là tấm gương phản chiếu đời sống văn hóa của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện bởi cuộc sống của người dân địa phương Lê Lợi, Hoành Bồ nói riêng và con người Việt Nam nói chung không phải lúc nào cũng là ngày hội, mà trong chu kỳ một năm, với bao ngày tháng nhọc nhằn, vất vả, lo âu, cuộc sống nơi thôn quê vốn tĩnh lặng ấy vang dậy tiếng trống chiêng, người người tụ hội nơi đình chùa mở hội. Nơi đó, con người hoá thân thành văn hoá, văn hoá làm biến đổi con người, một “bảo tàng sống” về văn hoá dân tộc được hồi sinh, sáng tạo và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có nhà nghiên cứu văn hóa từng nói: làng xã Việt Nam là cái nôi hình thành, bảo tồn, sản sinh văn hoá truyền thống của dân tộc nhất là trong hoàn cảnh bị xâm lược và đồng hoá. Trong cái làng xã nghèo nàn ấy, ngôi đình mái chùa, đền và cùng với nó là lễ hội với “xuân thu nhị kỳ” chính là tâm điểm của cái nôi văn hoá đó. Không có làng xã Việt Nam thì cũng không có văn hoá Việt Nam. Điều này rất quan trọng trong điều kiện xã hội công nghiệp hoá, hiện đại hoá và toàn cầu hoá hiện nay, khi mà sự nghiệp bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hoá truyền thống dân tộc trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, thì làng xã và lễ hội Việt Nam nói chung và Lễ hội đền thờ Vua Lê Thái Tổ nói riêng cùng cộng đồng dân cư ở đó lại gánh một phần trách nhiệm là nơi bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

            Về giá trị văn hóa dân gian

Lễ hội là nơi thể hiện nhiều nét đẹp của lễ nghi, trình diễn và ca múa của cư dân. Ở Lễ hội đền thờ Vua Lê Thái Tổ có trình diễn tích truyện Đức Vua Lê Lợi đi thị sát vùng đất xã Lê Lợi xưa kia. Các giá trị văn hóa dân gian nói về thần tích – thần sắc của ngôi đền thờ; về nghị lễ rước kiệu đức Vua Lê Lợi quanh làng … là những giá trị văn hóa dân gian cần được lữu giữ và bảo tồn.

            Về giá trị thẩm mĩ

Lễ hội nói chung không chỉ thể hiện cái đẹp của con người, lễ hội còn là nơi thể hiện khả năng thẩm mỹ của cộng đồng. Theo trình tự, trước khi vào hội thì mỗi nhà, mỗi làng đều phải được dọn dẹp sạch sẽ và thoáng mát; từ các cột; nóc nhà đến các đồ vật trong nhà để đón sự may mắn của Lễ hội khi kiệu rước qua ngõ. Đặc biệt, trung tâm tổ chức lễ hội phải là nơi cao ráo và đẹp, có hài hòa giữa cảnh trí với quần thể di tích; sông suối – núi non hòa quyện với nhau tạo nên một không gian vừa linh thiên, trang nghiêm và hữu tình. Tất cả nhà cửa, đồ dùng trong nhà – ngoài sân được dọn dẹp quang đãng, sạch đẹp để chờ vào lễ hội. Và Lễ hội đền thờ Vua Lê Thái Tổ cũng không nằm ngoại ngoại lệ đó.

Lễ hội đền thờ Vua Lê Thái Tổ được chuẩn bị chu đáo, cẩn thận và đẹp ở mức cao nhất. Từ việc chỉnh trang nhà đền, bao sái tượng, là lượt quần áo, chuẩn bị lễ vật… Tất cả đều thể hiện khiếu thẩm mỹ của nhân dân làm nơi thờ cúng vừa tôn nghiêm, trang trọng, vừa đẹp mắt. Khi lễ hội bắt đầu, dân làng đua nhau chuẩn bị các lễ vật như xôi, oản, gà, hoa quả, đầu lợn, bánh gai… Những lễ vật này được trình bày có nghệ thuật, theo một chủ ý nhất định. Vào trong lễ hội, thành phần tham gia rất tự do, ăn nói, cử chỉ rất bình dị, không phô trương cầu kỳ. Họ tham gia với sự thân thiện, hào hứng và phấn chấn. Như vậy, lễ hội và khiếu thẩm mỹ của nhân dân có quan hệ với nhau. Nếu có thẩm mỹ của nhân dân, lễ hội mới là một lễ hội thật sự.

            Tóm lại, Lễ hội đền thờ Vua Lê Thái Tổ xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ với những giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng ... không chỉ có ảnh hưởng tích cực tới đời sống tinh thần của người dân xã Lê Lợi mà còn có sức ảnh hưởng nhân dân, du khách thập phương ngoài huyện, nhất là trong bối cảnh mới hiện nay.

 

  TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Trần Lâm Biền (2001), Trang trí mỹ thuật truyền thống của người Việt, Nxb Văn hoá dân tộc, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật.

2.  Đoàn Văn Chúc (1997), Văn hoá học, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

3. Phan Hữu Dật (1992), Văn hóa lễ hội các dân tộc ở Đông Nam Á, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

4. Diêm Thị Đường (1998), ‘‘Bảo tồn và phát huy giá trị danh nhân văn hoá truyền thống Việt Nam’’, Viện văn hoá, Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội.

5. Đinh Gia Khánh (1989), Văn hoá dân gian - Những lĩnh vực nghiên cứu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

6. Đinh Gia Khánh (1985), Ý nghĩa xã hội và văn hoá của hội lễ dân gian, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

7. Đinh Gia Khánh, Lê Hữu Tầng (chủ biên) (1993), ‘‘Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại’’,Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

8. Thu Linh (1982), “Hội - Một hình thức sinh hoạt văn hoá truyền thống”, Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, Hà Nội.

9. Từ Thị Loan (2012),Một số mô hình tổ chức quản lý Lễ hội truyền thống, Tạp chí VHNT số 340.

10. Nguyễn Thị Mỹ Liêm (2004), “Bảo tồn và phát huy” hay “kế thừa và phát triển” văn hoá dân tộc trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, in trong cuốn kỷ yếu hội thảo "60 năm đề cương văn hoá Việt Nam (1943-2003)"

11. Nguyễn Quang Lê (1992), “Một số suy nghĩ về nguồn gốc và bản chất của lễ hội cổ truyền dân tộc”, Tạp chí Văn hoá dân gian.

12. Thu Linh – Đặng Văn Long (1984),  “Lễ hội truyền thống và hiện đại”, Nxb Văn hóa, Hà Nội.

13. Hoàng Lương (2002), “Lễ hội truyền thống của các dân tộc Việt Nam khu vực phía Bắc”, Nxb Chính trị Quốc gia.

14. Lê Thị Tuyết Mai (2006), “Du lịch lễ hội Việt Nam”, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội.

15. Hoàng Nam (2004), “Văn hoá Đông Bắc”, Đại học Văn hoá Hà Nội.

16. Mai Phương (2010), Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội, tạo nguồn lực phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch, Tạp chí Cộng sản.

17. Thi Sảnh, “Quảng Ninh Miền đất những trầm tích”, Nxb Thế giới, Hà Nội.Thần tích – Thần sắc Đền thờ Vua Lê Thái Tổ

18. Bùi Hoài Sơn (2011), ‘‘Di sản cho ai và câu chuyện bảo tồn lễ hội truyền thống ở Việt Nam’’, Viện văn hóa nghệ thuật dân gian.

19. Dương Văn Sáu (2004), ‘‘Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch’,Trường Đại học Văn hoá Hà Nội.

20. Nguyễn Đức Tý (2007), “Lễ hội Quảng Ninh”, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ninh.

 

 

 

____________________________

[*] Lớp Cao học k2 – Chuyên ngành Quản lí văn hóa